Hãy phân tích tác hại của thái độ thiếu trung thực trong thi cử. Theo anh/ chị làm thế nào để khắc phục được thái độ đó?

  • 1 Đánh giá

Đề 3: Hãy phân tích tác hại của thái độ thiếu trung thực trong thi cử. Theo anh/ chị làm thế nào để khắc phục được thái độ đó? (Đề 3 trong bài viết số 6 văn 11)

Bài làm:

Nếu được gọi tên xã hội hiện tại, tôi sẽ gọi đây là một xã hội giả dối. Vì sao ư? Vì mọi thứ đều có thể làm giả được. Từ đồ ăn, thực phẩm đến bằng cấp, thậm chí là con người. Đó là hệ quả tất yếu của thái độ thiếu trung thực, đặc biệt là thiếu trung thực trong thi cử của chúng ta trong suốt một thời gian dài khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Trung thực là thành thật, thẳng thắn, tôn trọng sự vật, sự việc, quá trình như đúng những gì ta chứng kiến, theo lẽ phải và sự công bằng. Thiếu trung thực chính là sự giả dối, lươn lẹo làm cho sự thật bị bóp méo, trái với lẽ phải và công bằng. Sự thật nếu đã bị bóp méo thì không còn là sự thật nữa. Và hẳn nhiên, nếu đã không còn là sự thật thì kết quả dù có thể nào thì cũng không còn giá trị. Thiếu trung thực trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều là điều không thể chấp nhận. Thiếu trung thực trong thi cử thì lại càng không. Thiếu trung thực trong thi cử là hành động gian dối trong các kỳ thi hay kiếm tra. Thực chất đây chính là hành động ăn cắp kiến thức một cách trắng trợn của một bộ phận không nhỏ những con người nhỏ nhen, ích kỷ với chủ nghĩa cá nhân hẹp hòi.

Kết quả của các kỳ thi hay kiểm tra chỉ có giá trị trong một thời điểm nhất định chứ nó không thể là thước đo để định giá giá trị của một con người. Bởi vốn dĩ các cuộc thi hay kỳ kiểm tra được đề ra là để đánh giá năng lực của người học trong một giai đoạn nhất định, từ đó ta có thể thấy được mình đang ở đâu, đang thiếu gì cần bổ sung và khắc phục. Nhưng bản chất của các kỳ thi sẽ thay đổi nếu như nó không còn giữ đúng được mục đích đề ra ban đầu của mình. Hành động gian đối trong thi cử là một hành động sai trái, thiếu công bằng và cần phải loại bỏ ngay khỏi suy nghĩ, trong tiềm thức của tất cả chúng ta.

Nếu đã là sự giả dối thì nó sẽ kéo theo hàng loạt những hệ lụy giống như khi ta bắt đầu một lời nói dối thì ta sẽ phải nói dối thêm hàng nghìn lần để có thể khớp với lời nói dối ban đầu. Đã sai sẽ lại càng sai.

Thiếu trung thực hay gian dối trong thi cử trước hết sẽ làm thay đổi kết quả của cuộc thi khiến cho việc đánh giá năng lực của người thi không còn đúng nữa. Những người học thực sự sẽ bị đánh đồng với những kẻ lười biếng, ỷ lại. Công bằng ở đâu khi người thì học ngày học đêm, kẻ thì nhởn nhơ bay nhảy để cuối cùng hai người được đánh giá như nhau? Vẫn biết cuộc đời vốn dĩ không công bằng nhưng nếu không có sự công bằng ngay trên ghế nhà trường thì khi ra ngoài xã hội kia, nhân cách và thế giới quan của chúng ta sẽ bị lệch lạc và méo mó đến nhường nào?

Gian dối trong thi cử đồng nghĩa với việc không học tập, không làm việc nghiêm túc trong suốt cả cuộc hành trình. Và điều đương nhiên, những con người ấy sẽ chẳng có gì trong đầu, dù là những thứ đơn giản nhất. Chúng ta gian lận trong mọi kỳ thi để có được thành quả một cách dễ dàng. Điều đó có nghĩa thành công đến với chúng ta như một điều đương nhiên, dù không cần bỏ ra chút công sức hay thật sự cố gắng một giây phút nào. Nếu kẻ gian dối may mắn qua được tất cả các kỳ thi, ta sẽ nhận vào xã hội một cái đầu rỗng tuếch, không làm được việc, không có tính kỷ luận, không cố gắng. Cả một xã hội nếu chỉ toàn những cái đầu rỗng thì chúng ta sẽ phát triển thế nào?

