Phân tích tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ, từ đó nhận xét tư tưởng nhân đạo của nhà văn Kim Lân Đề minh họa 2022 môn Ngữ Văn
Phân tích tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ, từ đó nhận xét tư tưởng nhân đạo của nhà văn Kim Lân được Khoahoc sưu tầm và đăng tải. Vợ nhặt của Kim Lân là một trong những truyện ngắn nổi bật nhất của nền văn học hiện thực Việt Nam, truyện không chỉ phản ánh được số phận của người nông dân trong nạn đói kinh hoàng những năm 1944-1945 mà còn thể hiện tư tưởng nhân đạo của nhà văn Kim Lân. Bài văn dưới đây sẽ giúp các em cảm nhận những phẩm chất tốt đẹp của bà cụ Tứ, tư tưởng nhân đạo của nhà văn
Phân tích nhân vật bà cụ Tứ
Dàn ý phân tích nhân vật bà cụ Tứ
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Kim Lân, truyện ngắn Vợ nhặt và nhân vật bà cụ Tứ.
2. Thân bài
a. Sự ngạc nhiên của cụ khi anh Tràng dắt vợ về
Khi làm về, thấy một người phụ nữ ngồi trong nhà mà còn thưa u. Bà cụ ngạc nhiên vì con mình xấu xí, nghèo mà vẫn có vợ trong thời khó khăn.
Bà cụ vẫn không tin vào những gì con trai mình nói “Kìa nhà tôi nó chào u”… “Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ”
Tâm trạng vừa mừng vừa tủi của bà cụ: Khi biết rằng con bà “ nhặt” được vợ: bà vui vì con đã an bề gia thất, buồn phận làm mẹ mà không cưới nổi vợ cho con và bà nghĩ đến chồng, đến con gái lại càng trở nên buồn hơn. Cái tủi, cái buồn của người mẹ bị dồn vào cảnh nghèo cùng quẫn: Bà không biết lấy gì để cúng tổ tiên, để trình làng con đã có vợ. Bà khóc vì thương con không biết làm sao vượt qua nổi khó khăn này.
c. Nỗi lo của bà cụ Tứ
Bà lo cho con trai, con dâu, cái gia đình nhỏ của mình không biết phải qua những ngày khó khăn này như thế nào. → Khuyên con, khuyên dâu thương nhau, cố gắng vươn lên.
→ Nỗi lo, nỗi thương của người mẹ từng trải, hiểu đời.
d. Niềm tin vào tương lai, vào cuộc sống của cụ Tứ
Bà suy nghĩ vui trong những điều tốt đẹp tương lai “Rồi ra may mà ông giời cho khá…”
Vui trong công việc sửa sang vườn tược, nhà cửa. Vui trong bữa cơm đạm bạc đầu tiên có con dâu. Bà vẫn luôn tạo một không khí ấm cúng cho bữa ăn để con đâu đỡ tủi.
→ Người mẹ nghèo từng trải đời, hết mực yêu thương con, luôn lạc quan trong hoàn cảnh khó khăn.
→ Là đại diện cho người mẹ Việt Nam cần mẫn, mộc mạc, giản dị, giàu tình yêu thương và đức hi sinh.
e. Tư tưởng nhân đạo của nhà văn Kim Lân
Tác phẩm bộc lộ niềm xót xa đối với cuộc sống thê thảm của người dân nghèo xóm ngụ cư trong nạn đói năm 1945. Qua đó tố cáo tội ác tày trời của thực dân Pháp và phát xít Nhật đã gây ra nạn đói.
Tác phẩm đi sâu khám phá và trân trọng nâng niu khát vọng hạnh phúc, khát vọng sống của con người: Tràng dù nghèo nhưng vẫn cưu mang cô thị, chậc lưỡi cho qua cái đói khổ trước mắt, cô thị với sức sống mạnh mẽ gạt bỏ lòng tự tọng, tự tôn để theo Tràng và cuối cùng là bà cụ Tứ với tình thương con vô bờ bến, khao khát các con có được một cuộc sống tốt đẹp trong tương lai.
