Bài văn mẫu tả người - kiểm tra viết tập làm văn lớp 5 trang 152

  • 1 Đánh giá

Ở bài này, các em học sinh sẽ chọn 1 trong 3 đề để làm: Tả cô giáo, tả người địa phương, tả một người mới gặp những để lại ấn tượng sâu sắc. Trước khi làm bài, các em học sinh nên tham khảo những bài viết hay để làm bài tốt. Dưới đây là những bài văn mẫu đạt điểm cao. Cả 3 đề

1. Tả cô giáo (hoặc thầy giáo) đã từng dạy dỗ em và để lại cho em nhiều tình cảm tốt đẹp

  • Bài văn mẫu 1

Mái trường là ngôi nhà thứ hai của em và cô giáo cũng như là người mẹ thứ hai của em vậy. Và người mẹ hiền thứ hai của em là cô giáo Cúc – giáo viên chủ nhiệm của em từ khi em mới chập chững vào lớp 1 cho tới tận bây giờ.

Ấn tượng đầu tiên của em về cô Cúc đó là dáng người thon thả cùng với khuôn mặt vô cùng hiền lành của cô. Cô giáo em có một thân hình mảnh mai, cô cao tầm 1m65. Mỗi khi lên lớp cô hay mặc áo dài. thường là những chiếc áo lụa, đủ màu sắc tươi đẹp, rất phù hợp với thân hình và làn da trắng hồng của cô.Tà áo dài của cô như truyền thêm cho chúng em tình yêu quê hương đất nước, yêu truyền thống văn hóa của dân tộc. Cô có mái tóc dài và đen mượt, ôm lấy gương mặt trái xoan của cô. Điều em ấn tượng nhất trên khuôn mặt của cô đó là đôi mắt. Đôi mắt cô to tròn và đen láy. Mỗi khi cô nhìn chúng em, em thấy được sự trìu mến và những tia nhìn ấm áp từ đôi mắt ấy. Cô cũng rất hay cười với chúng em, để lộ ra hàm rang trắng và đều như hạt bắp.

Cô rất thương yêu học sinh. Nhớ những ngày đầu khi em mới bước vào lớp một. Rời xa vòng tay của cha mẹ, bước vào một môi trường mới với những người bạn mới. Em vô cùng sợ hãi. Cứ khóc lóc đòi về với mẹ. Cô đã ân cần tới bên. Ôm em vào lòng nhẹ nhàng vỗ về em. Đôi bàn tay thon dài và ấm áp của cô vỗ nhè nhẹ lên lưng em. Khiến cho em có cảm giác an toàn và gần gũi. Rồi em cũng nín khóc, ngoan ngoãn theo cô vào lớp.

Trong mỗi giờ học, cô ân cần chỉ bảo chúng em. Giọng cô trầm ấm, ngân vang rất dễ hiểu. Cô kiên nhẫn chỉ bảo từng chút một cho chúng em. Đến giờ ra chơi, cô còn nán lại lớp, xuống tận bàn những bạn chưa nắm vững bài để chỉ dạy. Dù bình thường cô rất hiền lành nhưng khi có bạn mắc lỗi cô vãn nghiêm khắc kiểm điểm, chỉ ra lỗi sai để sau chúng em không tái phạm nữa.

Cô là người mẹ hiền thứ hai của chúng em. Dù sau này, khi không được học cô nữa nhưng em cũng sẽ không bao giờ có thể quên hình ảnh một người cô giáo xinh đẹp lại hiền lành đã giúp đỡ em rất nhiều trong thời gian em học dưới mái trường tiểu học này.

  • Bài văn mẫu 2

“Cô giáo em người xinh xinh, cô hay cười mắt cô long lanh….”

Trên đài phát thanh thiếu nhi, giai điệu bài hát quen thuộc chợt vang lên khiến em liên tưởng tói hình ảnh cô Nhã – cô giáo lớp một của em. Cô là người đã dạy dỗ em và để lại cho em nhiều ấn tượng lẫn tình cảm tốt đẹp nhất.

Trong ký ức của em, cô xuất hiện đẹp như một nàng tiên. Buổi sang mùa thu năm lớp một, lần đầu tiên em được mẹ dẫn đến mái trường tiểu học than yêu. Cảnh vật rộng lớn, xa lạ và dòng người nhộn nhịp, những gương mặt không quen khiến em sợ hãi núp sau lưng mẹ. Cô bước đến trong bộ áo dài màu tím mộng mơ, duyên dáng. Mái tóc dài đen mượt buông xuống bờ vai mảnh mai như thác nước. Khuôn mặt trái xoan thanh tú lấp lánh ánh mắt dịu dàng. Đôi mắt to, đen láy, trong veo như nước hồ mùa thu. Sống mũi cao càng tôn lên vẻ đẹp của cô. Cô đưa ánh mắt than thiện nhìn mẹ em, đôi môi hồng chum chím hơi mỉm cười rồi nhìn em với ánh mắt gần gũi, yêu thương. Đôi bàn tay trắng, thon như búp măng của cô đưa ra trước mắt em, cô nhẹ nhàng nắm lấy tay em, giọng cô vang lên trong trẻo: “Gia Linh phải không? Con vào lớp cùng cô nhé, các bạn đang đợi con đến để cùng chung vui đấy.”Giọng nói ấy như có một sức hút lạ kì, em ngơ ngẩn đi theo cô vào lớp học.