Người xưa nói “Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt” để nhắc nhở chúng ta về việc hình thành một thói quen xấu. Việc gian lận trong thi cử suốt một thời gian dài sẽ tạo ra cho ta một thói quen. Đó là sự lười biếng, ỷ lại. Lâu dần thói quen sẽ ăn vào máu trở thành một phần của tính cách, sự lươn lẹo, giả dối. Sẽ chẳng ai có thể đặt niềm tin vào một con người thiếu trung thực. Đã gian dối được một lần, hà cớ gì họ lại không gian dối lần thứ hai nữa? Làm việc hay chơi cùng với những người gian dối ta sẽ luôn trong tâm thế đề phòng, cảnh giác vì họ có thể phản bội và bán đứng ta bất cứ lúc nào. Lòng tin là thứ ta phải dùng cả đời để xây dựng nhưng ta lại có thể đánh mất nó một cách dễ dàng trong vài phút. Chắc hẳn chúng ta vẫn còn ngỡ ngàng trước thông tin Tập đoàn Khải Silk buôn bán lụa giả nhập từ Trung Quốc số lượng lớn với giá rẻ và bán ra thị trường với giá cao ngất ngưởng sau khi được phù phép với mác lụa Việt Nam. Danh tiếng 15 năm gây dựng lòng tin nơi người tiêu dùng bốc chốc sụp đổ như làn khói mỏng. Cả một “đế chế” bỗng chốc trở thành kẻ lừa lọc, gian dối. Cho dù có cố gắng giải thích, phân trần hay chối bỏ trách nhiệm thì vết nhơ của sự gian dối sẽ không bao giờ có thể trắng lại được. Người tiêu dùng sẽ không ai dám tin tưởng dùng sản phẩm của Khải Silk nữa.

Con người là tế bào của xã hội. Nếu xã hội toàn những con người thiếu trung thực, gian dối, lừa lọc thì bản chất của xã hội ấy chính là sự giả dối. Sự giả dối đã trở thành bản chất thì đạo đức bị xuống cấp cũng đâu có gì lạ? Khi mọi phạm trù đạo đức bị đạp đổ bởi lợi ích cá nhân: ăn cắp kiến thức, ăn trộm thành quả lao động của người khác, lừa dối niềm tin của người tiêu dùng...thì sớm muộn gì không gian xã hội cũng bị thu hẹp lại chỉ còn một màu đen xám xịt. Cuộc sống còn ý nghĩa gì khi xung quanh ta toàn những chiếc mặt nạ của sự giả dối? Có mệt mỏi không khi cứ phải gồng mình cười nói với những thứ ta ghê tởm? Có thấy lạc lõng không khi cứ phải luồn cúi để trượt dài theo những giá trị phù phiếm, của cái tôi vị kỷ hẹp hòi. Cả một xã hội chạy theo thành tích, chạy theo sự hào nhoáng bề ngoài thì tụt hậu rồi chết là điều có thể lường trước được.

Vậy thì, phải làm thế nào để có thể khắc phục được thái độ thiếu trung thực trong thi cử? Mọi sai lầm đều xuất phát từ cá nhân mỗi người, đừng bao giờ tìm cách đổ lỗi cho bất kỳ ai, trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Mỗi cá nhân đều là một tế bào của xã hội, tế bào ấy khỏe mạnh thì cả cơ thể sẽ hồng hào, đầy sức sống. Vì thế, mỗi chúng ta đều cần tự ý thức được về tác hại của việc thiếu trung thực, trong bất cứ việc gì, đặc biệt là trong thi cử. Hãy nghiêm khắc với chính bản thân mình để hình thành thói quen trung thực, thẳng thắn và biến nó thành tính cách của mình. Người ta thường nói, thật thà thẳng thắn thường thua thiệt. Nhưng cái thua thiệt ấy chỉ là cái lợi trước mắt, chỉ cả cái nhỏ nhặt, không có giá trị. Thua thiệt một chút nhưng cái mà ta nhận được là lòng tin, là tình yêu và sự kính trọng của mọi người đối với mình. Đó chẳng phải là giá trị lớn nhất của một con người sao?

Thế giới đều khâm phục tinh thần tự chủ, tự cường và phong cách sống của người Nhật. Đi bất cứ đâu ta cũng nghe thấy người ta ca ngợi hoặc nhắc tới đất nước ấy với một thái độ trân trọng. Chúng ta cũng cần phải học hỏi người Nhật, thay đổi tư duy ích kỷ, nhỏ nhen, tủn mủn lúc nào cũng đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu, mà thay vào đó hãy là lợi ích chung của cộng đồng. Điều đó không có nghĩa là ta sẽ bỏ qua nhu cầu của cá nhân mà chỉ đơn giản là ta bớt ích kỷ và chia sẻ nhiều hơn thôi. Chúng ta cũng cần thay đổi nhận thức và quan niệm giáo dục. Nền giáo dục của ta đang bị chi phối bởi bệnh thành tích, bệnh sĩ. Đó là hai căn bệnh cố hữu, đã ăn sâu bén rễ trong tâm hồn người Việt từ bao đời nay. Dù rất khó để thay đổi nhưng hãy cố gắng thay đổi: nói không với thành tích, nói không với gian lận. Ta chỉ tìm được người tài khi ta đánh giá họ theo đúng thực lực của bản thân họ và những gì họ cống hiến được cho đất nước, cho sự phát triển của loài người.

Từ trước đến giờ, tôi vẫn luôn sống với quan niệm, những thứ có được bằng việc gian dối sẽ giống như cầu vồng sau mưa. Đẹp đấy. Lung linh đấy. Nhưng nó chỉ tồn tại được trong chốc lát. Cái còn lại sau cùng là ta có được gì sau những lần gian dối ấy. Thiếu trung thực trong bất kỳ điều gì cũng không thể chấp nhận. Thiếu trung thực trong thi cử thì lại càng không.

  • 11 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021