Phân tích nét riêng trong cách biểu hiện cảm xúc và sáng tạo hình ảnh của bài thơ Nói với con của Y Phương

  • 1 Đánh giá

Câu 8: Phân tích nét riêng trong cách biểu hiện cảm xúc và sáng tạo hình ảnh của bài thơ Nói với con của Y Phương

Bài làm:

Y Phương là người con của dân tộc Tày. Ông đã đến với nền văn học và để lại dấu ấn của mình bằng một phong cách thơ vô cùng chân thật, giản dị và mộc mạc đặc trưng của người miền núi. Bài thơ Nói với con ra đời năm 1980, năm năm sau khi đất nước giành lại được độc lập và bắt tay vào công cuộc xây dựng xã hội. Bài thơ là lời khuyên răn, dạy bảo mà người cha muốn nói với đứa con của mình. Chính sự giản dị, mộc mạc đặc trưng của người miền núi đã đem đến cho bài thơ một phong cách biểu hiện cảm xúc riêng và những hình ảnh độc đáo.

Trước hết, bài thơ sử dụng một hình thức ngôn từ đầy mới mẻ: cuộc trò chuyện, tâm tình của người cha với đứa con gái bé bỏng. Không giống với hình thức lời hát mẹ ru con trong Con cò của Chế Lan Viên, cũng không phải là cuộc đối thoại trong tưởng tượng với mây, với sóng và những trò chơi giữa con với mẹ như trong Mây và Sóng của Ta-go, cũng chẳng phải là lời của người mẹ Tà Ôi thủ thỉ với đứa con đang ngủ ngon lành sau lưng mình trong Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm, Nói với con của Y Phương là lời nhắn nhủ, dặn dò của chính ông với đứa con gái đầu lòng, như chính ông từng tâm sự. Nếu Chế Lan Viên, Nguyễn Khoa Điểm, Ta-go đều lựa chọn đề tài là tình mẫu tử thì Y Phương lại xoáy sâu vào tình phụ tử. Hình ảnh của người cha xuất hiện với những lời thủ thì, tâm tình không thể ngọt ngào như lời ru của mẹ, thế nhưng cha lại dạy con theo một cách rất riêng, nghiêm khắc hơn, cứng rắn hơn. Dù vậy, đọc Nói với con ta vẫn thấy được tình yêu thương tha thiết trong từng lời, từng câu mà Y Phương dặn dò con. Có lẽ, đây cũng chính là điểm tựa để ông tin, ông vịn vào giữa lúc cả xã hội hối hả, gấp gáp kiếm tiền.

Bài thơ mang tới cho người đọc thứ cảm xúc chân thật, gần gũi, mộc mạc và giản dị như chính con người dân tộc miền núi vậy. Y Phương đã sử dụng cách gọi “người đồng mình” trong suốt cả bài thơ để nhắc với con về cội nguồn cũng như phẩm chất của những con người thân thuộc xung quanh con. “Người đồng mình” là cụm từ để chỉ những người bản mình, người vùng mình, người dân quê hay mở rộng hơn theo ý của tác giả chính là những người sống trên cùng một đất nước, một quốc gia. Cách gọi ấy khiến những con người xa lạ trong mắt của đứa trẻ thơ bỗng chốc trở nên thật gần gũi và thân thương. Không còn là sự xa cách nữa mà con và họ được gắn kết với nhau bởi một sợi dây nguồn cội.

Trong cuộc trò chuyện của mình, người cha đã khéo léo nhắc nhở đứa con gái về cội nguồn sinh dưỡng của mình, của mỗi người. Bài thơ được mở ra với một khung cảnh đầm ấm của một gia đình có bố, mẹ và đứa trẻ đang chập chững bước những bước đi đầu tiên trong cuộc đời mình. Những từ “chân phải - tới cha”, “chân trái - tới mẹ”, “một bước chạm tiếng nói”, “hai bước tới tiếng cười” khiến cho người đọc có thể hình dung trong những bước đi của con luôn có sự nâng niu, nâng đỡ của cả cha lẫn mẹ. Từng câu, từng chữ trong bài thơ đều toát lên niềm tự hào, hạnh phúc tràn đầy trong đôi mắt long lanh đầy tình thương của cha, với nụ cười ấm áp đầy yêu thương của mẹ, đứa trẻ hết sà vào lòng mẹ lại tới níu chân cha. Y Phương không chỉ gợi lên một khung cảnh gia đình đầm ấm mà ông còn muốn khẳng định với đứa trẻ tình cảm giữa cha mẹ với con cái là thứ tình cảm thiêng liêng, vô giá, là sợi dây gắn kết gia đình bền chặt. Hạnh phúc chỉ đơn giản là những phút giây giản đơn, bình dị ấy mà thôi:

“Chân phải bước tới cha,

Chân trái bước tới mẹ,

Một bước chạm tiếng nói,

Hai bước tới tiếng cười.”

Với Viễn Phương, cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người không chỉ là gia đình là còn là quê hương, là thiên nhiên tươi đẹp thấm đượm nghĩa tình. Thiên nhiên quê hương đã ban tặng con người những điều tốt đẹp nhât, trở thành bầu sữa tinh thần nuôi dưỡng tâm hồn ta khôn lớn. Bằng việc sử dụng những động từ “cài”, “ken” kết hợp cùng với những từ ngữ thân thương “người đồng mình”, “con ơi” đã khiến cho quê hương hiện ra cũng gần gũi và thân quen giống như cha, như mẹ đã yêu thương con. Nghĩ tới miền núi rừng, người ta sẽ nghĩ ngay tới những cánh rừng đại ngàn ngút mắt, những dãy núi hùng vĩ sừng sững giữa trời, những mưa nguồn, suối lũ cuồn cuộn, nhưng tới Y Phương, thiên nhiên ấy chỉ Y Phương nhắc tới bằng một chữ “hoa”. Nhưng hình ảnh ấy có sức gợi rất lớn, gợi về những gì đẹp đẽ, tinh khôi và trong trẻo nhất. Hoa có thể là hình ảnh thực, như một đặc điểm của núi rừng, nhưng nó cũng có thể là một tín hiệu thẩm mĩ mà Y Phương muốn gửi gắm: chính những gì đẹp đẽ của thiên nhiên đã hun đúc nên tâm hồn đẹp của con người ở đó. Và cũng chính thiên nhiên đã “cho những tấm lòng” tới người đồng mình. Thiên nhiên đem tới cho con người những gì cần để lớn, tặng cho con người những thứ đẹp đẽ nhất để nuôi dưỡng, che chở con người cả về tâm hồn và lối sống. Người cha ôm đứa con thơ vào lòng, hôn lên đôi má bầu bĩnh của đứa trẻ, kể cho con nghe về những kỉ niệm hạnh phúc của những ngày đầu:

“Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng

Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”

