Bài tập tiếng Việt lớp 4 học kỳ 1 Ôn tập tiếng Việt lớp 4

  • 1 Đánh giá

Bài tập tiếng Việt lớp 4 học kỳ 1 được Khoahoc sưu tầm và đăng tải. Tài liệu gồm bài tập tiếng Việt lớp 4 kèm theo đáp án để các em so sánh đánh giá kết quả. Dưới đây là nội dung chi tiết bài tập tiếng Việt lớp 4, các em cùng tham khảo nhé

Bài tập tiếng việt lớp 4 học kỳ 1 - Đề 1:

A. Phần đọc

I. Đọc thành tiếng: (3đ)

GV cho HS bốc thăm đọc trong các bài Tập đọc từ tuần 11 đến tuần 17 trong sách TV4 tập 1.

II. Đọc hiểu: (7đ)

Đọc thầm bài: “Cái giá của sự trung thực”. Dựa vào nội dung bài đọc và kiến thức đã học, em hãy khoanh vào chữ cái trước ý đúng nhất:

Cái giá của sự trung thực

Vào một buổi chiều thứ bảy đầy nắng ở thành phố Ô-kla-hô-ma, tôi cùng một người bạn và hai đứa con của anh đến một câu lạc bộ giải trí. Bạn tôi tiến đến quầy vé và hỏi: "Vé vào cửa là bao nhiêu? Bán cho tôi bốn vé".

Người bán vé trả lời: "3 đô la một vé cho người lớn và trẻ em trên sáu tuối. Trẻ em từ sáu tuổi trở xuống được vào cửa miễn phí. Các cậu bé này bao nhiêu tuổi?"

- Đứa lớn bảy tuổi và đứa nhỏ lên bốn. - Bạn tôi trả lời. - Như vậy tôi phải trả cho ông 9 đô la tất cả.

Người đàn ông ngạc nhiên nhìn bạn tôi và nói: "Lẽ ra ông đã tiết kiệm cho mình được 3 đô la. Ông có thể nói rằng đứa lớn chỉ mới sáu tuổi, tôi làm sao mà biết được sự khác biệt đó chứ!"

Bạn tôi từ tốn đáp lại: "Dĩ nhiên, tôi có thể nói như vậy và ông cũng sẽ không thể biết được. Nhưng bạn trẻ thì biết đấy. Tôi không muốn bán đi sự kính trọng của mình với 3 đô la".

(Theo Pa-tri-xa Phơ-ríp)

1. Đọc hiểu văn bản: (4 điểm)

Câu 1: (0,5đ) Câu lạc bộ giải trí miễn phí vé cho trẻ em ở độ tuổi nào? (M1)

a. Bảy tuổi trở xuống.

b. Sáu tuổi trở xuống.

c. Năm tuổi trở xuống.

d. Tám tuổi trở xuống.

Câu 2: (0,5đ) Người bạn của tác giả đã trả tiền vé cho những ai? (M1)

a. Cho mình, cho bạn và cho cậu bé bảy tuổi.

b. Cho mình, cho bạn và cho cậu bé bốn tuổi.

c. Cho mình, cho cậu bé bảy tuổi và cho cậu bé bốn tuổi.

d. Cho mình, cho bạn và cho cậu ba tuổi.

Câu 3:(0,5đ) Người bạn của tác giả lại lẽ ra có thể tiết kiệm được 3 đô la bằng cách nào? (M2)

a. Nói dối rằng cả hai đứa còn rất nhỏ.

b. Nói dối rằng cậu bé lớn chỉ mới sáu tuổi.

c. Nói dối rằng cậu bé lớn chỉ mới năm tuổi.

d. Nói dối rằng cậu bé lớn chỉ mới bốn tuổi.

Câu 4: (0,5đ) Tại sao người bạn của tác giả lại không "tiết kiệm 3 đô la theo cách đó? (M2)

a. Vì ông ta rất giàu, 3 đô la không đáng để ông ta phải nói dối.

b. Vì ông ta sợ bị phát hiện ra thì xấu hổ.

c. Vì ông ta là người trung thực và muốn được sự kính trọng của con mình.

d. Vì ông ta sợ bị bạn la.

