Giải thích vì sao nhà thơ Chế Lan Viên viết: "Tất cả Tố Hữu, thi pháp, tuyên ngôn, những yếu tố làm ra anh có thể tìm thấy trong tế bào này, Chế Lan Viên nói về Tố Hữu

Nội dung
  • 1 Đánh giá

Bài 2 trang 44 sgk Ngữ Văn 11 tập hai

KhoaHoc mời các bạn cùng theo dõi đáp án chi tiết cho Bài 2 trang 44 sgk Ngữ Văn 11 tập hai được chúng tôi đăng tải trong bài viết dưới đây.

Giải thích vì sao nhà thơ Chế Lan Viên viết: "Tất cả Tố Hữu, thi pháp, tuyên ngôn, những yếu tố làm ra anh có thể tìm thấy trong tế bào này, anh là nhà thơ của vạn nhà, buộc lòng cùng nhân loại..."

(Lời tựa tập Trăm bài thơ của Tố Hữu, NXB Văn học, Hà Nội, 1987)

Mẫu 1

Bài thơ Từ ấy mở đầu, định hướng cho toàn bộ sáng tác của Tố Hữu. Đó là hai yếu tố làm ra: thi pháp và tuyên ngôn.

- Thi pháp: dùng thể thơ truyền thống với ngôn từ bình dị, dễ nhớ, dễ thuộc, đây cũng là đặc trưng trong thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu. Làm thơ chính trị nhưng không nặng nề khuôn mẫu mà dễ nhớ, dễ thuộc.

- Tuyên ngôn: “mặt trời chân lí chói qua tim”, tác giả đặt chân lí, ánh sáng mà Đảng mang lại chính là chân lí chạm tới trái tim, làm thay đổi con người của nhà thơ.

- Khổ thơ cuối với cấu trúc “là anh, là em, là con” : nhà thơ tự gắn cuộc đời mình với quần chúng lao khổ với mối quan hệ ruột thịt, gần gũi.

- Nhà thơ tự “buộc” mình với những cảnh ngộ nghèo khó, cù bất cù bơ của vạn nhà, vạn em nhỏ…

=> Thơ chính trị của Tố Hữu không khô khan, ngược lại dễ nhớ, gần gũi, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người bởi chính sự chân thật trong cách diễn đạt tình cảm khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Mẫu 2

Tố Hữu là nhà thơ kí trung thành của thời đại. Suốt cả cuộc đời mình ông mang thơ văn phục vụ cách mạng tạo thành vũ khí sắc bén chống lại kẻ thù. Nhắc về con người ấy, Chế Lan Viên đã viết: "Tất cả Tố Hữu, thi pháp, tuyên ngôn, những yếu tố làm ra anh có thể tìm ra tế bào này, anh là nhà thơ của vạn nhà, buộc lòng cùng nhân loại..." Ta có thể tìm thấy hình ảnh ấy của Tố Hữu qua hai khổ thơ cuối bài thơ Từ ấy

Tố Hữu sinh ra tại Thừa Thiên - Huế, mảnh đất quê hương đã bồi đắp cho hồn thơ Tố Hữu một giọng điệu ngọt ngào, tâm tình, thủ thỉ. Thơ ông mang đậm màu sắc trữ tình chính trị, sự nghiệp thơ ca của ông gắn liền với sự nghiệp cách mạng, phản ánh chân thật những chặng đường cách mạng đầy gian hổ, hi sinh nhưng cũng nhiều thắng lợi vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Tố Hữu có 7 tập thơ ứng với năm chặng đường cách mạng của dân tộc. Có thể nói, đường đời, đường thơ, đường cách mạng của ông tồn tại song hành. Thơ là vũ khí phục vụ kháng chiến. Đến lượt minh, hiện thực khốc liệt của cuộc chiến trở thành nguồn thi liệu phong phú cho thơ ông. Có lẽ vì thế mà trải qua biết bao thăng trầm, thơ Tố Hữu vẫn giữ được nguồn sống dồi dào, không bị lớp bụi thời gian phủ kín.

Từ ấy nằm trong phần Máu lửa của tập thơ cùng tên ra đời tháng 7/1938. Tác phẩm đã đánh dấu mốc thời gian quan trọng trong cuộc đời cũng như trong đời thơ Tố Hữu. Nhan đề Từ ấy gợi ra một thời điểm trong cuộc đời nhà thơ Tố Hữu, để đánh dấu quãng thời gian trước từ ấy và sau từ ấy. Từ ấy là thời điểm mà Tố Hữu được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng Sản để đấu tranh cho lí tưởng cách mạng.

Từ ấy trở thành một dấu mốc quan trọng có tính bước ngoặt trong con đường thơ, đường đời Tố Hữu. Bởi nó chi phối mọi cảm xúc, tâm trạng, tác động đến tình cảm của cái tôi trữ tình. Trước Từ ấy, ta bắt gặp một con người lạc lõng, cô đơn:

“Bâng khuâng đững giữa đôi dòng nước,

Chọn một dòng hay để nước cuốn trôi”

Sau Từ ấy, đã có một Tố Hữu (TH) được khai sinh, một Tố Hữu bén duyên với cách mạng để hình thành một hồn thơ thuộc về lẽ sống lớn, niềm vui lớn của con người cách mạng và đời sống cách mạng. Tất cả những cảm xúc riêng tư, những quan hệ cá nhân đều được quy chiếu về điểm nhìn mang tính trữ tình, chính trị. Và cũng từ đây, chúng ta đã có một Tố Hữu là nhà thơ trữ tình chính trị, là “người thơ kí trung thành của thời đại”

Chế Lan Viên viết "Tất cả Tố Hữu, thi pháp, tuyên ngôn, những yếu tố làm ra anh có thể tìm ra tế bào này, anh là nhà thơ của vạn nhà, buộc lòng cùng nhân loại..." như một lời khẳng định về tâm hồn, tư tưởng của người thanh niên cộng sản Tố Hữu. Giây phút anh được đứng vào hàng ngũ của Đảng cộng sản đấu tranh cho quyền lợi của nhân dân Việt Nam cũng là lúc Tố Hữu trở thành nhà thơ của vạn nhà, anh buộc lòng cùng nhân loại. Cuộc hành trình buộc lòng với nhân loại ấy được Tố Hữu diễn tả đầy say mê:

“Tôi buộc lòng tôi với mọi người

Để tình trang trải với muôn nơi

Để hồn tôi với bao hồn khổ

Gần gũi nhau cho mạnh khối đời.”

