Quy định về chính sách tinh giản biên chế của giáo viên năm 2022 Chế độ tinh giản biên chế, nghỉ hưu do tinh giản biên chế 2022

Nội dung
  • 1 Đánh giá

KhoaHoc mời các bạn cùng theo dõi bài viết Quy định về chính sách tinh giản biên chế của giáo viên năm 2022 để nắm vững chính sách, chế độ và các trường hợp tinh giản biên chế.

Mục đích của việc tinh giản biên chế là nhằm tạo ra bộ máy công quyền hoạt động hiệu quả trên cơ sở cơ cấu tổ chức tinh gọn với số lượng nhân sự một cách phù hợp, vận hành một cách khoa học để thực hiện tốt các chức năng quản lý đã được xác định. Chính sách tinh giản biên chế giáo viên 2022 như thế nào? Các trường hợp tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức 2022? KhoaHoc mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây để nắm được những quy định cùng chế độ mới nhất.

1. Chính sách tinh giản biên chế giáo viên 2022

- Trong Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/02/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Chính trị nêu rõ:

Giai đoạn 2022 - 2026 cơ bản không tăng biên chế cán bộ, công chức và thực hiện giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.

- Dù có kết luận phải giảm biên chế công chức, viên chức nhà nước năm 2022 là 10%. Tuy nhiên trong năm 2022, số học sinh huy động ra lớp lại ngày càng tăng, yêu cầu về đảm bảo chất lượng giáo dục ngày càng cao, trong khi biên chế giáo viên không tăng đã gây ra áp lực không nhỏ đối với ngành Giáo dục. Bộ GDĐT đã thống nhất với Bộ Nội vụ báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung số biên chế trên theo lộ trình đến năm 2025, trước mắt năm học 2021-2022 trình bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông.

Hiện nay, Bộ GDĐT đang phối hợp với Bộ Nội vụ chỉnh sửa định mức giáo viên/lớp được quy định tại Thông tư liên tịch số 06, Thông tư số 16 cho phù hợp với việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và điều kiện thực tế của từng vùng, miền.

Có thể nói, hiện nay việc tuyển giáo viên đứng lớp có trình độ chuyên môn là rất nhiều, tăng cao so với những năm trước. Trong ngành giáo dục, để phù hợp với tình hình thực tế, việc tinh giản biên chế có một số quy định được thực hiện triêng biệt chứ không tuân theo tất cả quy định về tinh giản biên chế với cán bộ, công chức nhà nước.

2. Các trường hợp tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức 2022

Theo Điều 6 Văn bản hợp nhất số 01 của Bộ Nội Vụ năm 2021, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (NLĐ) làm việc trong cơ quan nhà nước thuộc diện tinh giản biên chế trong các trường hợp sau:

(1) Cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế và cán bộ, công chức cấp xã hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức), thuộc đối tượng tinh giản biên chế nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

- Dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự.

- Dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác.

- Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc được cơ quan, đơn vị bố trí việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

- Có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nên không hoàn thành nhiệm vụ được giao nhưng không thể bố trí việc làm khác hoặc được cơ quan, đơn vị bố trí việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

- Có hai năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức, viên chức có một năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và một năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

- Có hai năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản mà trong từng năm đều có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và của cơ quan bảo hiểm chi trả trợ cấp ốm đau hoặc năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và của cơ quan bảo hiểm chi trả trợ cấp ốm đau nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản, được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

- Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ do sắp xếp tổ chức bộ máy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

(2) Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ dôi dư do sắp xếp lại tổ chức hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự.

(3) Viên chức, người làm việc theo chế độ HĐLĐ không xác định thời hạn tại các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự.

(4) Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng, kiểm soát viên của công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu dôi dư do thực hiện cổ phần hóa, giao, bán, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, phá sản hoặc chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc chuyển thành đơn vị sự nghiệp công lập;

Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng của các nông, lâm trường quốc doanh dôi dư do sắp xếp lại theo quy định của Nghị định 170/2004, Nghị định số 200/2004.

(5) Những người là cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền cử tham gia quản lý hoặc đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước mà dôi dư do cơ cấu lại doanh nghiệp đó.

(6) Những người làm việc trong biên chế được cơ quan nhà nước c ó thẩm quyền giao cho các hội thuộc danh sách dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

(7) Những người đã là cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền điều động sang công tác tại các hội được giao biên chế và ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để trả lương nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm đ, e, g khoản 1 Điều 6 Nghị định số 108/2014

- Có hai năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức, viên chức có một năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và một năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản nhưng tự nguyện thực hiện tinh giản và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

- Có hai năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế mà trong từng năm đều có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và của cơ quan bảo hiểm chi trả trợ cấp ốm đau hoặc trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và của cơ quan bảo hiểm chi trả trợ cấp ốm đau nhưng tự nguyện thực hiện tinh giản và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

Khi thực hiện tinh giản biên chế, cán bộ, công chức, viên chức tùy từng trường hợp mà được hưởng các chế độ theo quy định tại Nghị định 108/2014, Nghị định 113/2018 và Nghị định 143/2020.