Đó là kỉ niệm đầu tiên đầy ấm áp về cô, là ấn tượng sâu đậm mà đến hôm nay, em vẫn luôn ghi nhớ. Cô trở thành giáo viên chủ nhiệm lớp một của em, trở thành người đầu tiên gần gũi với em trong những ngày đầu tiên tới lớp. Tính cách cô cũng hệt như tên Thanh Nhã của cô. Cô hiền dịu, nhã nhặn và khéo léo. Những giờ học căng thẳng, cô đều tinh ý phát hiện bạn nào tập trung, bạn nào buồn ngủ. Sau đó cô sẽ kể những câu chuyện nhỏ, nhưng vui rồi rút ra bài học đơn giản cho chúng em. Đứa nào cũng chăm chú nghe, tỉnh táo và hứng thú hẳn. Sau mõi giờ học của cô, chúng em lại có được một bài học quý giá về khoe với bố mẹ. Khi thì là câu chuyện về sự dũng cảm, khi thì là trung thực, bao dung, khi khác lại là yêu thương, sẻ chia, cần cù,... Cô dạy chúng em từng nét chữ đầu tiên, từng phép toán đơn giản và dạy chúng em cả những bài học đạo lí làm người.

Khi ấy, mới bắt đầu đi học, lũ chúng em còn nhiều bỡ ngỡ, thường mắc lỗi. Nhưng chưa bao giờ cô nặng lời trách mắng mà chỉ nhẹ nhàng chỉ ra cái đúng cái sai, phải trái cho chúng em hiểu rồi nhẹ nhàng xoa đầu, động viên, ánh mắt cô đầy yêu thương và tin tưởng, truyền cho chúng em sức mạnh để sửa chữa, trở nên tốt đẹp hơn. Sinh nhật ai trong lớp cô cũng nhớ và tự tay chuẩn bị những món quà nho nhỏ. Có lần em bị ốm, cô còn tìm đến tạn nhà, thăm hỏi và giảng lại bài học trên lớp cho em, sợ em không theo kịp các bạn trên lớp. Bố mẹ em và phụ huynh khác rất quý mến và kính trọng cô, cảm ơn cô dạy dỗ lũ trẻ con chúng em chu đáo.Chính nhờ có cô, chúng em có được những năm tháng đàu tại trường tiểu học đẹp và đáng nhớ biết bao. Hôm chia tay cô, cô ôm từng đứa, dặn dò mà đứa nào cũng vùi vào lòng cô, bùi ngui, nức nở.

Thời gian trôi qua, thoáng chốc em đã trở thành học sinh lớp năm, sắp phải rời xa mái trường tiểu học thân yêu này. Nhưng trong hồi ức của em, những kỉ niệm đẹp về cô Thanh Nhã vẫn vẹn nguyên, giống như động lực giúp em cố gắng, cố gắng để không phụ lòng bố mẹ, không phụ niềm tin và tình cảm cảu cô ngày xưa.

  • Bài văn mẫu 3

Đã mấy năm qua rồi cho đến bây giờ em vẫn còn thương mến cô giáo Nga, người đã dạy dỗ em trong những năm học đầu tiên ở ngưỡng cửa Tiểu học.

Cô giáo Nga có dáng người thon thả, không mập cũng không gầy. Tuổi cô độ gần bốn mươi nhưng trông cô còn rất trẻ. Em rất thích những chiếc áo dài cô mặc đến lớp, thường là những chiếc áo lụa mỏng, đủ màu sắc tươi đẹp, rất phù hợp với thân hình và làn da trắng hồng của cô. Mái tóc cô được uốn gọn gàng ôm lấy gương mặt đầy đặn, lúc nào cũng trang điểm một cách hài hoà. Đôi mắt cô to, đen láy, chiếc mũi tuy hơi cao nhưng trông cân xứng với gương mặt. Cô cười rất tươi, giòn giã, để lộ hai hàm răng trắng đều như hạt bắp. Tất cả đều tạo ra một nét đẹp thân tình, cởi mở, nhưng không vì thế mà kém phần cương nghị. Giọng cô giảng bài lúc trầm ấm, lúc ngân vang.

