Giải bài tập làm văn: nghe - kể chuyện Kéo cây lúa lên, tiếng việt 3 tập 1 trang 138
Tiếng Việt 3 tập 1, Giải bài tập làm văn: nghe - kể chuyện Kéo cây lúa lên, tiếng việt 3 tập 1 trang 138. Phần dưới sẽ hướng dẫn trả lời và giải đáp các câu hỏi trong bài học. Cách làm chi tiết, dễ hiểu, Hi vọng các em học sinh nắm tốt kiến thức bài học.
Câu 1. Nghe và kể lại câu chuyện Kéo cây lúa lên
Gợi ý:
a. Khi cây lúa ở ruộng nhà mình xấu, chàng ngốc đã làm gì?
b. Về nhà, anh chàng nói gì với vợ?
c. Vì sao lúa chàng trai ngốc bị héo?
Trả lời:
a. Khi nhìn thấy lúa ở ruộng nhà mình xấu, chàng ngốc đã kéo những cây lúa của nhà mình lên cao hơn lúa nhà người.
b. Về nhà, anh chàng nói với vợ: Lúa nhà ta xấu quá. Hôm nay, tôi đã kéo nó lên cao hơn lúa ở ruộng bên rồi.
c. Lúa nhà chàng ngốc bị héo vì cây lúa bị nhấc lên cao quá, rễ cây bị đứt và héo.
Kéo cây lúa lên
Có một chàng ngốc ra thăm đồng. Thấy ruộng lúa nhà mình xấu hơn ruộng bên cạnh, anh ta bèn kéo cây lúa nhà mình lên cho cao hơn cây lúa nhà người. Về nhà, anh ta khoe với vợ:
- Lúa nhà ta xấu quá. Hôm nay, tôi đã kéo nó lên cao hơn lúa ở ruộng bên rồi.
Chị vợ ra đồng xem sao thì thấy lúa nhà mình đã héo rũ cả rồi. Việc làm của chàng ngốc thật khôi hài.
Câu 2. Kể những điều em biết về nông thôn (hoặc thành thị)
Gợi ý:
a. Nhờ đâu em biết (em biết khi đi chơi, khi xem tivi, khi nghe kể, ...)
b. Cảnh vật, con người ở nông thôn (hoặc thành thị) có gì đáng yêu?
c. Em thích nhất điều gì?
Trả lời:
Em sinh ra và lớn lên ở nông thôn nên em rất yêu con người và cảnh vật nơi đây. Sau luỹ tre làng là những mái nhà ấm cúng. Bên cạnh những ngôi nhà là những cánh đồng lúa chín vàng ươm. Đầu làng, còn sông Lam êm đềm chảy, những chú trâu đằm mình trong dòng nước mát. Ngoài đồng ruộng, những bác nông dân vẫn chăm chỉ làm đồng, vừa làm vừa cười nói vui vẻ xua tan mọi mệt mỏi. Chiều chiều, trên bờ đê lũ trẻ lại dắt nhau đi bắt cào cào, châu chấu rồi nô đùa thả diều... Cuộc sống nông thôn vậy đó, rất bình yên và trong lành. Con người ở đây rất cần cù, chăm chỉ và giản dị. Em rất yêu quê hương em.