Giải bài tập làm văn: Miêu tả đồ vật - tiếng việt 4 tập 2 trang 18
Soạn bài tiếng Việt 4 tập 2, Giải bài tập làm văn: Miêu tả đồ vật - trang 18 sgk. Tất cả những câu hỏi, bài tập trong bài tập đọc này đều được KhoaHoc hướng dẫn giải chi tiết, dễ hiểu.
Dàn ý của bài văn miêu tả đồ vật
1.Mở bài: Giới thiệu đồ vật định tả.
2. Thân bài:
- Tả bao quát toàn bộ đồ vật hình dáng, kích thước, màu sắc, chất liệu, cấu tạo...
- Tả những bộ phận có đặc điểm nổi bật.
3. Kết bài: Nêu cảm nghĩ đôí với đồ vật đã tả.1.Mở bài: Giới thiệu đồ vật định tả.
Bài làm:
Đề 1. Tả chiếc cặp sách của em
Khi những tia nắng vàng dịu của mùa thu trải dài trên con đường tới trường quen thuộc, em cũng như bao bạn nhỏ khác đều nô nức chuẩn bị đồ dùng cho một năm học mới sắp bắt đầu. Này đây sách vở tinh tươm mùi giấy mới, cây bút mực cho nét chữ tròn đều... Trong những đồ dùng học tập , em yêu thích nhất là chiếc cặp sách mới mẹ mua cho em trước ngày vào năm học.
Chiếc cặp của em có hình chữ nhật, chiều dài khoảng 40 cen-ti-mét và chiều rộng khoảng 25 cen-ti-mét. Chất liệu của cặp sách là vải dù và may rất chắc chắn.Chiếc cặp khoác lên mình tấm áo màu xanh da trời rất đẹp. Mặt trước của cặp là hình ảnh con đường đi học với hai hàng cây xanh rợp bóng mát, chú mèo con đáng yêu đang nhanh chân bước tới trường .
Xung quanh chiếc cặp là những đường may nhỏ xinh nhưng vô cùng cẩn thận, mũi khâu rất đều và thẳng. Phía trên cùng có chiếc quai xách vừa với bàn tay em và được khâu rất chắc chắn. Phía sau cặp là hai quai đeo dài và có thể thu ngắn vừa với tầm vóc của em. Hai bên hông cặp có hai túi nhỏ để đựng đồ rất tiện.
Khi muốn mở chiếc cặp ra, em ấn vào hai chiếc khóa mạ màu vàng sáng loáng và chúng phát ra âm thanh "Tách! Tách!" rất vui tai. Bên trong được chia thành ba ngăn với những lớp vải mềm ngăn cách. Ngăn lớn trong cùng em cất sách giáo khoa, ngăn thứ hai là những tập vở viết, còn ngăn ngoài cùng đựng chiếc hộp bút xinh xắn, chiếc bảng con và hộp phấn. Ngoài ra, cặp có một ngăn nhỏ có khóa, tiền ăn sáng mẹ đưa em thường cất vào đó để tránh bị rơi.
Nhìn chiếc cặp còn thơm mùi vải mới, em cảm thấy rất vui khi từ nay có thêm một người bạn. Em thử đeo lên vai và đứng trước gương. Quả thật chiếc cặp rất đẹp và vừa vặn với tầm vóc của em. Đang mải mê theo dòng suy nghĩ, mẹ em bước vào và mẹ nhẹ nhàng nói: “Đây là món quà bố mẹ dành cho con nhân dịp năm học mới, con hãy cố gắng học tập thật tốt nhé”. Em thầm cảm ơn những hi sinh vất vả của cha mẹ để em có được những đồ dùng mới như bao bạn bè và tự nhủ sẽ giữ gìn chiếc cặp thật cẩn thận để cặp luôn được bền đẹp.
Hàng ngày, chiếc cặp theo bước chân em tới trường và nằm lặng yên trong ngăn bàn, cùng em nghe những lời giảng bài bổ ích của cô giáo. Về nhà, em treo chiếc cặp ngăn nắp trên giá sách. Cảm ơn người bạn thân thiết đã luôn nhắc nhở em phải học tập thật tốt để xứng đáng với tình yêu thương cha mẹ đã gửi gắm ở em.
Đề 2. Tả cái thước kẻ của em
Dụng cụ học tập đơn giản mà vô cùng thiết yếu của học sinh có lẽ là cây thước kẻ. Như bao học sinh khác, em cũng có đầy đủ dụng cụ học tập. Trong đó, cây thước kẻ được giữ gìn bền bỉ từ bốn năm học qua là vật cũ nhất nhưng được em quý nhất.
