Bộ đề thi giữa học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3 Đề thi giữa kì 2 lớp 3 môn Tiếng Việt

Nội dung
  • 4 Đánh giá

KhoaHoc mời các bạn cùng tham khảo Bộ đề thi giữa học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3 với những đề thi môn Tiếng Việt 3 khác nhau được chúng tôi tổng hợp trong bài viết dưới đây.

Đề thi giữa học kì 2 lớp 3 môn Tiếng Việt - Đề 1

A. Kiểm tra Đọc

Học sinh đọc thầm bài sau rồi làm bài tập theo yêu cầu:

Vịt con và gà con

Một hôm, Vịt con và Gà con đang chơi trốn tìm trong rừng, bỗng nhiên có một con Cáo xuất hiện. Nhìn thấy Cáo, Vịt con sợ quá khóc ầm lên. Gà con thấy thế vội bỏ mặc Vịt con, bay lên cành cây để trốn. Chú giả vờ không nghe, không thấy Vịt con đang hoảng hốt kêu cứu.

Cáo đã đến rất gần, Vịt con sợ quá, quên mất bên cạnh mình có một hồ nước, chú vội vàng nằm giả vờ chết. Cáo vốn không thích ăn thịt chết, nó lại gần Vịt, ngửi vài cái rồi bỏ đi.

Gà con đậu trên cây cao thấy Cáo bỏ đi, liền nhảy xuống. Ai dè "tùm" một tiếng, Gà con rơi thẳng xuống nước, cậu chới với kêu:

- "Cứu tôi với, tôi không biết bơi!"

Vịt con nghe tiếng kêu, không ngần ngại lao xuống cứu Gà con lên bờ. Rũ bộ lông ướt sũng, Gà con xấu hổ nói:

- Cậu hãy tha lỗi cho tớ, sau này nhất định tớ sẽ không bao giờ bỏ rơi cậu nữa.

(Theo Những câu chuyện về tình bạn)

Câu 1: Khi thấy Vịt con kêu khóc, Gà con đã làm gì? (0,5 điểm)

Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng:

A. Gà con vội vàng nằm giả vờ chết.

B. Gà con sợ quá khóc ầm lên.

C. Gà con đến cứu Vịt con.

D. Gà con bỏ mặc Vịt con, bay lên cây cao để trốn.

Câu 2: Trong lúc nguy hiểm, Vịt con đã làm gì để thoát thân? (0,5điểm)

Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng:

A. Vịt con nhảy xuống hồ nước ngay bên cạnh.

B. Vịt con hốt hoảng kêu cứu.

C. Vịt con vội vàng nằm giả vờ chết.

D. Vịt con vội vàng bỏ chạy.

Câu 3: Theo em, cuối cùng Gà con đã rút ra được bài học gì? (1 điểm)

Câu 4: Vì sao Gà con cảm thấy xấu hổ? (0,5 điểm)

Đúng điền Đ, Sai điền S vào mỗi ô trống trước các ý sau:

[ ] Vì Gà con thấy Vịt con bơi giỏi.

[ ] Vì Vịt con tốt bụng, đã cứu giúp Gà con khi Gà con gặp nạn.

[ ] Vì Gà con thấy Vịt con sợ quá khóc to.

Câu 5: Qua câu chuyện trên, em học được điều gì? (1 điểm)

Câu 6: Hãy tìm trong bài một câu nói về sự dũng cảm của Vịt con. (0,5 điểm)

Câu 7: Tìm và gạch chân dưới các từ chỉ hoạt động, trạng thái có trong câu văn sau: (0,5 điểm)

Gà con đậu trên cây cao thấy Cáo bỏ đi, liền nhảy xuống.

Câu 8: Đặt dấu chấm, dấu phẩy và dấu hai chấm vào chỗ thích hợp trong câu dưới đây: (1 điểm)

Hồng nói với bạn ( ) " Ngày mai ( ) mình đi về ngoại chơi ( )"

Câu 9: Đặt một câu có sử dụng biện pháp nhân hóa. (0,5điểm )

B. Kiểm tra Viết

I. Chính tả

- Yêu cầu: Giáo viên viết đề bài lên bảng sau đó đọc đoạn chính tả cho học sinh viết vào giấy kẻ có ô li

Cây gạo

Mùa xuân, cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim. Từ xa nhìn lại, cây gạo sừng sững như một tháp đèn khổng lồ. Hàng ngàn bông hoa là hàng ngàn ngọn lửa hồng tươi. Hàng ngàn búp nõn là hàng ngàn ánh nến trong xanh. Tất cả đều lóng lánh, lung linh trong nắng. Chào mào, sáo sậu, sáo đen... đàn đàn lũ lũ bay đi bay về, lượn lên lượn xuống.

