Em hãy phân tích hình ảnh con cò trong bài thơ Con cò của Chế Lan Viên

  • 1 Đánh giá

Đề bài: Phân tích hình ảnh con cò trong bài thơ Con cò của Chế Lan Viên

Bài làm:

Hình ảnh “Con cò” từ lâu đã đi vào đời sống của người nông dân Việt Nam qua những câu ca dao, dân ca. Nó như một biểu tượng về người dân lao động, đặc biệt là người phụ nữ - người mẹ cả một đời vất vả, hi sinh vì đứa con. Cảm nhận từ tình mẹ thiêng liêng ấy tác giả Chế Lan Viên đã mượn chất liệu là những bài ca dao, dân ca Việt Nam để dệt nên bài thơ Con cò ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng và nỗi nhọc nhằn nuôi con khôn lớn của người phụ nữ, người mẹ. Bài thơ đã trở thành một trong những tác phẩm tiêu biểu viết về tình mẹ.

Hình ảnh con cò được hiện lên một cách nhẹ nhàng, êm ái và du dương qua những câu thơ đầu tiên như ru em bé đang nằm trong vòng tay mẹ vào một giấc ngủ say.

"Con còn bế trên tay
Con chưa biết con cò
Nhưng trong lời mẹ hát
Có cánh cò đang bay:
“Con cò bay la
Con cò bay lả
Con cò cổng phủ,
Con cò Đồng Đăng...”
Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn,
Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ.
“Con cò ăn đêm,
Con cò xa tổ,
Cò gặp cành mềm,
Cò sợ xáo măng...”

Đúng là đứa trẻ còn quá bé nhỏ để có thể hiểu được thế nào là con cò, con vạc, thế nhưng ngay từ giấc ngủ đầu nôi, người mẹ đã nhẹ nhàng đem cánh cò đến với con bằng lời ru dịu dàng, nồng ấm. Ở đây, nhà thơ chỉ dùng lại vài từ trong mỗi câu ca dao xưa vừa gợi lại lời ru vừa gợi lại ít nhiều sự phong phú trong ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh con cò. Trong câu hát ru có hình ảnh quê hương, có cánh đồng cò bay thẳng cánh “con cò bay la,..... bay lả”, bay từ “cổng phủ” cho đến “Đồng Đăng”. Con cò ung dung bay lượn một cách tự do trên khắp mọi nẻo quê hương, trở thành biểu tượng gắn bó với làng quê Việt Nam. Có hình ảnh những cuộc đời lam lũ, tảo tần một nắng hai sương nuôi con khôn lớn, có những số phận đắng cay tủi nhục và có cả tình yêu thương bao la, những vỗ về âu yếm mẹ luôn dành cho con.Đó là hình ảnh cò phải “xa tổ”, phải đi “ăn đêm”, sợ gặp “cành mềm”, sợ bị “xáo măng” lẻ loi một mình đi kiếm mồi trong đêm tăm tối có muôn vàn cạm bẫy đang chực chờ phía trước nhưng vẫn kiên cường vượt qua để âm thầm nuôi con khôn lớn. Mặc dù người mẹ biết con mình còn quá bé bỏng trước cuộc đời. Nhưng mẹ vẫn hát cho con nghe để con có được tình yêu thương đối với quê hương, đất nước, hiểu được tình thương bao la mà mẹ dành cho con. Đây chính là sự khởi đầu con đường đi vào thế giới tâm hồn con người của những lời ru, của ca dao dân ca. Ở tuổi nằm nôi, đứa trẻ chưa thể hiểu và cũng chưa cần hiểu nội dung ý nghĩa của những lời ru nhưng chúng cảm nhận được sự vỗ về, âu yếm trong âm điệu ngọt ngào, êm dịu. Chúng đón nhận tình yêu thương, che chở của người mẹ bằng trực giác. Bên cạnh đó, mẹ muốn con hãy yên tâm trước cuộc đời, vì đã có mẹ ở bên chở che: “Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân”. Đọc đến đây, ta càng cảm động trước tình mẹ bao la, sâu sắc, vỗ về, chở che ta từ khi còn tấm bé. Để rồi, khi ta từng bước trưởng thành, vẫn có mẹ bên cạnh sẻ chia.

Cánh cò trong lời ru của mẹ dường như đã trở thành người bạn tuổi ấu thơ,theo cùng con trên mỗi chặng đường đi tới, thành bạn đồng hành của con trong suốt cuộc đời:

“Ngủ yên! Ngủ yên! Ngủ yên!
Cho cò trắng đến làm quen
Cò đứng ở quanh nôi
Rồi cò vào trong tổ
Con ngủ yên thì cò cũng ngủ
Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi.
Mai khôn lớn con theo cò đi học
Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân
Lớn lên! Lớn lên! Lớn lên!
Con làm gì?
Con làm thi sĩ!
Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
Trước hiên nhà và trong hơi mát câu văn.”

