Giải bài Luyện từ và câu Cách đặt câu khiến
Tiếng Việt 4 tập 2, Giải bài Luyện từ và câu Cách đặt câu khiến Tiếng Việt 4 tập 2. Bài học giúp các em biết cách đặt câu khiến. Những kiến thức trọng tâm, những câu hỏi trong bài học sẽ được hướng dẫn trả lời, soạn bài đầy đủ, chi tiết.
1. Ghi nhớ
Muốn đặt câu khiến, có thể dùng một trong những cách sau:
- Thêm từ hãy hoặc đừng, chớ, nên, phải... vào trước động từ.
- Thêm từ lên hoặc đi, thôi, nào vào cuối câu.
- Thêm từ đề nghị hoặc xin, mong... vào đầu câu.
- Dùng giọng điệu phù hợp với câu khiến.
2. Luyện tập
1. Chuyển các câu kể sau thành câu khiến:
- Thanh đi lao động.
- Ngân chăm chỉ.
- Giang phấn đấu học giỏi
Trả lời:
Thanh đi lao động:
- Đề nghị Thanh đi lao động.
- Thanh phải đi lao động!
- Thanh đi lao động đi!
Ngân chăm chỉ.
- Ngân phải chăm chỉ lên!
- Ngân hãy chăm chỉ nào!
- Mong Ngân hãy chăm chỉ hơn!
Giang phấn đấu học giỏi
- Giang phải phấn đấu học giỏi!
- Giang hãy phấn đấu học giỏi!
- Mong Giang phải phấn đấu học giỏi.
2. Đặt câu cầu khiến phù hợp với các tình huống sau:
a. Vào giờ kiểm tra, chẳng may bút của em bị hỏng. Em biết bạn em có hai bút. Hãy nói với bạn một câu để mượn bút.
b. Em gọi điện thoại cho bạn, gặp một người ở đầu dây bên kia là bố của bạn. Hãy nói một câu với bác ấy để bác chuyển máy cho em nói chuyện với bạn của em.
c. Em đang tìm nhà bạn bỗng gặp một chú từ một nhà gần đấy bước ra. Hãy nói một câu nhờ chú ấy chỉ đường.
Trả lời:
Em có thể đặt câu như sau:
a. Lan ơi, cậu làm ơn cho tớ mượn chiếc bút nhé!
b. Xin phép bác cho cháu nói chuyện với bạn Lan ạ!
c. Nhờ chú chỉ giúp cháu nhà bạn Lan với ạ!
3. Đặt câu khiến theo yêu cầu dưới đây, nêu tình huống có thể dùng mỗi câu khiến rồi ghi vào chỗ trống trong bảng:
a. Câu khiến có hãy ở trước động từ.
b. Câu khiến có đi hoặc nào ở sau động từ.
c. Câu khiến có xin hoặc mong ở trước chủ ngữ.
Trả lời:
a. Bạn hãy giữ trật tự để nghe cô giáo giảng bài!
b. Chúng mình đi chơi đi!
c. Mong các bạn tham gia buổi lao động đúng giờ.
4. Nêu các tình huống có thể dùng các câu khiến nói trên.
Trả lời:
a. Có thể sử dụng câu khiến trong trường hợp yêu cầu ai đó cần nghiêm túc trong giờ học.
b. Có thể sử dụng câu khiến trong trường hợp mong muốn các bạn cùng đi chơi với mình.
c. Có thể sử dụng câu khiến trong trường hợp nhắc nhở các bạn tham gia buổi lao động nghiêm túc, đúng giờ.