Câu 5: (1đ) Trong câu chuyện trên, người bạn của tác giả đã nói: "...Tôi không muốn bán đi sự kính trọng của mình chỉ với 3 đô la." Em hiểu nói đó có ý nghĩa như thế nào (M3)

........................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................

Câu 6: (1đ) Câu chuyện muốn nói với em điều gì? (M4)

2. Kiến thức văn học, tiếng việt (3 điểm).

Câu 1: (0,5đ) Từ nào dưới đây là từ ghép có nghĩa tổng hợp? (M1)

a. Nương sắn.

b. Nương rẫy.

c. Nương ngô.

d. Nương khoai.

Câu 2: (0,5đ) Dấu hai chấm (:) trong câu có tác dụng gì? (M2)

a. Dẫn lời nói trực tiếp của nhân vật.

b. Giải thích cho bộ phận đứng trước nó.

c. Kết thúc một câu cảm.

d. Kết thúc một câu kể.

Câu 3: (1đ) Em hãy đặt một câu kể để kể các việc làm hằng ngày sau khi đi học về.(M3)

......................................................................................................................................................

......................................................................................................................................................

Câu 4: (1đ) Tìm một thành ngữ hoặc tục ngữ nói về Ý chí - Nghị lực.(M4)

B. Phần viết

I. Chính tả: (Nghe - viết): (2 điểm)

II. Tập làm văn: (8 điểm)

Đề bài: Tả một đồ chơi mà em yêu thích.

Đáp án:

A. Phần đọc

1. Đoc hiểu văn bản: (4 điểm)

Câu 1:(0.5đ) b

Câu 2: (0.5đ) a

Câu 3:(0.5đ) b

Câu 4: (0.5đ) c

Câu 5: (1đ) Lòng trung thực là vô giá. Sự kính trọng của mọi người đối với mình là không thể mua được.

Câu 6: (1đ) Cần phải trung thực ngay từ những điều nhỏ nhất.

2. Kiến thức văn học, tiếng Việt (3 điểm).

Câu 1: (0.5đ) b

Câu 2: (0.5đ) b

Câu 3: (1đ) HS đặt đúng yêu cầu cho 1 điểm.

Sau mỗi buổi học ở trường, em cùng Hoàng đi đá bóng tại sân bóng của nhà nhà văn hóa phường.

Câu 4: (1đ) HS tìm được thành ngữ hoặc tục ngữ cho 1 điểm.

- Có công mài sắt, có ngày nên kim.

- Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo

B. Kiểm tra viết: 10 điểm

I. Chính tả: (Nghe - viết): (2 điểm)

Thời gian HS viết bài: 15 phút.

Bài viết: Văn hay chữ tốt

(SGK Tiếng Việt 4, tập 1 trang 129)

Cho HS viết đề bài và đoạn từ Cao Bá Quát vui vẻ trả lời.....luyện viết chữ sao cho đẹp "sách TV 4 tập 1 trang 129)

- Bài viết không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng, trình bày đúng đoạn văn (2 điểm).

- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 2 điểm

- Trình bày đúng quy định; viết sạch, đẹp: 1 điểm

II. Tập làm văn: (8đ)

- Viết được bài văn có bố cục rõ ràng:

Mở bài: (1 điểm)

- Giới thiệu được đồ chơi cần tả.

Phần thân bài: (4 điểm)

- Tả bao quát được đồ chơi cần tả. (1 điểm)

- Tả từng bộ phận của đồ chơi cần tả. (2 điểm)

- Điểm nổi bật so với đồ chơi khác. (1 điểm)

Phần kết bài: (1 điểm)

- Tình cảm của người viết đối với đồ chơi.(1 điểm)

Về ngữ pháp, cách trình bày, dùng từ (2 điểm)

- Chữ viết đẹp, đúng chính tả; trình bày sạch đẹp, đúng quy định thể hiện qua bài viết (0,5 điểm)

- Sử dụng câu đúng ngữ pháp, dùng từ đúng nghĩa, rõ nghĩa và sử dụng đúng các dấu câu trong bài. (0,5 điểm)

- Bài viết có sự sáng tạo: có cảm xúc, ý văn rõ ràng, lôi cuốn người đọc,… (1 điểm)

*Tùy theo mức độ sai sót về ý, diễn đạt và chữ viết mà GV cho điểm cho hù hợp.

