Tình cảm và sự giúp đỡ của nhân dân Cu Ba đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
2. Tình cảm và sự giúp đỡ của nhân dân Cu Ba đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
Bài làm:
Tài liệu đọc thêm
Năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn ác liệt nhất, Anh hùng Núp (tên thật là Đinh Núp) được Đảng, Nhà nước Cuba mời sang thăm. Sau đó, khi chia tay, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng nước Cộng hòa Cuba Fidel Castro đã gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh một hộp xì gà-đặc sản của Cuba và nhờ Anh hùng Núp mang về giúp. Đồng chí Fidel Castro cũng nhờ Anh hùng Núp về thưa với Bác Hồ rằng: Trong cuộc chiến đấu mới này, Việt Nam cần gì đã có Cuba bên cạnh.
Sau đó, giữa lúc đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, nhiều bác sĩ, nhân viên y tế Cuba đã sang giúp chữa trị cho các thương binh và người dân bị nạn. Bất chấp sự phong tỏa bằng bom, mìn của đế quốc Mỹ, các tàu Cuba vẫn cập cảng Hải Phòng vận chuyển hàng cứu trợ của nhân dân Cuba giúp nhân dân Việt Nam. Đồng thời, Cuba cử chuyên gia về cầu đường sang tham gia cùng bộ đội Trường Sơn mở rộng đường mòn Hồ Chí Minh, giúp đào tạo hơn 1.000 sinh viên Việt Nam ở trình độ đại học và cao học, vận động ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc.
Cuba là nước đầu tiên công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và mời đặt cơ quan đại diện thường trú của mặt trận tại La Habana. Sau đó, Cuba đã cử đại sứ bên cạnh Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam tại vùng giải phóng. Cuba cũng là nước đầu tiên thành lập Ủy ban Cuba đoàn kết với miền Nam Việt Nam (23-9-1963) do nữ Anh hùng Moncada Melba Hernandez sáng lập. Đây là sự ủng hộ về mặt quốc tế rất cần thiết cho sự nghiệp đấu tranh chống Mỹ của nhân dân miền Nam khi ấy. Bên cạnh đó, hằng năm, Cuba giúp Việt Nam ba vạn tấn đường và nước bạn đã bán số đường đó lấy ngoại tệ để gửi cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Ngày 2-1-1966, khi nhân dân Việt Nam đang trải qua giai đoạn cam go nhất của cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ, trong cuộc mít tinh có hơn 1 triệu người Cuba tham dự và khách mời của các nước đến từ ba châu: Á, Phi, Mỹ Latinh, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng nước Cộng hòa Cuba Fidel Castro tuyên bố: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Sau đó, hàng nghìn thanh niên Cuba đã viết đơn tình nguyện xin đến Việt Nam để cùng nhân dân Việt Nam đánh Mỹ.
Khi nhận được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời vào đầu tháng 9-1969, trong Điện chia buồn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba và Chính phủ Cách mạng Cuba viết ngày 4-9-1969 tại La Habana, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng nước Cộng hòa Cuba Fidel Castro và Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Osvaldo Dorticós Torrado đã nhận định về Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau: “Cuộc đời của đồng chí là một tấm gương sáng ngời những phẩm chất cách mạng và nhân đạo cao cả nhất. Hiếm có một nhà lãnh đạo nào trong những giờ phút thử thách lại tỏ ra sáng suốt, bình tĩnh, gan dạ, quên mình, cương nghị và dũng cảm một cách phi thường như vậy. Chưa bao giờ trên một mảnh đất hẹp như vậy, trong một thời gian ngắn ngủi như vậy lại diễn ra một cuộc chiến đấu có tính chất quyết định vì loài người như là cuộc chiến đấu mà đồng chí Hồ Chí Minh tiến hành chống đế quốc Mỹ và tay sai của chúng ở Việt Nam”.
Phát biểu tại Hà Nội vào ngày 12-9-1973 trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên, đồng chí Fidel Castro nhấn mạnh: “Việt Nam đã nêu cho tất cả các dân tộc bị áp bức, bóc lột trên thế giới một bài học bất hủ. Không có một phong trào giải phóng dân tộc nào, không một dân tộc nào đã từng đấu tranh để giành độc lập của mình mà đã phải tiến hành một cuộc đấu tranh lâu dài và anh hùng như nhân dân Việt Nam”.
