Viết bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc Soạn bài Viết bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc - KNTT 7 tập 1

  • 3 Đánh giá

KhoaHoc mời các bạn cùng tham khảo nội dung Soạn bài Viết bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc - KNTT 7 tập 1 được chúng tôi đăng tải trong bài viết dưới đây.

Soạn bài Viết bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc

Viết bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc

- Có nhiều con người, sự việc xung quanh để lại cho ta những tình cảm, ấn tượng sâu sắc.

- Tình cảm đó cứ lớn dần trong ta, làm cho ta sống sâu sắc hơn.

- Trong bài học này, em sẽ được luyện tập phát triển kĩ năng viết bài văn biểu cảm bày tỏ tình cảm, suy nghĩ của mình về những con người hoặc sự việc như vậy.

Yêu cầu đối với bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc

- Giới thiệu được đối tượng biểu cảm (con người hoặc sự việc) và nêu được ấn

tượng ban đầu về đối tượng đó.

- Nêu được những đặc điểm nổi bật khiến người, sự việc đó để lại tình cảm, ấn tượng

sâu đậm trong em.

- Thể hiện được tình cảm, suy nghĩ đối với người hoặc sự việc được nói đến.

- Sử dụng ngôn ngữ sinh động, giàu cảm xúc.

Phân tích bài viết tham khảo

- Văn bản: Người phụ nữ hết lòng làm thiện nguyện

+ Bài văn được kể bằng lời của người kể chuyện ngôi thứ nhất (xưng “em”)

+ Nội dung: kể về một người phụ nữ hết lòng làm thiện nguyện (bà Nhung)

+ Giới thiệu câu chuyện: Đoạn đầu đã giới thiệu: “Tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách là một truyền thống tốt đẹp ...”

+ Đối tượng biểu cảm: bà Nguyễn Thị Nhung

+ Đặc điểm nổi bật của đối tượng:

Bà Nhung 57 tuổi, hiện đang sống tại một căn nhà nhỏ trên phố Văn Miếu, làm bán hàng

Dù điều kiện sống không dư giả nhưng bà luôn chia sẻ với những mảnh đời cơ cực: bà cưu mang những mảnh đời khó khăn suốt 30 năm, bà tham gia thiện nguyện, trao quà cho người dân miền núi, ...

+ Cảm xúc của người viết về đối tượng biểu cảm: cảm phục, kính trọng

Thực hành viết theo các bước

1. Trước khi viết:

a. Lựa chọn đề tài

- Có thể tham khảo một vài ý tưởng sau đây:

+ Cảm nghĩ về người thân (ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, bạn, thầy, cô...).

+ Cảm nghĩ về một sự việc khiến em cảm động

+ Cảm nghĩ về một sự việc khiến em ấn tượng

Ví dụ: Cảm nghĩ về người cha thân yêu của em

b. Tìm ý

Học sinh tự trả lời các câu hỏi: Ví dụ

- Cha của em làm nghề gì? Ngoại hình cha như thế nào? Cha em bao nhiêu tuổi?

- Cha của em là người như thế nào?

- Vai trò của người cha trong gia đình em?

- Tình cảm của em dành cho cha như thế nào?

Dàn ý bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc

1. Mở bài

Giới thiệu về người cha, cũng như tình cảm dành cho cha của mình.

2. Thân bài

- Vai trò của người cha:

  • Người cha đóng vai trò trụ cột, thường quyết định những việc quan trọng trong gia đình; là chỗ dựa về vật chất lẫn tinh thần của gia đình.
  • Cha kèm cặp, dạy dỗ, truyền kinh nghiệm sống và nâng đỡ các con trên bước đường tạo dựng sự nghiệp.

- Cảm nghĩ của em về người cha thân yêu:

  • Cha em chỉ là một người thợ bình thường, quanh năm vất vả với công việc. Đức tính nổi bật của cha là cần cù, chịu khó, hết lòng vì gia đình.
  • Cách dạy con của cha rất giản dị: Nói ít làm nhiều, lấy lời nói, hành động của mình làm gương cho các con. Thái độ của cha cởi mở, dễ gần, bao dung nhưng cũng rất nghiêm khắc.
  • Các con kính yêu, quý mến và tin tưởng ở cha, cố gắng chăm ngoan, học giỏi để cha vui lòng.

3. Kết bài

Khẳng định lại tình cảm dành cho người cha, cũng như mong muốn của bản thân.

Bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc

Mẫu 1

Thầy cô - những người thầm lặng đã dìu dắt chúng ta nên người. Bởi vậy, em luôn dành cho họ sự yêu mến, kính trọng.

Người giáo viên em yêu mến nhất là thầy Cường. Thầy là giáo viên chủ nhiệm năm lớp 6 của tôi. Cũng là giáo viên phụ trách dạy môn Toán của lớp em. Thầy đã gần năm mươi tuổi rồi. Dáng người cao, khá gầy. Mái tóc thầy đã điểm những sợi điểm bạc. Đôi mắt với ánh nhìn hiền từ. Giọng nói trầm ấm, nhẹ nhàng.

