Phân tích bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác
Phần tham khảo mở rộng
Câu 1: Phân tích bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác
Bài làm:
Dân tộc ta trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử với những trận chiến đấu nguy nan, biết bao máu xương của thế hệ cha anh đã đổ xuống vì nền độc lập dân tộc. Họ là những con người kiên cường, bất khuất, anh dũng, dù phải chịu bao gian lao cực khổ vẫn giữ vững một trái tim nhiệt thành với Tổ quốc. Bài thơ Vào ngục Quảng Đông cảm tác của Phan Bội Châu đã thể hiện rõ chí khí của người anh hùng dân tộc.
Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú đường luật và thể hiện rõ khẩu khí của đấng anh hùng hào kiệt trong hai câu đề:
Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù
Hai câu thơ thể hiện phong thái ung dung, định đạc, một tư thế tự tin, ngạo mạn của một chí sĩ yêu nước . Giọng thơ có chút hóm hỉnh, đùa vui khiến ta hình dung ra một tư thế xem thường sự hiểm nguy trước mắt. Động từ “vẫn” để khẳng định một thái độ vững vàng, không hề nao núng trước hoàn cảnh khó khăn hiện tại. Một sự việc rất nghiêm trọng nhưng được tác giả coi như một chốn lao tù như một chạm dừng chân, nghỉ ngơi lại sức. Bị giam hãm, mất tự do, không rõ sự sống chết của bản thân nhưng vẫn giữ phong thái ung dung như khách tài tử trên chặng đường ngao du. Đó là tinh thần lạc quan, chí khí chẳng đổi dời trước hoàn cảnh gian nan, thử thách.
Ở hai câu thơ tiếp theo, tác giả có chút trầm tư khi ngẫm lại về cuộc đời mình hiện tại và trong quá khứ với một tư thế bình tĩnh:
Đã khách không nhà trong bốn biển
Lại người có tội giữa năm châu
Cả cuộc đời quyết dành cho cách mạng, vì muốn tìm đường cứu nước mà ông đã sống một cuộc đời bôn ba đầy sóng gió. Ông phiêu bạt khắp nơi, trải qua bao cay đắng cực khổ, bị xem như tội nhân và bị truy nã khắp ơi. Nhưng người chí sĩ ấy chẳng một lời than vãn, mà luôn xem mình như “có tội với năm châu”. Câu thơ như tiếng thở dài của người chí sĩ yêu nước. Ông quên đi những nỗi đau bản thân mình đang phải hứng chịu, là đòn roi tra tấn của kẻ thù, là những đói rét khổ cực chốn lao tù nhưng vẫn một lòng nghĩ đến nhân dân trong nước vẫn đang chịu cảnh lầm than. Đó là tấm lòng của một người con yêu nước, tấm lòng sắc son luôn hướng về dân tộc. Một phút chạnh lòng khi ngẫm nghĩ về nỗi đau của dân tộc và rồi thi nhân lại cất cao tiếng ca lạc quan, tin tưởng vào tương lai phía trước:
Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.
Mở rộng vòng tay để tiếp tục ôm ấp, theo đuổi hoãi bão trị nước cứu đời, đó là con đường là người chí sĩ vẫn quyết tâm theo đuổi. Câu thơ thể hiện khẩu khí hơn người, luôn lạc quan hướng về phía trước. Sự nghiệp ấy sẽ còn gian nan nhưng không ngăn được tinh thần và sự quyết tâm của người con ra đi tìm đường cứu nước. Tiếng cười lạc quan của người tù cách mạng như xóa tan đi những gian nan hiện tại, âm hưởng hào hùng bao trùm tất cả, lấn át tất cả như cánh buồm thênh thênh lướt sóng đại dương. Lối nói khoa trương đã được sử dụng để biểu đạt cái chí lớn lao, khát vọng xoay chuyển càn khôn. Dẫu đơn độc, nhà thơ vẫn đợi chờ, ung dung, toát lên cốt cách của một anh hùng hào kiệt. Tinh thần ấy ta như bắt gặp ở chủ tịch Hồ Chí Minh khi trong ngục tối:
Thân thể ở trong lao
Tinh thần ở ngoài lao
Muốn lên sự nghiệp lớn
Tinh thần phải càng cao
Nếu trong thơ văn trung đại, ta bắt gặp những giấc mộng nam nhi phải làm nên công danh sự nghiệp lẫy lừng thì Phan Bội châu đã thể hiện một tư tưởng và tầm vóc lớn lao hơn, đó là sự nghiệp cứu nước an dân. Giờ đây, tư thế của người anh hùng đã vĩ đại, lớn lao, càng trở nên mạnh mẽ, phi thường hơn nữa. Chính vì niềm tin sắt đá ấy đã tạo nên sức mạnh trước hoàn cảnh nguy nan:
Thân ấy hãy còn, còn sự nghiệp
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu
Chốn lao tù vớ những song sắt lạnh lùng, vô cảm không thể giam cầm nổi tâm hồn và trái tim dạt dào tình yêu với đất nước, quê hương. Tinh thần đấu tranh của Phan Bội Châu đã tiếp thêm nghị lực và tinh thần cho những chí sĩ yêu nước, một niềm tin tưởng vào sự nghiệp chiến đấu vì chính nghĩa của mình. Thân thể ấy dù chỉ còn một hơi thở cũng sẽ chiến đấu đến cùng. Điệp từ “còn” được vang lên dõng dạc, dứt khoát cho thấy một tinh thần bất khuất, không lùi bước trước nguy nan. Câu thơ như một lời thề sắt son, như một lời tuyên ngôn của một người đang chịu cảnh lao tù tăm tối
Bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác khiến người đọc thêm cảm phục trước tinh thần kiên cường, lạc quan, không hề nao núng trước hiểm nguy chốn lao tù của người chí sĩ. Bài thơ cũng như lời thề nguyện sắt son với dân tộc, nguyện một lòng cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh của dân tộc
Xem thêm bài viết khác
- Soạn văn bài: Tính thống nhất về chủ đề của văn bản
- Giá trị nội dung và nghệ thuật trong Bài toán dân số
- Nội dung chính bài: Nói quá
- Viết một đoạn văn ngắn (7-10 câu) có sử dụng ít nhất 5 từ thuộc trường từ vựng trường học.
- Nội dung chính bài Muốn làm thằng Cuội
- Nội dung chính bài Cô bé bán diêm
- Soạn văn bài: Tóm tắt văn bản tự sự
- Lập ý và dàn ý cho đề bài: "Giới thiệu chiếc nón lá Việt Nam".
- Phân tích hình ảnh cuối bài thơ: Tựa nhau trông xuống thế gian cười. Em hiểu cái cười ở đây có ý nghĩa gì?
- Nội dung chính bài Tức nước vỡ bờ
- Nội dung chính bài: Câu ghép
- Vẫn qua các sự việc ấy, chứng minh nhân vật Xan-chô Pan-xa cũng bộc lộ cả những mặt tốt lẫn mặt xấu