Nội dung chính bài Tràng Giang
Câu 2: Hãy nêu ngắn gọn những nội dung chính và chi tiết kiến thức trọng tâm bài học "Tràng Giang"?
Bài làm:
Nội dung bài gồm:
A. Ngắn gọn những nội dung chính
1. Giới thiệu chung
- Tác giả: Huy Cận (1919 - 2005) tên khai sinh là Cù Huy Cận. Ông là một trong những nhà thơ xuất sắc của phong trào thơ Mới.
- Tác phẩm: Tràng giang được viết vào mùa thu năm 1939 (in trong tập Lửa thiêng).
2. Phân tích văn bản
a. Nỗi buồn đìu hiu, xa vắng
- Sóng:
- Đi với động từ "gợn". Sóng gối đầu đến vô tận (chất thơ của sông nước). Nỗi buồn da diết khôn nguôi của người có ý thức về cuộc sống.
- Từ "tràng giang" gợi hình ảnh, âm hưởng từ láy tạo cộng hưởng âm thanh cho lời thơ kết hợp từ láy "điệp điệp". Nỗi buồn triền miên, bất tận.
- Nước:
- "xuôi mái" gợi không gian mở ra theo chiều rộng, xuôi theo chiều dài, cái không cùng của vũ trụ vô biên, cái mênh mông, hoang vắng của sông nước tô đậm cảm giác lẻ loi, cô đơn, vô định của con thuyền nhỏ bé.
- Nỗi buồn cứ bao trùm không gian mênh mông từ dòng sông, con sóng, chiếc thuyền gợi cảm giác xa vắng, chia lìa.
- Nỗi buồn trở nên nỗi sầu hòa vào dòng sông trăm trăm ngả
- Hình ảnh đối lập "thuyền về", "nước lại" gợi cảm giác chia xa, tạo ấn tượng về khiếp người trong cuộc đời trắc trở, gian truân (tâm cảnh hòa nhập ngoại cảnh).
- Đảo ngữ "củi một cành khô" gợi lên hình ảnh cái khô héo, nhỏ nhoi của một cành lạc giữa mấy dòng nước xoáy, giữa trăm ngả sầu thương khủng khiếp.
- Từ mặt sông đến đỉnh trời, từ thẳm sâu vũ trụ đến thẳm sâu tâm hồn, thân phận của những khiếp phù sinh nổi trôi, lênh đênh, lạc loài giữa dòng đời vô định.
b. Bức tranh vô biên của tràng giang
- Không gian
- Hiện thực cuộc sống đa dạng, phong phú: cồn cỏ, gió đìu hiu, chợ chiều.
- Cuộc sống hiu quạnh: đảo ngữ "lơ thơ cồn nhỏ", "vãn chợ chiều"
- Lặng nghe âm thanh cuộc sống nhưng chỉ cảm nhận được tiếng dội hoang vắng nơi cõi lòng.
- Đối ngữ (cảnh - tình)
- Sự vô biên theo chiều cao và chiều sâu : "Nắng xuống, trời lên sâu chót vót"
- Sự vô cùng theo chiều dài và chiều rộng: "Sông dài, trời rộng, bến cô liêu". Cái tôi mang nỗi sầu vạn kỉ.
- Nhà thơ đang đứng chơ vơ giữa vũ trụ thăm thẳm, "đứng trên thiên văn đài của linh hồn nhìn cõi bát ngát" của cả một thế giới quạnh hiu, hoang vắng tuyệt đối.
c. Khát khao cuộc sống
- Cuộc sống trôi đi trong tan tác, vô định: "Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng"
- Sự trống vắng, cô đơn tuyệt đối: "Mênh mông không một chuyến đò ngang/ Không cầu gợi chút niềm thân mật."
- Hiện thực cuộc sống vẫn miệt mài tiếp diễn.
- Những tín hiệu giao hòa của sự sống, khát vọng sống trong tình người, tình đời chan hòa, đồng cảm, tri âm.
d. Nỗi buồn nhớ quê hương
- Màu sắc cổ điển: mây, núi, cánh chim, bóng chiều. Cảnh hoàng hôn hùng vĩ nhưng không làm vơi đi nỗi sầu.
- Tứ thơ Đường: khói hoàng hôn, nỗi sầu xa xứ làm ý thơ thêm sâu, tình thơ thêm nặng, nỗi buồn đau, trăn trở của cái tôi cá nhân luôn đối diện với chính nỗi cô đơn của lòng mình.