Động từ “buộc” ở đây không có nghĩa là bắt buộc, miễn cưỡng mà nó là sự chủ động, biểu hiện của sự tự nguyện và quyết tâm cao độ của nhà thơ. Tố Hữu muốn vượt qua giới hạn của cái tôi cá nhân để “trang trải”, sống chan hòa, đồng cảm và trải lòng với mọi người. Đặc biệt, ông dành sự quan tâm sâu sắc đến những mảnh đời bất hạnh và quần chúng lao động cùng khổ - những con người thấp cổ, bé họng, bị chà đạp và áp bức trong xã hội đương thời.

“Khối đời” là hình ảnh ẩn dụ chỉ những người cùng chung cảnh ngộ, đoàn kết với nhau để phấn đấu vì mục tiêu chung. Ông để hồn mình hòa với nỗi khổ đau của “bao hồn khổ” mà cảm nhận nỗi khổ của họ, để thấu hiểu và yêu thương.Có thể hiểu: khi cái tôi chan hòa trong cái ta, khi cá nhân hòa mình vào một tập thể cùng lí tưởng thì sức mạnh của mỗi người sẽ được nhân lên gấp bội. Qua khổ thơ này,Tố Hữu đã thể hiện được quan điểm, nhận thức mới mẻ của mình về lẽ sống, đó là sự gắn bó hài hòa giữa cái tôi cá nhân với cái ta chung của mọi người. Nhà thơ đã tìm được niềm vui và sức mạnh mới khi đặt mình giữa dòng đời và quần chúng nhân dân lao khổ.

Nếu khổ thơ đầu là cuộc hội ngộ, là giây phút bắt gặp ánh sáng, gặp lí tưởng cách mạng thì khổ thơ thứ ba đã đánh dấu thành quả ban đầu, những nhận thức về lẽ sống đã làm đổi thay trong cuộc đời người thanh niên Tố Hữu, mà Chế Lan Viên đã khẳng định “anh (chỉ Tố Hữu) là nhà thơ của vạn nhà”

“Tôi đã là con của vạn nhà

Là em của vạn kiếp phôi pha

Là anh của vạn đầu em nhỏ

Không áo cơm, cù bất cù bơ...”

Điệp ngữ "Là con”, “là em”, “là anh” cùng với số từ ước lệ “vạn” đã nhấn mạnh và khẳng định tình cảm gia đình đầm ấm, thân thiết. Nhà thơ dường như đã hòa mình, trở thành một thành viên trong đại gia đình quần chúng lao khổ.

Những cụm từ “kiếp phôi pha, “cù bất cù bơ” xuất hiện nối tiếp nhau trong suốt cả khổ thơ là sự đau xót của nhà thơ trước những kiếp người bất hạnh, đồng thời bày tỏ sự căm giận trước những oan trái mà kẻ thù đã gây ra cho nhân dân. Tác giả coi mình cũng như một người vô danh “cù bất cù bơ” nhưng có tinh thần đoàn kết và kiên trung trong đại gia đình của những khối đời cùng khổ. Đến đây, có thể thấy được lí tưởng cộng sản không chỉ giúp Tố Hữu có được lẽ sống mới mà còn giúp ông vượt qua tình cảm ích kỷ, hẹp hòi của giai cấp tiểu tư sản để có được tình cảm giai cấp cao cả.

Sở dĩ Chế Lan Viên có thể viết "Tất cả Tố Hữu, thi pháp, tuyên ngôn, những yếu tố làm ra anh có thể tìm ra tế bào này, anh là nhà thơ của vạn nhà, buộc lòng cùng nhân loại..." bởi Tố Hữu đã nguyện buộc tâm hồn mình gắn với cuộc đời chung của những kiếp người cơ cực, khổ sở. Ông đã từ bỏ cái tôi hẹp hòi, ích kỷ để hòa mình với dòng chảy trôi của lịch sử, gắn kết mình với không khí đoàn kết trên dưới một lòng của cả dân tộc. Và hẳn nhiên, sự nhận thức ấy đã mang đến cho Tố Hữu lí tưởng sống để đủ sức thoát khỏi bức màn tối tăm của sự lạc lõng giữa thời cuộc của tầng lớp trí thức lúc bấy giờ.

Từ ấy của Tố Hữu như một khúc hoan ca với ngôn ngữ thơ gợi cảm, nhịp điệu linh hoạt, và mang đầy nhạc điệu. Qua các hình ảnh thơ tươi sáng, giàu ý nghĩa tượng trưng, Tố Hữu đã truyền tải thành công cho người đọc nỗi niềm sung sướng, say mê của ông khi gặp mặt trời chân lí của đời mình.

Có thể nói “Từ ấy” chính là bước ngoặc trong đời thơ cũng như đời làm Cách mạng của Tố Hữu. Kể từ đây cho đến khi "tạm biệt đời yêu quý nhất", ông đã sống, đã sáng tác theo đúng lí tưởng, mục đích mà mình theo đuổi.