Thước kẻ của em là loại thước hai mươi xăng-ti-mét. Thước được làm bằng nhựa dẻo, trong suốt, rộng bản nhưng rất mỏng. Bản thước rộng cỡ hai phân rưỡi nhưng bề dày thước chỉ độ hai li. Trên mặt nhựa dẻo trong suốt chia một vạch kẻ màu đỏ song song với chiều dài của thước. Chính giữa vạch đỏ là là lô-gô của nhà sản xuất: một chữ Win in rất mĩ thuật. Hai bên vạch kẻ đỏ là vạch kẻ theo thước đo. Màu đỏ là vạch kẻ theo thước đo xăng-ti-mét. Đơn vị nhỏ nhất là một xăng-ti-mét và đơn vị lớn nhất là hai mươi xăng-ti-mét. Vạch kẻ còn lại là vạch kẻ theo thước đo inch. Đơn vị nhỏ nhất là một inch và đơn vị lớn nhất là tám inch. Tuy em dùng cây thước này đã bốn năm học nhưng thước còn bóng đẹp, vạch kẻ số xăng-ti-mét còn rất rõ ràng, không bị mờ. Đó là nhờ em đã giữ gìn cây thước rất cẩn thận, cất nó vào ngăn cặp sau mỗi buổi học và sau mỗi lần đo giấy làm thủ công. Em lau thước bằng một mảnh vải mịn nên nó không hề bị trầy xước. Tuy thước chẳng sáng bóng như thước mới nhưng mặt nhựa còn trong trẻo và rất đẹp.
Thước giúp em rất đắc lực trong việc học: gạch chân tiêu đề các môn học, kẻ lỗi bài chính tả, vẽ hình các bài toán, đo các đường thẳng, cạnh của các hình... rất nhiều công dụng của thước không đếm xuể. Ngay từ lớp một, em đã được cô giáo hướng dẫn cách dùng thước, không được gạch tay. Ngoài giúp em trong việc học, đường thẳng vẽ từ thước luôn nhắc nhở em phải ngay thẳng, trung thực trong việc học tập, rèn tính cẩn thận, chính xác. Mọi sinh hoạt, học tập, rèn luyện của em cũng được sắp xếp ngăn nắp, rõ ràng như vạch kẻ đường thăng của thước.
Cũng với bút mực, bút chì, tẩy, màu tô, thước kẻ chính là người chiến sĩ công binh xuất sắc. Thước khi xóa bỏ một câu viết sai cũng nghiêm túc như khi gạch chân một tiêu đề môn học hay đóng khung một đáp số của bài toán. Chiến công thầm lặng của thước cũng ngời sáng như chiến công của chiến sĩ khai đường cho chiến dịch và dọn dẹp chiến trường sau trận đánh. Cây thước góp công xây dựng thành tích học tập của em thật đáng yêu, đáng quý.
Đề 3. Tả cây bút chì của em
Trong hộp bút của em có rất nhiều vật dụng, như thước kẻ, bút mực, cục gôm, máy tính,... Số đó không thể không nhắc đến chiếc bút chì gỗ, người bạn hết sức thân thuộc và cần thiết đối với em.
Chiếc bút này được bác em mua tặng vào sinh nhật 10 tuổi tuần vừa qua của em. Thân bút chì dài khoảng 20 cm, thon gọn và còn được sơn một lớp dầu bóng như mái tóc vuốt keo của ca sĩ vậy. Khi mới mở hộp quà của bác, em đã suýt hét lên vì vui sướng! Đó là cây bút chì 4B mà em hằng mong ước. Trên màu sơn bàng bạc ánh kim là dòng chữ tiếng Anh được quét nhũ vàng óng ánh. Gần đầu bút là chữ 4B được khắc vô cùng cẩn thận. Loại bút chì này có độ cứng vừa phải nhưng lại nét mực lại rất đậm, đối với một đứa mê vẽ như em thì đúng thật là hạnh phúc!
Bút chì có phần thân hình lục giác, bên trong là phần ruột bằng than chì đen đặc. Khi gọt em phải dùng lực thật nhẹ nhàng và cẩn thận để không làm gãy mất ngòi bút khi gọt quá tay. Tiếng chì chạm vào lưỡi dao gọt kêu “rột rột” nghe thật vui tai. Đầu bút nhọn và thuôn dài như mũi tên lửa được em ấn nhẹ lên trang giấy trắng, từng đường nét sắc sảo có thanh có đậm ngay lập tức hiện lên.
Từ bé em đã hay vẽ vời nguệch ngoạc trên giấy, lớn hơn một chút em bắt đầu đam mê vẽ lại những hình ảnh đáng yêu bắt chước trang bìa vở, đôi khi là các nhân vật hoạt hình. Chiếc bút chì của bác nhanh chóng trở thành trợ thủ đắc lực của em, đặc biệt là khi em di chì đánh màu tóc cho các nhân vật. Mực mới mịn và trơn tru làm sao! Không chỉ thế, em còn dùng bút chì để kẻ ngang giữa các bài, kẻ lề vở,... Mỗi khi em lỡ tay kẻ sai, đã có cục gôm nhỏ màu trắng gắn ở đỉnh của bút chì như bác lao công chăm chỉ dọn sạch trang giấy.