Cô rất thương yêu học sinh. Em còn nhớ những buổi đầu đi học, chúng em đều là những đứa trẻ vừa rời khỏi tay ba mẹ, ngơ ngác, rụt rè và thậm chí có bạn còn oà lên khóc khi ba mẹ ra về. Cô như người mẹ hiền, hết dỗ bạn này quay qua dỗ bạn khác khiến lòng em và các bạn yên tâm không còn sợ hãi nữa. Thế nhưng cô rất nghiêm khắc khi giảng bài, bạn nào không chú ý theo dõi, cô nhắc nhở ngay và luôn tuyên dương những bạn cố gắng học tập. Những buổi học đầu tiên biết bao khó nhọc, cô cầm tay từng bạn uốn nắn, chỉ cho từng bạn cách phát âm các vần. Những giờ ra chơi cô nán lại gạch hàng trong tập vở, cho chúng em viết ngay hàng thẳng lối, hoặc chỉ vẽ thêm cho các bạn còn yếu không theo kịp. Giờ rảnh cô thường kể chuyện cho chúng em nghe. Cả lớp cười vang khi cô kể chuyện vui, lúc đó em cảm thấy bầu không khí trong cả lớp ấm áp tình mẹ con làm sao! Ngoài việc dạy dỗ chăm sóc chúng em, cô còn quan tâm tìm hiểu gia đình các bạn nghèo, tạo điều kiện giúp đỡ các bạn.

Tuy không học cô nữa nhưng trong lòng em luôn kính trọng và biết ơn cô. Em tự nhủ sẽ cố gắng học tập thật tốt để khỏi phụ lòng yêu thương, chăm sóc của cô đối với em và xứng đáng là con ngoan trò giỏi.

2. Tả một người ở địa phương em sinh sống (chú công an phường, chú dân phòng, bác tổ trưởng dân phố, bà cụ bán hàng...)

  • Bài mẫu 1: tả chú công an

Mỗi người xung quanh chúng ta sẽ để lại một ấn tượng khác biệt. Em sinh ra và lớn lên ở một vùng nồng thôn thanh bình, yên ả. Em yêu màu nâu áo vải đã bạc sờn của các bác nông dân, yêu màu trắng của tà áo học sinh và yêu màu xanh áo chú công an. Đặc biệt, trong đó có chú Tùng – chú công an xã mà em vô cùng yêu mến.

Ở những vùng nông thôn chúng em, các chú công an không nhiều như thị trấn, thủ đô nhưng người nào cũng nhiệt tình, trách nhiệm. Chú Tùng là một trong số các chú công an công tác tại xã. Chú khoảng hơn ba mươi tuổi, có một người vợ đảm đang, thảo vát và cô con gái xinh xắn, hoạt bát. Chú cao cao, gầy gầy nhưng bóng lưng thì thẳng tắp như thân cây tùng. Nước da rám nắng khỏe mạnh, nổi bật trong bộ quân phục màu xanh. Ấn tượng đầu tiên mà chú để lại trong lòng mọi người là khuôn mặt vuông chữ điền nghiêm nghị, chính trực. Sống mũi chú cao, thẳng và đôi mắt đen láy, sáng ngời, nụ cười hiền lành, thân thiện đem đến cho người ta cảm giác ấm áp như những người thân quen. Mọi người thường nói, đó là ngoại hình của người thanh niên liêm chính. Chú thường mặc bộ quân phục màu xanh lá cây, giống như màu áo bộ đội ngày xưa. Trên túi áo ngực có thêu tên, ve áo đình phù hiệu và cấp bậc. Vầng trán cao của chú che đi bởi chiếc mũ cứng, nổi bật biểu tượng cờ đỏ sao vàng.

Ngày ngày, chú đều có mặt ở ủy ban nhân dân xã. Dù công việc chính là bảo vệ an ninh trong khu vực nhưng chú luôn chủ động đón tiếp nhân dân, sẵn lòng giúp đỡ khi mọi người có thắc mắc. Chú tỉ mỉ hướng dẫn bà con nông dân các thủ tục hành chính về hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng và giấy tờ các loại. Nhiều lúc, bà con không hiểu, chú kiên nhẫn giải thích rõ, đến khi bà con gật đầu tỏ vẻ đã hiểu, chú mới nở nụ cười yên tâm. Mọi người đến xã rất yên tâm và thoải mái vì luc nào cũng có chú Tùng sẵn lòng giúp đỡ. Trong cơ quan, chú cũng vui vẻ, hòa đồng, không ngại ngần khi đồng nghiệp nhờ, cấp trên giao việc nên ai cũng yêu mến chú. Có những đêm đã khuya, mọi người đã chìm sâu vào giấc ngủ, chú Tùng vẫn thức, cẩn thận kiểm tra lại các cánh cửa ở ủy ban, xem ngoài đường có thanh niên nào còn chưa vê, nhẹ nhàng nhắc nhở rồi mới yên tâm về với gia đình của mình.