II. Tập làm văn

Hãy viết một đoạn văn ngắn (từ 7 đến 10 câu) kể lại một việc tốt em đã làm để góp phần bảo vệ môi trường, trong đó có sử dụng biện pháp nhân hóa.

Đáp án Đề thi giữa học kì 2 lớp 3 môn Tiếng Việt - Đề 1

A. Kiểm tra Đọc

Câu 1: D

Câu 2: C

Câu 3:

Gà con biết lỗi của mình là: Gà con xin lỗi Vịt con và hứa không bao giờ bỏ rơi Vịt con nữa. Hoặc " Không bao giờ bỏ rơi bạn khi bạn gặp khó khăn, nguy hiểm."; ...

Câu 4:

- Theo thứ tự: S , Đ , S

Câu 5:

(HS tự nêu)

Câu 6:

Vịt con nghe tiếng kêu, không ngần ngại lao xuống cứu Gà con lên bờ.

Câu 7:

Các từ chỉ hoạt động, trạng thái là: đậu, thấy, bỏ đi, nhảy xuống.

Câu 8:

Hồng nói với bạn: "Ngày mai, mình đi về ngoại chơi."

Câu 9:

(HS tự đặt câu)

B. Kiểm tra Viết

I. Chính tả: (4 điểm)

- Tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm

- Chữ viết rõ ràng, đúng cỡ chữ: 1 điểm

- Viết đúng chính tả mắc không quá 5 lỗi: 1 điểm

(Nếu đến 9 lỗi: 0,5 điểm, hơn 9 lỗi : 0 điểm)

- Trình bày đúng quy định, sạch đẹp: 1 điểm

II. Tập làm văn: (6 điểm)

- Nội dung (ý): 3 điểm

Học sinh viết được đoạn văn gồm các ý theo đúng yêu cầu nêu trong đề bài.

- Kĩ năng: 3 điểm

+ Điểm tối đa cho kĩ năng viết chữ, viết đúng chính tả: 1 điểm

+ Điểm tối đa cho kĩ năng dùng từ, đặt câu: 1 điểm

Mẫu:

Tuần vừa qua lớp chúng em đã tham gia hoạt động dọn dẹp con đường trong chiến dịch bảo vệ môi trường xanh. Theo sự phân công của lớp trưởng lớp chúng em chia làm bốn nhóm, mỗi nhóm mười người, tự phân chia nhau đem theo chổi, bao đựng rác và đồ hốt rác, với tinh thần hăng hái bạn nào cũng tự giác mang theo dụng cụ đầy đủ. Lớp chúng em lần lượt đi dọc con đường nhựa dẫn vào trường để thu gom những chai lọ, túi ni lông, giấy rác,... rồi bỏ gọn vào vào túi đựng rác, sau đó đem tập kết vào chỗ có thùng đựng rác. Những bạn mang chổi thì nhận nhiệm vụ quét dọn những loại rác nhỏ không thể nhặt bằng tay rồi dùng xúc rác hốt sạch sẽ cho vào túi. Vì làm việc tích cực và hiệu quả thế nên chúng em đã dọn sạch con đường chỉ trong vòng một tiếng rưỡi. Dù vất vả nhưng với em đó là một ngày vô cùng có ý nghĩa với em. Dẫu phải nhặt những loại rác bẩn, nhưng nhờ phần công sức này mà môi trường sống, môi trường học tập xung quanh em đã trở nên sạch đẹp hơn rất nhiều. Thế nên dẫu có mệt, nhưng em luôn tự hào vì mình đã làm được một việc có ích.

Đề thi giữa học kì 2 lớp 3 môn Tiếng Việt - Đề 2

A. Kiểm tra Đọc

I. ĐỌC HIỂU

Đọc thầm bài văn sau:

Những bông hoa tím

Cồn cát cao trên kia là chỗ cô Mai nằm nghỉ. Những cây dương đang độ lớn vây quanh mộ cô. Hôm trước mẹ dắt Nhi ra thăm mộ, mẹ đọc hàng chữ đỏ khắc trên bia: "Nguyễn Thị Mai, dân quân, hi sinh ngày 10-10-1968". Mẹ không nói gì cả. Nhi cảm thấy bàn tay mẹ siết chặt lấy bàn tay bé nhỏ của Nhi. Ngày ấy, mẹ cùng cô Mai ở chung tiểu đội dân quân. Đêm nào mẹ cũng đi tuần trên bãi.