* Lưu ý: - Bài làm nhớp, sai lỗi chính tả trừ 0,5 đến 1 điểm toàn bài

Bài tập tiếng việt lớp 4 học kỳ 1

Bài tập tiếng việt lớp 4 học kỳ 1 - Đề 2:

A. Kiểm tra Đọc

I. Đọc thành tiếng :

Cho văn bản sau:

Văn hay chữ tốt

Thuở đi học Cao Bá Quát viết chữ rất xấu nên nhiều bài văn dù hay vẫn bị thầy cho điểm kém.

Một hôm, có bà cụ hàng xóm sang khẩn khoản:

- Gia đình già có một việc oan uổng muốn kêu quan, nhờ cậu viết giúp cho lá đơn, có được không?

Cao Ba Quát vui vẻ trả lời:

- Tưởng việc gì khó, chứ việc ấy cháu xin sẵn lòng.

Lá đơn viết lí lẽ rõ ràng, Cao Bá Quát yên trí quan sẽ xét nỗi oan cho bà cụ. Nào ngờ, chữ ông xấu quá, quan đọc không được nên thét lính đuổi bà ra khỏi huyện đường. Về nhà, bà kể lại câu chuyện khiến Cao Bá Quát vô cùng ân hận. Ông biết dù văn hay đến đâu mà chữ không ra chữ cũng chẳng ích gì. Từ đó, ông dốc sức luyện chữ sao cho đẹp.

Sáng sáng, ông cầm que vạch lên cột nhà luyện chữ cho cứng cáp. Mỗi buổi tối, ông viết xong mười trang vở mới chịu đi ngủ. Chữ viết đã tiến bộ, ông lại mượn những cuốn sách viết chữ đẹp làm mẫu để luyện nhiều kiểu chữ khác nhau.

Kiên trì luyện tập suốt mấy năm, chữ ông mỗi ngày một đẹp. Ông nổi danh khắp nước là người văn hay chữ tốt.

Đọc một trong 3 đoạn văn của văn bản.

Đoạn 1: Thuở đi học . . . .sẵn lòng

Đoạn 2: Lá đơn. . . . cho đẹp

Đoạn 3: Sáng sáng . . . chữ tốt.

Trả lời câu hỏi do giáo viên nêu

II. Đọc thầm và làm bài tập bài “Văn hay chữ tốt”

Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng cho từng câu hỏi dưới đây:

Câu 1 (0,5 điểm): Vì sao Cao Bá Quát thường xuyên bị điểm kém?

A.Văn dở – chữ xấu

B. Văn hay

C. Văn hay – chữ xấu

Câu 2 (0,5 điểm): Sự việc gì xảy ra khiến Cao Bá Quát ân hận?

A. Chữ ông xấu quá, quan đọc không được nên đuổi bà ra khỏi huyện đường.

B. Chữ ông đẹp quá, quan đọc không được nên đuổi bà ra khỏi huyện đường.

C. Văn ông xấu quá, quan đọc không được nên đuổi bà ra khỏi huyện đường.

Câu 3 (0,5 điểm): Từ nào là từ láy trong câu: Có bà cụ hàng xóm sang khẩn khoản.

A. Bà cụ

B. Hàng sang

C. Khẩn khoản

Câu 4(0,5 điểm) Buổi tối ông viết bao nhiêu trang vở mới đi ngủ?:

A. Chín trang.

B. Mười quyển

C. Mười trang

Câu 5 (0,5 điểm): Từ nào dưới đây nói lên ý chí, nghị lực của Cao Bá Quát ?

A. Cần cù

B. Quyết chí

C. Chí hướng

Câu 6 (0,5 điểm): Tục ngữ hoặc thành ngữ nào dưới đây nói đúng ý nghĩa của câu chuyện Văn hay chữ tốt?

A. Tiếng sáo diều.

B. Có chí thì nên.

C. Công thành danh toại.

Câu 7: Hãy viết lại động từ có trong câu sau: “Lá đơn viết lí lẽ rõ ràng.” (0,5 điểm)

Câu 8: Hãy đặt câu hỏi cho câu: “Cao Bá Quát nổi danh khắp nước là người văn hay chữ tốt” là: (0,5 điểm)

B. Kiểm tra Viết

I. Chính tả (nghe – viết ) (2,0 điểm)

Bài viết: Cánh diều tuổi thơ

(SGK Tiếng Việt 4 tập I trang 146)

(Viết đoạn: tuổi thỏ....đến những vì sao sớm.)

