Viết bài tập làm văn số 6 – Văn nghị luận (làm tại lớp)
D. Hoạt động vận dụng
Viết bài tập làm văn số 6 – Văn nghị luận (làm tại lớp)
Một số đề bài tham khảo
a) Dựa vào các văn bản Chiếu dời đô và Hịch tướng sĩ hãy nêu suy nghĩ của em về vai trò của những người lãnh đạo như Lý Công Uẩn và Trần Quốc Tuấn đối với vận mệnh đất nước.
b) Từ văn bản "Bàn luận về phép học" của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa "học" và "hành".
c) Câu nói của M. Go – rơ – ki: "Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức là con đường sống" gợi cho em suy nghĩ gì?
d) “Hãy yêu thương và chia sẻ, bạn sẽ nhận về niềm vui và hạnh phúc.”
Viết bài văn trình bày suy nghĩ của em về ý kiến trên.
Bài làm:
Đề d: “Hãy yêu thương và chia sẻ, bạn sẽ nhận về niềm vui và hạnh phúc.” Viết bài văn trình bày suy nghĩ của em về ý kiến trên.
Bài mẫu 1
Có bao giờ bạn tự hỏi “Hạnh phúc là gì” hay chưa? Con người nỗ lực cả cuộc đời , mải mê kiếm tìm hạnh phúc cả cuộc đời. Nhưng mấy ai định nghĩa được hạnh phúc đích thực là gì? Có người gọi hạnh phúc là cuộc sống sung sướng đầy đủ vật chất, có người gọi hạnh phúc là sự xinh đẹp. Cũng có người cho rằng: “Hãy yêu thương và chia sẻ, bạn sẽ nhận về niềm vui và hạnh phúc.”
Yêu thương và sẻ chia là những tình cảm tốt đẹp, khởi nguồn từ trái tim mỗi con người, gửi trao đến mọi người trong cuộc sống. Còn hạnh phúc trạng thái cảm xúc khi được thỏa mãn nhu cầu, nguyện vọng nào đó của con người. Tình yêu thương, sự sẻ chia, niềm vui và hạnh phúc đều là những giá trị đáng quý nhất trong cuộc đời.
Ý kiến trên đã nêu lên giá trị của yêu thương và sẻ chia. Trao đi yêu thương và sẻ chia, chúng ta sẽ nhận lại niềm vui và hạnh phúc. Điều đó là hoàn toàn đúng đắn. Bởi lẽ cuộc sống bao gồm nhiều mối quan hệ giữa người với người, từ những người thân yêu nhất trong gia đình đến những người khác trong xã hội. Chúng ta không thể sống trong cộng đồng rộng lớn đó mà vô cảm, đơn độc. Nếu bạn vô cảm với mọi người, tự thu mình trong chiếc vỏ kín, không sẻ chia, không yêu thương, cuộc sống của bạn sẽ trở nên vô nghĩa, bạn sẽ tự tách mình ra khỏi vòng tròn của cộng đồng. Những lúc khó khăn, bạn sẽ phải đơn độc đối diện một mình, cuối cùng dẫn đến những kết quả không tốt đẹp.
Thực tế đã chứng minh, rất nhiều người sống bàng quan, không giao lưu, không tiếp xúc với mọi người xung quanh dẫn đến trầm cảm và thất bại. Ai cũng có niềm hạnh phúc riêng, nỗi lo và buồn phiền riêng, không phải lúc nào giữ trong lòng cũng là biện pháp. Sẻ chia nỗi buồn, gánh nặng trong lòng sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, sẻ chia niềm vui, hạnh phúc sẽ được nhân lên gấp nhiều lần.
Yêu thương và sự sẻ chia mang trong mình sức mạnh gắn kết và nâng đỡ vô cùng lớn lao. Nó giống như những phép màu nhiệm, có thể chữa lành những vết thương, bao bọc những vết khuyết kém may mắn trong cuộc sống. Không một ai sinh ra hoàn hảo, ai cũng cần sự sẻ chia và yêu thương. Yêu thương, sẻ chia không phải điều gì đó quá lớn lao kì vĩ. Đôi khi, nó chỉ là những thứ hết sức bình dị ở đời. Đơn giản nhất chính là sự quan tâm và tình cảm dành cho những người thân yêu trong gia đình. Một cái ôm, một câu nói “con yêu mẹ” hay một hành động giúp đỡ mẹ cha của bạn cũng có thể đem đến niềm vui cho cha mẹ.
Hay lớn lao hơn thế là tình yêu thương những số phận bất hạnh, những mảnh đời còn nhiều khó khăn hơn mình. Nếu sống lạnh lùng vô cảm, có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ biết được thế giới rộng lớn bao la, có hàng ngàn hàng vạn người sống khổ cực hơn mình, sẽ không bao giờ biết được sự may mắn của bản thân mà trân trọng, nâng niu. Hơn nữa, trao đi yêu thương và sự sẻ chia, chúng ta sẽ nhận lại được sự biết ơn và tin tưởng, hạnh phúc và niềm vui chính là những điều quý giá như thế.
“Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình yêu thương” Lạnh lùng và vô cảm là nguồn cơn dẫn đến nhiều bi kịch trong cuộc sống. Những cuộc chiến tranh phi nghĩa trong quá khứ, những cuộc xả sung ném bom tấn công khủng bố đã cướp đi sinh mệnh của bao người vô tội. Nguyên nhân phải chăng cũng xuất phát từ trái tim thiếu tình yêu thương của con người? Cuộc sống ở ngôi làng mà hàng xóm láng giềng yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau chắc chắn sẽ ấm áp, vui vẻ hơn cuộc sống nơi đô thị, nhà ai khép kín cửa nhà ấy, chẳng bao giờ tiếp xúc với nhau.
Thế nhưng, không phải lúc nào yêu thương và sẻ chia cũng đem lại hạnh phúc. Yêu thương, sẻ chia cần đúng người, đúng thời điểm. Giống như việc bạn có thể một vài lần giúp đỡ cho người ăn xin nhưng không thể cả đời đưa tay giúp đỡ họ để họ ỷ lại vào lòng nhân ái của xã hội để tồn tại mà không cố gắng vươn lên.
Hãy sống chậm lại, mở lòng mình để yêu thương và sẻ chia nhiều hơn với mọi người. Bởi lẽ “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”, và yêu thương trao đi chính là yêu thương giữ được mãi mãi…
Bài mẫu 2
Yêu thương và chia sẻ chính là tình cảm xuất phát từ trái tim mỗi con người. Đó chính là tình yêu thương, san sẻ giữa con người với con người giúp những trái tim xích lại gần nhau. Tình yêu thương là món quà vô giá nhất mà con người dành cho nhau.
Yêu thương và chia sẻ không phải là những điều gì quá cầu kì mà đơn thuần có thể xuất phát từ những việc làm giản dị nhất, nhỏ nhất. Chẳng hạn như việc chúng ta giúp đỡ những người thân trong gia đình công việc nhà hay dắt bà cụ qua đường, rộng hơn nữa là chia sẻ những giá trị vật chất cũng như tinh thần với những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.Tình yêu mà bạntrao gửi tới mọi người xung quanh cũng chính là tình yêu mà bạn được nhận lại cho chính bản thân mình. Cảm thấy việc mình làm có ích sẽ giúp bạn hạnh phúc và an yên trong tâm hồn. Khi bạn “cho” đi cũng có nghĩa là “nhận” lại.
Người Việt Nam ta xưa nay luôn luôn sống với truyền thống yêu thương, đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Ngoài kia còn biết bao nhiêu hoàn cảnh nghèo khó, những em bé mồ côi không nơi nương tựa đã được các nhà hảo tâm, những tấm lòng yêu thương chia sẻ những món quà vật chất và tinh thần. Nhiều những mái ấm tình thương cưu mang trẻ em, các chương trình khuyến học động viên các em học tập hay những món quà được gửi đến những người khuyết tật. Đó đều là những tình cảm từ sâu thẳm trái tim mỗi người, mong họ có thể giúp phần nào san sẻ nỗi đau với những người có hoàn cảnh kém may mắn hơn để họ tiếp tục có động lực cô gắng.
Một nhà văn Nga đã nhận định rằng: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình yêu thương”. Từ đó, chúng ta có thể hiểu rằng, khi không có tình thương và sự sẻ chia tồn tại thì cuộc sống trở nên lạnh lẽo, vô nghĩa biết nhường nào. Thời gian qua đi và bốn mùa luân chuyển, giá trị còn ở lại mãi với chúng ta chính là tình yêu thương. Bởi mỗi chúng ta đều “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”
Cuộc sống của chúng ta luôn cần sự yêu thương. Chỉ có nó mới là sợi dây gắn kết bền chặt nhất giữa con người với nhau, không giá trị vật chất nào có thể đánh đổi được.
Xem thêm bài viết khác
- Phân tích hiệu quả diễn đạt của trật tự từ trong những câu thơ sau:
- Dựa và dàn ý đã lập về phương pháp làm một đồ dùng mà em yêu thích (mục 3, Hoạt động luyện tập), hãy viết thành bài văn hoàn chỉnh khoảng 300 chữ.
- Ôn tập văn học Việt Nam - Phần thơ trữ tình Soạn Văn 8
- Văn bản tường trình và văn bản báo cáo có điểm gì giống và khác nhau?
- Theo em, câu cầu khiến thường có những từ ngữ nào? Câu cầu khiến được dùng để làm gì? Khi viết câu cầu khiến thường kết thúc bằng dấu hiệu gì?
- Tại sao nói Chiếu dời đô đã phản ánh ý chí độc lập, tự cường và sự phát triển lớn mạnh của dân tộc Đại Việt?
- Qua các bài thơ Tức cảnh Pác Bó, Đi đường, Ngắm trăng, ...
- Soạn văn 8 VNEN bài 23: Nước Đại Việt ta
- Chọn viết lời bình cho một đoạn trích hoặc một bài thơ ...
- Chính quyền thực dân đã “ghi nhớ công lao” và “đền đáp” những hi sinh của người dân thuộc địa như thế nào? Qua đó tác giả muốn bày tỏ điều gì?
- Tác phẩm Cô bé bán diêm kết thúc có hậu không? Điều đó có ý nghĩa gì?
- Nhận xét về giọng điệu của bài thơ.