Chú yêu thương những đứa trẻ con, nhiều lần còn tự mình đưa các bạn nhỏ về nhà vì bị lạc. Nhiều thanh thiếu niên nghịch ngợm, gây gổ đánh nhau nhưng chú không bao giờ dùng bạo lực đe dọa mà kiên nhẫn giảng giải, khuyên nhủ. Có anh sau này thay đổi, ngoan ngoãn còn nuôi ước mơ trở thành người công an tốt như chú. Chú cười động viên, dạy anh ấy cả những đức tính mà người công an tương lai cần có.

Mùa bão lũ năm trước, chú đã khiến người dân quê em cảm động, biết ơn mãi. Cơn bão bất ngờ ập đến, mưa gió, sấm chớp đùng đùng, trời bỗng nhiên sụp tối. Ai cũng lo lắng, hoảng sợ không thôi. Nhưng giữa mưa bão, chú lặn lội đi khắp mọi nhà, dặn dò và giúp đỡ chống bão đến tận sáng hôm sau. Chú không đắn đo lao mình vào dòng nước chảy siết cứu sống một bạn nhỏ đang chơi vơi ngụp lặn. Sự cống hiến và tấm lòng vì dân nhân ái của chú đã đem đến cho làng quê an ninh, trật tự và cuộc sống yên tâm, hạnh phúc. Tất cả mọi ngươi đều yêu mến và cảm phục tinh thần bộ đội cụ Hồ của chú Tùng.

Nhiều năm trôi qua, chú Tùng vẫn là chú công an mà người dân quê hương em quý trọng, tin cậy. Chú gắn bó với bà con như người thân trong gia đình. Hình ảnh chú công an trẻ tuổi, nhiệt thành mà tốt bụng đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của quê hương em. Em rất yêu quý và kính trọng chú.

  • Bài mẫu 2: Tả bác tổ trưởng dân phố

Cuộc sống thanh bình xung quanh chúng ta, nhờ có tất cả mọi người chung sức đồng lòng mới dựng xây được. Ai cũng đóng góp vai trò của riêng mình vào cộng đồng chung hôm nay. Thành phố em sinh sống cũng như vậy. Đặc biệt phải kể đến bác tổ trưởng dân phố - bác Thành.

Tổ dân phố của em nằm ở vùng cận ngoại thành thành phố, nhỏ bé mà đầm ấm, hạnh phúc. Bác Thành chính là người có công lao lớn nhất. Trong ấn tượng của em, bác Thành khoảng năm mươi tuổi, là một quân nhân từng được huấn luyện trong quân đội. Dáng người bác cao lớn, hai bờ vai rất rộng lớn, vững chãi. Mái tóc hoa râm với làn da ngăm ngăm đen, vì vậy trông bác rất khỏe mạnh. Khuôn mặt bác vuông hình chữ điền, góc cạnh, chính trực. Tuy nhiên, do dấu vết của thời gian, trên khuôn mặt ấy đã hiện lên những nếp nhăn mờ mờ. Đôi mắt bác sáng, tinh nhanh nhưng lại ánh lên tia nhìn ấm áp, vui tính. Bác cười lên tạo cho người đối diện cảm giác thân thiện và thoải mái.

Thường ngày, bác ăn mặc giản dị và lịch sự, phù hợp với chức vị người tổ trưởng tổ dân phố. Khi ở nhà, bác chỉ mặc bộ quần áo đơn giản như người ông hiền từ. Thỉnh thoảng em vẫn thấy bác Thành mặc bộ đồ vải màu nâu, cùng các cụ ông tập thể dục ở công viên gần nhà.

Tuy là tổ trưởng tổ dân phố nhưng tính tình bác vui vẻ, gần gũi, rất hòa nhã, thân thiện với mọi người xung quanh. Bác luôn quan tâm đến cuộc sống của mọi người. Tháng nào bác cũng đến tận nhà, mời từng gia đình đến họp để thông báo tình hình của khu phố. Bác đặc biệt chú ý và sẵn sàng giúp đỡ mọi người, nhấ là những người có hoàn cảnh khó khăn. Bác đến những hộ gia đình có điều kiện hơn động viên họ cùng góp công, góp sức giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn. Giọng bác ôn hòa và chân thành khiến ai nghe cũng cảm động, không từ chối. Nhờ có bác, nhiều gia đình sống hanh phúc hơn, nhiều đứa trẻ có được cơ hội đến trường.

