Nhận thức và trách nhiệm của tuổi trẻ trước thảm họa gia tăng dân số hiện nay
Đề bài: Nhận thức và trách nhiệm của tuổi trẻ trước thảm họa gia tăng dân số hiện nay
Bài làm
Nền kinh tế càng phát triển, quá trình hội nhập toàn cầu diễn ra càng nhanh thì con người lại càng đối diện với nhiều vấn đề. Một trong những vấn đề khiến toàn xã hội phải trăn trở hiện nay đó chính là việc gia tăng dân số. Nó không chỉ gây ra những biến động cho xã hội mà kéo theo đó là những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế.
Gia tăng dân số là gì? Đó là hiện tượng số lượng người, số lượng nhân khẩu tăng tại các làng quê, các vùng miền và quốc gia. Gia tăng dân số được chia thành hai dạng chính là gia tăng tự nhiên và gia tăng cơ học. Gia tăng dân số tự nhiên là việc dân số tăng do sinh đẻ, còn gia tăng cơ học là hiện tượng dân chuyển cư đến nhập cư tại một vùng nhất định nào đó.
Quay trở lại với việc gia tăng dân số những năm gần đây tại Việt Nam. Dân số năm 2018 của Việt Nam theo thống kê của cục dân số gia đình là sấp sỉ 96 triệu người. Con số này đang có dấu hiệu tăng lên mạnh mẽ. Như vậy, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 14 trên thế giới về dân số, chiếm 1.27% số dân toàn thế giới. Con số này cũng mang đến cho chúng ta rất nhiều những lợi ích. Đầu tiên có thể kể đến đó chính là việc tạo ra một thị trường lao động dồi dào, lao động trẻ dễ dàng tiếp thu những khoa học kĩ thuật. Đây là một trong những sức hút cực lớn đối với những nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, việc dân số tăng quá nhanh sẽ gây nên những hậu quả khôn lường mà người ta gọi đó là thảm họa dân số. Việc tăng dân số dẫn đến nó là những gánh nặng về kinh tế, việc làm cho xã hội. Mỗi năm số người bước vào độ tuổi lao động nhiều, trong khi việc làm không thể giải quyết đủ sẽ dẫn đến tình trạng đói nghèo, tệ nạn xã hội nhiều… Nó không chỉ là khó khăn của mỗi gia đình mà rộng ra là bài toán của toàn xã hội.
Vậy nguyên nhân của việc bùng nổ dân số là gì? Có rất nhiều nguyên nhân tác động song đóng vai trò quan trọng nhất có thể nói đến đó là xuất phát từ ý thức cũng như văn hóa của dân tộc. Đầu tiên đó là hủ tục “đông con nhiều cháu”, “hay trọng nam khinh nữ”… nó vô tình khiến cho tình trạng sinh nở diễn ra tràn lan khó kiểm soát. Những gia đình có hai con rồi lại muốn sinh thêm cho đông vui, hay bắt buộc phải có con trai nối dõi ăn sâu vào tâm trí của con người. Bên cạnh việc hủ tục nếp sống và suy nghĩ thì tình trạng gia tăng dân số cũng còn chịu tác động của việc thiếu hiểu biết về kế hoạch hóa gia đình, thiếu hụt trong kiến thức sinh sản. Việc mang thai ngoài ý muốn, hay kết hôn sớm cũng là lí do khiến cho dân số tăng mạnh mẽ.
Vậy phải làm gì để ngăn chặn thảm họa dân số? Điều này cần sự chung tay hành động của toàn thể xã hội. Tuy nhiên quan trọng hơn cả là từ ý thức của mỗi cá nhân nhất là những người trẻ như chúng ta. Đầu tiên, cần phải tuyên truyền cho thế hệ trẻ hiểu rằng việc bùng nổ dân số có hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với xã hội, là nguyên nhân gây ra đói nghèo và lạc hậu. Sau đó cần phải gương mẫu thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình của nhà nước. Thế hệ trẻ phải là những người đi đầu và tham gia tuyên truyền chính sách kế hoạch hóa gia đình, pháp lệnh nhà nước về dân số cho mọi người. Bên cạnh đó, họ cũng phải là lực lượng nòng cốt trong công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu tại các vùng miền hiện nay.
Gia tăng dân số không chỉ khiến cho xã hội bị nhiễu loạn mà còn khiến cho nền kinh tế của chúng ta bị tụt hậu. Chính vì thế hãy chấp hành chính sách “mỗi gia đình chỉ hai con để nuôi dạy cho tốt”. Bởi nó sẽ góp phần khiến cho xã hội trở nên tốt đẹp và văn minh hơn.