Nội dung chính bài Lời tiễn dặn (Trích Tiễn dặn người yêu)

  • 1 Đánh giá

Phần tham khảo mở rộng

Câu 1: Hãy nêu ngắn gọn những nội dung chính và chi tiết kiến thức trọng tâm bài học "Lời tiễn dặn (Trích Tiễn dặn người yêu)"

Bài làm:


Nội dung bài gồm:

Back to top

A. Ngắn gọn những nội dung chính

1. Giới thiệu chung

  • "Tiễn dặn người yêu" là truyện thơ của dân tộc Thái gồm 1846 câu thơ là lời của nhân vật trong cuộc kể lại câu truyện tình yêu, hôn nhân của vợ chồng mình. Cốt truyện diễn ra theo 3 chặng: Yêu nhau tha thiết - chia lìa, đau khổ - đoàn tụ hạnh phúc.
  • Đoạn trích "Lời tiễn dặn" là lời tiễn dặn của chàng trai dành cho cô gái khi cô bị ép gả về nhà chồng.

2. Phân tích văn bản

a. Tâm trạng của chàng trai (gián tiếp là tâm trạng của cô gái) trên đường tiễn dặn:

  • Tâm trạng của chàng trai:

- "Người đẹp anh yêu cất bước theo chồng" -> Cách chàng trai gọi cô gái là người đẹp anh yêu khẳng định tình yêu trong chàng trai vẫn còn thắm thiết. Nhưng tình cảm ấy lại mâu thuẫn với sự thực là cô gái đang cất bước theo chồng.

- Có những cử chỉ, hành động quyến luyến, như muốn níu kéo cho dài ra những giây phút cuối cùng còn được ở bên cô gái trên đường tiễn dặn.

+ Phải được nhủ, được dặn cô gái đôi câu chàng trai mới có thể đành lòng quay về.

+ Tha thiết níu kéo, xin được kề vóc mảnh ủ lấy hương người cô để mai sau vẫn đượm hơi người thân yêu nhất.

+ Xin chăm sóc những đứa con riêng của cô gái như chính đứa con mình, chỉ mong cho cô gái đừng buồn.

  • Tâm trạng của cô gái trong cảm nhận của chàng trai:

- Chân bước đi, đầu còn ngoảnh lại, mắt còn ngoái trông.

- Càng bước xa, càng đau nhớ

- Chờ, đợi, ngóng trông chàng trai trên đường đi.

-> Đây cũng là tâm trạng dùng dằng đau khổ muốn kéo dài thời gian cuối cùng được bên nhau.

=> Cách mô tả đó chứng tỏ chàng trai rất thấu hiểu tình cảm của cô gái. Hai người có chung một cảm nhận khi phải xa nhau: bịn rịn, quyến luyến , đau khổ khi phải chia lìa.

- Trước khi chia tay, chàng trai vẫn tin tưởng, khẳng định tình yêu của hai người sẽ vượt qua cả không gian và thời gian để đoàn tụ bên nhau.

b. Cử chỉ, hành động và tâm trạng của chàng trai lúc ở nhà chồng của cô gái.

- Chứng kiến người yêu bị đánh đập, hành hạ, chàng trai đã chạy lại đỡ cô gái dậy, rũ áo, chải đầu cho cô, làm ống lam thuốc cho cô gái uống khỏi đau -> Cử chỉ an ủi vỗ về cô gái lúc bị nhà chồng đánh đập, hắt hủi.

- Những cử chỉ bộc lộ niềm xót xa, thương cảm sâu sắc đối với người yêu -> Điều mà cô gái rât cần vào lúc này như cần một chỗ dựa tinh thần.

- Đau đớn, xót xa, thương cảm khi người yêu bị hành hạ, chàng trai đã nhắn nhủ và khẳng định với cô gái sống chết sẽ bên nhau mãi mãi, không gì có thể chia lìa.

=> Cái chết được chàng trai nhắc lại 6 lần nhưng không trùng lặp, ghê sợ mà nó hiện hình trong thiên nhiên tạo vật tràn đầy sức sống. Do đó, lời tiễn dặn tuy xót xa nhưng không quá bi luỵ. Nó vẫn hướng tới sự sống, đoàn tụ và sự trường tồn của một tình yêu đích thực. Chính vì vậy, trong lời tiễn dặn cuối cùng khi ở nhà cô gái, chàng trai khẳng định lại một lần nữa tình yêu của mình đối với cô gái.

