Viết bài tập làm văn số 7 – văn nghị luận (làm tại lớp)
2. Viết bài tập làm văn số 7 – văn nghị luận (làm tại lớp)
Đề 1: Quan niệm về việc học của Nguyễn Thiếp trong Bàn luận về phép học có còn phù hợp với xã hội hiện nay?
Bài làm:
Lênin từng nói "Học, học nữa, học mãi" ngụ ý muốn nhấn mạnh tới quá trình học tập không ngừng nghỉ của con người. Học tập quả thực là con đường không có điểm dừng. Mỗi người, ở mỗi thời điểm khác nhau lại có những quan điểm khác nhau về việc học. Tuy nhiên, có nhiều quan điểm dù áp dụng vào thời đại nào cũng vẫn phù hợp với tất cả mọi người, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tiêu biểu là quan điểm về việc học của Nguyễn Thiếp trong "Bàn luận về phép học".
Trong tác phẩm "Bàn luận về phép học" Nguyễn Thiếp đã đưa ra những quan điểm về mục đích chân chính của việc học, về cách học hình thức hám danh lợi và quan điểm về những phương pháp học. Mỗi quan điểm đều sâu sắc và đúng đắn, phù hợp với thời điểm hiện tại. Trước tiên, về mục đích chân chính của việc học, ông cho rằng "học để biết rõ đạo", học cách làm người để sống tốt để cư xử đúng mực. "Học" là quá trình tiếp thu tri thức và biến những tri thức được tiếp thu thành vốn hiểu biết của bản thân, từ đó không chỉ nâng cao vốn kiến thức mà còn hoàn thiện nhân cách và lối sống của mình. Quan điểm của Nguyễn Thiếp đưa ra đã nhắc đến một phần quan trọng của mục đích học tập chân chính hiện nay. Bởi lẽ bài giảng của thầy cô trên lớp không chỉ bao gồm những bài học tri thức mà còn gồm cả những bài học đạo đức làm người. Ở các nhà trường trên cả nước hiện nay, môn Đạo Đức ở bậc tiểu học và môn giáo dục công dân, môn Ngữ Văn ở bậc trung học và trung học phổ thông ngày càng được chú trọng.
Nêu ra mục đích chân chính của việc học Nguyễn Thiếp cũng đưa ra quan điểm phê phán về lối học hình thức danh lợi. Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với tình hình học tập hiện tại. Xã hội hiện nay luôn đề cao những người học thực sự, học cho bản thân và để trở thành người có ích cho gia đình, xã hội chứ không phải học vì danh lợi và những thứ hào nhoáng bên ngoài. Tấm gương về những du học sinh, những doanh nhân thành đạt sau khi học tập, du học ở nước ngoài vẫn quay trở lại để đóng góp cho quê hương, đất nước chính là ví dụ điển hình cho những người học chân chính, học không mưu cầu danh lợi.
Đặc biệt trong số những quan điểm về việc học của Nguyễn Thiếp, quan điểm về phương pháp học của ông chính là quan điểm phù hợp nhất với thời điểm hiện tại. Nói về phương pháp học Nguyễn Thiếp đã đề cập đến việc học từ đơn giản đến phức tạp, học đi đôi với hành. Nếu "học" là quá trình tiếp thu tri thức thì "hành" chính là những thao tác vận dụng kỹ năng, kiến thức đã tiếp thu được để giải quyết tình huống thực tế, những vấn đề cụ thể trong cuộc sống. "Học" và "hành" có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Hiện nay ở tất cả các môi trường giảng dạy trên toàn quốc, từ bậc tiểu học đến bậc cao học, các môn học đều được phân chia thành lý thuyết và thực hành. Ngoài những giờ học lý thuyết trên lớp, nhà trường sẽ tổ chức những giờ học thực hành để học sinh, sinh viên được áp dụng trực tiếp những kiến thức mình đã học được vào thực tế. Việc thực hành không chỉ có tác dụng củng cố kiến thức, khắc sâu hơn những điều bạn đã học mà còn là hành động quan trọng để người học hiểu hơn về những điều mình đã được học. Nếu không có thực hành thì tất cả kiến thức học được dù cao siêu đến đâu cũng chỉ là một mớ lý thuyết suông, không có giá trị.