Giá trị nhân đạo còn được thể hiện ở tình cảm mà tác giả dành cho nhân vật: dù đặt họ, miêu tả họ ở trong hoàn cảnh bần hàn như thế nhưng ông không khinh mạt, hạ thấp họ mà ngược lại, Kim Lân nhìn thấy những phẩm chất tốt đẹp của những con người bình thường đó.
Tác phẩm khắc họa những vẻ đẹp đơn sơ, mộc mạc, chất phác nhưng cũng rất riêng biệt của con người: anh Tràng thô kệch nhưng tốt bụng hào phóng, cô thị đanh đá chỏng lỏn nhưng lại là một người vợ dịu dàng, chu đáo; bà cụ Tứ với một tình yêu thương con làm lay động lòng người.
3. Kết bài
Khái quát lại những phẩm chất tốt đẹp của bà cụ Tứ, tư tưởng nhân đạo của nhà văn Kim Lân, đồng thời đánh giá về ý nghĩa của truyện ngắn và liên hệ thực tiễn.
Phân tích tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ trong truyện Vợ nhặt
Kim Lân là một trong những cây bút chuyên viết về những người nông dân. Những câu chuyện của ông luôn giản dị, chất phác như chính hình ảnh của ông vậy. “Vợ nhặt” là một tác phẩm được ông lấy bối cảnh vào những năm nạn đói 1945, truyện chứa chan niềm thương cảm về những kiếp người nghèo khổ bám víu lấy nhau giữa khung cảnh “người chết như ngả rạ”. Và sáng bừng trong khung cảnh đói khát ấy là tình yêu thương của những con người dành cho nhau. Hình ảnh bà cụ Tứ - người mẹ già nghèo khổ cùng với những cảm xúc, những tâm trạng phức tạp khi chứng kiến đứa con trai duy nhất của mình “nhặt vợ” đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.
Nhân vật chính trong tác phẩm Vợ nhặt là một chàng trai tên Tràng, sống tại một xóm ngụ cư. Giữa những năm tháng đói khát, hắn đi kéo xe thóc thuê để kiếm sống và trong một lần, hắn bắt gặp một người đàn bà nghèo khổ ngồi bên đường để “chờ nhặt hạt rơi vãi”, người đàn bà ấy đã cùng hắn đẩy xe bò thóc sau vài câu nói đùa vu vơ. Lần thứ hai hắn gặp lại thị là khi thị đã đói đến mức “gầy sọp hẳn đi” và hắn đã mời thị ăn bánh đúc. Chỉ với bốn bát bánh đúc, thị đã chấp nhận theo hắn về nhà và làm vợ hắn.
Có thể nói tình huống truyện mà Kim Lân dựng lên vô cùng độc đáo, “có một không hai” trong văn học Việt Nam. Qua đó ta chợt xót xa về sự mong manh, tội nghiệp của con người trong nạn đói, nhưng hơn hết là sự xúc động mạnh mẽ trước tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của những con người nghèo khổ giữa cái đói khát. Trong bức tranh ấm áp của tình người, ta còn bắt gặp hình ảnh của một người mẹ già với tấm lòng yêu thương con, thương người hết mực, đó là bà cụ Tứ.
Bà cụ Tứ - mẹ Tràng hiện lên chỉ qua vài dòng giới thiệu ngắn ngủi của tác giả. Đó là một bà cụ già nua, nghèo khổ, là dân xóm ngụ cư. Cái dáng đi của bà “lọng khọng”, chậm chạp, lại “vừa đi vừa lẩm bẩn tính toán gì trong miệng”. Bà hiện lên với một dáng vẻ của một người đàn bà đầy lam lũ và khổ cực. Bà có một đứa con trai, nhưng chưa từng nghĩ tới việc dựng vợ cho hắn, bởi nhà bà nghèo quá, đói quá, ai lại chịu gả vào một ngôi nhà chỉ là “cái nhà vắng teo đứng rúm ró”, đến ăn còn không đủ? Ấy vậy mà giữa lúc nạn đói hoành hành dữ dội nhất, Tràng lại dẫn về một cô “vợ”, một người đàn bà Tràng “nhặt” được lúc đi làm. Vào lúc mà mình còn chẳng lo nổi cho thân mình như thế này, thì việc Tràng lấy vợ, phản ứng của bà cụ ra sao đây? Liệu bà có chấp nhận nàng dâu “không cưới hỏi” ấy hay lại trách con trai bà “đèo bòng”, “rước cái của nợ đời về”?