Back to top

B. Phân tích chi tiết nội dung bài học

1. Tóm tắt nội dung

  • Nội dung chính tác phẩm Tiễn dặn người yêu

Truyện kể về hai nhân vật Anh yêu và Em yêu từ khi còn là hai bào thai. Họ được sinh ra gần như cùng một giờ, một ngày, một bản. Từ thuở bé thơ, họ đã quấn quít lấy nhau và quyết tâm lấy được nhau dù bà mẹ lấy áo chàng trai ra bói, quẻ bói không nói được điều gì chắc chắn. Anh yêu tìm cách thoát khỏi cảnh nghèo, đi mua lễ vật nhờ mai mồi chuyển sang dạm người yêu nhưng bị cha mẹ Em yêu cự tuyệt. Họ quyết gả Em yêu cho một gã con trai nhà giàu nhưng xấu xí. Em yêu đau khổ đành nhận người ta về ở rể ngoài nhưng vẫn hy vọng Anh yêu sẽ có cách đổi thay số phận. Trước tình cảnh đó Anh yêu quyết chí đi buôn đến tận Lào để tìm sự giàu sang mong trở về chuộc lại Em yêu. Đã bảy mùa cá lũ trôi xuôi em yêu trông chờ đã hết hạn người kia làm rể trong, rể ngoài, Anh yêu vẫn biệt tăm. Em yêu đã tìm mọi cách để lùi ngày về nhà chồng nhưng không thành. Khi Anh yêu đã phong lưu băng băng trở về tìm đến nhà Em yêu thì sự đã rồi. Bất chấp hiểm nguy, Anh yêu chạy theo em yêu. Cuộc tiễn dặn của đôi bạn tình diễn ra. Trong suy tưởng, anh thấy hiện lên cảnh tượng chiến đấu giành lại Em yêu quyết liệt. Tình cảnh Em yêu ở nhà chồng thật thê thảm. Người ta còn xui con trai xuống đòn. Sau một thời gian, Em yêu bị nhà chồng đuổi về vì không thể làm vừa lòng nhà người ta. Cha mẹ lại bán đứt nàng cho một nhà quan. Nàng càng bi phẫn như người ngẩn ngơ, vụng dại. Họ không muốn tốn cơm đem nàng ra chợ bán rao với giá chỉ bằng một cuộn lá dong. Người đổi được nàng chính là người yêu cũ. Bây giờ Anh yêu đã có cửa nhà, vợ con. Em yêu bây giờ cũng đổi khác đến mức Anh yêu không còn nhận ra. Một ngày kia, nàng than thân trách phận đem chiếc đàn môi kỷ niệm ra gảy. Họ nhận ra nhau. Anh yêu giã vợ và hai người sống hạnh phúc bên nhau.

  • Nội dung chính của đoạn trích Lời tiễn dặn

Đoạn trích miêu tả rất rõ tâm trạng của Anh yêu trên đường tiễn Em yêu về nhà chồng và phải chứng kiến cảnh khi ở nhà chồng, Em yêu bị chính người chồng đánh đập.

2. Phân tích chi tiết bài thơ

a. Tâm trạng của chàng trai trên đường tiễn người yêu về nhà chồng

  • Tâm trạng của chàng trai

Toàn bộ đoạn trích là sự hình dung, tâm trạng của chàng trai khi đưa tiễn người yêu. Mọi hành động, cảm xúc của cô gái cũng được thể hiện qua con mắt của chàng trai, vì thế tâm trạng, cảm xúc của chàng hết sức tha thiết, chân tình.

Chàng trai vì nghèo khổ mà không cưới được cô gái nên đã quyết chí đi làm giàu. Anh trở về mang theo niềm hi vọng về kết cục tốt đẹp hạnh phúc cho tình yêu của mình. Nhưng bây giờ, mọi sự đã thay đổi, cô gái đã thuộc về người khác

Chàng trai chỉ còn biết đi theo tiễn đưa với tình yêu nồng thắm và tâm trạng nặng trĩu, đau khổ.

Trước hết, chàng trai đưa cô gái về theo phong tục nhưng quan trọng hơn cả là thể hiện tình yêu, sự quan tâm đến cô gái.

