Giải Địa 10 Bài 21: Các nguồn lực phát triển kinh tế KNTT Giải Địa 10 SGK - Kết nối tri thức

  • 1 Đánh giá

Giải Địa 10 Bài 21: Các nguồn lực phát triển kinh tế Kết nối tri thức được Khoahoc sưu tầm và đăng tải. Hướng dẫn các em trả lời các câu hỏi trong bài chi tiết, ngắn gọn giúp các em học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi và làm bài tập Địa lí 10 bài 21. Để tìm hiểu chi tiết, các em cùng tham khảo nội dung dưới đây nhé

Giải Địa 10 SGK Bài 21: Các nguồn lực phát triển kinh tế

Mở đầu trang 63 SGK Địa lí 10 KNTT

Tại sao các quốc gia lại có sự phát triển kinh tế không đồng đều như vậy?

Lời giải:

Mỗi nguồn lực có vai trò nhất định đối với phát triển kinh tế. Ở mỗi ngành, mỗi giai đoạn phát triển, các nguồn lực có mức độ tác động đến phát triển kinh tế khác nhau → Các quốc gia có các nguồn lực phát triển kinh tế không giống nhau → Các quốc gia có sự phát triển kinh tế không đồng đều.

1. Khái niệm

Câu hỏi 1 trang 63 SGK Địa lí 10 KNTT: Đọc thông tin trong mục 1, hãy trình bày khái niệm nguồn lực.

Lời giải:

Nguồn lực phát triển kinh tế của một lãnh thổ là sức mạnh tổng hợp được tích luỹ từ vị trí địa lí, lịch sử - văn hoá, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lao động, các tài sản hiện có và tiềm năng của những tài sản hình thành trong tương lai, bao gồm cả nguồn lực từ bên ngoài có thể huy động nhằm phục vụ cho việc phát triển kinh tế của lãnh thổ đó.

Câu hỏi 2 trang 63 SGK Địa lí 10 KNTT: Dựa vào sơ đồ trong mục 2, hãy trình bày sự phân loại các nguồn lực.

Lời giải:

Nguồn lực phát triển kinh tế rất đa dạng, có thể phân loại theo nguồn gốc hình thành và theo phạm vi lãnh thổ. Theo phạm vi lãnh thổ, nguồn lực có thể phân thành: nguồn lực bên trong lãnh thổ và nguồn lực từ bên ngoài lãnh thổ.

Dựa vào sơ đồ trong mục 2, hãy trình bày sự phân loại các nguồn lực

3. Vai trò của nguồn lực

Câu hỏi trang 64 SGK Địa lí 10 KNTT: Dựa vào thông tin trong mục 3, hãy phân tích vai trò của mỗi loại nguồn lực đối với phát triển kinh tế.

Lời giải:

Mỗi nguồn lực có vai trò nhất định đối với phát triển kinh tế. Ở mỗi ngành, mỗi giai đoạn phát triển, các nguồn lực có mức độ tác động đến phát triển kinh tế khác nhau.

- Các nguồn lực bên trong có vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế của một lãnh thổ.

+ Vị trí địa lí có thể tạo điều kiện thuận lợi hay gây khó khăn trong việc trao đổi, hợp tác cùng phát triển giữa các lãnh thổ, đặc biệt trong xu thế hội nhập của nền kinh tế.

+ Nguồn lực tự nhiên là yếu tố đầu vào để sản xuất ra hàng hoá, dịch vụ giúp phát triển kinh tế. Sự giàu có và đa dạng về tài nguyên thiên nhiên tạo lợi thế quan trọng cho sự phát triển.

+ Nguồn lực kinh tế - xã hội đóng vai trò trực tiếp và vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của một lãnh thổ: Nguồn lao động là nguồn lực có vai trò quyết định trong sự phát triển của nền kinh tế. Nguồn lao động đông đảo, có chất lượng cao là nền tảng vững chắc để chuyển dịch nền kinh tế sang kinh tế tri thức, định hướng phát triển bền vững. Vốn đầu tư, chính sách và khoa học - công nghệ,... tạo ra môi trường sản xuất hiện đại, linh hoạt giúp tăng năng suất lao động.

- Các nguồn lực từ bên ngoài lãnh thổ: việc tận dụng, thu hút vốn đầu tư, nguồn nhân lực, tri thức và sản phẩm khoa học - công nghệ, thị trường từ bên ngoài lãnh thổ,... sẽ tạo thêm sức mạnh cho sự phát triển kinh tế, đặc biệt trong thời kì kinh tế tri thức và các xu hướng hợp tác hoá, quốc tế hoá ngày càng mở rộng.

→ Việc kết hợp giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực từ bên ngoài một cách hợp lí, sẽ giúp phát triển kinh tế của một lãnh thổ diễn ra nhanh và bền vững.

Luyện tập trang 64 SGK Địa lí 10 KNTT: Lấy ví dụ về tác động của một trong các nhân tố: vị trí địa lí, tài nguyên khoáng sản, nguồn lao động, vốn đầu tư nước ngoài đến phát triển kinh tế.

Lời giải:

- Vị trí địa lí: Nước ta có vị trí địa lí nằm trong vùng nội chí tuyến, tiếp giáp với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên biển và đất liền; nằm ở ngã tư đường hàng không và hàng hải quốc tế,… → Phát triển kinh tế mở, giao lưu và hội nhập kinh tế quốc tế.

- Tài nguyên khoáng sản: Đông Nam Bộ giàu có về tài nguyên dầu mỏ, khí đốt → Đòn bẩy để Đông Nam Bộ phát triển kinh tế, đóng góp GDP lớn, trở thành vùng có nền kinh tế phát triển nhất nước ta.

- Nguồn lao động: Việt Nam có lao động đông, trình độ đang ngày càng được nâng lên → Là thị trường tiêu thụ rộng lớn, lao động giá rẻ → Thu hút đầu tư, thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

- Vốn đầu tư nước ngoài: các trung tâm công nghiệp, khu kinh tế ven biển ở nước ta thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn → Trở thành vùng động lực thúc đẩy kinh tế ven biển phát triển, đóng góp GDP lớn cho đất nước.

Vận dụng trang 64 SGK Địa lí 10 KNTT: Tìm hiểu và trình bày một số nguồn lực chính để phát triển kinh tế ở địa phương em.

Lời giải:

- Học sinh tìm hiểu nguồn lực ở địa phương.

- Chú ý một số nguồn lực sau

+ Vị trí địa lí (vị trí tự nhiên, kinh tế, chính trị).

+ Nguồn lực tự nhiên (đất, nước, khí hậu, sinh vật, khoáng sản, biển,...).

+ Nguồn lực kinh tế - xã hội (vốn, chính sách phát triển, lịch sử - văn hoá, nguồn lao động, thị trường,...).

+ Vốn đầu tư nước ngoài, nguồn nhân lực nước ngoài, khoa học nước ngoài,...

Bài tiếp theo: Giải Địa 10 Bài 22: Cơ cấu kinh tế, tổng sản phẩm trong nước và tổng thu nhập quốc gia KNTT

Giải Địa 10 Bài 21: Các nguồn lực phát triển kinh tế KNTT được Khoahoc chia sẻ trên đây. Hy vọng với phần hướng dẫn giải bài tập chi tiết trên đây sẽ giúp các em nắm bài tốt hơn. Chúc các em học tốt, ngoài ra các em có thể tham khảo thêm các môn học khác như Toán, Hóa học, Ngữ văn, tiếng Anh, Địa lí 10 KNTT, soạn Văn 10 Kết nối tri thức tập 1....đều có tại, tài liệu học tập lớp 10

  • 24 lượt xem