Bác quan tâm đến những điều nhỏ nhặt nhất xung quanh mình, từ những em bé đến những cụ già neo đơn, không nơi nương tựa. Chỉ cần ở dâu có người cần, em sẽ thấy bóng dáng của bác ở nơi đó. Chân tình và đồng cảm, bác đưa đôi tay nhiều vết trai sần của mình nắm lấy đôi tay những mảnh đời đó, nâng đỡ và yêu thương họ. Nụ cười hiền hậu, ấm áp của bác đã đem lại niềm tin, ánh sáng hi vọng cho cuộc sống u ám của những cuộc đời kém may mắn. Nhìn thấy rác vứt bừa bãi trên đường, bác không bao giờ chần chừ mà ngay lập tức cúi xuống, nhặt và bỏ vào thùng rác, làm gương cho mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường.

Mỗi dịp Tết đến xuân về, bác cũng chính là người khởi xướng những chương trinh giao lưu đầy ý nghĩa cho tất cả mọi người, cho cả những người con xa quê. Ai ai cũng cảm động tấm lòng nhân ái của bác. Từng ngày từng ngày trôi qua, khu dân phố đã ít nhiều thay đổi nhưng người dân nơi đây vẫn dành niềm tin tưởng tuyệt đối cho bác Thành, tin tưởng bác sẽ chăm lo cho nơi này trở nên tốt đẹp hơn.

Đối với người dân nơi em sinh sống, bác Thành không chỉ là bác tổ trưởng dân phố trách nhiệm, tốt bụng mà còn là người hàng xóm láng giềng hòa nhã, hiền lành. Trong sâu thẳm trái tim em, em yêu quý và cũng kính mến bác vô cùng. Không phụ lòng tin của bác ở thế hệ tương lai, em và các bạn đều tự hứa sẽ phấn đấu cùng bác dựng xây cuộc sống tốt đẹp hơn từng ngày.

  • Bài mẫu 3: tả bà cụ bán hàng nước

Quê hương là nơi chôn rau cắt rốn, là mảnh đất thiêng liêng nhất trong cuộc đời mỗi con người. Nơi đó là những gì thân thuộc nhất, là những nhớ những thương mỗi khi nhắc tới. Đối với em, quê hương có rất nhiều ý nghĩa. Em yêu cây đa đầu làng, yêu cánh đồng lúa rộng mênh mông, yêu dòng sông êm đềm...và yêu bà cụ bán hàng nước dưới gốc cây đa.

Em sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn, nơi có những cánh diều tung bay, những cánh đồng xanh xanh mãi tận chân trời, những cánh cò nghiêng nghiêng chao lượn. Trong kí ức tuổi thơ yên bình ấy, bà cụ bán hàng nước ghi lại dấu ấn vô cùng sâu đậm. Mọi người trong làng gọi bà là bà Tư. Bà Tư đã bước sang tuổi bảy mươi – độ tuổi xế chiều. Dấu vết của thời gian đã in sâu lên cái lưng còng của bà. Khuôn mặt già nua với những nếp nhăn và chấm đồi mồi nhưng lại hồng hào, phúc hậu như những bà tiên trong truyện cổ tích. Vết chân chim tràn đầy nơi khóe mắt đã minh chứng cho quãng đời vất vả nhọc nhằn mà bà trải qua. Thế nhưng, ánh mắt hấp háy của bà lại tinh tường lắm, dường như có thể nhìn thấu mọi chuyện trên đời. Mái tóc bà đã bạc trắng như cước, được vẩn gọn gàng xung quanh đầu rồi vòng ra bên ngoài chiếc khăn mỏ quạ màu đen. Miệng bà lúc nào cũng móm mém nhai trầu. Qua nhiều tháng năm cực nhọc, đôi bàn tay bà nhăn nheo và trai sạn, những đường gân chằng chịt nổi rõ lên, mỗi lần nhìn vào khóe mắt em chợt cay cay.

Bà Tư là người hiền lành, tốt bụng. Chiến tranh ác liệt đã cướp đi người chồng và ba người con trai yêu quý của bà. Rời khỏi cuộc chiến, bà trở về quê hương, được nhà nước phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Ai nghe đến nỗi bất hạnh cuộc đời bà cũng ngậm ngùi xót xa, chỉ riêng bà luôn bình tĩnh và nở nụ cười hiền hậu. Quán nước bà dựng dưới gốc cây đa, năm tháng qua đi cũng đã hơn hai mươi năm. Ngày ngày, khi ánh bình mình dần buông xuống khắp làng quê, bà lọ mọ chuẩn bị nước, bánh trái rồi gánh chiếc đòn gánh trên vai. Thân hình gầy gò của bà đổ ngả theo ánh nắng, tiến về phía mái rơm dưới gốc cây đa. Cả ngày dài, bà cứ lặng lẽ ngồi đó, mọi người đi qua chào hỏi, bà sẽ ân cần đáp lại. Giọng bà không rõ ràng, rành mạch như ngày còn trẻ nhưng ấm áp và thân thiết lạ thường. Lũ trẻ trong xóm chúng em ai cũng yêu quý và hay quấn quýt lấy bà.

