Danh từ là gì? Danh từ là gì lớp 4

  • 1 Đánh giá

Danh từ là gì? được Khoahoc sưu tầm và đăng tải. Danh từ là những từ dùng chỉ sự vật (người, vật, hiện tượng, khái niệm, đơn vị,...). Dưới đây là khái niệm cùng các dạng bài tập để các em tham khảo, nắm chắc được nội dung của bài, các em tham khảo nhé

1. Danh từ là gì?

Danh từ là những từ dùng chỉ sự vật (người, vật, hiện tượng, khái niệm, đơn vị,...).

- DT chỉ hiện tượng: mưa, nắng, sấm, chớp,…

- DT chỉ khái niệm: đạo đức, người, kinh nghiệm, cách mạng,…

- DT chỉ đơn vị: Ông, vị (vị giám đốc), cô (cô Tấm), cái, bức, tấm,… ; mét, lít, ki-lô-gam,… ;nắm, mớ, đàn,…

Có 2 loại danh từ đó là danh từ chung và danh từ riêng.

a. Danh từ chung: Dùng để gọi chung tên của các sự vật. Danh từ chung gồm danh từ cụ thể và danh từ trừu tượng.

Danh từ là gì lớp 4

* Danh từ cụ thể: Chỉ những sự vật có thể cảm nhận được bằng các giác quan như người, vật, các hiện tượng, đơn vị.

Ví dụ:

- Danh từ chỉ người: bố, mẹ, học sinh, bộ đội,...

- Danh từ chỉ vật: bàn ghế, sách vở, sông, suối, cây cối,...

- Danh từ chỉ hiện tượng: nắng, mưa, gió, bão, động đất,...

- Danh từ chỉ đơn vị: (ghép được với số đếm).

+ Danh từ chỉ loại: cái, con, chiếc, tấm, cục, mẩu,...

+ Danh từ chỉ thời gian: ngày, tháng, năm, giờ, phút,...

+ Danh từ chỉ đơn vị đo lường: mét, cân, khối, sải tay,...

+ Danh từ chỉ đơn vị hành chính: thôn, xã, trường, lớp,...

+ Danh từ chỉ tập thể: cặp, đoàn, đội, bó, dãy, đàn,...

* Danh từ trừu tượng: Là các khái niệm trừu tượng tồn tại trong nhận thức của người, không nhìn được bằng mắt.

Ví dụ: đạo đức, kinh nghiệm, cách mạng, tư tưởng, tinh thần, hạnh phúc, cuộc sống, lịch sử, tình yêu, niềm vui,...

* Danh từ chỉ hiện tượng:

Hiện tượng là cái xảy ra trong không gian và thời gian mà con người có thể nhận thấy, nhận biết được. Có hiện tượng tự nhiên như: mưa, nắng, sấm, chớp, động đất,… và hiện tượng xã hội như: chiến tranh, đói nghèo, áp bức,…DT chỉ hiện tượng là DT biểu thị các hiện tượng tự nhiên (cơn mưa,ánh nắng, tia chớp,…) và hiện tượng xã hội (cuộc chiến tranh, sự đói nghèo,…) nói trên.

* Danh từ chỉ khái niệm:

Chính là loại DT có ý nghĩa trừu tượng (DT trừu tượng- đã nêu ở trên). Đây là loại DT không chỉ vật thể, các chất liệu hay các đơn vị sự vật cụ thể, mà biểu thị các khái niệm trừu tượng như: tư tưởng, đạo đức, khả năng, tính nết, thói quen, quan hệ, thái độ, cuộc sống, ý thức, tinh thần, mục đích, phương châm, chủ trương, biện pháp, ý kiến, cảm tưởng, niềm vui, nỗi buồn, tình yêu, tình bạn,…Các khái niệm này chỉ tồn tại trong nhận thức, trong ý thức của con người, không “vật chất hoá”, cụ thể hoá được. Nói cách khác, các khái niệm này không có hình thù, không cảm nhận trực tiếp được bằng các giác quan như mắt nhìn, tai nghe,…

* Danh từ chỉ đơn vị:

Hiểu theo nghĩa rộng, DT chỉ đơn vị là những từ chỉ đơn vị các sự vật. Căn cứ vào đặc trưng ngữ nghĩa, vào phạm vi sử dụng, có thể chia DT chỉ đơn vị thành các loại nhỏ như sau:

- DT chỉ đơn vị tự nhiên: Các DT này chỉ rõ loại sự vật, nên còn được gọi là DT chỉ loại. Đó là các từ: con, cái, chiếc; cục, mẩu, miếng; ngôi, tấm, bức; tờ, quyển, cây, hạt, giọt, hòn ,sợi,…