Trong đoạn thơ này, tác giả đã sử dụng rộng rãi biện pháp nhân hóa, hình tượng con cò đã trở thành người bạn của con. Cánh cò từ trong lời ru của mẹ đã đi dần vào tiềm thức của tuổi thơ, trở nên gần gũi, thân thiết, và sẽ theo con trong suốt cuộc đời, trên mỗi chặng đường. Khi con còn thơ bé có “cò trắng đến làm quen/ Cò đứng ở quanh nôi/Rồi cò vào trong tổ/Con ngủ yên thì cò cũng ngủ/Cánh của cò hai đứa đắp chung đôi”. Con cò như một người bạn thân thiết, gần gũi bên con suốt những năm tháng ấu thơ. Cò ở bên con, trò chuyện, cùng vui đùa, cùng ngủ, cùng chơi, cùng con khôn lớn. Hình ảnh con cò hiện lên trong trí tưởng tượng của tác giả hay chính là sự phân thân của hình ảnh người mẹ. Trong những năm tháng ấu thơ mẹ lúc nào cũng ở bên con làm bạn, vừa chăm sóc, vỗ về, vừa dõi theo sự trưởng thành của con. Khi con lớn, đến tuổi tới trường “con theo cò đi học/ Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân”. Buổi ban đầu chập chững bước vào cuộc đời, đứa trẻ cần lắm đôi tay dìu dắt của mẹ. Thế nhưng, người mẹ sẽ không dìu dắt con mãi mãi, mà theo năm tháng, mẹ tập cho con tự bước đi trên đôi chân chính mình. Có thể thấy: ban đầu, thì cò dắt con đi học. Nhưng dần dà, cánh trắng cò chỉ bay theo gót chân con. Khi con đến giai đoạn niên thiếu, tình thương của mẹ dành cho con đã có cách thể hiện khác. Mẹ không còn nâng niu con nữa, mà chỉ đồng hành bên con, dõi theo mỗi bước chân con. Mẹ muốn con tự đi trong cuộc đời bằng đôi chân của chính mình. Vì chỉ có thế, bước chân con mới vững chãi, không sợ bị vấp ngã. Ta cảm nhận được tình mẹ vừa sâu sắc, lại vừa phong phú, cách thể hiện đa dạng. Một lần nữa, ta hiểu thêm về mẹ, chợt nhận hối hận ra ta cũng đã có lúc hiểu lầm về mẹ. Rồi con trưởng thành “Con làm gì?”, con đi đâu, ở đâu, lại có “Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ/Trước hiên nhà/Và trong hơi mát câu văn..”

Cánh cò và tuổi thơ, cánh cò và cuộc đời con người, cánh cò và tình mẹ, rõ ràng đến đây đã có sự quyện hòa, quấn quýt khó phân biệt. Cái sắc trắng phau phau của cánh cò, cái dịu dàng, êm ả của cánh cò bay lả, bay la cứ như thế dập dìu,gắn kết đi cùng con người trên mỗi bước đường lớn khôn trưởng thành. Cánh cò bay theo gót chân con tung tăng đến lớp, rồi cánh cò lại che chở đem hơi mát vào câu thơ, lời văn con mới viết. Cánh cò cứ bay hoài, bay mãi mải miết không bao giờ ngừng nghỉ.Cánh cò đồng hành với con, song hành cùng con.

“Dù được gần con
Dù ở xa con
Lên rừng, xuống bể
Cò sẽ tìm con
Cò mãi yêu con
Con dù lớn, vẫn là con của mẹ
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn yêu con.”

Phải chăng đây cũng chính là lời tự sự của tất cả những người mẹ có con cái đã trưởng thành, có khung trời và lối đi riêng? Cho dù bất cứ nơi đâu, bất cứ hoàn cảnh nào, mẹ vẫn dang rộng vòng tay yêu thương, vẫn là bến bờ, là điểm tựa cho con bởi:” con dù lớn vẫn là con của mẹ”. Thế nên “đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”. Có biết bao nhiêu thứ tình cảm trên đời, nhưng có tình nào bao la, sâu sắc và vô tận như tình mẹ dành cho con. Đối với mẹ thì bao giờ con cũng bé bỏng, mẹ phải dõi theo từng bước con đi, sẵn sàng hi sinh cả cuộc đời cho con. Còn con, dù có thể thành công hay thất bại, dù có thể thành vĩ nhân,thành anh hùng hay chỉ là một người bình thường thì con vẫn luôn cần có mẹ nâng đỡ, yêu thương, che chở. Mẹ gửi đến con những bài hát ru, gửi đến con biết bao tâm tình, gửi đến con tất cả những yêu thương.

“À ơi!
Một con cò thôi
Con cò mẹ hát
Cũng là cuộc đời
Vỗ cánh qua nôi
Ngủ đi! Ngủ đi!
Cho cánh cò, cánh vạc
Cho cả sắc trời
Đến hát
Quanh nôi.”

Con sẽ mang theo hình ảnh con cò, mang theo những lời hát ru, mang theo tình mẹ như một hành trang không thể thiếu để vào đời. Và như thế thì con cò đã có sức sống bất diệt; lời ru sẽ sống mãi với con người, sống mãi với dân tộc Việt Nam.

Chế Lan Viên đã sáng tác bài thơ này với một sự chiêm nghiệm sâu sắc về tình mẹ con. Ông đã thể hiện tình yêu đối với hình tượng người mẹ bằng giọng thơ nhẹ nhàng, trau chuốt. Tình mẹ, chắc có lẽ trong tâm thức mỗi con người đều cảm nhận được. Thế nhưng, với bài thơ Con cò của Chế Lan Viên, ta như được trãi nghiệm và hiểu thêm một cách sâu sắc về ý nghĩa của tình mẹ trong cuộc đời của mỗi con người.

  • 10 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021