Tóm tắt nhân vật Tràng ngắn gọn nhất Phân tích nhân vật Tràng

  • 1 Đánh giá

Tóm tắt nhân vật Tràng ngắn gọn nhất được Khoahoc sưu tầm và đăng tải. Tràng là nhân vật trong tác phẩm Vợ nhặt, là anh chàng nông dân xấu xí, nghèo khổ đã vô tình "nhặt được vợ" khi nạn đói xảy ra, để tìm hiểu rõ hơn về tác nhân vật Tràng các em cùng tham khảo một số bài văn tóm tắt mà Khoahoc chọn lọc dưới đây nhé.

Hoàn cảnh sáng tác truyện ngắn Vợ nhặt

Truyện "Vợ nhặt" có tiền thân từ tiểu thuyết "Xóm ngụ cư". Tác phẩm được viết ngay sau cách mạng tháng Tám nhưng còn dang dở và mất bản thảo. Sau hoà bình lập lại (1954) Kim Lân dựa vào phần cốt truyện cũ và viết lại thành truyện "Vợ nhặt". Tác phẩm được in trong tập truyện "Con chó xấu xí". Truyện tái hiện lại bức tranh nạn đói năm 1945. Qua đó, thể hiện tấm lòng cảm thông sâu sắc của nhà văn đối với con người trong nạn đói.

Tóm tắt nhân vật Tràng mẫu 1

Tràng là anh chàng xấu xí, thô kệch, ngờ nghệch, sống cùng mẹ ở xóm ngụ cư, làm nghề kéo e thóc thuê. Ở đó, qua mấy câu bông đùa và bốn bát bánh đúc, anh quyết định nên vợ chồng với cô thị. Trên đường đưa thị về nhà, anh tỏ ra vui vẻ. Về nhà, anh lóng ngóng khi thấy mẹ mãi chưa về. Hôm sau, Tràng nhận ra sự thay đổi to lớn trong cuộc sống khi mọi thứ bừa bộn đều trở nên tươm tất. Trong bữa ăn đầu, bát cháo cám nghẹn trong cổ Tràng nhưng khi nghe cô thị kể về dân quân đi phá kho thóc Nhật, lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trong suy nghĩ của Tràng.

Tóm tắt nhân vật Tràng mẫu 2

Trong nạn đói khủng khiếp năm 1945, Tràng - một chàng trai nghèo nàn, thô kệch, dân xóm ngụ cư quyết định cưới cô thị cong cớn, đanh đá về làm vợ. Bà cụ Tứ là mẹ Tràng tuy trong lòng lo lắng nhưng vẫn lạc quan khuyên nhủ các con làm ăn. Cuộc sống của Tràng từ khi có vợ có sự thay đổi lớn. Nhà cửa tươm tất, gọn gàng. Bữa ăn đầu có nàng dâu nghẹn ngào bởi bát cháo cám nhưng câu chuyện về người dân đi phá kho thóc Nhật mà cô thị kể đã để lại lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trong đầu Tràng.

Phân tích nhân vật Tràng

Kim Lân - một nhà văn xuất sắc của nền văn xuôi Việt Nam vào giai đoạn trước và sau cách mạng tháng Tám. Ông là một người yêu quê hương đất nước, giàu lòng thương người. Kim Lân đã khắc họa rất thành công bức tranh của nạn đói năm Ất Dậu, nạn đói lịch sử của nước ta năm 1945 qua tác phẩm truyện ngắn “Vợ nhặt”. Đặc biệt là qua hình ảnh nhân vật Tràng, một người nông dân nghèo đói, bất hạnh nhưng trong anh lại có một tấm lòng giàu tình thương người, giàu khát vọng hạnh phúc. Tất cả được thể hiện qua câu chuyện đầy bất ngờ của Tràng - câu chuyện nhặt vợ giữa ngày đói.

Tràng một thanh niên chất phác, anh chính là người đại diện cho tầng lớp nông dân nghèo khổ, sống ở xóm ngụ cư nuôi mẹ già, công việc hằng ngày kiếm sống chính là đẩy xe bò mướn. Người ta thường nói cuộc đời vốn dĩ công bằng, nhưng có lẽ đối với người thanh niên Tràng thì lại quá bất công, số phận khổ cực bần cùng của chàng trai đi đôi với ngoại hình xấu xí, thô kệch với cái đầu trọc lóc, cái lưng to bè như lưng gấu, đôi mắt thì nhỏ tí gà gà. Tính tình Tràng thì lại dở hơi nhưng cũng vô cùng tốt bụng, và rất mực yêu trẻ con, chàng thường hay vui đùa với những đứa trẻ trong xóm. Một người vô cùng bất hạnh và tội nghiệp.