Khi thấy đứa con trai “đon đả” đón mình từ ngoài ngõ, phản ứng đầu tiên của bà là sự ngạc nhiên. Một sự “phấp phỏng” dâng lên trong lòng bà cụ, bà không hiểu tại sao hôm nay con trai bà lại có thái độ khác lạ như thế! Và sự ngạc nhiên của bà càng lên đến tột độ khi nhìn vào trong nhà và bắt gặp một người đàn bà khác đang “đứng ngay đầu giường thằng con mình” và “chào mình bằng u”. Bà lão “đứng sững lại”, niềm băn khoăn dường như khiến đôi mắt già nua của bà “nhoèn” đi, bà “hấp háy” đôi mắt, cố “nhìn kỹ” người đàn bà ấy. Sự ngạc nhiên và băn khoăn bao trùm lấy người đàn bà già nghèo khổ, bà ngạc nhiên tột độ, chưa hiểu gì cho đến khi đứa con trai lên tiếng.
Đến khi đứa con trai giải thích mọi chuyện thì bà chợt “cúi đầu nín lặng”. Trong lòng người mẹ ấy đang nghĩ những gì? Kim Lân đã khéo léo dẫn dắt tâm trạng của người mẹ già ấy, khéo léo để người đọc nhìn thấy những biến chuyển đang cuộn trào trong lòng người phụ nữ ấy. Bà cúi đầu lặng thinh, nhưng trong lòng bà thì chợt hiểu ra, “bà lão hiểu rồi”. Bà hiểu rằng đứa con trai mình nay đã tự thành gia lập thất, đã có thêm một người mà bầu bạn cùng mình, thế nhưng, nó lại lấy nhau giữa lúc đói kém nhất đời thì sẽ ra sao đây?
Có lẽ, người phụ nữ nghèo khổ ấy cả đời đã phải rơi nước mắt nhiều lần, ấy vậy nhưng lần này đây, giọt nước mắt ấy lại khác biệt. Nó là tình thương, nó là sự xót xa cho Tràng, từ “kẽ mắt kèm nhèm của bà rủ xuống hai dòng nước mắt”. Giọt nước mắt ấy “vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp của đứa con mình”. Thế nhưng, bà cũng hiểu rằng, nhà mình nghèo, Tràng lại xấu xí, nay nó có được người bầu bạn thì thật hạnh phúc biết bao! Bà vừa thương nhưng cũng vừa mừng cho Tràng.
Bà cụ thương con bao nhiêu thì bà lại càng thương chính mình bấy nhiều. Bà xót thương cho số phận nghèo khổ cả cuộc đời của mình “Chao ôi,người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì….” Cái lặng thinh trong dòng suy nghĩ của bà là nỗi thương thân tủi phận. Cả cuộc đời bà vất vả, ấy vậy mà chẳng thể làm gì được cho con cái, bà thấy có lỗi với con vì chẳng thể lo lắng chuyện dựng vợ gả chồng cho nó. Đến giờ này, khi con bà có vợ, bà vừa vui mừng vừa tủi phận biết bao “chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá”!
Thương con, thương mình, rồi “đăm đăm nhìn người đàn bà”, bà chợt thấy thương cho người phụ nữ này. Người đàn bà nghèo khốn khổ ấy phải tới “bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình”. Bà cảm thông cho thị, cảm thông cho sự bất đắc dĩ của thị, lòng bà “đầy thương xót” cho người đàn bà trước mặt. Và bà cũng cảm thương cho cả sự vui sướng đầy ngờ nghệch của Tràng.
