Bức tranh tâm trạng trong bài thơ “Tràng giang”

  • 2 Đánh giá

Đề bài: Bức tranh tâm trạng trong bài thơ “Tràng giang”

Bài làm:

Từ năm 1930, văn học Việt Nam bắt đầu có những bước chuyển mình mạnh mẽ với sự xuất hiện của làn sóng thơ mới cùng những cá tính sáng tác độc đáo. Các nhà thơ say sưa thể hiện cái tôi cá nhân và không còn bị gò bó trong khuôn sáo cũ kĩ của văn thơ trung đại. Nếu Xuân Diệu luôn mang trong mình nỗi ám ảnh về thời gian thì người bạn tri kỉ của ông, Huy Cận lại luôn chìm đắm trong cảm thức về không gian vũ trụ. Huy Cận tỏ ra rất nhạy cảm với không gian rộng lớn và thời gian vĩnh hằng. Những điều ấy được thể hiện rõ nét trong “Tràng giang”, một trong những bài thơ xuất sắc nhất của ông.

Vào khoảng những năm 1939, Huy Cận theo học tại một trường ở Hà Nội. Ông có thói quen đạp xe dọc đê vào mỗi buổi chiều thứ bảy để hóng gió và ngắm cảnh sông Hồng. Bài “Tràng giang” ra đời trong một buổi chiều như thế. Đứng ở bãi Chèm, nhìn cảnh sông nước mênh mông, nỗi nhớ quê hương, nỗi sầu lo, thương cảm về đất nước về kiếp người cuộn tràn trong tâm trí nhà thơ. Ngay hôm ấy ông đã cho ra đời một bài thơ lục bát, lấy tiêu đề là “Chiều trên sông”. Sau này, Huy Cận đổi tên thành “Tràng giang” và viết lại theo thể thất ngôn tự do, in trong tập Lửa thiêng.

Có thể thấy rằng chính lời đề từ tuy nằm ngoài bài thơ, nhưng lại đúc kết nội dung tư tưởng và ý đồ nghệ thuật của tác giả đó chính là ‘Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”. Có thể coi cảm xúc trong câu thơ này là nguồn thi hứng để thi sĩ sáng tác nên bài thơ “Tràng giang” bất hủ. Dường như nó cũng đã khiến cho không chỉ “cái tôi trữ tình” nặng trĩu nhớ nhung, mà đất trời sông núi cũng tràn ngập bâng khuâng, nhung nhớ. Có lẽ cái độc đáo của câu thơ này chính là sự giao thoa của cả hai nghĩa ấy. Nhà thơ tài năng Huy Cận đã triển khai cảm hứng nêu ở câu thơ để từ một cách hoàn hảo trong suốt thi phẩm của mình.

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song”

Nếu như những câu thơ trên mở ra với hình ảnh những lớp sóng tiếp nối nhau điệp điệp thì ở câu dưới nó lại được đặc tả qua hình ảnh con thuyên xuôi mái theo những luồng nước song song rong ruổi về mãi cuối trời. “Sóng và thuyền” không có gì đáng buồn nhưng chính cụm từ “buồn điệp điệp” đã làm cho cảnh trở nên mênh mông và xa vắng. Từ “điệp điệp” từ xưa đến nay thường dùng để hình dung, miêu tả những hình ảnh thiên nhiên như sóng, núi giờ đây được Huy Cận dùng để nói về nỗi buồn. Điều này làm cho nỗi buồn không còn vô hình mà trở nên hữu hình, cụ thể. Đó là nỗi buồn dai dẳng, triền miên, thường trực trong tâm trí. Câu thơ đã bộc lộ tâm trạng của nhân vật trữ tình khi đứng trước cảnh trời rộng sông dài.

“Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng.”

Sự đối lập giữa cành củi khô và dòng sông làm người đọc liên tưởng đến thân phận con người trong xã hội đương thời. Có thể thấy nỗi buồn của Huy Cận ở đây không chỉ là nỗi buồn cá nhân mà đó là nỗi buồn của cả một thế hệ thanh niên không tìm ra lối thoát cho đời mình.