Sự chia tay luôn tạo nên nỗi buồn. Chàng trai đưa tiễn người yêu về nhà chồng thì thật bi kịch. Anh không yên tâm khi cô gái về một nơi xa lạ, anh không đành lòng nhìn cô gái ra đi. Đi theo một quãng đường, anh cố gắng níu kéo tình yêu của mình, tha thiết bày tỏ tình cảm. Những lời dặn dò tiễn đưa dành cho cô gái nhưng cũng chính anh đã bày tỏ lòng mình, tâm sự giãi bày tâm trạng

Chàng trai đã thể hiện khát khao được ở bên cô gái, được gần gũi để chia sẻ những nỗi niềm. Khát vọng ấy vô cùng mãnh liệt, cả lúc sống cũng như lúc chết. Chàng muốn nhắn nhủ: không lấy được nhau coi như suốt đời không còn có ai thân yêu, đành mượn hơi hương da thịt người yêu ngay từ lúc này để mai sau có chết cũng không đến nỗi thành kẻ cô đơn, lửa xác được nhờ hơi ngày nay mà sẽ cháy đượm, vong hồn được siêu thoát. Như vậy, dù đi đưa tiễn cô gái lấy chồng nhưng chàng trai lại khẳng định sự gắn bó suốt đời với cô gái, xem cô là người thân duy nhất của mình.

Tình yêu và quyết tâm của chàng trai còn tiếp tục qua những lời tâm sự: Anh gọi những đứa con riêng của cô gái bằng những từ nựng, đáng yêu "con rồng, con phượng, con nhỏ, bé xinh, con dòng...”. Đó là cách thể hiện tình yêu cao cả, anh yêu tất cả những gì thuộc về cô gái và sẵn sàng chia sẻ những khó khăn trong sinh hoạt đời thường. Chàng trai này cũng giống với nhân vật trong ca dao người Việt: “Con mình những trấu cùng tro/Ta đi gánh nước rửa cho con mình”. Những tình cảm chân thành, cao đẹp đó càng là cái cớ để họ đến với nhau.

Và lời hẹn ước của chàng trai với cô gái thật bất ngờ và cảm động:

"Đôi ta yêu nhau đợi tới tháng Năm lau nở

Đợi mùa nước đó cá về

Đợi chim tăng ló hót gọi hè

Không lấy nhau được mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông

Không lấy nhau được thời trai trẻ, ta sẽ lấy nhau khi góa bụa về già."

-> Một lời thề thốt, hẹn ước quen thuộc trong ca dao nhưng chàng trai lại có cách thể hiện riêng. Chàng trai quyết tâm chờ đợi, không quản tháng năm: từ mùa lau nở, mùa lũ về lại đến mùa hè chim tăng ló hót giọng buồn rầu... Thời gian trôi chảy, sự vật đổi thay nhưng chỉ có tình yêu của chàng là trước sau như một. Lời hẹn ước của chàng vượt qua mọi thử thách của thời gian và số phận. Có nhiều ý kiến đã cho rằng chàng trai đã ích kỉ khi muốn lấy cô gái bằng mọi giá, rằng hạnh phúc của chàng lại đổi bằng sự bất hạnh của người khác (vợ chàng, chồng cô gái). Nhưng phải đặt tình huống này trong chỉnh thể của thể loại, theo sự phát triển lôgic của tâm trạng thì mới hiểu được lời bày tỏ của chàng. Trong truyện thơ, mọi yếu tố nghệ thuật, chi tiết đều để dẫn tới mục đích: ca ngợi tình yêu và hạnh phúc. Cho nên, truyện thơ đấy tất cả những tình huống và tính cách của nhân vật đến chỗ hi sinh hành động theo tình yêu. Vì vậy, lời hẹn ước của chàng trai đã thể hiện một cách cao đẹp tình yêu và tính cách của chàng.

  • Tâm trạng của cô gái qua cái nhìn của chàng trai

Tâm trạng của cô gái được nhìn qua con mắt của chàng trai đã thể hiện sự cảm thông, thấu hiểu giữa hai người. Không có lời của chàng trai, không có lời của cô gái, phần đầu đoạn trích chỉ có những hành động của cô gái, điều này khắc họa tâm trạng đau khổ và số phận bi kịch của cô.

"Vừa đi vừa ngoảnh lại

Vừa đi vừa ngóng trông

Chân bước xa lòng càng đau nhớ."

