Cảm nhận của em về nhân vật Thị Kính

  • 1 Đánh giá

Phần tham khảo mở rộng

Câu 1: Cảm nhận của em về nhân vật Thị Kính

Bài làm:

Người phụ nữ trong xã hội phong kiến là một đề tài quen thuộc trong nền văn học Việt Nam. Các nhà văn luôn dành những trang viết để đồng cảm và trân trọng họ bởi đó là những con người đầy nỗi bất hạnh. Nhân vật Thị Kính trong tác phẩm Quan âm Thị Kính là một nhân vật tiêu biểu như vậy, một số phận chịu nhiều oan khuất, đau đớn. Đoạn trích “Nỗi oan hại chồng” đã cho thấy phần nào cuộc sống bế tắc, không lối thoát của người phụ nữ nói riêng và những số phận thấp cổ bé họng nói chung.

Đoạn trích nằm ở hồi một của tác phẩm “Quan âm Thị Kính”. Thị Kính là cô gái sinh ra trong gia đình nghèo, được cha mẹ gả cho Sùng Thiện Sĩ – chàng thư sinh của gia đình giàu có trong vùng. Một đêm khâu áo cho chồng, nàng bỗng nhìn thấy chiếc râu mọc ngược, nàng cầm dao toan xén đi. Người chồng tỉnh dậy, bất giác hô hoán lê. Cha mẹ chồng đổ mọi tội lỗi cho Thị Kính và đuổi nàng về nhà bố đẻ.Bao nỗi oan khuất chẳng thể giãi bày, dẫn tới bi kịch “Nỗi oan hại chồng”.

Là người con gái xuất thân trong gia cảnh nghèo khó nhưng Thị Kính là người con gái nết na, đoan trang, nhân hậu và rất mực yêu thương chồng. Khi chồng thức khuya học bài, nàng ngồi cạnh khâu vá, dọn kỉ rồi ngồi quạt cho chồng yên giấc trong đêm. Tấm lòng sắc son, hi sinh vì chồng của nàng thật đáng trân trọng. Vậy rồi mà cuộc đời chẳng đáp đền tấm lòng của người con gái nết na. Vì chiếc râu mọc ngược của chồng, nàng định cắt đi để rồi dẫn đến bi kịch Thiện Sĩ nghi ngờ vợ có ý định giết mình. Mở đầu cho những sóng gió liên tiếp xảy đến với cuộc đời người con gái đáng thương, bất hạnh.

Trước bi kịch xảy ra, Sùng ông Sùng bà đã mắng nhiếc, ruồng bỏ người con dâu. Nàng bị đối xử một cách tệ bạc,bị gia đình chồng khinh thường. Ta không khỏi xót xa trước những lời van xin, khóc lóc van lậy của Thị Kính: " Oan cho con lắm mẹ ơi", "Mẹ xét tình con, oan cho con lắm mẹ ơi". Tiếng khóc đau đớn từ tận đáy lòng của nàng khiến chúng ta không khỏi xót xa, thương cảm cho hoàn cảnh đầy oan trái của nàng. Nàng càng khóc, Sùng bà càng mắng nhiếc nàng thậm tệ hơn và đuổi nàng về nhà. Người con gái đi lấy chồng chẳng thể báo đáp được công ơn sinh thành của cha mẹ, giờ lại khiến cha mẹ phải chịu nỗi oan tày trời, bị khinh bỉ và ruồng rẫy. Phận làm con có ai không đau lòng, xót xa

Hoàn cảnh của Thị Kính chẳng khác nào nỗi oan của Vũ Nương trong truyện người con gái Nam Xương. Chỉ vì chiếc bóng in trên tường mà nàng đùa nghịch cùng con khi đêm tối, đã khiến người chồng hiểu lầm nàng không chung thủy và Vũ Nương đã chọn cái chết để giải thoát. Nỗi oan của Thị Kính nói riêng và của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến nói chung là do sự bất công, chà đạp của chế độ nam quyền khiến họ không thể giãi bày những tâm tư trong lòng. Nỗi đau đớn của Thị Kính cũng xuất phát từ từ hoàn cảnh gia đình không “môn đăng hậu đối” với gia cảnh nhà chồng. nàng bị Sùng bà sỉ nhục với bao lời lẽ cay nghiệt. Bởi vậy, nàng chỉ than thân trách phận mình sao hẩm hiu, đầy đau đớn:

Nghĩ trách mình phận hẩm duyên ôi

Cho nên nỗi thế tình run rủi

Và trong cơn bĩ cực của cuộc đời, nàng đã tìm cách để giải thoát cho mình, để cha mẹ chẳng phải đau khổ vì nàng. Đó là nàng đóng giả nam nhi, xuất gia tìm lại bình yên chốn cửa Phật. Sự ra đi của nàng hướng về chân trời chớm rạng đông như mong ước về một cuộc sống bình yên, không vương vấn bụi trần.

Nhân vật Thị Kính như tiêu biểu cho bao bi kịch của người phụ nữ trong xã hội cũ với những bất công, oan trái. Qua đó, tác phẩm đã lên án mạnh mẽ xã hội thối nát, chà đạp lên những ước mơ, cuộc sống tốt đẹp của con người và đó cũng tiếng lòng thương cảm, xót xa của nhân dân cho số phận hồng nhan mà bạc mệnh.

  • 890 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021