Bàn về tình trạng bạo lực học đường hiện nay.
Đề bài: Bàn về tình trạng bạo lực học đường hiện nay.
Tuổi học trò là lứa tuổi đẹp đẽ, là hình ảnh những cô bé cậu bé sánh vai nhau trên con đường đầy hoa phượng rơi. Thế nhưng, tình trạng bạo lực học đường hiện nay ngày càng trở nên nghiêm trọng, trở thành một ác mộng đối với lứa tuổi đẹp nhất của đời người này.
Bạo lực học đường là bạo lực giữa các học sinh trong phạm vi trường học cũng như những vụ tấn công bởi học sinh nhằm vào giáo viên của trường hoặc các bạn học sinh khác trong trường. Nó ngày càng trở nên nghiêm trọng bởi vũ khí hiện nay của nó là dao, là súng, hay thậm chí là những lời nói gây sát thương về mặt tinh thần.
Tại Việt Nam, số liệu được Bộ Giáo dục và đào tạo đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau... Ở nước ngoài, bạo lực học đường diễn biến phức tạp hơn nhiều lần. Khoảng 1/3 số học sinh Mỹ nói rằng họ từ bị bạo hành tại trường học, một số ít từng bị hăm doạ trên mạng. Nhiều em học sinh đã tự tử vì không thể chịu đựng được sự công kích cá nhân nhắm vào bản thân. Không ai ở Mỹ có thể quên được vụ thảm sát trường trung học Columbine, khi mà hai học sinh đã xả súng giết 13 người, 24 người khác bị thương.
Vậy nguyên nhân của bạo lực học đường đến từ đâu? Nguyên nhân đầu tiên có thể nói đến là do ảnh hưởng từ môi trường văn hóa bao lực như phim ảnh, sách báo, game bạo lực, đồ chơi mang tính bạo lực. Thứ hai, đó là do sự lơi lỏng của nhà trường và cha mẹ. Có thể vì cha mẹ thường xuyên quát mắng con cái, vô tình tạo nên tính cách bạo lực trong con mình. Ngoài ra, đó là do sự chuyển biến về tâm lý của bản thân đối tượng, đây là giai đoạn hình thành nhân cách ở con người, cùng với đó là tâm lý không ổn định và cái tôi cá nhân cao vót ở lứa tuổi ăn chưa đủ no lo chưa tới này khiến các em thấy bức bối và muốn giải thoát. Trong giai đoạn này chỉ cần những tác động kích thích xấu từ thế giới bên ngoài cũng khiến các em học theo.
Bạo lực học đường đã trở thành mối quan tâm của rất nhiều gia đình, các nhà trường và là nỗi trăn trở của toàn xã hội bởi hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra. Bởi nó sẽ tác động vào tâm lý của con người, khiến các em ám ảnh đến hết cuộc đời, tác động vào quá trình phát triển nhân cách. Trong nhiều vụ bạo lực được nói tới, không ít những vụ bạo lực đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt thể xác. Nhẹ nhàng có thể là những vết bầm tím nhưng cũng có thể là những thương tích nặng phải vào bệnh viện điều trị. Tồi tệ hơn khi không ít vụ bạo lực đã cướp đi sinh mạng của những học sinh vô tội để lại sự thiệt thòi, đau đớn không chỉ về mặt thể xác mà cả tinh thần cho học sinh và gia đình. Những đứa trẻ bị bạo lực, nhất là bạo lực về tinh thần, bạo lực ngôn ngữ thường cảm thấy bị tổn thương, chán nản, lo âu, cô đơn, suy sụp… Sự sợ hãi hoặc nỗi ám ảnh làm thế nào để đối phó những kẻ bắt nạt có thể khiến trẻ bị stress. Thậm chí, tình trạng này có thể kéo dài suốt cuộc đời. Các em không dám ra ngoài chơi hoặc đến trường, không thể tập trung vào học hành. Đó là chưa kể, gần đây có những vụ bạo lực học đường đã dẫn tới những cái chết thương tâm của những em học sinh vô tội. Nỗi đau đó đối với bất cứ gia đình nào cũng không thể bù đắp được. Cùng với những ảnh hưởng tới văn hóa truyền thống của xã hội thì hành vi bạo lực chốn học đường cũng đã là một phần không nhỏ làm mất trật tự xã hội.
Vậy phải làm gì để chấm dứt tình trạng này? Trước tiên, về xã hội, chúng ta phải ngăn chặn khả năng tiếp xúc của học sinh đến những trò chơi, truyện tranh bạo lực. Gia đình và nhà trường cần có sự liên kết chặt chẽ để cùng nhau giúp học sinh phát triển trong môi trường lành mạnh. Các giáo viên cần chú trọng song song việc bồi dưỡng tri thức và giáo dục nhân cách, đạo đức cho các em học sinh. Bên cạnh đó cần giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, rèn luyện các kĩ năng ứng xử, giảm tải các chương trình học thay vào đó là những giờ học ngoại khoá các hoạt động vui chơi, giao lưu bổ ích cho học sinh. Các giáo viên có thểquan tâm và chia sẻ đến các em như những người bạn, để kịp thời giải tỏa những vướng mắc, xích mích giữa các em học sinh với nhau, xây dựng một môi trường lớp học thân thiện, đoàn kết. Đồng thời, giáo viên cần cung cấp những số điện thoại nóng để có thể hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân của bạo lực học đường. Quan trọng hơn hết, mỗi em học sinh phải luôn nhắc nhở, tôi luyện bản thân, cũng như bảo vệ chính mình trước tình trạng bắt nạt.
Dẫu biết rằng, tình trạng bạo lực học đường là một vấn đề vô cùng nan giải, không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Nhưng tôi tin rằng, với sự chung tay của xã hội, gia đình, nhà trường, và của chính các em học sinh, nhà trường sẽ lại là nơi các em được yên tâm học hành, vui chơi, thể hiện chính mình.
Xem thêm bài viết khác
- Hiện nay, khủng bố đang làm một vấn nạn có ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Anh/chị có suy nghĩ thế nào về hiện tượng này?
- Ở trên đời, mọi chuyện đều không có gì khó khăn nếu ước mơ của mình đủ lớn
- Phân tích người lái đò sông Đà (9 mẫu) Sơ đồ tư duy người lái đò sông Đà
- Nghị luận về ý kiến của Điđơro ”Nếu không có mục đích, anh không làm được gì cả, Anh cũng không làm được cái gì vĩ đại nếu như mục đích tầm thường”
- Ý nghĩa nhan đề các tác phẩm Ngữ văn lớp 12 Văn mẫu 12
- Phân tích đoạn 2 Tây Tiến của Quang Dũng hay chọn lọc Phân tích khổ 2 bài thơ Tây Tiến
- Văn mẫu 12 bài viết số 2 đề 2: Hiện nay nước ta có nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiếm sống trong các thành phố...
- Bài văn mẫu: Ôi! Sống đẹp là thế nào, hỡi bạn?
- Nghị luận văn học dạng bài phân tích tình huống truyện
- Điều tôi muốn biết trước tiên không phải là bạn đã thất bại ra sao mà là bạn đã chấp nhận nó như thế nào Văn mẫu lớp 12
- Nghị luận văn học dạng phân tích giá trị hiên thực của tác phẩm
- Viết đoạn văn 200 chữ về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống Nghị luận xã hội 200 chữ về sức mạnh ý chí