Trong nguồn mạch của cảm xúc về những kỉ niệm gia đình và quê hương, người cha đã tha thiết nói với con về những phẩm chất tốt đẹp của người đồng mình. Người đồng mình hiện lên là những con người giàu ý chí và nghị lực. Bằng cách tư duy độc đáo của người miền núi, Y Phương đã lấy cái cao vời vợi của trời để đo lấy nỗi buồn, lấy cái xa của đất để đo ý chí con người. Đất nước vừa mới bước ra khỏi cuộc chiến, những khó khăn vất vả đang chồng chất trước mặt, với người ở miền núi như Y Phương và những người dân của bản làng thì những khó khăn ấy lại càng trở nên to lớn gấp nhiều lần. Thế nhưng, trong những vần thơ của Y Phương, ta thấy được từ những con người chân chất, thật thà ấy một ý chí cao vời vợi. Khó khăn, thử thách càng lớn thì ý chí tiến lên của con người càng mạnh mẽ. Không chỉ vậy, người đồng mình còn là những con người dù sống trong gian khổ, nghèo đói thì họ vẫn thủy chung, gắn bó với quê hương, cội nguồn của mình. Phép liệt kê với những hình ảnh mang tính ẩn dụ “đá gập ghềnh”, “thung nghèo đói” đã gợi lên một cuộc sống cực nhọc, đói nghèo, khó khăn. Nhưng trái ngược với thực tại ấy, người đồng mình vẫn “sống trên đá”, “sống trong thung” và “không chê”. Biện pháp điệp cấu trúc câu cùng những hình ảnh đối xứng đã nhấn mạnh sự thực rằng người đồng mình có thể nghèo, thiếu thốn về vật chất nhưng họ không thiếu ý chí và quyết tâm “như sông, như suối”. Họ vẫn sống gắn bó, thủy chung với quê hương - cội nguồn sinh dưỡng của mình, với một niềm tin sắt đá vào tương lai tươi đẹp của bản làng. Người đồng mình còn là những con người có ý chí tự lập, tự cường và tinh thần tự tôn dân tộc. Lời thơ của Y Phương tuy mộc mạc, thô sơ nhưng lại ẩn chứa biết bao tâm tình. Sự tương phản giữa “thô sơ da thịt” và “chẳng nhỏ bé” đã khẳng định tầm vóc của người đồng mình. Họ mộc mạc nhưng giàu ý chí, niềm tin. Họ tự xây dựng quê hương, đất nước mình bằng chính đôi bàn tay và ý chí của họ. Còn truyền thống văn hóa của quê hương chính là điểm tựa tinh thần vững chắc để họ vững bước trên con đường phát triển. Những câu thơ đã khái quát về tinh thần tự tôn dân tộc, về ý thức bảo vệ nguồn cội, bảo tồn những truyền thống quê hương tốt đẹp của người đồng mình:

“Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc

Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục”

Khép lại bài thơ là lời nhắn nhủ trìu mến và biết bao yêu thương, niềm tin, hi vọng của người cha đặt vào đứa con gái:

“Con ơi, tuy thô sơ da thịt

Lên đường

Không bao giờ nhỏ bé được

Nghe con”

Hai tiếng “Nghe con” lắng đọng bao cảm xúc, ẩn chứa tìnhyêu thương vô bờ bến của cha dành cho con. Câu thơ còn gợi ra một cảnh tượngcảm động đang diễn ra lúc chia li: cha hiền từ âu yếm nhìn con, xoa đầu con vàngười con ngoan ngoãn cúi đầu lắng nghe lời cha dặn. Con lên đường với hành trang quý giá mà cha mẹ và bản làng đã nuôi dưỡng từ tấm bé. Và chắc chắn những phẩm chất tốt đẹp và lối sống phóng khoáng của người đồng mình sẽ là điểm tựa vững chắc để con bước tiếp trên đường đời.

Bài thơ Nói với con của Y Phương đã có một lối tạo hình độc đáo. Bài thơ sử dụng thể thơ tự do với những câu dài ngắn đan xen không hề bị gò bó, đóng khung tạo ra những cảm xúc dào dạt như thác lũ. Với lời thơ giản dị, những hình ảnh vừa cụ thể, vừa mang ý nghĩa biểu tượng, giàu sắc thái biểu cảm kết hợp với cách nói giàu bản sắc của người miền núi đã tạo nên một giọng điệu riêng cho lời tâm tình mộc mạc mà sâu sắc của người cha đối với đứa con của mình. Bài thơ vừa thể hiện tình cảm gia đình ấm cúng, vừa ca ngợi truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ của quê hương dân tộc.

Bài thơ Nói với con đã khép lại nhưng dư âm của nó vẫn còn lại mãi trong tâm trí người đọc. Đó là hình ảnh của núi rừng với những con đường hoa, với phẩm chất cao đẹp của người đồng mình và cái cúi đầu ngoan ngan lắng nghe lời cha dạy trong buổi chia ly tiễn đứa con trên chuyến bay đầu tiên của cuộc đời. Chắc chắn, những đứa trẻ ấy sẽ bay cao, bay xa và sẽ vẫn giữ được những phẩm chất đáng quý của người đồng mình - cái mà cha đã dặn dò con trong suốt cả cuộc đời.

  • 293 lượt xem
Cập nhật: 08/09/2021