Thầy Cường là một giáo viên rất nhiệt huyết. Trong công việc, thầy luôn chỉn chu, nghiêm túc. Mỗi bài giảng đều được thầy chuẩn bị rất cẩn thận. Những giờ học của thầy cung cấp cho chúng em rất nhiều kiến thức. Sau mỗi giờ học tập căng thẳng, thầy lại trò chuyện với chúng em. Những câu chuyện khiến cả lớp thêm vui vẻ, thoải mái hơn. Thầy cũng rất quan tâm đến học sinh. Thầy luôn động viên chúng em cố gắng học tập. Các phong trào của lớp, thầy đều hướng dẫn, theo sát. Chúng em đều cảm thấy yêu mến, kính trọng thầy.

Không chỉ là kiến thức về môn Toán, thầy cũng đã dạy cho chúng em nhiều bài học về cách làm người. Em vẫn còn nhớ những ngày đầu mới bỡ ngỡ bước chân vào mái trường Trung học cơ sở, thầy đã chia sẻ nhiều điều bổ ích. Thầy luôn theo sát từng học sinh để giúp chúng em dễ dàng hòa nhập với môi trường mới. Khi học trò của mình mắc lỗi, thầy lại nhẹ nhàng nhắc nhở, bảo ban. Còn khi cả lớp đạt được kết quả tốt trong học tập, hay thi đua thì thầy lại động viên, khen ngợi. Mỗi kỉ niệm về thầy đều thật đáng quý.

Thầy cô giáo là những người đáng kính. Từ tận đáy lòng, em muốn dành cho họ lời tri ân. Em sẽ luôn nhớ đến thầy Cường, người giáo viên nhiệt huyết.

Mẫu 2

Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam vẫn có truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Thầy có là những người có công ơn dạy dỗ, dìu dắt chúng ta trong hành trình tìm đến với tri thức. Trong cuộc đời, mỗi người hẳn đều có một người thầy, cô giáo mà bản thân rất kính trọng. Và tôi cũng như vậy.

Người giáo viên mà tôi yêu quý và kính trọng nhất là cô Nguyễn Thu Hà. Cô là giáo viên chủ nhiệm của lớp tôi, cũng là giáo viên dạy môn Ngữ văn. Năm nay, cô ba mươi sáu tuổi. Khuôn mặt của cô trông rất hiền dịu. Nước da trắng hồng, cùng mái tóc dài ngang vai. Đôi mắt với ánh nhìn dịu dàng. Nụ cười của cô luôn rạng rỡ trên môi. Mỗi khi đến lớp, cô thường mặc những trang phục đơn giản, nhưng toát lên vẻ thanh lịch. Tôi cảm thấy cô rất xinh đẹp, trẻ trung.

Trong giờ học, cô là một giáo viên rất nghiêm khắc. Dù vậy, cô cũng rất tâm lí. Cô luôn dành thời gian để truyền đạt cho học sinh kiến thức của môn học một cách tốt nhất. Giọng nói của cô vừa truyền cảm, vừa ấm áp. Tôi rất yêu thích giọng nói của cô. Mỗi khi có bạn không chú ý nghe giảng, cô đều nhắc nhở nhẹ nhàng. Cô rất hay ở lại lớp trong những giờ ra chơi để trò chuyện cùng chúng tôi. Cô tâm sự với cả lớp rất nhiều điều: từ việc học tập, đến vấn đề trong cuộc sống. Nhờ có cô, tôi cảm thấy học được rất nhiều điều bổ ích.

Tôi còn nhớ mãi một kỉ niệm về cô. Hôm đó, cô gọi tôi lên bảng để kiểm tra bài cũ. Nhưng tối hôm trước, tôi đã không học bài do mải xem phim. Khi nghe cô hỏi, tôi không trả lời được câu hỏi. Lúc đó, tôi nhìn thấy ánh mắt của cô rất buồn. Từ trước tới nay, tôi luôn là một học sinh chăm chỉ. Việc xảy ra ngày hôm nay có lẽ đã khiến cô cảm thấy thất vọng. Cô không trách mắng, mà yêu cầu tôi về chỗ. Cả buổi học hôm đó, tâm trạng của tôi rất nặng nề. Tôi tự trách bản thân. Cuối buổi học, tôi đã chủ động lên xin lỗi cô. Lời nhắc nhở của cô khiến tôi còn nhớ mãi. Nhờ có cô, tôi mới ý thức học tập chăm chỉ hơn.

“Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy” - Đó là câu tục ngữ đề cao vai trò của người giáo viên. Bởi vậy, tôi luôn tự nhắc nhở bản thân phải yêu quý và kính trọng cô giáo của mình.

Nhằm hỗ trợ học sinh giải đáp các câu hỏi cũng như hoàn thiện chương trình soạn văn 7, KhoaHoc hướng dẫn chi tiết nội dung từng bài học bám sát với nội dung chương trình học của SGK Kết nối tri thức với cuộc sống lớp 7. Chuyên mục Ngữ văn 7 KNTT tập 1 bao gồm tất cả các bài soạn văn trong chương trình học sách Kết nối tri thức với cuộc sống được giáo viên KhoaHoc biên soạn chi tiết nhằm hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập và soạn văn 7.

  • 1.749 lượt xem