Giải bài Luyện từ và câu: Lập chương trình hoạt động
Bài học này sẽ giúp các em rèn luyện cách lập chương trình cho một hoạt động như liên hoan văn nghệ, lễ mít tinh kỉ niệm... KhoaHoc sẽ hướng dẫn giải các bài tập dễ dàng, hiệu quả. Các em hãy cùng theo dõi nhé!
1. Đọc câu chuyện dưới đây và trả lời câu hỏi:
Một buổi sinh hoạt tập thể
Sắp tới ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11, lớp tôi bàn việc chúc mừng thầy cô. Có bạn đề nghị liên hoan tại lớp. Có bạn nói đi cắm trại cùng thầy cô sẽ vui hơn. Ồn ào một hồi, chẳng ai nghe ai.
Cuối cùng, lớp trưởng Thủy Minh lên tiếng. Lớp trưởng có khác, nói nghe rất được. Để hòa vào không khí vui chung của toàn trường, chúng tôi sẽ không đi cắm trại xa mà tổ chức ngay tại lớp một buổi liên hoan thật rôm rả. Sẽ có hoa quả, bánh kẹo, có báo tường và một chương trình văn nghệ "cây nhà lá vườn".
Việc chuẩn bị hoa quả, bánh kẹo, chén đĩa,… được giao hoàn toàn cho các bạn nữ. Bạn Tâm, bạn Phượng sẽ chỉ huy chuyện bếp núc này. Nhóm các bạn Trung, Nam, Sơn lo trang trí lớp học. Báo tường thì ai cũng phải viết, vẽ hoặc sưu tầm. Lớp trưởng là chủ bút cùng nhóm biên tập lo ra báo. Các tiết mục văn nghệ cũng được phân công cụ thể cho từng người, từng nhóm.
Buổi liên hoan diễn ra thật vui vẻ. Lớp học được trang hoàng đẹp và đầm ấm. Thu Hương dẫn chương trình rất có duyên. Tuấn Béo diễn kịch câm làm ai nấy cười rũ. Còn Huyền Phương, hằng ngày bẽn lẽn là thế, nhưng hôm đó kéo đàn thật sành điệu. Thầy chủ nhiệm rất cảm động. Thầy khen báo tường của lớp hay, khen các tiết mục biểu diễn rất tự nhiên, khen buổi sinh hoạt đã được tổ chức chu đáo.
Trên đường về, chúng tôi không ngớt lời bàn tán về buổi liên hoan. Ai cũng hài lòng, cảm thấy gắn bó với nhau hơn sau thành công của buổi sinh hoạt tập thể lần đầu tiên do chính chúng tôi tự tổ chức.
Câu hỏi:
a) Các bạn trong lớp tổ chức buổi liên hoan văn nghệ nhằm mục đích gì?
b) Để tổ chức buổi liên hoan, cần làm những gì? Lớp trưởng đã phân công như thế nào?
c) Hãy thuật lại diễn biến của buổi liên hoan.
Trả lời:
a. Các bạn trong lớp tổ chức buổi liên hoan văn nghệ nhằm mục đích chúc mừng các thầy cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/ 11.
b.
- Để tổ chức buổi liên hoan cần chuẩn bị:
- Bánh kẹo, hoa quả, chén đĩa.
- Báo tường.
- Chương trình văn nghệ.
- Lớp trưởng đã phân công như sau:
- Bánh kẹo, hoa quả, chén đĩa,… Tâm, Phượng và các bạn nữ.
- Trang trí lớp học: Trung, Nam, Sơn.
- Ra báo: Chủ bút Thủy Minh + ban biên tập. Cả lớp viết bài, vẽ hoặc sưu tầm.
- Các tiết mục (dẫn chương trình – Thu Hương): Kịch câm – Tuấn Béo; Kéo đàn – Huyền Phương; Các tiết mục khác…
c. Diễn biến của buổi liên hoan như sau:
- Mở đầu là chương trình văn nghệ. Thu Hương dẫn chương trình. Tuấn Béo biểu diễn kịch câm. Huyền Phương kéo đàn,…
- Cuối cùng, thầy chủ nhiệm phát biểu khen báo tường của lớp hay, khen các tiết mục biểu diễn tự nhiên, buổi liên hoan tổ chức chu đáo.
- Cả lớp ai cũng hài lòng, thấy gắn bó với nhau hơn.
2. Giả sử em là lớp trưởng trong câu chuyện trên, hãy lập chương trình hoạt động của lớp để tổ chức buổi liên hoan văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 – 11.
Gợi ý:
Chương trình hoạt động gồm 3 phần :
I. Mục đích
II. Phân công chuẩn bị.
III. Chương trình cụ thể.
Trả lời:
I. Mục đích:
Chúc mừng và bày tỏ lòng biết ơn thầy cô giáo.
II. Phân công chuẩn bị:
- Bánh kẹo, hoa quả, chén, đĩa, hoa,...: Tâm, Phượng
- Trang trí: Trung, Nam, Sơn.
- Báo: Thủy Minh và ban biên tập.
- Tiết mục văn nghệ:
- Dẫn chương trình: Thu Hương
- Kịch câm: Tuấn.
- Kéo đàn: Huyền Phương
- Tiết mục múa: tổ 2 phụ trách.
- Tam ca nữ: Mai, Huệ, Linh
- Hoạt cảnh kịch: Nhớ ơn thầy cô (tổ 4 phụ trách)
- Dọn lớp sau buổi lễ: Cả lớp.
III. Chương trình cụ thể:
- Phát biểu chúc mừng và tặng hoa thầy cô: Thủy Minh
- Giới thiệu báo tường: Dũng.
- Chương trình văn nghệ
- Giới thiệu chương trình văn nghệ chào mừng thầy cô: Thu Hương.
- Biểu diễn:
- Kịch câm
- Kéo đàn vi-ô-lông.
- Múa
- Tam ca nữ
- Hoạt cảnh kịch
- Kết thúc: Thầy chủ nhiệm lên phát biểu.
Xem thêm bài viết khác
- Tả con chó
- Giải bài Tập đọc: Thuần phục sư tử
- Chi tiết nào trong câu chuyện gây bất ngờ cho người đọc?
- Giải bài Tập làm văn: Ôn tập về tả đồ vật trang 66
- Giải bài Tập làm văn: Ôn tập về tả đồ vật
- Kể chuyện đã nghe, đã đọc: Chuyện chiếc rễ đa tròn
- Giải bài Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc trang 82
- Giải bài Chính tả: Bầm ơi
- Trước việc làm của người quân hiệu, Trần Thủ Độ xử lí ra sao?
- Giải bài Tập làm văn: Ôn tập về tả cây cối trang 96
- Giải bài Tập đọc: Hộp thư mật
- Giải bài Luyện từ và câu Mở rộng vốn từ Quyền và bổn phận