Tuổi già cô đơn, bà coi mọi người như những người thân thiết trong gia đình, đối xử rất tử tế. Bà sẵn sàng mời khách cốc nước chè thanh thanh, ngọt ngọt để xua tan mệt mỏi, nhọc nhằn. Những chiếc bánh bà tự tay gói thường trao tay những đứa trẻ con để dỗ chúng nín khóc, và đôi khi chỉ để nhìn thấy nụ cười ngây thơ, hồn nhiên của chúng. Bà âm thầm, lặng lẽ trở thành một phần của mái đình, cây đa, trở thành một phần không thể thiếu của vùng quê yên bình này. Khách thập phương dừng chân nơi đây đã coi bà là biểu tượng cho nơi họ vô tình đi qua. Những người con xa quê hương mỗi khi nhớ về quê nhà cũng luôn bồi hồi nhớ đến hình ảnh bà cụ hiền hậu thường ngồi trong ánh chiều tà của quán nước đầu làng ngày xưa.

Hình ảnh bà cụ lưng còng trong chiếc áo bà ba màu nâu như màu của đất, giản dị mà ấm áp, hình ảnh bà nghiêng người rót những chén trà ngon và hương vị của trà của bánh bà Tư đã trở thành hình ảnh tươi đẹp trong kí ức tuổi thơ của bao thế hệ người trên quê hương em. Em rất yêu quý và thương bà. Từ trong sâu thẳm trái tim, em mong bà sẽ luôn hạnh phúc, mặc cho cuộc đời đã nhiều nỗi đau.

3. Tả người mới gặp một lần nhưng để lại cho em những ấn tượng sâu sắc

  • Bài văn mẫu 1: tả cậu bé đánh giày

Trong cuộc sống chúng ta gặp rất nhiều người. Có những người chỉ gặp một lần thôi nhưng để lại cho chúng ta những ấn tượng sâu sắc không thể nào quên. Và cậu bé đánh giầy em từng gặp trên đường là một người như thế - một người em mới chỉ gặp một lần nhưng ấn tượng về cậu bé ấy khiến em không thể quên được.

Vào một sáng thứ bảy, khi được ba mẹ cho ra ngoài ăn sáng, em đã gặp một cậu bé đánh giày. Cậu bé ấy người nhỏ nhắn, thấp hơn em hẳn một cái đầu, em đoán chừng cậu bé ấy cũng ít tuổi hơn em. Hôm đó, trời mới vào đông se se lạnh, nhưng cậu bé đó chỉ mặc độc trên người một chiếc áo thun mỏng cộc tay đã cũ mèn. Bên dưới mặc một chiếc quần ngố dài tới đầu gối để lộ đôi chân đen mà gầy gò. Bàn chân thì đeo đôi dép tổ ong, chắc cậu được ai đó cho lại vì nó to hơn hẳn so với size chân của cậu. Cậu bé có một khuôn mặt rất đáng yêu, nhưng có lẽ vì đi nắng nhiều nên da cậu đen cháy lại. Đôi mắt to và tròn, trong vắt như hòn bi ve. Gương mặt nhỏ lấm tấm những vết bẩn.

Nhưng điều khiến cho gương mặt cậu bé ấy thu hút ánh nhìn của em đó là bởi nụ cười tươi rói nở trên môi cậu. Em cảm nhận được sự yêu đời từ nụ cười đó của cậu. Mặc dù còn rất nhỏ đã phải ra ngoài bươn trải kiếm sống nhưng cậu bé ấy vẫn vui vẻ và hồn nhiên. Em thấy cậu bé đi tới các bàn ăn, hỏi từng người xem họ có muốn đánh giày không? Dù có người từ chối, nhưng cậu bé đó vẫn không tỏ ra khó chịu hay buồn bã mà vui vẻ đi sang bàn khác. Thấy vậy em quay ra bảo ba: “Ba ơi, giày ba bẩn rồi kìa. Ba nhờ cậu bé kia đánh giày hộ ba đi.” Ba em biết em muốn giúp cậu bé. Liền gọi cậu bé lại, nhờ đánh giày. Khi thấy có người kêu đánh giày cậu bé ấy mừng lắm. Đôi mắt đen sáng lung linh, và nụ cười trên môi như càng tươi hơn.

Em rất thương cậu bé. Vì cậu bé ấy tuy còn nhỏ tuổi hơn em nhưng đã phải chiu nhiều khổ cực. Đáng ra tuổi của cậu bé đó phải được vui vẻ nô đùa và được chăm sóc. Nhưng thực tế cậu bé ấy lại phải ra đường, dãi nắng dầm mưa để có thể mưu sinh.

Về đến nhà hình ảnh của cậu bé nhỏ nhắn ấy vẫn in đậm trong đầu em. Nếu lúc này có một điều ước em sẽ ước tất cả trẻ em trên trái đất này đều được sống trong một tuổi thơ hạnh phúc mà không phải đi kiếm tiền sớm như vậy.