Những người già trong làng kể lại rằng: Chiều nào, cô Mai cũng ra cồn cát đó với một khẩu súng trường. Và trên nền cát trắng tinh, nơi ngực cô Mai tì xuống đón đường bay của giặc, mọc lên những bông hoa tím. Ngày chiếc máy bay bốc cháy đâm đầu xuống biển cũng là ngày cô Mai hi sinh. Những bông hoa ấy vừa nở, mùi thơm bay về tận làng làm nôn nao cả lòng người những buổi chiều như chiều nay.

Lũ trẻ ngồi im nghe các cụ già kể chuyện. Hôm sau chúng rủ nhau ra cồn cát cao tìm những bông hoa ấy. Lúc về, tay đứa nào cũng đầy một nắm hoa. Nhi gọi mẹ ríu rít:

- Mẹ ơi, những cồn cát cao sau làng, chỗ nào cô Mai cũng tì ngực xuống để bắn máy bay. Con thấy toàn hoa là hoa!

(Trần Nhật Thu)

Khoanh vào chữ cái trước câu trả lời đúng:

Câu 1: Vì sao khi đứng trước mộ của cô Mai, mẹ lại siết chặt bàn tay bé nhỏ của Nhi?

a. Vì mẹ muốn Nhi im lặng để tưởng nhớ cô Mai.

b. Vì mẹ căm giận kẻ thù đã giết chết cô Mai.

c. Vì mẹ rất xúc động khi nhớ đến người đồng đội đã hi sinh nên siết chặt tay Nhi để kìm bớt xúc động.

Câu 2: Câu chuyện của các cụ già kể vể điều gì?

a. Về nguồn gốc của những bông hoa tím.

b. Kể về việc cô Mai chiến đấu bắn máy bay địch và việc cô đã hi sinh anh dũng như thế nào.

c. Kể về việc chiếc máy bay địch bốc cháy.

Câu 3: Vì sao mùi thơm của những bông hoa tím lại làm nôn nao lòng người?

a. Vì mùi hương đó nhắc mọi người nhớ đến cô Mai, người liệt sĩ đã hi sinh vì cuộc sống hoà bình của dân làng.

b. Vì hoa tím có mùi hương rất nồng.

c. Vì hoa tím nhắc mọi người nhớ đến các chiến sĩ đang chiến đấu ngoài mặt trận.

Câu 4: Vì sao câu chuyện về cô Mai có tên là "Những bông hoa tím"?

a. Vì cô Mai thích hoa tím.

b. Vì hoa tím tượng trưng cho sự chung thuỷ.

c. Vì hoa tím mọc lên nơi ngực cô Mai tì xuống để bắn máy bay giặc.

Câu 5: Chi tiết "nơi cồn cát sau làng mọc toàn hoa tím" gợi cho em cảm nghĩ gì?

II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU

Câu 1: Chọn từ ngữ trong ngoặc đơn điền vào chỗ trống thích hợp.

Câu chuyện "Những bông hoa tím" kể về... (1) và... (2) của một nữ... (3). Chuyện kể rằng: trong cuộc kháng chiến... (4), tại một làng chài nhỏ ven biển có một cô ...(5) tên là Nguyễn Thị Mai. Với một... (6), cô đã... (7) bắn rơi máy bay địch và đă hi sinh... (8).

(chiến công, anh dũng, liệt sĩ, dân quân, sự hi sinh, khẩu súng trường, chống Mĩ cứu nước, chiến đấu)

Câu 2: Đặt câu theo mẫu Ai là gì? để:

a) Nói về cô Mai.

b) Nói về những bông hoa tím.

c) Nói về những người già trong làng.

Câu 3: Điền dấu phẩy vào những chỗ thích hợp trong hai câu văn sau:

a) Chiều nào cô Mai cũng cầm khẩu súng trường ra cồn cát sau làng tì ngực trên nền cát trắng đón đường bay của địch.

b) Dân làng luôn nhớ đến cô tự hào về cô, họ nâng niu những bông hoa tím.

B. Kiểm tra Viết

Đề 1. Để nhớ công ơn những người đã chiến đấu, hi sinh vì Tổ quốc như cô Mai, trường em đã phát động phong trào thi đua "Uống nước nhớ nguồn". Em hãy báo cáo kết quả công việc tổ mình đã làm để giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ nơi em sống.