Bước chân của cô gái nặng nề, ngập ngừng thể hiện tâm trạng rối bời, sự đau khổ, mất phương hướng.

Tác giả dân gian đã có sự so sánh làm nổi bật tâm trạng đau khổ của cô gái: chân bước xa làng càng đau nhớ, Mỗi bước chân của cô là một bước dời xa hạnh phúc của mình, bước chân dẫn cô đến nơi mà cô không mong muốn, dẫn đến tương lai mù mịt.

Chàng trai tiếp tục hình dung cô gái chờ đợi mình trên đường. Những bước đi nặng nề, những lẫn chờ đợi vô vọng càng làng tăng thêm nỗi khổ đau, thân phận bi kịch của cô gái: "Cô ngồi trên lá ớt, lá cà gai, lá ngón”, những loại lá độc mà người ta chỉ tìm đến khi tuyệt vọng. Tìm đến chờ đợi ở những thứ ấy cũng chính là cô gái đã không còn thiết tha với cuộc sống nữa. Nhưng chỉ cần sự xuất hiện của chàng trai thì cô bẻ lá xanh ngồi. Như vậy, những tấm trạng của cô đã được hành động hóa, diễn biến tâm trạng của cô cũng thể hiện qua các hành động ấy. Chàng trai đến cổ bẻ lá xanh ngồi. Chàng trai đem đến cho cô niềm tin và hi vọng, đem đến sự sống, tình yêu.

=> Tuy tâm trạng của cô gái không hiện lên trực tiếp nhưng qua hình dung của chàng trai chúng ta cũng thấy vẻ đẹp trong tâm hồn và tình yêu của cô. Qua những lời thơ đó, tình yêu của họ đã được khẳng định, được ca ngợi.

b. Tình cảm thái độ của chàng trai khi thấy cô gái ở nhà chồng

Cũng theo phong tục, chàng trai đưa tiễn cô gái về nhà chồng đã lưu lại ở đó vài ngày. Trong thời gian này, chàng trai đã thể hiện sự quan tâm ân cần, chu đáo qua những sự chăm sóc, cử chỉ yêu thương -> Đây là những việc làm đáng lẽ của chồng cô gái nhưng tình yêu và sự quan tâm đã khiến anh hành động như vậy. Bởi vì anh đã chứng kiến cảnh cô gái bị nhà chồng đánh đập, hắt hủi. Cô đã cố tình tỏ ra là vụng về để nhà chồng chán mà đuổi về, cô sẽ được đoàn tụ với người yêu nhưng nhà chồng đã độc ác hành hạ, đánh đập cô. Cô bị đánh ngã xuống đất, quần áo lấm bụi và các thứ sâu bọ bò lên. Chàng trai đã chăm sóc tận tình, thuốc men cho cô.

Cuối cùng, chàng trai một lần nữa khẳng định tình yêu bất diệt của họ:

"Chết ba năm hình còn treo đó

Chết thành sông vục nước uống mát lòng

Chết thành đất, mọc dây trầu xanh thắm..."

=> Cả một đoạn thơ dài điện tử, điệp cấu trúc đã khẳng định mạnh mẽ sự gắn bó của hai người, tình yêu đó không thứ gì có thể chia cắt được. Những cặp hình ảnh ví von so sánh đã tô điểm, làm đẹp cho tình yêu thủy chung của họ. Tình yêu của họ cũng giống như Khun Lú - Nàng Ủa, dù xa nhau nhưng tình yêu mãi mãi vẫn còn.

3. Tổng kết:

  • Nội dung: Niềm xót thương của chàng trai và nỗi tuyệt vọng đau khổ của cô gái. Khát vọng hạnh phúc và tình yêu chung thủy, khát vọng được giải phóng, được sống trong tình yêu.
  • Nghệ thuật: Lựa chọn từ ngữ, hình ảnh đặc trưng, gần gũi với đồng bào người Thái. Cách miêu tả tâm trạng nhân vật chi tiết, cụ thể qua lời nói, qua hành động săn sóc ân cần, qua cả suy nghĩ, cảm xúc mãnh liệt.
  • Ý nghĩa: Tố cáo tập tục hôn nhân xưa, tiếng nói chứa chan tình cảm nhân đạo, đòi quyền yêu thương hạnh phúc cho con người.

Back to top

  • 1.825 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021

Xem thêm bài viết khác

Xem thêm Soạn văn 10 tập 1