Tả lại con vịt (hoặc con ngan hay con ngỗng)
Đề bài: Tả lại con vịt (hoặc con ngan hay con ngỗng)
Bài làm:
Quạc...quạc...quạc...
Đó là tiếng kêu của chú vịt nhà em. Chú ta đang gọi cả đàn con đằm mình xuống cái ao ở góc nhà. Em rất yêu chú và gọi chú là Bầu.
Bầu nhà em thuộc giống vịt Cỏ, vốn có nguồn gốc từ vịt trời được thuần hóa để thích nghi với đời sống chăn thả. Cô nàng đã được gần ba tháng tuổi, nặng khoảng 1.5 ki-lô-gam. Lúc mới mang về, Bầu chỉ là một con vịt mới nở, bé xíu với bộ lông vàng óng, tròn xoe như một cục bông. Khi ấy chỉ bằng một tay em cũng có thể ôm được nàng ta, còn giờ thì nàng ta đã phổng phao, ra dáng một bà mẹ lắm rồi.
Bầu khoác lên mình một bộ lông trắng muốt, mềm mại, mượt mà. Cái cổ dài uốn cong như cầu vồng với cái đầu nhỏ chuyển động liên tục. Khác với vịt xiêm, vịt bầu, cái mỏ của Bầu mang màu da cam vô cùng nổi bật. Phía trên cái mỏ bè bè ra ấy hơi gồ lên một chút, như một chiếc mũ nhỏ. Cái mỏ nổi bật nên chỉ cần nhìn từ xa em cũng có thể nhận ra cô nàng trong đám vịt đang chạy loạn ven ao. Đôi mắt của Bầu nhỏ, đen tuyền như hạt cườm, phía bên ngoài mắt có một vòng tròn màu vàng.
Đôi chân của Bầu thanh mảnh, dài hơn nhiều so với thân hình của mình. Bàn chân Bầu chỉ có ba ngón và có một lớp mang nối liền ba ngón chân ấy lại. Chính màng này giúp cô nàng có thể bơi lội thỏa thích, nhởn nhơ kiếm ăn trên ao mà không lo sợ bị mất đà hay ngã xuống. Cũng nhờ đôi chân ấy mà Bầu di chuyển rất nhanh và cô nàng kiếm mồi cũng rất giỏi. Chỉ cần kiếm được miếng mồi ngon, là con giun hay dế, nàng ta đều gọi lũ con lại và chia cho chúng.
Ngày nào cũng vậy, Bầu cùng mấy cô vịt mái lại quàng quạc vang động cả vườn để gọi lũ con. Chỉ cần nghe thấy tiếng mẹ, không biết từ đâu mấy cục bông vàng óng chạy về, rồi theo chân mẹ lạch bạch xuống dưới ao kiếm ăn. Bầu sẽ đi trước, đạp chân bơi ra cách bờ ao một quãng rồi dừng lại đợi mấy con vịt con từ trên bờ nhảy xuống bơi theo cùng. Nhìn lũ con đã xuống nước hết, cô nàng mới yên tâm bơi quanh ao để kiếm chú cá nhỏ hay vài chú tôm. Thỉnh thoảng, cô lại ngước cái cổ cao lên, đôi mắt tròn xoe đảo liên tục để tìm lũ con bé bỏng. Cũng có lúc cô dùng cái mỏ để rỉa lông, giũ sạch lớp đất cát còn dính lại trên bộ lông trắng muốt của mình.
Em còn nhớ, lần đầu tiên Bầu đẻ và ấp trứng. Nom cô nàng có vẻ vội vã, hấp tấp. Bầu không còn tha thẩn kiếm ăn quanh vườn nữa mà cả ngày túc trực bên cái ổ rơm bố làm để đặt mấy quả trứng vào. Cô nàng ấp trứng một cách cần mẫn, chỉ khi đói hay được cho ăn thêm thóc, nàng ta mới rời khỏi cái ổ để ra ngoài. Ngày mấy chú vịt con mổ vỏ chui ra, nàng ta vui lắm. Đôi chân dài lạch bạch dậm dậm trên mặt đất rồi dùng cái mỏ dụi dụi vào đám lông vàng óng trong ổ. Hai cái cánh vỗ nhè nhẹ, giữ cho đám vịt con không bị ngã khỏi ổ. Cô Bầu của em đã trở thành mẹ thật rồi!
Em rất thích ngắm nhìn Bầu thong dong trong vườn hay tung tăng dưới ao với đàn con của mình. Bởi khi ấy, em nhận ra rằng, dù là con người hay con vật thì tình mẫu tử vẫn luôn thiêng liêng và đáng trân trọng như vậy.
Xem thêm bài viết khác
- Kể về việc làm tốt của bạn: Hoàng nhặt được ví và trả lại cho người bị mất
- Từ câu chuyện trên, em suy nghĩ như thế nào về trách nhiệm của công dân với đất nước ?
- Có thể tách mỗi vế câu ghép vừa tìm được ở bài tập 1 thành một câu đơn được không? Vì sao?
- Vì sao có thể nói ông Giang Văn Minh là người trí dũng song toàn?
- Kể chuyện đã nghe, đã đọc: Những tấm lòng cao cả - chương 1
- Giải bài Chính tả Sang năm con lên bảy
- Kể chuyện về các bạn nữ thông minh tài giỏi: Lớp trưởng lớp tôi
- Giải bài Chính tả: Tà áo dài Việt Nam
- Câu chuyện giữa anh Thành và anh Lê nhiều lúc không ăn nhập với nhau. Hãy tìm những chi tiết thể hiện điều đó và giải thích vì sao như vậy.
- Giải bài Chính tả: Ai là thủy tổ loài người?
- Thêm một vế câu vào chỗ trống để tạo thành câu ghép?
- Giải bài Chính tả: Núi non hùng vĩ