Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về "bệnh vô cảm" trong xã hội hiện nay
Đề bài: Anh/ chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về "bệnh vô cảm" trong xã hội hiện nay. (Đây là đề 1 trong bài viết số 6 ngữ văn lớp 11)
Bài làm:
“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng
Để làm gì, em biết không?
Để gió cuốn đi...”
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã gửi gắm qua những nốt nhạc của mình một sợi chỉ đỏ để gắn kết con người với nhau. Đó chính là “tấm lòng” theo gió cuốn đi. Thế nhưng, thực trạng của xã hội hiện đại lại không đẹp như lời bài hát, bởi căn bệnh vô cảm đã và đang lan truyền một cách chóng mặt - một căn bệnh nguy hiểm mà ai trong số chúng ta cũng có thể mắc phải.
Yêu thương nhau mới khó, chứ xa cách nhau thì chẳng phải là chuyện quá dễ dàng sao? Vô cảm là trạng thái cảm xúc mang tính tiêu cực, là sự tuyệt đối của thờ ơ, lạnh lùng. Sự bình thản một cách đáng sợ của chúng ta trước mọi biến đổi của cuộc sống xung quanh đã tạo nên những bức tưởng kiên cố ngăn cách ta với thế giới. Benjamin Franklin đã nhắc tới những con người với căn bệnh vô cảm ấy qua câu nói “Có những người chết ở tuổi 25 và đến 75 tuổi mới được chôn”. Câu nói có khiến ai đó giật mình? Ta có ở trong đó không? Ta chết khi còn quá trẻ. Vì tâm hồn ta mục ruỗng, héo úa, tàn tạ. Lẽ sống của ta cũng không còn vì ta chưa bao giờ cho đi để nhận lại yêu thương. Yêu thương sẽ chỉ được nảy mầm khi nó được gieo xuống và được chăm sóc hàng ngày. Vô cảm chính là thứ thuốc độc giết chết tâm hồn của ta, khi chúng chưa kịp gieo xuống đất và lớn lên.
Xã hội càng hiện đại, lượng thông tin mà chúng ta nhận được từ nó lại càng nhiều. Nhưng đáng buồn thay, ngày qua ngày những thông tin ấy chỉ toàn là mặt tối của hiện đại, của phát triển. Ta rùng mình ớn lạnh khi nghe tin một đứa bé 12,13 tuổi dám thẳng tay giết hại người bà của mình chỉ vì vài chục nghìn thỏa mãn đam mê với những trò chơi ảo trên mạng. Người yêu cũ sẵn sàng giết hại cả nhà bạn gái chỉ vì sự ngăn cản từ phía gia đình. Bao nhiêu cái chết thương tâm, bao nhiêu mạng người vô tội chỉ vì những con quỷ dữ máu lạnh tồn tại trong tâm hồn và chỉ một phút lơ là, nó đã cướp đi phần lương thiện trong ta.
Còn đau đớn hơn khi ngày ngày trên mặt báo là những khuôn mặt ngây thơ vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường đã sẵn sàng hành hung bạn bằng dao, bằng kiếm, bằng những trận ẩu đả đậm chất giang hồ chỉ vì bạn lỡ lời trên mạng xã hội hay vì nhắn tin vụng trộm với “bạn trai”, “bạn gái” của mình. Nhưng buồn hơn nữa là bạn bè đứng đó, không những không can ngăn, không tìm cách giúp bạn hòa giải mà lại cổ vũ, xúi bẩy, quay clip đăng lên mạng để nhận được những ánh nhìn mà đối với chúng là sự ngưỡng mộ, là sự nể phục. Điều gì đã khiến những cô cậu học trò áo trắng đơn thuần mang trong mình một tâm hồn hiếu chiến đến thế? Sẽ ra sao nếu các em vẫn cứ tiếp tục thờ ơ với chính mình, tiếp tục sống với những tháng ngày bồng bột, thiếu suy nghĩ, với sự vô cảm cứ lớn dần lên không cách nào kìm hãm lại được? Thật khó mà tưởng tưởng một đất nước với những con người lấy thách thức làm bản lĩnh, lấy chiến tích của những cuộc ẩu đả làm thước đo giá trị của con người, đất nước ấy không biết sẽ đi về đâu.
Ta quên làm sao được tiếng khóc nức nở, tiếng van xin đầy bất lực của anh tài xế trong vụ hôi bia ở Đồng Nai tháng 12/2013. Nhìn đôi mắt ngỡ ngàng, đôi tay run rẩy và sự níu kéo tuyệt vọng của anh ta có thấy nhói lòng? Người ta bỏ qua hết những âm thanh ấy, bước qua giá trị đạo đức thường ngày, đạp đổ lằn ranh của sự lương thiện mà bước chân sang bờ bên kia của cái ác. Đôi khi, ranh giới giữa thiện và ác cũng chỉ mong manh như một tấm màn mỏng. Vậy mà ta vẫn không đủ lý trí để xé toạc tấm màn mà sống với đúng lương tri của mình.