B. Phân tích chi tiết nội dung bài học
1. Nhan đề và lời đề từ bài thơ
a. Nhan đề
Từ Hán Việt “Tràng giang” có nghĩa là sông dài. Hiệp vần “ang” của cả hai từ "tràng" và từ "giang" tạo dư âm vang xa, trầm lắng, mênh mang, gợi không khí cổ kính. Nhan đề khẳng định tràng giang không chỉ là sông dài mà còn là con sông rộng lớn, không phải con sông cụ thể nào mà đó là con sông mang ý nghĩa khái quát gợi lên nỗi buồn mênh mang, rợn ngợp.
b. Lời đề từ bài thơ
Thể hiện nội dung tư tưởng và ý đồ nghệ thuật của tác giả. Nỗi buồn trước cảnh vũ trụ bao la bát ngát và hình ảnh thiên nhiên rộng lớn, tâm sự của cái tôi cô đơn mang nhiều nỗi niềm. Câu này là khung cảnh để tác giả triển khai toàn bộ cảm hứng.
2. Phân tích chi tiết bài thơ
a. Khổ 1: Nỗi buồn thân phận trước dòng nước mênh mang
- “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp”. Hai từ “điệp điệp” láy lại khiến cho nỗi buồn con người thấm vào sóng nước. Ta có cảm giác như không chỉ thấy sóng trên tràng giang mà còn thấy sóng lòng trào dâng lên không dứt, mênh mang, hòa cùng sóng nước vỗ mãi tới tận chân trời.
- “Con thuyền xuôi mái nước song song” gợi hình ảnh sóng nước dập dềnh, trải dài xa mãi, thinh lặng khó nói lên lời. Đó phải chăng là nỗi buồn cho thân phận nổi trôi vô định.
- “Thuyền về nước lại sầu trăm ngả” gợi hình ảnh “thuyền về nước lại” dẫu là sự vận động trái chiều của cảnh vật hay là thuyền về nước thêm sầu vẫn là “sầu trăm ngả”, sự hoang mang.
- “Củi một cành khô lạc mấy dòng”. Cành củi của cuộc sống đời thường được tác giả “ứng hiện” trong một “Tràng giang” đậm chất Đường thi. “Củi” chứ không phải hoa, bèo, gỗ, … “Củi” đi với “một” mà thêm lẻ bóng, cô đơn. “Củi” đi với “cành khô” mà càng khô khốc, tang thương. “Củi” trong “lạc mấy dòng” mà thêm bơ vơ vô định. “Củi một cành khô lạc mấy dòng” thực sự là một cơn sóng cô đơn, hiu quạnh, vô định trào trực xô lên trong lòng người. Từ cây cối xanh tươi trên ngàn đến cành củi khô gầy guộc là mấy lần thân phận cỏ cây khô héo, vùi dập, đổi thay để có những câu thơ “kêu giòn và lay động” như thế.
- Tràng giang giờ đây không còn là cảnh dòng sông mùa nước lũ nữa mà thực sự là dòng đời ngầu đục. Con người đầy lạc lõng, ưu tư, băn khoăn trước cuộc đời - đó cũng là tâm trạng của lớp trí thức bấy giờ.
b. Khổ 2: Nỗi buồn thân phận nhân lên thành nỗi cô đơn rợn ngợp khi đứng trước trời rộng sông dài.
- 2 câu đầu “Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu/ Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều” gợi nỗi buồn lan tỏa, mơ hồ hòa trong cái quạnh quẽ, hiu hắt. Từ nỗi niềm bơ vơ buồn bã đó, nhà thơ đi tìm hơi ấm của cuộc sống “Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”. “Đâu đó” hay “đâu có”? Nhưng dù sao cũng đều rất xa xôi, mơ hồ. Tiếng chợ chiều góp vui mà lại càng tăng cảm giác tẻ nhạt, quạnh vắng, đìu hiu hơn. Muốn nghe âm thanh cuộc sống nhưng tất cả đều trở nên hoang vu, muốn chút gần gũi mà càng thêm cách chia. Vì thế sầu buồn càng thêm man mác...
- 2 câu cuối: “Nắng xuống, trời lên sâu chót vót/ Sông dài, trời rộng, bến cô liêu” vẽ ra không gian được đẩy cao và mở rộng đột ngột, trải ra đến vô cùng khi nhà thơ hạ hai câu tuyệt bút. Từng vạt nắng từ trời cao rọi xuống làm nên những khoảng sâu thăm thẳm trên bầu trời. Tác giả dùng chữ “sâu” chứ không phải chữ “cao”, bởi đó không chỉ là chiều kích không gian mà còn gợi lên nỗi buồn không đáy của lòng người.
c. Khổ 3: nỗi cô đơn, sầu buồn về sự trôi nổi, lênh đênh vô định kiếp người
- Hai câu thơ: “Mênh mông không một chuyến đò ngang/ Không cầu gợi chút niềm thân mật”. Không có một chuyến đò, không có một chiếc cầu nhỏ nối giữa hai bờ. Một loạt từ “không” xuất hiện liên tiếp đã phủ định tất cả những gì là gắn kết, chỉ còn những trống trải vô cùng: hai bờ bên là những thế giới xa lạ. Chỉ có “bờ lau tiếp bãi vàng” và những cánh bèo lênh đênh đang trôi dạt về đâu. Ấn tượng về sự tan tác, chia lìa lại càng được tô đậm bằng hình ảnh những cánh bèo trôi nổi.
d. Khổ cuối: nỗi buồn lữ thứ trước cảnh hoàng hôn rợn ngợp
- Hai câu đầu là không gian rộng lớn hùng vĩ, khoáng đạt vô cùng của buổi hoàng hôn. Thiên nhiên tạo vật bộc lộ những vẻ đẹp đến lạ lùng: Những buổi chiều mùa hạ, mây trắng như những búp bông bung nở trên trời cao, ánh nắng buổi chiều trước khi vụt tắt thường rực sáng nên chiếu vào những núi, những mây chồng chất lên nhau khiến nó lung linh như những núi bạc. Một vẻ khoáng đạt hoành tráng, mĩ lệ.
- Hai câu kết bắt đầu bằng hai từ “dợn dợn” gợi cảm giác đã đồng nhất những con sóng đang trào lên trên dòng trường giang với những con sóng dợn ngợp trong lòng tác giả. Hai câu thơ gợi nhớ đến ý thơ của Thôi Hiệu: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu”. Nhưng nếu người xưa nhìn khói sóng trên sông mà nhớ quê thì Huy Cận không cần chất xúc tác đó. Rõ ràng nỗi buồn không phải từ ngoại cảnh vào mà là nỗi buồn nội tâm con ng tràn ra không dứt. Người xưa xa quê mà nhớ quê còn Huy Cận đang đứng trước quê hương đất nước mà vẫn rưng rưng một nỗi nhớ nhà. Vì sao vậy? Đó không chỉ là nhớ về 1 vùng quê mà đó là tâm trạng của 1 lớp thế hệ trẻ khi đất nước đang chìm trong nô lệ.
3. Tổng kết:
Nội dung: Cảm nhận của tác giả về vẻ đẹp quê hương và tình yêu đất nước da diết.
Nghệ thuật: Sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố cổ điển vàg hiện đại; nghệ thuật đối, bút pháp tả cảnh giàu tính tạo hình, hệ thống từ láy giàu giá trị biểu cảm.
Ý nghĩa: Vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên, nỗi sầu của cái tôi cô đơn trước vũ trụ rộng lớn, niềm khát khao hòa nhập với đời và lòng yêu quê hương đất nước tha thiết.
Xem thêm bài viết khác
- Phân tích cách bác bỏ trong hai đoạn trích
- Phân tích nghệ thuật đối lập hai nhân vật Giăng Van-giăng và Gia-ve qua đối thoại, qua hành động. Nêu ý nghĩa của biện pháp này
- Những câu hỏi trong bài thơ hướng tới ai và có tác dụng gì trong việc biểu hiện tâm trạng của tác giả
- Soạn văn 11 bài: Tôi yêu em trang 59 sgk
- Soạn văn bài: Về luân lí xã hội ở nước ta
- Theo anh (chị), truyện ngắn Người trong bao có những đặc sắc gì về nghệ thuật
- Nội dung chính bài Ba cống hiến vĩ đại của Các Mác
- Giá trị nội dung và nghệ thuật trong Lưu biệt khi xuất dương
- Lập dàn ý của bài điếu văn dựa vào bài Ba cống hiến vĩ đại của Các Mác của Ăng-ghen
- Chỉ ra biện pháp tu từ trong đoạn văn chính luận sau: "Ai có súng dùng súng... cứu nước"
- Nội dung chính bài Luyện tập tóm tắt văn bản nghị luận
- Bài thơ có thể chia làm mấy đoạn? Nêu ý chính của từng đoạn