Chọn và phân tích một đoạn miêu tả đặc sắc cảnh thiên nhiên trong các truyện đã học. Ví dụ: cảnh bãi sông Hồng trong truyện Bến quê

  • 1 Đánh giá

Đề bài: Chọn và phân tích một đoạn miêu tả đặc sắc cảnh thiên nhiên trong các truyện đã học. Ví dụ: cảnh bãi sông Hồng trong truyện Bến quê

(Lựa chọn đoạn trích văn sau:

“Ngoài cửa sổ bấy giờ những bông hòa bằng lăng đã thưa thớt - cái giống hoa ngay khi mới nở màu sắc đã nhợt nhạt. Hẳn có lẽ vì đã sắp hết mùa, hoa đã vãn trên cành, cho nên mấy bông hoa cuối cùng còn sót lại trở nên đậm sắc hơn. Ừ, cũng chả phải, Nhĩ vừa ngồi để cho vợ bón từng thìa thức ăn vừa nghĩ, chính vì thời tiết này đã thay đổi, đã sắp lập thu rồi, cái nóng hầm hập ở trong phòng cùng với thứ ánh sáng loa lóa vừa nhìn đã thấy chói cả mắt ở ngoài bờ sông Hồng không biết dã rút đi đâu từ bao giờ.

Bên kia những hàng cây bằng lăng, tiết trời đầu thu đem đến cho con sông Hồng một màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm ra. Vòm trời cũng như cao hơn. Những tia nắng sớm đang từ từ di chuyển từ mặt nước lên những khoảng bờ bãi bên kia sông, và cả một vùng phù sa lâu đời của bãi bồi ở bên kia sông Hồng lúc này đang phô ra trước khuôn cửa sổ của gian gác nhà Nhĩ một thứ màu vàng thau xen với màu xanh non - những màu sắc thân thuộc quá như da thịt, hơi thở của đất màu mỡ. Suốt đời Nhĩ đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất, đây là một chân trời gần gũi, mà lại xa lắc vì chưa hề bao giờ đi đến - cái bờ bên kia sông Hồng ngay trước cửa sổ nhà mình.”

Bài làm:

Truyện ngắn Bến quê là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu, được viết vào năm 1985. Tác phẩm sử dụng rất nhiều những hình ảnh mang tính ẩn dụ, đa nghĩa, và một trong số ấy là cảnh thiên nhiên với những bông hoa bằng lăng tím - cảnh miêu tả thiên nhiên ở đầu tác phẩm.

Đoạn văn được mở đầu tác Bến quê là đoạn miêu tả những bông hoa bằng lăng. Những bông hoa ấy được tác giả miêu tả với sắc tím - nhưng không phải là màu tím mộng mơ của xứ Huế, mà lại là màu tím nhợt nhạt, với những bông hoa cuối mùa màu "như trở nên đậm sắc hơn”. Thêm nữa là “thứ ánh sáng loa lóa vừa nhìn đã thấy chói cả mắt ở ngoài bờ sông Hồng không biết dã rút đi đâu từ bao giờ”. Những hình ảnh và màu sắc ấy đã gợi cho người đọc biết bao suy ngẫm. Đó là một màu tím thẫm như bóng tối. Đâu phải là màu sắc tươi tắn mà dấu hiệu của sự tàn phai, tiêu biến. Còn ánh sáng rực rỡ của mặt trời cũng biến đi mất, thay thế bằng bầu trời dần trở nên xám xịt khi tiết trời chuyển sang đông. Cái tàn lụi đó bỗng trở nên gấp gáp, nhẫn tâm khi nó gắn với tâm trạng và cảnh ngộ của Nhĩ.