Đề 2. Hãy kể lại tóm tắt câu chuyện "Những bông hoa tím" bằng lời của mình.

Đáp án Đề thi giữa học kì 2 lớp 3 môn Tiếng Việt - Đề 2

A. Kiểm tra Đọc

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1: c

Câu 2: b

Câu 3: a

Câu 4: c

Câu 5:

Các cụ già đã kể rằng những bông hoa tím mọc lên trên cồn cát nơi ngực cô Mai tì xuống đón đường bay của giặc. Những bông hoa tím như một huyền thoại, nó tượng trưng cho sự hi sinh cao cả của cô Mai. Chi tiết trên cồn cát sau làng mọc lên những bông hoa tím là một chi tiết rất có ý nghĩa, vì nó nói về sự bất tử của cô Mai.

II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU

Câu 1:

- Thứ tự các từ ngữ cần điền: (1): chiến công; (2): sự hi sinh; (3): liệt sĩ; (4): chống Mĩ cứu nước; (5): dân quân; (6): khẩu súng trường; (7): chiến đấu; (8): anh dũng.

Câu 2:

- Đặt câu:

a) Cô Mai là một liệt sĩ đã anh dũng hi sinh trong thời kì chống Mĩ cứu nước.

b) Những bông hoa tím là một truyền thuyết đẹp về một người nữ liệt sĩ đã hi sinh thân mình cho Tổ quốc.

c) Người già trong làng là những người đã chứng kiến sự hi sinh của cô Mai.

Câu 3:

- Các câu văn sau khi đã điền dấu phẩy:

a) Chiều nào, cô Mai cũng cầm khẩu súng trường ra cồn cát sau làng, tì ngực trên nền cát trắng đón đường bay của địch.

b) Dân làng luôn nhớ đến cô, tự hào về cô, họ nâng niu những bông hoa tím.

B. Kiểm tra Viết

Đề 1:

CỘNG HOÀ XẢ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-oOo-

Ngày... tháng... năm...

BÁO CÁO HOẠT ĐỘNG THÁNG... NĂM….

CỦA TỔ ... LỚP .... TRƯỜNG….

Kính gửi: Cô giáo lớp...

Chúng em xin báo cáo hoạt động của tổ... trong tháng... năm... như sau:

Số lượng bạn trong tổ tham gia:...

Thời gian tham gia:...

Tên gia đình được giúp đỡ:..

Các công việc đã làm để giúp đỡ gia đình đó...

a) Về ý thức:Các bạn tham gia đầy đủ, đến đúng giờ, làm việc tích cực, gọn gàng, cẩn thận.

b) Số lượng công việc đã làm được

- Số buối làm: 2 buổi/ tuần, tổng số 8 buổi/ tháng.

- Các công việc đã làm để giúp các gia đình:

+ Nhặt cỏ vườn, dọn cỏ lôi đi, quét sân, quét nhà.

+ Trồng và chăm sóc ba luống rau.

+ Làm vệ sinh giếng và bể nước ăn.

Tổ trưởng

Kí tên

Đề 2.

Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, tại một làng chài nhỏ ven biển, có một cô dân quân tên là Nguyễn Thị Mai. Chiều nào, cô cũng cầm một khẩu súng trường ra cồn cát cao ở sau làng để phục kích máy bay của giặc. Cuối cùng, cô đã bắn rơi chiếc máy bay. Nhưng ngày chiếc máy bay bốc cháy cũng là ngày cô Mai anh dũng hi sinh, để lại cho người dân làng chài nhỏ bé một niềm tiếc thương vô hạn. Người nữ dân quân dũng cảm, gan dạ ấy sống mãi trong lòng mỗi chúng ta.

Đề thi giữa học kì 2 lớp 3 môn Tiếng Việt - Đề 3

Trường: Tiểu học .............

Họ và tên: ……………………

Lớp: 3 …

KIỂM TRA ĐỊNH KÌ GIỮA HỌC KÌ II

Năm học: .........

Môn: Tiếng việt 3

Thời gian: ... phút

I. Đọc thầm và làm bài tập: (3đ)

*Học sinh đọc thầm bài:

ĐỐI ĐÁP VỚI VUA

1. Một lần, vua Minh Mạng từ kinh đô Huế ngự giá ra Thăng Long (Hà Nội). Vua cho xa giá đến Hồ Tây ngắm cảnh. Xa giá đi đến đâu, quân lính cũng thét đuổi tất cả mọi người, không cho ai đến gần.

