Giải sinh học 9 bài 27: Thực hành Quan sát thường biến
Nhằm áp dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn, KhoaHoc xin chia sẻ bài Thực hành: Quan sát thường biến Sinh học lớp 9. Hi vọng với kiến thức trọng tâm và hướng dẫn trả lời các câu hỏi chi tiết, đây sẽ là tài liệu giúp các bạn học tập tốt
I. Mục tiêu
- Qua tranh ảnh và mẫu vật sống, nhận biết được một số thường biến phát sinh ở một số đối tượng thường gặp
- Qua tranh ảnh, phân biệt được sự khác nhau thường biến và đột biến.
- Qua tranh ảnh và mẫu vật sống, rút ra được:
- Tính trạng chất lượng phụ thuộc chủ yếu vào kiểu gen, không hoặc rất ít chịu tác động của môi trường.
- Tính trạng số lượng thường chịu ảnh hưởng nhiều của môi trường.
II. Chuẩn bị
1. Tranh ảnh
a, Tranh, ảnh minh họa thường biến
- Ảnh chụp hai mầm khoai lang hoặc khoai tây được tách ra từ một củ, một mầm đặt trong tối, còn mầm kia để ngoài ánh sáng.
- Ảnh chụp hai chậu gieo hạt thuần chủng của cùng một giống lúa, một chậu đặt trong tối, một chậu để ngoài sáng.
- Ảnh chụp cây rau dừa nước mọc từ mô đất cao, bò xuống bờ nước rồi trải trên mặt nước.
- Ảnh chụp ruộng mạ có các cây mạ ven bờ tốt hơn so với các cây mạ ở trong giữa ruộng.
b, Ảnh chụp chứng minh thường biến là biến dị không di truyền được
- Kết hợp ảnh chụp các cây mạ ven bờ và các cây mạ ở trong giữa ruộng với ảnh chụp các cây lúa mọc từ hạt của hai loại mạ trên.
- Ảnh chụp một cây rau dừa dưới nước mọc lên trên mô đất cao, lan rộng xuống mặt nước và ảnh chụp của hai cây rau dừa nước được tạo nên bằng cách lấy hai đoạn thân của cây dừa nói trên, một đoạn thân nằm trên mô đất cao cho mọc trên mặt nước, một đoạn thâ nằm trên mặt nước cho mọc trên đất cao.
c, Ảnh chụp minh họa ảnh hưởng khác nhau của cùng một điều kiện môi trường đối với tính trạng số lượng và tính trạng chất lượng
- Ảnh chụp hai luống su hào trồng từ một giống nhưng được bón phân, tươi nước khác nhau và 2 củ điển hình từ 2 luống đó.
2. Mẫu vật
- Mầm khoai lang hoặc khoai tây mọc trong bóng tối và ngoài sáng.
- Cây mạ mọc trong bóng tối và ngoài sáng.
- Một thân cay rau dừa nước mọc từ mô đất cao, bò xuống ven bờ và trải trên mặt nước.
- Hai củ su hào của một giống thuần chủng nhưng được bón phân, tưới nước khác nhau.
III. Cách tiến hành
- Quan sát và nhận biết các thường biến trên các tranh ảnh minh họa.
- Quan sát và phân tích sơ đồ minh họa thường biến không di truyền được.
- Quan sát đặc điểm biến đổi đồng loạt theo cùng một hướng của thường biến.
- Đo đường kính của các đoạn thân cây rau dừa nước và các củ su hào, cân các củ su hào.
- Nhận xét về ảnh hưởng khác nhau của cùng một điều kiện môi trường đối với tính trạng chất lượng và số lượng.
IV. Thu hoạch
Cây rau dừa nước trồng ở các môi trường khác nhau
Củ su hào trồng ở các điều kiện chăm sóc khác nhau
Ảnh hưởng của môi trường đối với tính trạng số lượng và tính trạng chất lượng:
- Sự nghiên cứu của thường biến cho thấy, bố mẹ không truyền cho con những tính trạng (kiểu hình) đã được hình thành sẵn mà truyền một kiểu gen quy định cách phản ứng trước môi trường.
- Kiểu hình là kết quả sự tương tác giữa kiểu gen và môi trường.
- Các tính trạng chất lượng phụ thuộc chủ yếu vào kiểu gen, ít chịu ảnh hưởng của môi trường, ví dụ: giống lúa nếp cẩm trồng ở miền núi hay đồng bằng đều cho hạt gạo bầu tròn và màu đỏ. Tính trạng số lượng thường chịu ảnh hưởng nhiều của môi trường tự nhiên hoặc điều kiện trồng trọt và chăn nuôi nên biểu hiện rất khác nhau, ví dụ: lượng sữa vắt trong 1 ngày phụ thuộc vào điều kiện chăn nuôi.
Sự khác nhau giữa thường biến và đột biến
Thường biến | Đột biến |
---|---|
- Là những biến đổi kiểu hình và không biến đổi trong vật chất di truyền (ADN và NST). - Do tác động trực tiếp của môi trường sống. - Diễn ra đồng loạt, có định hướng, tương ứng với các điều kiện ngoại cảnh. - Không di truyền được. - Có lợi. - Không là nguồn nguyên liệu cho quá trình chọn lọc tự nhiên và chọn giống. | - Biến đổi ADN, NST từ đó dẫn đến biến đổi kiểu hình. - Do tác động của môi trường ngoài hay rối loạn trao đổi chất ở tế bào và cơ thể. - Biến đổi riêng rẽ, từng cá thể, gián đoạn, vô hướng. - Di truyền cho thế hệ sau. - Đa số có hại, có khi có lợi. - Là nguồn nguyên liệu cho quá trình chọn lọc tự nhiên và chọn giống. |