Và rồi cho đến khổ thơ thứ hai, bức tranh tràng giang có thêm cảnh, thêm người nhưng nỗi buồn không vơi mà như càng thấm sâu vào cảnh vật:

“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.

Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.”

Huy Cận dường như cũng đã tập trung tất cả hình ảnh, nhạc điệu để làm nổi bật lên nỗi buồn thấm thía của con người trước sông dài trời rộng. Có thể thấy rằng nỗi buồn được gợi lên từ mặt nước mênh mông, đôi bờ hoang vắng, từ một cồn nhỏ lơ thơ heo hút, dăm bụi cây phơ phất trong gió lạnh đìu hiu.

Nhà thơ đã lấy ý chữ “đìu hiu” từ một câu thơ trong bài “Chinh phụ ngâm”:

“Non Kì quạnh quẽ trăng treo

Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò.”

Hơn nữa, cặp từ láy “lơ thơ” và “đìu hiu” càng gợi lên sự buồn bã, quạnh vắng, cô đơn của không gian vũ trụ. Từ làng xa vẳng lại tiếng chợ chiều đang vãn, tuy có hơi hướng con người nhưng âm thanh mong manh mơ hồ như từ cõi nào vọng lại làm dấy lên trong lòng lữ khách nỗi khát khao được gặp gỡ và chia sẻ tâm tình.

Có lẽ nỗi buồn đã và đang lan toả ra hết chiều cao, chiều rộng của bến bãi, mặt nước, bầu trời. Ở đây, người đọc bắt gặp những cảm nhận hết sức tinh tế, kì diệu của nhà thơ đó là cách cảm nhận về độ cao, độ sâu đến rợn ngợp của bầu trời và khoảng cách vô tận giữa trời và nước. Cách dùng từ “sâu chót vót” tạo nên ấn tượng sông thêm dài, trời thêm rộng và bến sông vốn đã vắng vẻ lại càng cô liêu hơn, quạnh quẽ hơn.

“Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng,

Mênh mông không một chuyến đò ngang.

Không cầu gợi chút niềm thân mật,

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.”

Cảnh vật vẫn hết sức quạnh vắng. Toàn cảnh sông nước trời rộng tuyệt nhiên không có bóng dáng của con người: “không một chuyến đò” và cũng không có lấy một nhịp cầu nối giữa đôi bờ tạo nên sự gần gũi giữa con người với con người mà chỉ có thiên nhiên với thiên nhiên xa vắng hoang vu. Vì vậy, nỗi buồn của bài thơ này không chỉ là nỗi buồn trước trời rộng, sông dài mà còn là nỗi buồn về nhân thế, về cuộc đời.

Sang đến khổ thơ thứ tư:

“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa

Lòng quê dợn dợn vời con nước

Không khỏi hoàng hôn cũng nhớ nhà”

Từ “buồn điệp điệp”, “sầu trăm ngả” ở những khổ thơ trên, đến đây nỗi sầu thi sĩ đã dâng lên trùng trùng, “lớp lớp” tràn ngập cả bầu trời. Trong văn chương Việt Nam cánh chim là một thi tứ quen thuộc để miêu tả buổi chiều. Nhưng trong “Tràng giang”, dường như cánh chim ấy có phần nhỏ bé và cô đơn hơn bởi nhà thơ đã đặt nó trong một không gian rộng lớn và bao la của vũ trụ. Cánh chim nhỏ là biểu hiện của sự sống và khát vọng. Tuy nhiên, sự xuất hiện của nó vẫn không làm cho không gian vơi đi niềm quạnh vắng. Cánh chim nhỏ nhoi, bé bỏng cô đơn và mông lung hơn trước cảnh sông nước mây trời bao la. “Dợn dợn” là từ láy vô cùng sáng tạo, gợi cảm giác về một nỗi buồn miên man, vô hạn. Nếu ở “Hoàng Hạc lâu”, Thôi Hiệu cần mượn khói sóng để bộc lộ nỗi nhớ quê hương thì ở đây, Huy Cận “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Có thể thấy, nỗi nhớ dường như trở nên thường trực và cháy bỏng hơn.