Có cây bút chì mơ ước, em nhất định sẽ bảo quản thật cẩn thận để nó không bị rơi làm gãy ngòi than bên trong. Hi vọng với sự trợ giúp của bút chì mới, em sẽ vẽ được nhiều bức tranh đẹp hơn. Em rất biết ơn bác của mình.
Đề 4. Tả cái bàn học ở lớp hoặc ở nhà của em
Năm học mới chuẩn bị bắt đầu. Bố mẹ hứa sẽ dành tặng cho em một món quà để giúp em học tập tốt hơn, đó chính là chiếc bàn học mới. Khi nhìn thấy chiếc bàn nhỏ nhắn đặt trong căn phòng, em cảm thấy rất thích thú với món quà. Bố đã kê chiếc bàn học ở góc phòng, nhìn ra cửa sổ để giúp em có đủ ánh sáng học bài.
Chiếc bàn học của em có hình chữ nhật với bốn chân bàn được đóng vững chãi. Bàn có chiều dài khoảng 80 cen-ti-mét, chiều rộng khoảng 50 cen-ti-mét. Mặt bàn được làm bằng gỗ, các chú thợ mộc đã khéo léo bào nhẵn và khoác lên tấm áo mới màu nâu rất đẹp. Trên mặt bàn, bố em có đặt một tấm kính màu trắng để em có thể lau sạch sẽ khi mặt bàn bị bẩn. Em có đặt một lọ hoa nhỏ trang trí ở góc bàn và một chiếc hộp bút hoạt hình xinh xắn để đựng các đồ dùng học tập như bút, thước kẻ…
Phía dưới mặt bàn có đóng hai ngăn nhỏ để em có thể đặt sách giáo khoa và vở viết. Em sắp xếp sách vở thật gọn gàng để có thể dễ dàng tìm thấy mỗi khi cần sử dụng. Và dưới cùng của chiếc bàn có đóng một thanh ngang để đặt chân. Cùng với bàn, bố đã đặt cho em một chiếc ghế phù hợp với chiều cao để em có thoải mái mỗi khi ngồi học.
Nhìn chiếc bàn học mới em cảm thấy rất vui, từ nay em có thêm một người bạn gắn bó trong ngôi nhà. Mỗi khi học bài hoặc đọc truyện ban ngày, em có thể cánh cửa sổ để tận hưởng ánh nắng tự nhiên từ mặt trời và làn gió mát lành từ hồ nước gần nhà đưa lại. Buổi tối, bố gắn cho em sẵn chiếc đèn học cạnh bàn để em có đủ ánh sáng học bài. Mỗi lúc học bài mệt mỏi, em thường nằm kề má lên mặt bàn để hít hà hương thơm dịu nhẹ của gỗ tỏa ra từ chiếc bàn. Chiếc bàn tự bao giờ đã trở nên thân thiết và gần gũi với em, luôn nhắc nhở em mỗi ngày cần cố gắng học tập tốt hơn và hoàn thành đầy đủ bài tập về nhà.
Món quà bố mẹ tặng em thật sự thiết thực và bổ ích với em. Hàng ngày, sau khi học bài xong em thường dùng khăn mềm để lau sạch sẽ giúp chiếc bàn luôn sạch sẽ và sáng bóng. Em tự hứa với bản thân sẽ luôn cố gắng học tập thật tốt để không phụ công mong mỏi của bố mẹ và người bạn đồng hành với em trong suốt năm học qua là chiếc bàn học xinh xắn.
Xem thêm bài viết khác
- Tả một luống rau hoặc một vườn rau văn mẫu lớp 4
- Giải bài Chính tả: Ngắm trăng - Không đề trang 144 tiếng Việt 4
- Giải bài luyện từ và câu: Mở rộng vốn từ - cái đẹp, tiếng việt 4 tập 2 trang 52
- Giải bài Ôn tập giữa học kì II tiết 2
- Giải bài kể chuyện đã nghe, đã đọc - tiếng việt 4 tập 2 trang 16
- Giải bài Ôn tập cuối học kì II tiết 3 trang 163 tiếng VIệt 4
- Giải bài Kể chuyện được tham gia hoặc chứng kiến Trang 89 sgk
- Giải bài Luyện từ và câu: Thêm trạng ngữ chỉ nơi chốn cho câu trang 129 tiếng Việt 4
- Giải bài tập làm văn: Luyện tập quan sát cây cối - tiếng việt 4 tập 2 trang 39
- Giải bài Chính tả: Vương quốc vắng nụ cười trang 133 tiếng Việt 4
- Giải bài Luyện từ và câu: Thêm trạng ngữ chỉ nguyên nhân cho câu trang 140 tiếng Việt 4
- Giải bài tập đọc: Bè xuôi sông La - tiếng việt 4 tập 2 trang 26