  • Bài văn mẫu 2: tả chú lính cứu hoả

Có những người dù chỉ gặp lần đầu tiên đã ghi lại trong tim chúng ta những ấn tượng sâu sắc. Một lần tình cờ, em cũng gặp được người như thế. Đó là chú lính cứu hỏa, chú đã để lại cho em ấn tượng khó quên ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy.

Một buổi chiều tháng sáu, khi ánh mặt trời gay gắt đã dần dịu lại, hoàng hôn đỏ rực đã chiếm chỗ màu xanh thăm thẳm của bầu trời. Căn nhà đối diện nhà em đột nhiên bốc cháy, khói tuôn lên ngùn ngụt, đen ngòm. Người trong nhà hoảng sợ lao ra khỏi tổ ấm của mình. Không lâu sau đó, em nghe thấy tiếng còi xe cứu hỏa vang lên. Xe dừng ngay trước cánh cổng căn nhà, các chú lính cứu hỏa nhanh chóng nhảy xuống xe.

Người đầu tiên nhảy xuống xe chính là chú lính cứu hỏa đã để lại cho em ấn tượng sâu sắc. Em không nhìn rõ khuôn mặt chú vì chiếc mũ nhựa cứng và khăn bảo hộ đã che kín cả khuôn mặt, chỉ có đôi mắt sáng tinh anh lộ ra. Đôi mắt ấy nhìn ngọn lửa mà không hề chần chừ, lượng lự, ánh lửa như lóe sáng trong ánh mắt. Dáng người chú cao lớn, khỏe mạnh ẩn trong bộ quần áo chống cháy màu da cam, đậm như màu của lửa đang cháy bùng bùng. Đôi tay chú được bao bọc trong đôi bao tay màu trắng đã lấm bẩn đen, có lẽ vì đám cháy đã xảy ra trước đó. Chú đi ủng mà vẫn vừng chãi lao vào đám cháy. Đôi vai rộng lớn của chú khoác chiếc bình chữa cháy chuyên dụng. Hình ảnh chú lao mình rồi mất hút trong đám cháy rất đẹp, đẹp cái vẻ đẹp ở người anh hùng trong cuộc sống đời thường.

Lửa vẫn bốc lên ngùn ngụt, khói đen sì cả một khoảng không trung. Ai nhìn vào cũng ái ngại, lo lắng. Nhưng những chú lính cứu hỏa vẫn dũng cảm lao mình vào đó, dùng kĩ năng của mình, cố gắng dập tắt đám cháy. Chú lính cứu hỏa khi nãy cứ liên tục chạy ra chạy vào, tro tàn do lửa cháy bám đầy lên vai áo chú. Khuôn mặt che sau tấm khăn bảo hộ cũng lấm lem đen nhẻm. Chú thoăn thoắt luồn lách như con sóc, đôi mắt quan sát thật kĩ xem có sót ai bị mắc kẹt trong nhà hay không. Đám cháy vẫn đang được dập tắt, chú bất ngờ ôm ra một con chó lớn, bộ lông trắng đã bị lửa làm cháy xém một ít. Con chó ngoan ngoãn nằm trong vòng tay an toàn của người lính cứu hỏa. Trong tiếng mừng rỡ reo lên của chủ gia đình, chú hơi tập tễnh đi ra, trao nó vào tay chủ. Ở gấu quần chú nổi bật một vệt dài màu đen, giống như hình một vật dài nào đó. Em đoán chú đã bị thương.

Vậy mà vết thương ở chân vẫn không ảnh hưởng gì đến việc của chú, chú không một lời than vãn, kêu ca, tiếp tực quay lại cùng giúp đỡ đồng nghiệp dập lửa. Các chú kiên trì mãi đến ba giờ đồng hồ sau, đám cháy mới được dập tắt. Lửa cháy quá to, căn nhà gần như đã trở thành một đống đổ nát. Chú lính cứu hỏa lúc này mới yên tâm ngồi xuống nghỉ một chút, chú tháo lỏng mũ để lộ gương mặt trẻ tuổi, chính trực với vầng trán ướt đẫm mồ hôi. Chân đau khiến đôi mày chú hơi nhăn lại nhưng khi được cảm ơn chú vẫn mỉm cười khiêm tốn. Chú cẩn thận dặn dò mọi người chú ý an toàn cháy nổ để bảo vệ bản thân và gia đình, rất chân thành, tha thiết.

Đám cháy được dọn dẹp, chú lính cứu hỏa đặc biệt cũng theo đồng đội lên xe, các chú nghỉ ngơi một lát xong vẫn phải chuẩn bị phòng những đám cháy không may xảy ra tiếp theo. Bóng chiếc xe cứu hỏa khuất dần, tiếng còi cũng nhỏ dần rồi im bặt nhưng hình ảnh chú lính cứu hỏa dũng cảm, nhân ái vẫn hiển hiện trước mắt em. Đó là hiện thân của những con người hết lòng vì dân, vì nước.

  • Bài văn mẫu 3: Tả chú bộ đội

“Vai chú mang súng mũ cài ngôi sao đẹp xinh.

Đi trong hàng ngũ chú hành quân trông thật nhanh.

Chú bộ đội chúng cháu yêu chú lắm.

Súng chắc trong tay chú canh giữ cho hòa bình”

Lời bài hát vang lên gợi nhắc trong em hình ảnh chú bộ đội mà em tình cờ gặp được trong chuyến về thăm quê ngoại. Chú tên Tuấn, là người mà em mới gặp thôi nhưng lại có ấn tượng sâu sắc.

Nhân dịp nghỉ hè, bố mẹ cho em về thăm quê ngoại ở tận Hà Tĩnh. Vừa đặt chân về quê hương thân yêu em đã gặp được màu xanh áo lính của chú Tuấn. Chú là con trai bà Năm – hàng xóm nhà ngoại em. Chú tranh thủ nghỉ phép hai ngày để về thăm gia đình. Ấn tượng đầu tiên khi em nhìn thấy chú là dáng người cao lớn, vạm vỡ với cơ bắp rắn chắc hiện ra dưới tay áo ngắn của chàng thanh niên khoảng hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi. Lưng chú thẳng tắp như thân cây tùng. Chú mặc bộ quân phục màu xanh trông rất oai phong. Chiếc mũ cứng với biểu tượng lá cờ đỏ sao vàng ôm lấy nửa vầng trán cao và mái tóc đen được cắt tỉa gọn gàng. Khuôn mặt chú góc cạnh, cằm hơi gầy và nước da ngăm ngăm đen do tập luyện nhiều ngày ngoài trời. Đôi mắt chú đen và sáng, lấp lánh vẻ cương nghị của một người lính. Nụ cười lại đặc biệt ấm áp và thân thiện.

Chú khoác trên vai một cái ba lô con cóc to mà vai không hề rũ xuống, hiên ngang vững chãi. Chú mỉm cười chào cả bố mẹ em và bà con lối xóm xung quanh. Ngay từ ấn tượng đầu tiên, mọi người đều có thiện cảm với chú Tuấn. Hai ngày sau, em thường hay sang nhà chú chơi, tò mò hỏi chú đủ thứ chuyện trong quân đội. Chú không hề khó chịu vì bị hỏi nhiều mà vui vẻ kể hết những chuyện vui, những điều hay chú học được trong quân ngũ. Hành động, lời nói của chú rõ ràng, rành mạch, thể hiện rõ khí phách của người bộ đội. Chú làm vườn cũng rất giỏi, đôi bàn tay vừa to vừa khỏe của chú cầm cuốc thành thạo cào đất, tưới rau. Chú nói đó đều là những việc chú học được khi đi nhập ngũ, được huẩn luyện.

Trong ánh nắng chiều, em ngồi nghe chú kể từng lời, từng câu chuyện. Chú xắn cao tay áo, đôi tay thoăn thoắt nhổ cổ, miệng vẫn không quên kể chuyện. Không những thế, hai ngày nghỉ phép ở quê, chú còn lặn lội đến các nhà xung quanh xem ai có vật dụng gì cần sửa hay không. Nếu có chú Tuấn sẵn sàng giúp đỡ, chú đã sửa được bóng đèn cho bao nhiêu gia đình trong làng. Chú hòa nhã, thân thiện và khéo léo. Người làng chẳng mấy chốc đã biết tên chú bộ đội trẻ nhà bà Năm nhiệt tình, tốt bụng, là người con ngoan, là người lính mẫu mực. Bố mẹ chú vui vẻ và tự hào không thôi về những lời khen ngợi bà con dành cho con trai mình. Những lúc ấy, chú Tuấn đều mỉm cười khiêm tốn.

Thời gian nhanh chóng trôi đi, hai ngày nghỉ ngắn ngủi kết thúc, chú Tuấn theo chỉ thị của đơn vị nên phải trở về quân đội. Trước khi đi, chú vẫn đứng thẳng lưng, giơ tay chào kiểu quân đội với mọi người rồi xách túi lớn túi nhỏ lên xe.

Cho đến mãi hôm nay, hình ảnh chú nhanh thoăn thoắt trèo lên xe vẫn in đậm trong tâm trí em. Dù mới gặp thôi nhưng chú đã cho em rất nhiều lời khuyên, sự quan tâm ý nghĩa. Chú đã ghi lại trong em những ấn tượng sâu sắc, ý nghĩa về lớp lớp bộ đội sau này, những con người biết cống hiến, hi sinh, biêt yêu thương và vị tha.


  • 92 lượt xem