Như vậy, đi suốt bài thơ là một nỗi buồn triền miên, vô tận. Nỗi buồn của bài thơ này cũng như phần nhiều nỗi buồn của các nhà thơ mới trong những năm thời thuộc Pháp. Về nội dung, bài thơ đem đến người đọc bức tranh thiên nhiên sông nước gần gũi quen thuộc nhưng vắng lặng và bức tranh tâm trạng mang trĩu nặng nỗi sầu. Cùng với đó là niềm khát khao giao cảm với cuộc đời, lòng yêu nước tuy thầm kín nhưng không kém phần thiết tha của nhà thơ. Về nghệ thuật, bài thơ đặc sắc ở chỗ nó có sự kết hợp hài hòa giữa bút pháp cổ điển và hiện đại. Cổ kính, trang nghiêm, đậm chất Đường thi nhưng “Tràng giang” vẫn là bài thơ mang nét hiện đại khi sử dụng những hình ảnh gần gũi, tầm thường để qua đó bộc lộ cảm xúc, nỗi niềm của nhân vật trữ tình. Đây cũng là nét độc đáo điển hình trong phong cách thơ Huy Cận trước Cách mạng tháng Tám.

=> Trên đây là bài viết tham khảo. Tuy nhiên, nếu bạn học sinh nào muốn viết theo ý mình thì KhoaHoc có dàn ý để các bạn dễ viết bài.

1. Mở bài:

Giới thiệu bài thơ “Tràng giang”

2. Thân bài:

- Khổ 1:

  • Hai câu thơ đầu:Từ “điệp điệp” từ xưa đến nay thường dùng để hình dung, miêu tả những hình ảnh thiên nhiên như sóng, núi giờ đây được Huy Cận dùng để nói về nỗi buồn => nỗi buồn không còn vô hình mà trở nên hữu hình, cụ thể => dai dẳng, triền miên, thường trực trong tâm trí.
  • Hai câu thơ cuối: cành củi khô > < dòng sông -> thân phận con người trong xã hội đương thời -> nỗi buồn của một thế hệ thanh niên không tìm ra lối thoát cho đời mình.

- Khổ 2:

  • Hai câu thơ đầu: nỗi buồn được gợi lên từ mặt nước mênh mông, đôi bờ hoang vắng, từ một cồn nhỏ lơ thơ heo hút, dăm bụi cây phơ phất trong gió lạnh đìu hiu; âm thanh mong manh mơ hồ như từ cõi nào vọng lại làm dấy lên trong lòng lữ khách nỗi khát khao được gặp gỡ và chia sẻ tâm tình.
  • Hai câu thơ cuối: nỗi buồn đã và đang lan toả ra hết chiều cao, chiều rộng của bến bãi, mặt nước, bầu trời.

- Khổ 3: Toàn cảnh sông nước trời rộng tuyệt nhiên không có bóng dáng của con người -> nỗi buồn của bài thơ này không chỉ là nỗi buồn trước trời rộng, sông dài mà còn là nỗi buồn về nhân thế, về cuộc đời.

- Khổ 4: Cánh chim nhỏ là biểu hiện của sự sống và khát vọng. Tuy nhiên, sự xuất hiện của nó vẫn không làm cho không gian vơi đi niềm quạnh vắng. Cánh chim nhỏ nhoi, bé bỏng cô đơn và mông lung hơn trước cảnh sông nước mây trời bao la. -> nỗi nhớ nỗi nhớ quê hương trở nên thường trực và cháy bỏng hơn.

3. Kết bài:

Khẳng định giá trị của bài thơ Tràng giang.

  • 800 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021