Tác giả đã sử dụng biện pháp tương phản, đối lập để tạo nên sự khác biệt giữa bờ bên này và bờ bãi bên kia sông Hồng. Nếu bên này bờ, nơi Nhĩ đanh đau đớn vì sự hành hạ của căn bện quái ác, mang màu sắc nhợt nhạt, ảm đạm của sự héo úa, lụi tàn, như sắp bị bóng tôi bao trùm và nuốt chửng, thì ở bên bãi bồi bên kia sông Hồng lại hiện lên với vẻ vô cùng rực rỡ. Trong đôi mắt của Nhĩ, bờ bãi sông hồng hiện lên với những hình ảnh “tiết trời đầu thu đem đến cho con sông Hồng một màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm ra. Vòm trời cũng như cao hơn. Những tia nắng sớm đang từ từ di chuyển từ mặt nước lên những khoảng bờ bãi bên kia sông, và cả một vùng phù sa lâu đời của bãi bồi ở bên kia sông Hồng lúc này đang phô ra trước khuôn cửa sổ của gian gác nhà Nhĩ một thứ màu vàng thau xen với màu xanh non - những màu sắc thân thuộc quá như da thịt, hơi thở của đất màu mỡ...”. Bờ bãi sông Hồng khoác lên mình một màu sắc tươi non, của phù sa, của màu vàng lúa chín, màu xanh non của cỏ cây - những thứ màu sắc đặc trưng chỉ thuộc về sức sống. Mà trong tâm thức của Nhĩ, đó là thứ “màu sắc thân thuộc quá, như da thịt, hơi thở của đất màu mỡ”. Sức sống như đang trỗi dậy mạnh mẽ trên dòng nước mênh mông khi mặt sống lấp lánh trở nên rộng thêm ra. Cảnh hiện lên càng đẹp bao nhiêu thì nỗi day dứt, xót xa trong lòng Nhĩ lại càng hiện hình rõ nét bấy nhiêu, để rồi anh nhận ra một nghịch lí trong cuộc đời mình “Suốt đời Nhĩ đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất, đây là một chân trời gần gũi, mà lại xa lắc vì chưa hề bao giờ đi đến - cái bờ bên kia sông Hồng ngay trước cửa sổ nhà mình.”. Có ai đã đi khắp thế gian mà lại chưa bao giờ đặt chân tới vùng đất ngay gần nhà? Ấy vậy mà Nhĩ chưa bao giờ đặt chân sang bãi bồi bên kia sông, vì chưa bao giờ anh nghĩ đó là một cảnh đẹp có gì đáng để thăm thú và ngắm nhìn. Nhưng vào những ngày cuối đời nằm liệt trên giường bệnh, anh lại nhận ra điều ngược lại.

Truyện của Nguyễn Minh Châu hấp dẫn người đọc bởi sự kết hợp giữa tự sự, trữ tình và tính triết lí. Ông đã tạo dựng những tình huống đặc biệt, những đối lập và nghịch lí để nhân vật chiêm nghiệm ra cái triết lí nhân sinh – đời người. Ông xây dựng nhiều hình ảnh, chi tiết mang ý nghĩa biểu tượng, có sức chứa lớn về cảm xúc, tư tưởng. Hầu hết những hình ảnh trong truyện đều mang hai nghĩa: nghĩa thực và nghĩa biểu tượng. Hai lớp nghĩa này gắn bó, thống nhất, khiến cho các hình ảnh không bị mất đi giá trị tạo hình và sức gợi cảm. Ý nghĩa biểu tượng được gợi ra từ hình ảnh thực và được đặt trong hệ quy chiếu của chủ đề tác phẩm. Và hình ảnh bãi bồi ven sông trong cái nhìn so sánh, đối lập với căn gác xép chập hẹp, nóng hầm hập của Nhĩ chính là một ẩn dụ cho cuộc đời con người, luôn bó hẹp mình trong những tính toán, trong những chuyến đi xa, mà quên mất rằng, hạnh phúc không ở cách quá xa, mà nó hiện hữu ở ngay đây, ngay trong những gì thân thuộc, gần gũi nhất. Hạnh phúc đối với Nhĩ những giây phút cuối đời, chỉ là được đặt chân lên bãi bồi bên kia sông Hồng. Nhưng nó lại là ước muốn quá đỗi xa vời với anh.

Có thể nói, thiên nhiên hiện lên trong đoạn văn được đặt trong cái nhìn đối lập giữa sự nhợt nhạt đến đáng thương của những bông bằng lăng tím với sắc hồng hồng quyến rũ đầy sức sống của bãi bồi bên kia sông. Qua đó, Nguyễn Minh Châu cũng gửi gắm những quan niệm, triết lí sâu sắc về cuộc sống và con người.

  • 36 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021