Tố Hữu đã từng viết:
“Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người với người sống để yêu nhau...”
Lương thiện là bản tính vốn có của mỗi người. Mới sinh ra chúng ta có ai là người xấu? Nhưng dòng đời xuôi ngược bon chen với gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến ta thay đổi, biến chất. Con người bị những thứ vật chất phù phiếm che mắt để rồi sa ngã, đánh mất chính mình. Tiền tài, danh lợi lại là thứ được xếp trước đạo đức và nhân cách con người. Sự tác động khách quan từ cuộc sống cũng chỉ là một phần nhưng quan trọng nhất vẫn là cá nhân mỗi chúng ta. Nếu chúng ta đủ lý trí và bản lĩnh đã không bị cám dỗ bởi những thứ phù hoa ấy. Hoặc giả như ta kiên định ngay từ đầu với quan điểm sống của riêng mình thì ta còn dễ bị lung lay bới những tác động trong chốc lát từ ngoại cảnh sao?
Hệ lụy tất yếu của căn bệnh vô cảm là mọi sự kết nối trở nên màu mè, vô nghĩa. Con người sống với nhau bằng sự giả dối, hời hợt. Những mối quan hệ dần rạn nứt, mờ nhòe bởi ta thu mình lại trong vỏ ốc chật hẹp, chỉ đủ chỗ cho những toan tính nhỏ nhen và ích kỷ. Con người không còn rung động trước cái đẹp mong manh, khó nắm bắt của thiên nhiên như màu “trắng điểm” hoa lê trong Truyện Kiều vì họ chỉ đi lướt qua, chứ không dừng lại để cảm nhận. Con người cũng sẽ không yêu bằng sự cao thượng như Puskin, nồng nàn, mãnh liệt như Xuân Diệu, cũng chẳng phải là sự quê mùa chân thật như Nguyễn Bính nữa, thay vào đó là một tình yêu đầy thực dụng của tình - tiền - tài. Chao ôi! Xã hội bây giờ sao mà loạn quá!
Thế nhưng, ta vẫn hãy giữ niềm tin vào tình yêu và tấm lòng. Bởi đâu đó xung quanh ta vẫn có những người nguyện ươm những mầm lương thiện vào đất, ấp ủ nó từng ngày, từng giờ; nâng niu, chia sẻ từng miếng cơm, manh áo cho những người kém may mắn hơn ta. Cũng có thể chỉ là một lời an ủi, động viên rất nhỏ từ một người xa lạ lúc ta đang lạc đường, lỡ bước cũng đủ để kéo một tâm hồn lạc về lại với cuộc sống. Chỉ có yêu thương mới đủ sức đánh bại được bệnh vô cảm đang ăn sâu vào suy nghĩ những con người hiện đại. Mà yêu thương ở đâu được? Trong mỗi chúng ta vẫn luôn có một hạt mầm, chỉ cầm ươm cho nó lớn lên....
Bệnh vô cảm đang hủy hoại cộng đồng từng ngày và nó sẽ còn phát triển không ngừng nếu chúng ta vẫn ích kỷ, nhỏ nhen với suy nghĩ bó hẹp trong cái giếng của mình. Yêu thương và chia sẻ, dù nhỏ nhưng tôi tin nó vẫn sẽ đủ sức để lan truyền tới trái tim của tất cả mọi người. Giống như ở đâu đó trên Trái Đất này, Chí Phèo sẽ vẫn gặp Thị Nở ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời mình....
Xem thêm bài viết khác
- Căn cứ vào nhan đề và phần mở đầu, xác định chủ đề nghị luận của văn bản
- Soạn Văn 11 bài Ôn tập phần văn học Soạn bài Ôn tập phần văn học
- Nội dung chính bài Thao tác lập luận bác bỏ
- Nghị luận về: Làm thế nào để môi trường sống của chúng ta ngày càng xanh, sạch đẹp
- Nội dung chính bài Ôn tập phần văn học Soạn bài Ôn tập phần văn học
- Phân tích cách bác bỏ trong hai đoạn trích
- Soạn bài Một thời đại trong thi ca Soạn văn 11 bài Một thời đại trong thi ca
- Xác định những từ ngữ thể hiện nghĩa tình thái trong các câu sau
- Soạn văn bài: Nghĩa của câu (tiếp theo)
- Bài viết số 6 văn lớp 11 Nghị luận xã hội: giải tất các đề
- Vai trò của Phăng-tin trong diễn biến cốt truyện
- Anh (chị) hiểu thế nào về câu thơ đề từ "Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài"