Đề 2 bài tập làm văn số 6 ngữ văn lớp 8: Từ bài Bàn luận về phép học....
Đề 2: Bài viết tập làm văn số 6 Ngữ văn 8
Từ bài "Bàn luận về phép học" của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa "học" và "hành".
Bài làm:
Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta vẫn thường nghe các thầy cô nói “học đi đôi với hành”, chân lí ấy đã được đúc kết từ xa xưa. Trong bài “Bàn luận về phép học”, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp cũng từng viết “theo điều học mà làm”. Vậy tại sao học lại phải đi liền với hành? ý nghĩa tận cùng của nguyên lí ấy là thế nào?
Bạn có hiểu “học đi đôi với hành” là thế nào không? “Học” ở đây chỉ là việc tiếp thu các kiến thức văn hóa, xã hội hàng ngày. Có thể bằng nhiều cách như học trên trường lớp, học qua bạn bè, học qua sách vở.... Còn “hành” ở đây nghĩa là hành động, thực hành. Học đi đôi với hành nghĩa là áp dụng những kiến thức sách vở bạn học được vào thực tiễn cuộc sống để học soi sáng cho thực hành, thực hành củng cố vững chắc lí thuyết. Cũng như vậy ý nghĩa của câu “theo điều học mà làm” của La Sơn Phu Tử cũng có hàm ý nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học kiến thức và ứng dụng nó vào thực tiễn. Đây là hai điều song hành với nhau, có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống.
Vậy thì tại sao học lại phải đi liền với thực hành? Cuộc sống phát triển, mỗi giây phút trôi qua chúng ta chứng kiến cả hàng vạn công trình nghiên cứu ra đời và nếu bạn không chịu khó tìm tòi không áp dụng những lí thuyết đang có vào thực tế thì mãi mãi nó chỉ là công trình vĩ mô không có thực. Có một nhà văn nào đó đã từng nói “Lí thuyết chỉ là màu xám, còn cây đời mãi xanh tươi”. Lí thuyết suông, học vẹt, hay học cho qua quýt thì vĩnh viễn không bao giờ bạn tìm được chân lí của cuộc đời.
Có một thực trạng vô cùng đáng lo ngại hiện nay đó chính là việc các bạn học sinh chỉ biết học vẹt, học chống chế để trả bài cho thầy cô. Đến khi quay trở lại thì không nhớ được gì. Như vậy vô cùng nguy hiểm, những điều bạn học không được áp dụng vào thực tế thì thử hỏi học có ý nghĩa gì cho cuộc đời? Học ngoại ngữ để tiếp thu thêm nhiều điều hay từ nước bạn, học văn để hoàn thiện cách đối nhân xử thế, học toán để minh mẫn con người, học sử để tìm về cội nguồn của dân tộc... Mỗi môn học lại mang một ý nghĩa thực tiễn đối với cuộc sống. Nhưng thử hỏi nếu bạn không biết cách để đưa nó vào trong cuộc sống thì đọc nhiều có ý nghĩa gì?
Hiện nay, có rất nhiều trường hợp sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học không làm đúng ngành học thậm chí là thất nghiệp? Vậy nguyên nhân từ đâu? Do nhà trường hay do bản thân của các bạn? Nhà trường chỉ đóng vai trò là môi trường để truyền thụ kiến thức cho sinh viên mà thôi còn việc có kiếm được công việc ổn định hay không nó phụ thuộc vào bạn. Các nhà tuyển dụng họ không cần những tấm bằng giỏi hay xuất sắc cái họ cần đó là kinh nghiệm thực tiễn, là việc bạn áp dụng được bao nhiêu điều bạn đã học trên sách vở vào công việc?
Người giỏi không phải là kẻ có thể nhớ được kiến thức này ở trang sách nào, hay đọc được bao nhiêu trang sách mà phải là người có thể đem đến cho đời những phát minh lớn phục vụ chính cuộc sống của mỗi con người. Nếu như học chỉ để khoe bằng cấp, học để vỗ ngực rằng ta hiểu biết nhiều thì đó chỉ là mớ lí thuyết suông mà thôi. Có nhiều bậc phụ huynh ép con mình bằng mọi giá phải học kiến thức thật giỏi mà quên rằng cái sẽ nuôi sống con mình sau này là thực tế trải nghiệm mới đúng.
Việt Nam hiện nay, được đánh giá là một trong những nước có chất lượng đào tạo khá cao thậm chí còn cao hơn hẳn các quốc gia phương Tây. Thế nhưng, khi đi du học ở nước bạn đến chuyên mục thực hành, du học sinh Việt bộc lộ ngay sự yếu kém hơn hẳn. Thiết nghĩ các nhà trường, bộ giáo dục cần phải đổi mới lại phương thức học tập. Hiện, ngành giáo dục đã và đang chú ý đến việc áp dụng việc “học và hành” đi liền với nhau. Không chỉ giúp các em học sinh có thể hiểu kiến thức một cách tường tận mà còn giúp các em có thêm hành trang đi vững bước vào đời.
Học và hành là một trong những nguyên lí luôn đi kèm và song hành với nhau trong cuộc sống. Để trở thành những người có ích cho xã hội chúng ta cần phải thay đổi phương thức giáo dục bằng việc lồng ghép hai yếu tố này một cách nhuần nhuyễn.Vì chỉ khi kiến thức sách vở hòa vào cuộc sống nó mới thực sự có ý nghĩa mà thôi.
Xem thêm bài viết khác
- Nội dung chính bài: Thuyết minh về một phương pháp (cách làm)
- Hãy nêu cách lập ý và lập dàn bài đối với các đề bài sau: a, Giới thiệu về một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt
- Theo em, đây có phải bài thơ tả cảnh, kể chuyện không? Vì sao? Hãy nêu vắn tắt nội dung ý nghĩa bài thơ
- Soạn văn 8 bài: Tìm hiểu các yếu tố tự sự và miêu tả trong văn nghị luận trang 113
- Macxim Gorki nói: "Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức là con đường sống". Suy nghĩ của em về câu nói đó
- Soạn văn bài: Viết bài tập làm văn số 5 Văn thuyết minh (làm ở nhà)
- Phân tích tâm trạng người tù chiến sĩ được thể hiện ở 4 câu cuối
- Thử khái quát trình tự lập luận của đoạn trích Nước Đại Việt ta bằng một sơ đồ.
- Soạn văn bài: Câu phủ định
- Chứng minh Nước Đại Việt ta là bản tuyên ngôn độc lập bất hủ (trích Bình Ngô đại cáo)
- Soạn Văn Hội thoại trang 92 sgk Soan Văn lớp 8
- Soạn bài Chiếu dời đô (Thiên đô chiếu) Soạn Văn 8: Thiên đô chiếu