II. Tập làm văn (3,0 điểm)

Đề bài: Hãy tả một đồ chơi mà em thích .

Đáp án:

I: Đọc thành tiếng:

Đọc rõ ràng, rành mạch, lưu loát 0,25 điểm

Ngắt nghỉ hơi đúng các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa. 0,25 điểm

Đọc diễn cảm 0,25 điểm

Trả lời đúng câu hỏi của giáo viên nêu 0,25 điểm

Chú ý

- Đọc sai từ 3 đến 6 tiếng trừ 0,25 điểm.

- Ngắt nghỉ hơi không đúng từ 2 đến 3 chỗ trừ 0,25 điểm.

- Giọng đọc chưa thể hiện rõ biểu cảm trừ 0,25 điểm.

II. Đọc thầm và làm bài tập bài “Văn hay chữ tốt”

Câu 1: Đáp án C

Câu 2: Đáp án A

Câu 3: Đáp án C

Câu 4: Đáp án C

Câu 5: Đáp án B

Câu 6: Đáp án C

Câu 7: Động từ là từ: Viết

Câu 8:

Ai nổi danh khắp nước là người văn hay chữ tốt?

Hay: Cao Bá Quát nổi danh khắp nước là người thế nào?

B. Kiểm tra Viết

I. Chính tả (nghe – viết ) (2,0 điểm)

- Không mắc lỗi chính tả, viết rõ ràng, sạch sẽ.( 2 điểm).

- Sai 4 lỗi trừ 0,25 điểm

- Bài viết không rõ ràng, trình bày bẩn, không đạt yêu cầu về chữ viết trừ 0,5 điểm toàn bài.

II. Tập làm văn (3,0 điểm)

1. Mở bài: Giới thiệu bài: Giới thiệu được đồ vật định tả, tên gì? Gặp trong trường họp nào ? (0,5 điểm)

2. Thân bài

a. Tả bao quát (hình dáng, màu sắc. . .) (1,5 điểm)

b. Tả từng bộ phận (chi tiết từng bộ phận mà đồ vật định tả) (0,75điểm)

3. Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về đồ vật được tả. (0,25 điểm)

Bài mẫu:

Các bạn ạ, tuổi thơ chúng ta ai cũng gắn liền với những đồ chơi quen thuộc như búp bê, gấu bông, lật đật,…. Mỗi người đều có sở thích riêng về đồ chơi. Với tôi, món đồ chơi mà tôi thích nhất đó là chú gấu bông đấy.

Lần ấy, bố đi công tác về tặng tôi một món quà trong chiếc hộp kín. Tôi rất hồi hộp không biết đó là gì. Khi mở hộp ra tôi reo lên vì sung sướng: "Ôi, chú gấu bông dễ thương quá!” Đó là một chú gấu nhồi bông mà tôi ước mơ bấy lâu. Chú ta có bộ lông trắng mịn và mượt như nhung, khi sờ tay vào ta có cảm giác như đang sờ vào tấm vải lụa mềm và mát rượi. Gấu ta khoác một chiếc áo màu đỏ tươi có điểm vài hạt cườm lấp la lấp lánh. Cái đầu chú tròn tròn như trái bưởi, đôi tai cũng tròn tròn vểnh lên trông thật là ngộ nghĩnh! Đôi mắt chú đen láy, tròn xoe như hạt nhãn. Thân hình chú ôm rất vừa tay nên tôi thường ôm chú ta mỗi khi đi ngủ.

Những lúc ấy, bốn cái chân mập ú na ú nu của chú cứ dang ra như thể đòi tôi âu yếm vậy. Miệng chú nhỏ nhắn và đỏ hồng trông thật đáng yêu. Trên cổ chú là chiếc nơ màu đỏ được thắt hình con bướm trông yêu ơi là yêu. Mỗi tối học bài xong tôi lại dành thời gian để chơi với gấu bông. Tôi đặt cho cái tên là Daddy. Mỗi khi tôi ôm chú vào lòng và thơm lên đôi má mịn màng của Daddy trông chú ta có vẻ thích thú lắm.