- DT chỉ đơn vị đo lường: Các DT này dùng để tính đếm, đo đếm các sự vật, vật liệu, chất liệu,…VD :lạng, cân, yến, tạ, mét thước, lít sải, gang,…

- DT chỉ đơn vị tập thể: Dùng để tính đếm các sự vật tồn tại dưới dạng tập thể , tổ hợp. Đó là các từ: bộ, đôi, cặp, bọn, tụi, đàn,dãy, bó,…

- DT chỉ đơn vị thời gian: Các từ như: giây, phút, giờ, tuần, tháng, mùa vụ, buổi,…

- DT chỉ đơn vị hành chính, tổ chức: xóm, thôn, xã, huyện, nước, nhóm, tổ, lớp, trường, tiểu đội, ban, ngành,…

b. Danh từ riêng: Dùng chỉ các tên riêng của người hoặc địa danh.

Ví dụ:

- Chỉ tên người: Phạm Đức Hải Huy, Thu Hiền,...

- Từ dùng với ý nghĩa đặc biệt: Người, Bác Hồ,...

- Từ chỉ sự vật được nhân hoá: Cún, Dế Mèn, Lúa,...

- Từ chỉ tên địa phương: Hà Nội, SaPa, Vũng Tàu,...

- Từ chỉ địa danh: Hồ Tây, Nhà Thờ Lớn, Suối Tiên,...

- Từ chỉ tên sông, núi, cầu, cống: sông Hồng, núi Ba Vì, cầu Rào, cống Trắng, đường Hồ Chí Minh, ngã tư Môi,...

c. Cụm danh từ: Do danh từ chính kết hợp với từ hoặc một số từ khác. Như vậy cụm danh từ là một tổ hợp gồm 2 hay nhiều từ kết hợp lại.

- Cụm danh từ có danh từ chính đứng sau: Các từ đứng trước danh từ thường là những danh từ chỉ số lượng.

Ví dụ: mấy bạn học sinh, các thầy cô, những bông hoa, một chiếc ô tô,...

- Cụm danh từ có danh từ chính đứng trước: Các từ đứng sau danh từ thường bổ sung về tính chất, đặc điểm của danh từ chính.

Ví dụ: áo đỏ, mưa rào, ghế nhựa, con nuôi, bố đẻ, cửa sắt, gà trống, ô tô con,...

2. Các dạng bài tập

Dạng 1: Xác định các danh từ trong câu

Ví dụ 1: Xếp các danh từ trong đoạn văn sau vào các nhóm

Tiếng đàn bay ra vườn. Vài cánh ngọc lan êm ái rụng xuống nền đất mát rượi. Dưới đường, lũ trẻ đang rủ nhau thả những chiếc thuyền gấp bằng giấy trên những vũng nước mưa. Ngoài Hồ Tây, dân chài đang tung lưới bắt cá. Hoa mười giờ nở đỏ quanh các lối đi ven hồ. Bóng mấy con chim bồ câu lướt nhanh trên những mái nhà cao thấp.

Theo LƯU QUANG VŨ

Ví dụ 2: Tìm các danh từ trừu tượng trong bài thơ sau:

Tuổi thơ chở đầy cổ tích

Dòng sông lời mẹ ngọt ngào

Đưa con đi cùng đất nước

Chòng chành nhịp võng ca dao.


Con gặp trong lời mẹ hát

Cánh cò trắng, dải đồng xanh

Con yêu màu vàng hoa mướp

"Con gà cục tác lá chanh".


Thời gian chạy qua tóc mẹ

Một màu trắng đến nôn nao

Lưng mẹ cứ còng dần xuống

Cho con ngày một thêm cao.


Mẹ ơi, trong lời mẹ hát

Có cả cuộc đời hiện ra

Lời ru chắp con đôi cánh

Lớn rồi con sẽ bay xa.

(Trong lời mẹ hát - TRƯƠNG NAM HƯƠNG)

Ví dụ 3: Nêu ý nghĩa của cách dùng các danh từ riêng sau:

a. Mình về với Bác đường xuôi,

Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người.

Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời,

Áo nâu, túi vải đẹp tươi lạ thường.

Nhớ Người những sơm tinh sương,

Ung dung yên ngựa trên đường suối reo.

Nhớ chân Người bước lên đèo

Người đi, rừng núi trông theo bóng Người.

TỐ HỮU

b. Sư Tử bàn chuyện xuất quân

Muốn sao cho khắp thần dân trổ tài

Nhỏ to, khoẻ yếu muôn loài

Ai ai cũng được tuỳ tài lập công:

Voi vận tải trên lưng quân bị

Vào trận sao cho khoẻ như voi.