Nhưng run rủi sao, một con người thấp hèn ấy, một hoàn cảnh cơ cực như thế lại trở thành một chú rể, đây có phải là một sự may mắn, là hạnh phúc của Tràng không. Bỗng dưng có vợ - Tràng nhặt được vợ chỉ sau hai lần gặp gỡ, chỉ qua vài câu nói đùa và bốn bát bánh đúc giữa ngày đói. Có thể nói, chuyện lấy vợ của Tràng giống như là một điều lạ nhưng thú vị, giống như đùa nhưng cũng là thật. Mới ban đầu, khi người phụ nữ đói nghèo, rách rưới là thị đồng ý lấy không Tràng, lúc đó, người thanh niên này cũng thấy hơi chột dạ, cũng biết chợn vì “Thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng”. Nhưng rồi Tràng chặc lưỡi và suy nghĩ đến đâu hay đến đó. “Chậc, kệ!” - câu nói như đồng ý, như chấp nhận số phận, như bắt đầu một cuộc sống mới, một cuộc sống có vợ. Việc hai người này đến với nhau tuy ngẫu nhiên nhưng cũng là điều tất nhiên, Tràng cần một người vợ để biết đến hạnh phúc còn Thị - người đàn bà nghèo ấy cần một chỗ dựa để qua khỏi hoàn cảnh đói kém, một sự chở che. Đây chính là cuộc sống thường nhật trên đời.

Trên đường Tràng đưa thị về nhà, Tràng thật sự rất vui và hạnh phúc, Tràng quên đi hết cuộc sống cơ cực của mình với cảnh sống nghèo đói, tăm tối, đang đe dọa từng ngày, ở Tràng lúc này có một cái gì đó mới mẻ và lạ lẫm mà chưa bao giờ cảm thấy trước đây. Kim Lân đã hơn hai mươi lần nhắc đến và miêu tả niềm vui nụ cười thường trực trên môi của Tràng khi có vợ, ông sử dụng những từ ngữ vừa gợi tả vừa gợi cảm như: mặt phớn phở, mắt sáng lấp lánh, miệng cười tủm tỉm… Và sau một đêm tân hôn, nên vợ nên chồng, Tràng cảm thấy trong người đổi khác, êm ái, lửng lơ như bừng tỉnh từ giấc mơ, cảm thấy thương yêu và gắn bó với ngôi nhà của mình… Và cái thay đổi lớn nhất đó chính là Tràng cảm thấy mình cần phải làm gì đó, phải nên người để lo cho vợ con sau này, cảm thấy được trách nhiệm và bổn phận lớn lao của mình.

Đọc tác phẩm, chúng ta cảm thấy được một tình cảm chân thành và cảm động ở Tràng, một người vui vẻ như vừa bước ra từ giấc mơ. “Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà”. Tràng đã khác so với ở đầu tác phẩm. Cưới Thị giống như một bước ngoặt quan trọng thay đổi cả cuộc đời lẫn tính cách Tràng, từ đau khổ sang hạnh phúc, từ chán đời sang vui vẻ yêu đời, từ một con người khờ khạo sang ý thức được trách nhiệm. Đây chính là giá trị lớn lao của hạnh phúc, một sự phục sinh tâm hồn.

Ở cuối tác phẩm, ta thấy trong suy nghĩ của Tràng xuất hiện cảnh những người nghèo đói khổ đang kéo nhau ầm ầm đi trên đê Sộp, ở đằng trước là một lá cờ đỏ sao vàng. Đoàn người đang đi phá kho thóc Nhật. Đây là một hiện thực và cũng là ước mơ tin về tương lai, tin về Đảng và cách mạng của Tràng cũng như của những người như Tràng. Kim Lân rất xuất sắc và thành công khi có thể lột tả được sự thay đổi cũng như miêu tả được tâm lí nhân vật bằng ngòi bút nhân đạo vô cùng sâu sắc của tác giả.

Tràng giống như một đứa con tinh thần của Kim Lân. Tình huống nhặt vợ đầy bất ngờ và đặc biệt nhưng đã thể hiện được tư tưởng sâu sắc của tác phẩm đó chính là dù người nghèo đói, cùng cực nhưng họ luôn nghĩ đến sự sống chứ không phải là cái chết, luôn có niềm tin vào tương lai tươi đẹp. Qua Tràng ta cũng đã cảm nhận được một tâm hồn trong sáng đẹp đẽ của người dân lao động nghèo đó chính là tình người và hi vọng.

Tóm tắt nhân vật Tràng ngắn gọn nhất được Khoahoc chia sẻ trên đây. Hy vọng với tài liệu này sẽ giúp các em nắm chắc nội dung tác phẩm từ đó chuẩn bị tốt cho các bài văn phân tích..Chúc các em học tốt, nếu thấy tài liệu hay, hãy chia sẻ cho các bạn cùng tham khảo nhé.

  • 1.056 lượt xem
Chủ đề liên quan