Bây giờ tôi đã lớn và có nhiều thứ đồ chơi khác nhưng Daddy vẫn là người bạn thân thiết nhất của tôi. Tôi luôn giữ gìn chú cẩn thận vì đó là món quà bố tặng tôi: người luôn muốn con mình được vui vẻ và thoải mái.

Bài tập tiếng việt lớp 4 học kỳ 1 - Đề 3:

Phần đọc (40 PHÚT)

I. Đọc thầm, trả lời câu hỏi và bài tập:

Bàn tay người nghệ sĩ

Ngay từ nhỏ, Trương Bạch đã rất yêu thiên nhiên. Lúc nhàn rỗi, cậu nặn những con giống bằng đất sét trông y như thật.

Lớn lên, Trương Bạch xin đi làm ở một cửa hàng đồ ngọc. Anh say mê làm việc hết mình, không bao giờ chịu dừng khi thấy những chỗ cần gia công tinh tế mà mình chưa làm được. Sự kiên nhẫn của Trương Bạch khiến người dạy nghề cũng phải kinh ngạc.

Một hôm có người mang một khối ngọc thạch đến và nhờ anh tạc cho một pho tượng Quan Âm. Trương Bạch tự nhủ sẽ gắng công tạo nên một tác phẩm tuyệt trần, mĩ mãn.

Pho tượng làm xong, quả là một tác phẩm trác tuyệt. Từ dung mạo đến dáng vẻ của Quan Âm đều toát lên sự ung dung và cực kì mĩ lệ. Điều vô cùng lí thú là pho tượng sống động đến lạ lùng, giống như một người sống vậy. Nếu đi một vòng xung quanh pho tượng, đôi mắt Quan Âm như biết nhìn theo. Hiển nhiên đây là điều không thể tưởng tượng nổi.

Sưu tầm

Dựa vào nội dung bài đọc, hãy khoanh tròn vào chữ cái đặt trước ý trả lời đúng nhất và hoàn thành tiếp các bài tập:

Câu 1: Từ nhỏ, Trương Bạch đã có niềm yêu thích, say mê gì?

A. Đất sét

B. Thiên nhiên

C. Đồ ngọc

Câu 2: Điều gì ở Trương Bạch khiến người dạy nghề cũng phải kinh ngạc?

A. Sự kiên nhẫn

B. Sự chăm chỉ

C. Sự tinh tế

Câu 3: Pho tượng Quan Âm có điều gì khiến người ta không thể tưởng tượng nổi?

A. Từ dung mạo đến dáng vẻ của Quan Âm đều toát lên sự ung dung và cực kì mĩ lệ.

B. Pho tượng sống động đến lạ lùng, giống như một người sống vậy.

C. Nếu đi một vòng xung quanh pho tượng, đôi mắt Quan Âm như biết nhìn theo.

D. Cả 3 ý trên

Câu 4: Theo em, bài đọc "Bàn tay người nghệ sĩ" thuộc chủ điểm nào đã học?

A. Trên đôi cánh ước mơ

B. Măng mọc thẳng

C. Có chí thì nên

Câu 5: Gạch chân bộ phận vị ngữ trong câu sau:

Lúc nhàn rỗi, cậu nặn những con giống bằng đất sét trông y như thật.

Câu 6: Ghi lại các động từ, tính từ trong câu sau:

Cành đào nở hoa cho sắc xuân thêm rực rỡ, ngày xuân thêm tưng bừng.

Các động từ:..........................................................................................

Các tính từ ............................................................................................

Câu 7: Tìm một từ trái nghĩa với từ "quyết chí"

.........................................................................................................

.........................................................................................................

II/ Đọc thành tiếng:

Giáo viên cho học sinh bốc thăm, sau đó các em sẽ đọc thành tiếng (mỗi học sinh đọc một đoạn hoặc cả bài trong sách giáo khoa Tiếng Việt 4, tập 1 khoảng: 1 phút 30 giây – 1 phút 50 giây) và trả lời câu hỏi do giáo viên chọn theo nội dung được quy định sau:

Bài 1: "Dế mèn bênh vực kẻ yếu"; đọc đoạn "Từ trong hốc đá,....quang hẳn." (trang 15).