(Phỏng theo LA PHÔNG-TEN, NGUYỄN MINH dịch)

Đáp án:

1. Danh từ chỉ người: lũ trẻ, dân chài.

- Danh từ chỉ vật: đàn, vườn, ngọc lan, nền đất, đường, thuyền, giấy, nước mưa, lưới, cá, hoa mười giờ, lối đi, hồ, bóng, chim bồ câu, nhà.

- Danh từ chỉ đơn vị: tiếng, cánh, chiếc, vũng, các, con, mái

- Danh từ riêng: Hồ Tây.

- Cụm danh từ: Tiếng đàn, vài cánh ngọc lan, những chiếc thuyền, những vũng nước mưa, các lối đi, bóng mấy con chim bồ câu, những mái nhà.

2. Các danh từ trừu tượng trong bài: Tuổi thơ, cổ tích, lời mẹ, nhịp võng, ca dao, màu, Thời gian, cuộc đời, lời ru.

3. a. Các danh từ riêng chỉ người: Bác, Người, Ông Cụ.

Các từ này được dùng gọi Bác Hồ thể hiện sự tôn kính đối với Bác.

b. Các danh từ riêng: Sư Tử, Gấu, Cáo, Khỉ, Lừa, Thỏ Đế, Vua, Trẫm.

Các từ này được dùng gọi tên các con vật đã được nhân hoá như người.

Dạng 2: Tìm các danh từ theo cấu tạo

Ví dụ 1: Tìm 5 danh từ chung theo mỗi yêu cầu sau và đặt câu với mỗi từ đó:

a. Trong mỗi từ đều có tiếng sông.

b. Trong mỗi từ đều có tiếng mưa.

c. Trong mỗi từ đều có tiếng mẹ.

d. Trong mỗi từ đều có tiếng tình.

Ví dụ 2: Tìm các danh từ có tiếng con, trong đó có 5 từ chỉ người, 5 từ chỉ con vật và 5 từ chỉ sự vật.

Đáp án: Có nhiều đáp án, sau đây là đáp án minh hoạ.

1. a. 5 danh từ có tiếng sông là: dòng sông, cửa sông, khúc sông, nước sông, sông cái,...

- Đó là dòng sông quanh năm nước chảy xiết.

- Cửa sông là nơi sông đổ ra biển.

- Trên khúc sông có hai chiếc ca nô đang chạy.

- Nước sông ở đó đổi màu theo thời gian.

- Sông Hồng là một con sông cái.

b. 5 danh từ có tiếng mưa là: cơn mưa, trận mưa, nước mưa, mưa rào, mưa xuân,...

- Trời đang nắng bỗng nhiên một cơn mưa xuất hiện.

- Những trận mưa lớn làm nhà cửa bị cuốn trôi.

- Nước mưa có thể dùng để nấu ăn.

- Mưa rào thường xuất hiện trong mùa hè.

- Mưa xuân làm cho cây cối tươi tốt.

c. 5 danh từ có tiếng mẹ là: cha mẹ, mẹ hiền, mẹ nuôi, mẹ già, mẹ con,...

- Công ơn cha mẹ bằng trời bằng bể.

- Cô giáo như mẹ hiền.

- Cô ấy là mẹ nuôi của bạn ấy.

- Mẹ già như chuối chín cây.

- Hai mẹ con cô ấy về quê từ mấy hôm nay.

d. 5 danh từ có tiếng tình là: tình cảm, tình yêu, tình hình, tình báo, tính tình,...

- Anh ấy dành cho tôi những tình cảm tốt đẹp nhất.

- Đó là tình yêu đất nước của mỗi người Việt Nam ta.

- Lớp trưởng báo cáo tình hình học tập của lớp.

- Anh ấy là một tình báo được cài vào hàng ngũ địch.

- Tính tình cậu ấy rất thất thường.

2. Có nhiều đáp án, sau đây là đáp án minh hoạ.

- 5 danh từ chỉ người: con trai, con gái, con dâu, con rể, con nuôi,...

- 5 danh từ chỉ con vật: con trâu, con bò, gà con, lợn con, mèo con,...

- 5 danh từ chỉ sự vật: con mắt, con ngươi, con thuyền, bàn con, bát con.

Bài tiếp theo: Động từ là gì

Danh từ là gì? được Khoahoc chia sẻ trên đây. Hy vọng rằng bài tập này sẽ giúp ích cho các em nắm chắc nội dung của bài, qua đó củng cố thêm kiến thức, chuẩn bị tốt cho bài giảng sắp tới. Chúc các em học tốt, ngoài việc tham khảo bài Danh từ trên các em có thể tham khảo thêm các môn học khác có tại, tài liệu học tập lớp 4 này nhé

  • 198 lượt xem