Bài văn: Anh (Chị) hãy cảm nhận đoạn thơ sau trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh bài mẫu 3

  • 1 Đánh giá

Anh (Chị) hãy cảm nhận đoạn thơ sau trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh - bài mẫu 3

Bài văn: Anh (Chị) hãy cảm nhận đoạn thơ sau trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh - bài mẫu 3Tình yêu là đề tài muôn thuở của thi ca, là nguồn cảm hứng bất tận của bao thi sĩ. Nếu tình yêu cháy bỏng và cao thượng trong thơ Pu-skin, thăng trầm triết lí trong thơ Ta-go và nồng nàn mãnh liệt trong thơ Xuân Diệu, chân quê mộc mạc dưới ngòi bút Nguyễn Bính thì bước vào trong thơ Xuân Quỳnh, nó lại mang một dáng hình rất khác. Tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh gắn liền với niềm khát vọng của một trái tim người phụ nữ luôn khát khao hạnh phúc đời thường. Nỗi khát vọng tình yêu ấy được bộc lộ mãnh liệt qua hai khổ thơ đầu bài thơ "Sóng":

Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể

Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ

Mở đầu bài thơ, Xuân Quỳnh đã miêu tả những trạng thái đối cực của sóng: “dữ dội” và “dịu êm”, “ồn ào” và “lặng lẽ”, qua đó nêu ra quy luật của tình yêu. Mượn hình tượng sóng, người phụ nữ trong bài thơ đang tự nhận thức và dũng cảm đối diện với những biến động trong lòng mình, chân thành bộc bạch không hề giấu giếm những cung bậc cảm xúc và niềm khao khát trong tình yêu. Nét đối cực của sóng giống như người con gái khi yêu, đầy khó hiểu:

“Em bảo anh đi đi

Sao anh không đứng lại

Em bảo anh đừng đợi

Sao anh vội về ngay”

Khi biển động bão tố phong ba, sóng ầm ầm dữ dội. Lúc trời yên biển lặng, sóng lại trở về trạng thái lặng lẽ dịu êm. Giống như tâm hồn người phụ nữ khi yêu, lúc dữ dội mãnh liệt, khi lại dịu dàng nữ tính. Người con gái khi yêu là vậy, luôn mang trong mình nhiều đối cực, mâu thuẫn nhưng lại thống nhất bởi trái tim yêu chân thành, mãnh liệt.

Sóng trong thơ Xuân Quỳnh là tiếng nói của tâm hồn người phụ nữ chân thành và khát khao mãnh liệt được yêu và dâng hiến trọn vẹn cho tình yêu, cho nên:

“Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể”

Sông và bể nằm trong dòng chảy của sóng. Nhưng sóng chỉ thực sự được sống đúng nghĩa khi đến với bể mênh mông rộng lớn. Hành trình sóng tìm ra "tận" bể chính là hành trình tìm kiếm chính mình của người phụ nữ, hành trình nhận thức giá trị đích thực của tình yêu. Cũng giống như sóng, tâm hồn người phụ nữ đang yêu không chấp nhận sự tầm thường, nhỏ hẹp mà luôn luôn hướng tới sự lớn lao, cao cả, sẵn sàng vượt qua những trở ngại để kiếm tìm những tâm hồn đồng điệu và vươn tới một tình yêu đích thực, bền vững hơn. Khác với người phụ nữ xưa, người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh đã dám chủ động đến với tình yêu để được sống là chính mình.

Đứng trước biển lớn, Xuân Quỳnh cảm nhận rõ nét sự vĩnh hằng, bất diệt của sóng:

“ Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ ”

Từ cảm thán "Ôi" được cất lên chân thành từ trái tim thổn thức yêu thương. Hình ảnh đối lập "ngày xưa" - "ngày sau" càng nhấn mạnh nét riêng của sóng. Năm tháng trôi qua, dù cho bao lâu đi nữa thì những con sóng ngoài biển khơi vẫn cất lên những bài ca bất tử của chính nó. Nó vẫn là nó không hề đổi thay giữa lòng biển cả. Từ rất lâu, sóng đã xôn xao, ồn ào như vậy và ngàn năm sau, sóng vẫn rạo rực vỗ về thế kia. Cũng như sóng, khát vọng tình yêu mãi mãi cháy bỏng, bồi hồi trong trái tim con người, nhất là tuổi trẻ.

“Hãy để trẻ con nói cái ngon của kẹo

Hãy để tuổi trẻ nói hộ tình yêu"

Sóng ở đây không đơn thuần chỉ là sóng biển nữa, nó còn là sóng của tâm hồn, của tình yêu - tình yêu của trái tim trẻ đang bồi hồi, đang thổn thức trong lồng ngực. Khát vọng tình yêu cháy bỏng mãnh liệt đang trào dâng trong lòng nữ sĩ. Đứng trước biển, trước những con sóng ào ạt vỗ bờ, dòng cảm xúc trong lòng nữ sĩ cũng chợt trào dâng. Xuân Quỳnh khẳng định chân lí: Khát vọng tình yêu là vĩnh viễn. Nó thường trực trong tâm hồn mỗi con người, đặc biệt là tuổi trẻ, khiến người ta trẻ lại, sưởi ấm tuổi trẻ của chúng ta. Con người không thể sống mà không có yêu.

Có thể nói, với việc sử dụng thành công những hình ảnh ấn dụ, đối lập tương phản, đoạn thơ đã thể hiện chân thực những sắc thái phong phú, phức tạp mà chân thực của tình yêu. Thể thơ 5 chữ với những dòng thơ thường không ngắt nhịp, sự đắc đổi các thanh bằng trắc ở cuối mỗi câu thơ, khổ thơ, những từ ngữ trùng điệp, những cặp từ sóng đôi hô ứng xô đuổi nhau đã tạo nên âm hưởng dào dạt nhịp nhàng, gợi nhịp điệu những con sóng miên man, bất tận, vô hạn vô hồi, khi ào ạt trào dâng, lúc dịu êm. Mượn nhịp điệu của sóng biển nhà thơ đã diễn tả sâu sắc, tinh tế nhịp đập trái tim của người con gái đang bồi hồi, rạo rực và suy tư, khát khao một tình yêu đích thực.

Qua đó, gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ về khát vọng tình yêu của tuổi trẻ. Đó là những khát vọng mãnh liệt, chân thành. Không còn giữ thế bị động, khi yêu thương trào dâng, trái tim trẻ sẵn sàng từ bỏ những thứ tầm thường nhỏ hẹp để tìm kiếm tình yêu bao ra, rộng lớn hơn. Khao khát yêu thương và cũng khao khát được khám phá chính mình.

Với những thành công về cả nội dung và nghệ thuật, hai khổ thơ mở đầu đã góp phần đưa "Sóng" trở thành bài thơ tiêu biểu xuất sắc nhất của nữ sĩ Xuân Quỳnh, khẳng định tài năng của bà. Đồng thời, đó cũng là viên ngọc còn sáng mãi theo thời gian của văn học dân tộc viết về tình yêu. Để rồi thời gian trôi đi, ngọc càng mài càng sáng, minh chứng cho khát vọng tình yêu vô cùng mãnh liệt của trái tim người phụ nữ hiện đại.


  • 89 lượt xem
Chủ đề liên quan
Chia sẻ
Chia sẻ FacebookChia sẻ ZaloChia sẻ Twitter
Đóng