Ngày 15-9-1973, bất chấp sự nguy hiểm, đồng chí Fidel Castro đã đến tận khu giải phóng Quảng Trị. Một lần nữa, đồng chí Fidel Castro đã nhấn mạnh rằng: “Cuba ở một bên Mỹ nhưng đã làm cách mạng thắng Mỹ và Việt Nam cũng thế, nhất định sẽ thắng. Máu của Cuba sẵn sàng đổ cho nhân dân Việt Nam giành thắng lợi”. Cũng trong chuyến thăm lần đầu tiên vào năm 1973 này, đồng chí Fidel Castro và nhân dân Cuba anh em đã tặng Việt Nam 5 công trình kinh tế-xã hội vào loại tầm cỡ lúc bấy giờ với tổng trị giá khoảng 80 triệu USD, gồm: Khách sạn Thắng Lợi (tại Hồ Tây, Hà Nội); Bệnh viện Việt Nam-Cuba (tại Đồng Hới, Quảng Bình); đường Xuân Mai; Trại bò giống Ba Vì; Xí nghiệp gà Lương Mỹ.
Phát huy tư tưởng đoàn kết quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định sự ủng hộ và đoàn kết với Cuba là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam. Ngày 29-11-2016, tại Quảng trường Cách mạng ở thủ đô La Habana (Cuba) đã diễn ra Lễ tưởng niệm Chủ tịch Fidel Castro. Khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã một lần nữa khẳng định: “Những người Việt Nam chúng tôi luôn khắc sâu trong trái tim mình câu nói bất hủ của đồng chí Fidel: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”, và tại thời khắc thiêng liêng này, chúng tôi một lần nữa xin khẳng định lại tình đoàn kết chiến đấu kiên định trước sau như một với những người cộng sản và nhân dân Cuba anh em”.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Cuba tại châu Á. Việt Nam đã xuất khẩu gạo, than đá, thiết bị điện tử, điện gia dụng như máy tính, quạt điện, bóng đèn tiết kiệm điện năng, quần áo, giày dép và nhập chủ yếu là dược phẩm, nguyên liệu sản xuất trong ngành dược trị.
Đặc biệt, trong thập niên 90 của thế kỷ 20, sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, trong tình hình Cuba rơi vào “Thời kỳ đặc biệt” (1991-1993) với mức tăng trưởng kinh tế mỗi năm giảm 33% cũng như sự khó khăn về mọi mặt như xăng dầu không có, thuốc chữa bệnh thiếu nghiêm trọng, hàng hóa tiêu dùng gần như không còn thứ gì thì Việt Nam đã mở một chiến dịch “vì Cuba”, quyên góp ủng hộ 50.000 tấn gạo, quần áo, đồ dùng học tập cho học sinh, máy tính và một số mặt hàng tiêu dùng cần thiết khác. Trong giai đoạn 2002-2005, Việt Nam đã viện trợ cho Cuba với tổng kinh phí hơn 50 triệu USD, bao gồm 4 dự án về sản xuất lúa gạo, 3 dự án về quy hoạch và nuôi trồng thủy sản, 2 dự án về sản xuất ngô và đậu đỗ.
Kể từ năm 1995, kinh tế Cuba đã từng bước phục hồi và thoát ra khỏi thời điểm khó khăn nhất. Hiện nay, Cuba có hệ thống y tế đứng hàng đầu thế giới. Về lĩnh vực giáo dục, tỷ lệ người dân Cuba biết đọc, biết viết đạt tới 98%, 100% trẻ em được đến trường và giáo dục hoàn toàn miễn phí. Cuba hiện là nước có tỷ lệ đầu tư ngân sách quốc gia vào giáo dục cao nhất thế giới, với 13% GDP dành cho giáo dục.
Về kinh tế, mía, đường, xì gà của Cuba được xuất khẩu và mang lại những nguồn ngoại tệ lớn. Cuba còn có nhiều khoáng sản như nikel (sản lượng đứng thứ 4 thế giới), đồng, sắt, dầu lửa. Đất đai ở Cuba màu mỡ, thích hợp cho canh tác cây công nghiệp (mía, cà phê, thuốc lá, cây ăn quả…) và chăn nuôi đại gia súc.
Về du lịch, hàng triệu khách du lịch cũng đã đến thăm Cuba. Du lịch của Cuba hiện đóng góp gần 20% GDP.
