Bài văn mẫu lớp 9: Thuyết mình về cách làm một món ăn truyền thống (hoặc đặc sản) ở quê em
Đề bài: Cách làm một món ăn truyền thống (hoặc đặc sản) ở quê em
Bài viết tham khảo
Trên khắp mọi miền của Tổ quốc thân yêu, miền quê nào cũng có những đặc sản của riêng mình. Nếu như người Hà Nội tự hào về món phở đậm đà, người Ninh Bình tự hào về cơm cháy giòn bùi, xứ Bến Tre tự hào những chiếc kẹo dừa dẻo thơm thì tôi lại tự hào về thứ đặc sản quê mình, thứ mà người ta gọi là kẹo Sìu Châu Nam Định ngọt bùi. Cách làm kẹo tuy đơn giản mà chứa đựng bao điều thú vị.
Kẹo lạc Sìu Châu là đặc sản của đất thành Nam. Nói về nguồn gốc kẹo, có rất nhiều nguồn tin khác nhau nhưng đáng tin cậy nhất là do cụ Đỗ Phúc Nhật (quê ở Hưng Yên sang lập nghiệp ở Nam Định) làm. Đến năm 1880, khi xây cửa hiệu thành nhà hai tầng, cụ đặt tên hiệu là Nguyên Hương với ý giữ gìn được hương vị gốc. Nhưng cái tên “kẹo Sìu” đã thành quên và chỉ có một nên chỉ cần nói “kẹo Sìu” không người ta cũng biết đó là kẹo Sìu Châu Nam Định.
Để làm ra kẹo lạc Sìu Châu, người nghệ nhân không gặp quá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chỉ những người có tay nghề mới có thể làm ra chiếc kẹo đúng hương vị. Bước đầu tiên là chuẩn bị nguyên liệu. Nguyên liệu gồm nhân lạc, vừng, đường, mạch nha, bột nếp. Lạc còn mới, được lựa chọn rất kỹ càng, chỉ chọn những hạt chắc, mẩy và bùi, tránh những hạt thối, mốc...Mạch nha một trong nguyên liệu không thể thiếu để làm kẹo lạc. Mạch nha được làm từ cháo gạo, ngô, lúa mỳ, sắn… kết hợp với bột mầm gạo (cốc nha), mầm mạch (mạch nha).
Nguyên liệu chuẩn bị xong sẽ được sơ chế. Lạc cho lên rang đến chín vừa, ủ cho giòn bùi rồi sát vỏ, giã nhỏ ra. Vừng rang vàng. Sau đó bắt đầu làm kẹo. Đường đem đi đun đến khi tan chảy hoàn toàn, khi đun canh lửa và đảo liên tục để đường không bị cháy đắng. Thả vài giọt đường vào cốc nước, nếu đường đông cứng ngay lại, không bị tan là lúc đường đã đạt yêu cầu. Lúc này hãy nhanh tay cho mạch nha vào, đảo đều đến khi mạch nha và đường hòa quyện, sánh vào nhau. Cho đường vào chảo hoặc nồi có đáy dày và rộng, đun đường trên lửa nhỏ. Tắt bếp, cho lạc và 4/5 số vừng vào, đảo đều. Kế tiếp, đổ hỗn hợp trên ra phản gỗ, mâm có tráng mỡ hoặc bột nếp rang rồi dàn mỏng và phẳng, rắc nốt số vừng còn lại.
Cuối cùng là công đoạn cắt nhỏ thành từng chiếc kẹo. Kẹo lạc rất nhanh cứng vì vậy sau khi dàn khoảng 5 phút thì nhân lúc kẹo vẫn còn độ dẻo phải dùng dao sắc và nặng, nhanh tay cắt kẹo thành hình mong muốn. 1 tay giữ cán dao, tay kia ấn mạnh và dứt khoát vào đầu dao để cắt. Những chiếc kẹo ngọt ngọt vị đường lẫn mạch nha, bùi thơm vị lạc và vừng đã được hoàn thành. Ta hoàn toàn có thể tự làm ngay tại nhà của mình.
Kẹo lạc Sìu Châu là đặc sản của thành Nam từ bao đời nay. Đó là món kẹo dân dã, bình dị thường được nhiều thế hệ yêu thích. Bạn bè quốc tế đến với Việt Nam cũng rất yêu thích hương vị của loại kẹo đặc biệt này. Thanh kẹo giòn tan, không dính răng, có vị bùi béo và thơm của lạc, vừng với độ ngọt thanh vừa phải là thứ đồ ăn vặt tuyệt vời; nhất là khi nhâm nhi cùng tách trà nóng trong tiết trời mùa đông giá lạnh. Đặc biệt là khi cả nhà, các thế hệ cùng quây quần bên nhau, làm kẹo lạc thật vui và thú vị. Mỗi lần về Nam Định, mua kẹo lạc Sìu Châu về làm quà, bạn bè, người thân ai cũng thích. Kẹo lạc là món quà gợi nhắc về quê hương Nam Định, về nét văn hóa của người Việt. Ẩn trong vị ngọt vị thơm là cả tâm hồn quê hương.
Kẹo lạc Sìu Châu là niềm tự hào của quê hương tôi, niềm tự hào của thành phố nhỏ bé trên dải đất hình chữ S thân yêu. Hương vị của kẹo Sìu Châu cũng là hương vị ngọt ngào đồng hành cùng bao thế hệ người, là hương vị mà mỗi khi xa quê, người ta da diết nhớ về - hương vị của quê nhà Nam Định yêu thương.
=> Trên đây là bài viết tham khảo. Tuy nhiên, nếu bạn học sinh nào muốn viết theo ý mình thì KhoaHoc có dàn ý để các bạn dễ viết bài.
1. Mở bài
Giới thiệu quê hương em và đặc sản của quê hương em.
2. Thân bài
- Giới thiệu khái quát về nguồn gốc của đặc sản mà em lựa chọn: có từ khi nào, ai là ông tổ làm ra nó?
- Nguyên liệu cần chuẩn bị khi làm đặc sản đó: Cần những loại nguyên liệu gì, được chọn lựa kĩ càng như thế nào
- Cách sơ chế nguyên liệu trước khi bắt đầu giai đoạn làm
- Chi tiết cách làm đặc sản của quê hương mình
- Bắt đầu làm gì trước?
- Chi tiết những công đoạn nhỏ nhất
- Khi làm cần lưu ý những điều gì? Về độ lửa, đảo tay....
- Sau khi chế biến xong thì trang trí, đóng bọc như thế nào?
- Hương vị, ý nghĩa của đặc sản quê hương em với người dân quê em và đất nước
- Đó là niềm tụ hào của quê em
- Mang hương vị quê hương, là món quà ý nghĩa mà những người dừng chân mua tặng người thân, bạn bè
3. Kết bài
- Vị trí của đặc sản đó với người dân quê em
- Tình cảm của em dành cho đặc sản quê mình