Có thể quan sát trong thực tế cuộc sống hiện nay, sinh viên đại học muốn tốt nghiệp, làm việc đều phải trải qua thời gian kiến tập và thực tập tại trường cũng như những cơ quan liên quan đến ngành học. Sinh viên trường y phải mất đến hàng năm thực tập tại bệnh viện mới được tốt nghiệp và được nhận vào các bệnh viện. Sinh viên trường sư phạm phải thực hành rất nhiều lần việc đứng lớp và giảng dạy mới có cơ hội để trở thành những người thầy, người cô đứng trên bục giảng. Sinh viên báo chí thậm chí phải phải lăn xả vào những cuộc điều tra hiểm nguy mới có thêm được kinh nghiệm và thực hành được kiến thức đã được giảng dạy trên giảng đường đại học.
Học dạy cho ta cách làm, hành sẽ cho ta cơ hội được làm. Có thực hành rồi thì mới biết mình đúng sai ở đâu, rút kinh nghiệm và sửa chữa như thế nào. Hơn nữa giữa lý thuyết và thực tế luôn có những sự chênh lệch nhất định, nếu không thực hành sẽ không thể biết được sự chênh lệch đó dẫn đến nhiều bỡ ngỡ và thất bại khi thực sự bước vào cuộc sống. Tuy nhiên cũng không thể coi trọng hành hơn học. Có học mới có lý thuyết để soi đường cho thực tiễn. Lý thuyết sẽ định hướng, dẫn dắt thực hành thuận lợi hơn. Thực hành không có lý thuyết sẽ không được lưu loát thuận lợi. cũng giống như đi trong bóng đêm mà không có ánh sáng, mò mẫm không thấy lối ra. Từ những người nông dân chân lấm tay bùn đến những bậc giáo sư tiến sĩ ai cũng đều phải học.
Học lý thuyết thì phải học tuần tự, như Nguyễn Thiếp nói phải học từ đơn giản đến phức tạp. Như các bậc học từ tiểu học đến đại học, phải học con số, viết chữ rồi mới học đến phép toán, đến viết văn. Có như thế mới hệ thống và dễ hiểu.
Tất cả điều đó đã chứng minh quan điểm về việc học của Nguyễn Thiếp trong "Bàn luận về phép học" vẫn còn phù hợp với thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, cuộc sống thay đổi, bên cạnh những người học với mục đích chân chính và phương pháp học đúng đắn vẫn có một số người học vì mưu cầu danh lợi. Học vì sự ích kỷ của bản thân, chỉ chú trọng đến lợi ích của mình mà không quan tâm đến những hậu quả có thể gây ra cho người khác. Có những người học qua loa hình thức để rồi dẫn đến nhiều câu chuyện đáng buồn trong cuộc sống. Ví dụ như như những bác sĩ vô ý kê nhầm thuốc hay để quên dụng cụ mổ trong cơ thể của bệnh nhân, hay cô giáo nhẫn tâm ra tay đánh bị thương nghiêm trọng học sinh của mình... Tuy đó chỉ là một phần nhỏ trong cuộc sống nhưng cũng cần lên án và phê phán mạnh mẽ.
Học là quá trình dài lâu và không hề dễ dàng, để có thể đạt được hiệu quả và mục đích thực sự của việc học, mỗi chúng ta cần có ý chí kiên định và tìm ra phương pháp học hiệu quả. Đừng chỉ mải mê đuổi theo hình thức bên ngoài mà quên đi ý nghĩa chân chính của việc học.
Xem thêm bài viết khác
- Trình bày những hiểu biết về tác giả Nguyễn Trãi.
- Câu nào sau đây nêu lên luận điểm chung giữa các văn bản trên?
- Tâm trạng của nhà thơ thể hiện như thế nào trong 4 câu thơ cuối? Theo em, tiếng chim tu hú trong bài thơ có ý nghĩa gì?
- Những câu sau có thể xếp vào kiểu câu cảm thán được không? Vì sao? Nêu nội dung của mỗi câu.
- Đọc lại bài thơ Nhớ rừng và chỉ ra những câu nghi vấn trong bài thơ. Dấu hiệu nào về mặt hình thức cho biết đó là câu nghi vấn?
- Chọn viết lời bình cho một đoạn trích hoặc một bài thơ ...
- Tìm những câu thơ có sử dụng biện pháp so sánh trong đoạn 2 và chỉ ra hiệu quả của việc sử dụng biện pháp tu từ đó.
- Vì sao văn bản cần có tính thống nhất?
- Soạn văn 8 VNEN bài 19: Tức cảnh Pác Bó
- Soạn văn 8 VNEN bài 18: Quê hương – Khi con tu hú
- Đọc đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu:
- a) Đọc các ví dụ sau và thực hiện yêu cầu: Ví dụ 1:...