Chỉ thế thôi, nhưng người đọc có thể thấy rõ tấm lòng của người mẹ già ấy. Đó là tấm lòng của một người phụ nữ hết thảy thương yêu con cái và yêu thương cả những người khác có cùng cảnh ngộ với mình nữa. Bà cụ Tứ không chỉ cảm thông mà còn thấu hiểu những nỗi lòng của người đàn bà nghèo đói kia, thấu hiểu để chấp nhận thị trở thành con dâu của bà. Sau tất cả, bà thấy mừng, thấy hạnh phúc vì đứa con xấu xí của mình nay đã có người bầu bạn, bà mở lòng với nàng dâu mới “thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng”. Và bà cũng mong “có ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy” để mừng con dâu mới trong nhà, thế nhưng giờ đây, giữa lúc đói khát này, bà chỉ mong “cốt làm sao chúng mày hoà thuận là y mừng rồi”. Đó là tấm lòng của một người mẹ, tấm lòng của một người phụ nữ giàu lòng thương người!
Thế nhưng song hành cùng niềm vui có thêm dâu mới lại là một nỗi lo lắng, một niềm thương xót đến tột cùng. Bởi Tràng và thị đến với nhau giữa hoàn cảnh “người chết như ngả rạ”, những người con sống thì “xanh xám như những bóng ma”. Họ đến với nhau là niềm hạnh phúc, nhưng cũng là “rước cái của nợ đời về”. Từ khi biết chúng nó lấy nhau, bà cụ Tứ đã rưng rưng tự hỏi “Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?”. Cơn đói khát của những năm tháng đó, khiến cho một niềm vui tưởng chừng như tuyệt vời, cũng bị chen lẫn vào những tiếng thở dài, chen lẫn vào bóng tối của sự chết chóc, của tiếng quạ kêu than: “bà lão nghĩ đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình. Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?”
Những diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ khi biết Tràng “nhặt” được vợ thật phức tạp. Nó biến chuyển trong từng thời khắc, từ sự ngạc nhiên, băn khoăn, tới sự thương cảm, từ sự hạnh phúc tới nỗi lo lắng vô bờ. Thế nhưng, ta vẫn có thể thấy được tấm lòng của một người mẹ yêu thương con, tấm lòng cảm thông, thấu hiểu của người đàn bà từng trải với một người phụ nữ xa lạ khác, và cả sự trân trọng của người mẹ chồng với người con dâu mới trong nhà. Có dâu mới trong hoàn cảnh này là phải chia sớt cái ăn, là chia sớt sự sống, thế nhưng, bà cụ vẫn vui lòng chấp nhận. Bà cụ Tứ quả thật là một người phụ nữ giàu đức hi sinh và giàu lòng thương người!
Tâm trạng bà cụ Tứ không chỉ có những chuyển biến vào buổi tối hôm đó mà còn cả sáng hôm sau khi thị trở thành con dâu bà. Nếu như trước đây, khuôn mặt của bà “bủng beo, u ám” thì hôm nay, gương mặt ấy lại “nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường”, “rạng rỡ hẳn lên”. Phải chăng một niềm hi vọng sống mới đã nhen nhóm trong lòng người đàn bà già cả ấy? Một sự phần khỏi, hạnh phúc, một niềm tin tràn đầy vào tương lai phía trước?
Trong bữa cơm đón nàng dâu mới chỉ có “độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo”, thế nhưng, gia đình ba người lại “ăn rất ngon lành”. Bữa cơm mừng dâu mới thảm hại làm sao, thế nhưng trong lòng mỗi người lại tràn ngập những niềm vui sướng mới, tràn ngập một niềm tin vào cuộc sống. Bà cụ Tứ thường ngày khuôn mặt u ám, bủng beo nay lại trở nên khác lạ. Bà kể “toàn những chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này”. Đó là tấm lòng lạc quan, yêu đời, khao khát sống của một người mẹ già muốn truyền lại cho những đứa con của mình niềm tin về một cuộc sống mới, hạnh phúc hơn, no ấm hơn.