Với chính sách “mọi người dân phải có nhà ở”, Cuba là đất nước có tỷ lệ người vô gia cư thấp hàng đầu thế giới, thậm chí là thấp hơn cả những quốc gia phát triển Âu-Mỹ. Những khu ổ chuột tệ nạn hầu như không tồn tại ở đất nước này. Tháng 1-1998, Chủ tịch Fidel Castro đã nói về một trong những thành tựu mà ông coi là lớn nhất trong cuộc đời mình: “Đêm nay có hàng triệu trẻ em phải ngủ ngoài đường. Nhưng không có trẻ em nào trong số đó là người Cuba”.
Bất chấp thiệt hại do cấm vận kinh tế từ Mỹ-1,11 nghìn tỷ USD trong hơn 50 năm qua (trung bình mỗi năm thiệt hại 20 tỷ USD), theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, Cuba vẫn là nước có thu nhập bình quân đầu người ở mức khá cao, đạt 18.796USD/người/năm vào năm 2011. Chỉ số phát triển con người (HDI) cũng ở mức cao (0,815 điểm vào năm 2013, hạng 44 thế giới).
Mặc dù bị Mỹ và đồng minh bao vây cấm vận nhưng Đại hội đồng Liên hợp quốc từ năm 1991 đã liên tiếp bỏ phiếu phủ quyết đòi Mỹ chấm dứt sự bao vây cấm vận đối với Cuba.
Có một điều thú vị là vào năm 1973, trở về sau chuyến thăm Việt Nam, trong một buổi họp báo, phóng viên người Anh Brian Davis đã hỏi Chủ tịch Fidel Castro: “Thưa ngài, Cuba và Mỹ là hai quốc gia tuy rất gần về mặt địa lý nhưng luôn đối đầu, vậy theo ngài, bao giờ hai nước có thể bình thường hóa quan hệ?”. Chủ tịch Fidel Castro trả lời ngay lập tức: “Nước Mỹ sẽ ngồi vào bàn đàm phán với chúng tôi khi họ có một tổng thống da màu và Giáo hoàng là người Mỹ Latinh”. Và điều này đã trở thành hiện thực dưới thời Barack Obama, một người da màu làm Tổng thống Mỹ và Mỹ-Cuba đã đàm phán thành công để bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Ngày 17-12-2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đồng thời thông báo các kế hoạch bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Sự kiện này được Nhà nước Việt Nam nhìn nhận là đã “đem lại lợi ích chính đáng cho nhân dân Cuba và Hoa Kỳ, góp phần quan trọng vào việc duy trì hòa bình, ổn định và tăng cường hợp tác tại châu Mỹ và trên thế giới”. Trước đó gần 20 năm, ngày 12-7-1995, Việt Nam và Mỹ đã chính thức bình thường hóa quan hệ, mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai nước.
(Nguồn: Quân đội nhân dân cuối tuần)
Xem thêm bài viết khác
- Bằng sự hiểu biết của em, hãy nêu vai trò của hệ thống đê điều ở đồng bằng sông Hồng trong lịch sử và hiện tại.
- Cho bảng số liệu sau: Tính tỉ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của Tây Nguyên so với cả nước giai đoạn 2002 - 2014 và nhận xét
- Giới thiệu những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật nửa cuối thế kỉ XX
- Xác định các tuyến đường bộ và đường sắt xuất phát từ Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh. Nêu tên một số sân bay và cảng biển nước ta?
- Nêu nhiệm vụ chính của miền Bắc từ năm 1954 đến năm 1960. Đánh giá về tác động của việc hoàn thành cải cách ruộng đất ở miền Bắc (1953 - 1957)
- Giải bài 19: Phát triển tổng hợp kinh tế biển và bảo vệ tài nguyên môi trường biển
- Giải bài 10: Duyên hải Nam Trung Bộ
- Cho biết nội thương là gì? Kể tên các hình thức tổ chức bán hàng chủ yếu ở nước ta? Chỉ ra các vùng có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng lớn ở nước ta? Giải thích vì sao?
- Đọc thông tin, hãy cho biết vì sao cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) giành thắng lợi.
- Từ những thành tựu khôi phục đất nước của Liên Xô (từ năm 1945 đến năm 1950), Việt Nam có thể học hỏi được gì? Lý giải vì sao?
- Công cuộc thống nhất đất nước về mặt nhà nước hoàn thành có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của nước ta sau này?
- Chứng minh ngành công nghiệp nước ta có cơ cấu đa dạng? Cho biết ngành công nghiệp nào có tỉ trọng lớn nhất và nhỏ nhất trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2013? Trình bày đặc điểm của các ngành công nghiệp trọng điểm?