Bài 2: "Người ăn xin"; đọc đoạn: "Trên người tôi .... của ông lão." (trang 30 và 31)

Bài 3: "Đôi giày ba ta màu xanh"; đoạn: "Sau này..., nhảy tưng tưng." (trang 81)

- Thời gian kiểm tra:

Đọc thầm, trả lời câu hỏi và bài tập trên giấy: 30 phút.

Đọc thành tiếng: tùy theo tình hình từng lớp, giáo viên tổ chức cho các em kiểm tra và chấm ngay tại lớp.

Phần viết (40 PHÚT)

1. Chính tả: (5 điểm) - 15 phút

Nghe - viết: Bài Thư thăm bạn (Tiếng Việt lớp 4, tập 1, trang 25, 26)

Từ: Mình tin rằng ... đến ....Quách Tuấn Lương

2. Tập làm văn: (5 điểm) - 25 phút.

Đề: Tả một đồ dùng học tập mà em yêu thích.

Đáp án

Phần đọc: 10 điểm

1. Đọc thành tiếng (5 điểm)

2. Đọc hiểu: (5 điểm)

Câu

1

2

3

4

5

6

7

Đáp án

A

C

B

A

B

B (tuyệt trần, mĩ mãn)

D

Điểm

0,5

0,5

0,5

0,5

0,5

1

0,5

Ghi chú: Câu 6 khoanh đúng nhưng không ghi ra hai tính từ trừ 0,5 điểm.

8: Anh say mê làm việc hết mình, không bao giờ chịu dừng khi thấy những chỗ cần gia công tinh tế mà mình chưa làm được. (1 điểm)

Phần viết: 10 điểm

1. Chính tả: Nghe – viết (5 điểm) – 15 phút: Giáo viên đọc cho học sinh viết tựa bài và đoạn từ đầu bài đến Nghe – viết bài “Rất nhiều mặt trăng” (Từ đầu đến không thể nhìn thấy mặt trăng) (Sách Tiếng Việt lớp 4 – Tập 1 – trang 168)/

2. Tập làm văn: (5 điểm) – 25 phút

Tả lại đồ chơi mà em yêu thích

Bài làm

Trong nhà em, ai cũng có một sở thích riêng. Bố em thích thể thao, mẹ em yêu nấu ăn, bếp núc, anh trai em thích máy vi tính. Riêng em, em thích nhất là đồ chơi. Và món đồ chơi để lại cho em những ấn tượng sâu sắc nhất là cô búp bê có tên là Mi.

Búp bê có gương mặt bầu bĩnh, tròn xoe. Cặp mắt xanh biếc, ánh lên sự dịu dàng, duyên dáng. Cái mũi cô cao, thanh thoát. Đôi môi cô đỏ thắm, lúc nào cũng mỉm cười. Hai bên má của cô được các cô chú công nhân tô điểm thêm màu hồng nhạt bên má. Tay và chân cô dài, cao rất hợp với thân hình mảnh mai của cô. Để tôn thêm vẻ đẹp của cô các bác công nhân tặng cho cô môt bộ váy màu đỏ tươi. Không chỉ có vậy, cô bạn này còn biết hát và đi nữa cơ!.

Mỗi lần em chạm vào ngực cô, tiếng hát du dương, trong trẻo cất lên. Lúc em đi học, tiếng hát ấy như những lời động viên em. Khi em buồn, tiếng hát như lời an ủi. Những lúc muốn chơi với cô, em nhấn nút công tắc đằng sau, cô bật dậy, đi đi lại lại.

Trên đời này, không ai có thể thiếu người bạn. Mi cũng giống như một người bạn của em. Thật vui khi có người bạn tốt như vậy.

Bài tập tiếng Việt lớp 4 học kỳ 1 được Khoahoc chia sẻ trên đây. Hy vọng với tài liệu này sẽ giúp các em có thêm tài liệu tham khảo, trau dồi kỹ năng giải bài tập tiếng Việt lớp 4. Chúc các em học tốt, ngoài ra các em có thể tham khảo các môn học khác có tại, tài liệu học tập lớp 4 này nhé.

  • 133 lượt xem