Bà cụ Tứ là một nhân vật chỉ xuất hiện rất ít trong tác phẩm, nhưng lại để lại trong lòng chúng ta những ấn tượng thật sâu sắc. Qua từng chuyển biến tâm trạng của bà, ta thấy được tấm lòng của một người mẹ già trong đói khát vẫn luôn yêu thương con cái, luôn truyền cho con một niềm lạc quan sống, niềm tin về cuộc đời. Và ta cũng thấy được hình ảnh của một người phụ nữ nông thôn nghèo khổ, giàu lòng nhân ái, sẵn sàng chia sẻ “nguồn sống” ít ỏi của mình cho người khác trong giai đoạn đói khát nhất cuộc đời.
Có thể nói, Kim Lân đã thể hiện cực kỳ thành công khi miêu tả diễn biến tâm lý của bà cụ Tứ. Từng giai đoạn biến chuyển tâm lý phức tạp của người đàn bà già nua ấy được nhà văn miêu tả hết sức chân thực, hết sức hợp lý. Dường như, ông đã đặt mình vào trong nhân vật ấy để mà cảm nhận được những rung động sâu thẳm nhất trong lòng người mẹ ấy!
Vợ nhặt là tác phẩm hiện thực xuất sắc khi đã phản ánh được số phận và vẻ đẹp tình người đáng quý của những những người nông dân trước Cách mạng tháng Tám. Nạn đói khủng khiếp đã vắt kiệt sự sống của con người nhưng ở đâu đó bên trong những con người như bà cụ Tứ, Tràng, người vợ nhặt vẫn tiềm ẩn những vẻ đẹp thật đáng trân trọng, đó là vẻ đẹp của tình thương, của sức sống mạnh mẽ.
- Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi
- Sự cần thiết phải trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc
Phân tích tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ, từ đó nhận xét tư tưởng nhân đạo của nhà văn Kim Lân được Khoahoc chia sẻ trên đây. Hy vọng với tài liệu này sẽ giúp ích cho các em có thêm tài liệu tham khảo, trau dồi thêm nhiều vốn từ, từ đó hoàn thiện tốt bài văn của mình. Ngoài việc tham khảo trên đây các em cũng đừng quên tham khảo các bài học khác có trên tài liệu học tập lớp 12 này nhé.
Xem thêm bài viết khác
- Sơ đồ tư duy bài 12 Lịch sử 12: Phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam từ năm 1919 đến năm 1925 Sơ đồ tư duy Lịch sử 12 bài 12 ngắn gọn nhất
- Sơ đồ tư duy bài 11 Lịch sử 12: Lịch sử thế giới hiện đại từ năm 1945 đến năm 2000 Sơ đồ tư duy Lịch sử 12 bài 11 ngắn gọn nhất
- Nêu những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh quốc gia Giáo dục quốc phòng lớp 12
- Trắc nghiệm tiếng Anh 12 unit 14: International organizations (P1) Trắc nghiệm tiếng Anh lớp 12
- Sơ đồ tư duy bài 10 Lịch sử 12: Cách mạng khoa học – công nghệ và xu hướng toàn cầu hóa nửa sau thế kỉ XX Sơ đồ tư duy Lịch sử 12 bài 10 ngắn gọn nhất
- Bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024 Đề 1 Đáp án Đại sứ văn hóa đọc 2022
- Tổng hợp 100 mẫu bìa tiểu luận Mẫu bìa tiểu luận
- Lộ trình ôn thi đại học môn Toán Luyện thi THPT Quốc gia
- Cấu trúc đề thi thpt quốc gia 2022 - Tất cả các môn Cấu trúc đề thi thpt quốc gia
- Đại học Quốc gia TP HCM công bố điểm thi đánh giá năng lực Điểm thi Đại học Quốc gia TP. HCM
- Đáp án đề minh họa 2022 tổ hợp Khoa học Tự nhiên Đề minh họa 2022 tổ hợp Khoa học Tự nhiên
- Đáp án đề minh họa 2022 tổ hợp môn Xã hội Đề minh họa 2022 tổ hợp môn Xã hội