2. Cao Bá Quát, khi ấy còn là một cậu bé, muốn nhìn rõ mặt vua. Cậu nảy ra một ý, liền cởi hết quần áo, nhảy xuống hồ tắm. Quân lính nhìn thấy, hốt hoảng xúm vào bắt trói đứa trẻ táo tợn. Cậu bé không chịu, la hét, vùng vẫy, gây nên cảnh náo động ở hồ. Thấy thế, vua Minh Mạng truyền lệnh dẫn cậu tới hỏi.

3. Cậu bé bị dẫn đến tước mặt nhà vua. Cậu tự xưng là học trò mới ở quê ra chơi nên không biết gì. Thấy nói là học trò, vua ra lệnh cho cậu phải đối được một vế đối thì mới tha. Nhìn thấy trên mặt hồ lúc đó có đàn cá đang đuổi nhau, vua tức cảnh đọc vế đối như sau:

Nước trong leo lẻo cá đớp cá.

Chẳng cần nghĩ ngợi lâu la gì, Cao Bá Quát lấy cảnh mình đang bị trói, đối lại luôn:

Trời nắng chang chang người trói người.

4. Vế đối vừa cứng cỏi vừa rất chỉnh, biểu lộ sự nhanh trí, thông minh. Vua nguôi giận, truyền lệnh cởi trói, tha cho cậu bé.

Theo QUỐC CHẤN

* Dựa vào nội dung bài tập đọc, khoanh vào chữ cái đặt trước ý đúng nhất::

Câu 1. Vua Minh Mạng xa giá đi đâu?

A. Ra Thăng Long (Hà Nội)

B. Ra kinh đô Huế

C. Ra kinh đô Huế và Thăng Long

D. Hồ Tây

Câu 2. Vì sao muốn nhìn rõ mặt vua, Cao Bá Quát lại liền cởi hết quần áo, nhảy xuống hồ tắm?

A. Gây cảnh náo động ở hồ.

B. Thu hút sự chú ý của nhà vua.

C. Trêu quân lính của nhà vua.

D. Nhìn trộm mặt của nhà vua.

Câu 3. Nhà vua ra lệnh cho cậu bé phải làm gì?

A. Phải la hét, vùng vẫy.

B. Phải xưng là học trò.

C. Phải đối được một vế đối thì mới tha.

D. Phải lấy cảnh mình bị trói mà đối lại.

Câu 4. Đâu không phải là dòng gồm những từ ngữ chỉ hoạt động có trong bài?

A. Thét đuổi, cởi, nhảy.

B. Xúm vào, nghĩ ngợi, náo động.

C. Đuổi nhau, vùng vẫy, bắt trói.

D. Xúm vào, đuổi nhau, nhảy.

Câu 5. Bộ phận in đậm trong câu “Cậu bé bị dẫn đến trước mặt nhà vua.” trả lời cho câu hỏi nào?

A. Khi nào?

B. Ở đâu?

C. Ai làm gì?

D. Như thế nào?

Câu 6. Theo em, nội dung của câu truyện trên là gì?

A. Ca ngợi sự thông minh của Cao Bá Quát.

B. Ca ngợi tài năng xuất sắc của Cao Bá Quát.

C. Ca ngợi tính cách khảng khái, tự tin của CB Quát.

D. Tất cả các ý trên đều đúng.

II. Tự luận: (7đ)

Câu 7. (2đ) Nghe viết: Người trí thức yêu nước (từ đầu đến từ bên Nhật)

Câu 8: (2đ) Nhân hóa là gì? Hãy viết một đoạn văn ngắn (từ 3 đến 5 câu) về con chó nhà em nuôi trong đó có sử dụng biện pháp nhân hóa? Chỉ rõ những câu văn sử dụng biện pháp nhân hóa mà em đã sử đụng bằng cách gạch chân 1 gạch và từ ngữ nhân hóa bằng 2 gạch.

Câu 9. (3đ) Đề bài: Viết một đoạn văn ngắn (từ 7 dến 10 câu) kể về người lao động trí óc mà em biết.

Nhằm hỗ trợ học sinh trong việc củng cố kiến thức môn Tiếng Việt đã được học, chuẩn bị ôn luyện cho bài kiểm tra giữa kì 2 sắp tới đạt kết quả tốt. KhoaHoc có giới thiệu những đề thi giữa kì được đánh giá cao, các dạng bài tập thường gặp giúp các em học sinh có cơ hội làm quen và nắm được cấu trúc bài kiểm tra giữa kì 2.