Phiếu bài tập Tiếng Việt lớp 4 Ôn tập tiếng Việt lớp 4
Phiếu bài tập Tiếng Việt lớp 4 được Khoahoc sưu tầm và đăng tải. Nội dung gồm 5 phiếu bài tập kèm theo đáp án để các em tham khảo, củng cố kiến thức cũng như nâng cao kỹ năng giải bài. Dưới đây là nội dung chi tiết, các em tham khảo nhé
Phiếu bài tập Tiếng Việt
Phiếu bài tập số 1
Bài tập về đọc hiểu
Phép màu giá bao nhiêu?
Một cô bé tám tuổi có em trai An-đờ-riu đang bị bệnh rất nặng mà gia đình không có tiền chạy chữa. Cô nghe bố nói với mẹ bằng giọng thì thầm tuyệt vọng: “Chỉ có phép màu mới cứu sống được An-đờ-riu”.
Thế là cô bé về phòng mình, lấy ra con heo đất giấu kĩ trong tủ. Cô đập heo, dốc hết tiền và đếm cẩn thận. Rồi cô lén đến hiệu thuốc, đặt toàn bộ số tiền lên quầy, nói:
- Em của cháu bị bệnh rất nặng, bố cháu nói chỉ có phép màu mới cứu được. Cháu đến mua phép màu. Phép màu giá bao nhiêu ạ ?
- Ở đây không bán phép màu, cháu à. Chú rất tiếc! – Người bán thuốc nở nụ cười buồn, cảm thông với cô bé.
- Cháu có tiền trả mà. Nếu không đủ, cháu sẽ cố tìm thêm. Chỉ cần cho cháu biết giá bao nhiêu?
Một vị khách ăn mặc lịch sự trong cửa hàng chăm chú nhìn cô bé. Ông cúi xuống, hỏi:
- Em cháu cần loại phép màu gì?
- Cháu cũng không biết ạ - Cô bé rơm rớm nước mắt. – Nhưng, cháu muốn lấy hết số tiền dành dụm được để mua về cho em cháu khỏi bệnh.
- Cháu có bao nhiêu? – Vị khách hỏi.
Cô bé nói vừa đủ nghe:“Một đô-la, mười một xu ạ .”
Người đàn ông mỉm cười: “Ồ! Vừa đủ giá của phép màu.”
Một tay ông cầm tiền của cô bé, tay kia ông nắm tay em và nói:
- Dẫn bác về nhà cháu nhé! Để xem bác có loại phép màu mà em cháu cần không.
Người đàn ông đó là bác sĩ Các-ton Am-b, một phẫu thuật gia thần kinh tài năng. Chính ông đã đưa An-đờ-riu đến bệnh viện và mổ cho cậu bé không lấy tiền. Ít lâu sau, An-đờ-riu về nhà và khỏe mạnh. Bố mẹ cô bé đều nói: “Mọi chuyện diễn ra kì lạ như có một phép màu. Thật không thể tưởng tượng nổi!”. Còn cô bé chỉ mỉm cười. Em đã hiểu và biết được giá của phép màu kì diệu đó.
(Theo báo Điện tử)
Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng
1. Chuyện gì đã xảy ra với em trai và bố mẹ của cô bé?
a- Em trai bị bệnh rất nặng, bố mẹ phải đưa em đến bệnh viện ngay để mổ.
b- Em trai bị bệnh rất nặng, bố mẹ không đủ tiền mua phép màu để cứu em.
c- Em trai bị bệnh rất nặng, bố mẹ nghĩ chỉ có phép màu mới cứu được em.
2. Muốn em trai khỏi bệnh, cô bé đã làm gì?
a- Lấy tất cả tiền trong heo đất, lẻn ra hiệu thuốc để hỏi mua phép màu.
b- Lẻn ra hiệu thuốc để tìm người có thể tạo ra phép màu chữa bệnh cho em.
c- Vào phòng mình, ngồi cầu khấn phép màu xuất hiện chữa bệnh cho em.
3. Bác sĩ Am-b đã làm gì để có phép màu?
a- Đưa thêm tiền để cô bé đủ tiền mua phép màu
b- Chỉ dẫn cho cô bé đến được nơi bán phép màu
c- Đưa em cô bé vào viện chữa bệnh, không lấy tiền.
4. Dòng nào dưới đây nói đúng nhất “giá” của “phép màu kì diệu” trong bài?
a- Giá của phép màu là tất cả số tiền của cô bé: một đô la, mười một xu
b- Giá của phép màu là niềm tin của cô bé và lòng tốt của người bác sĩ
c- Giá của phép màu là lòng tốt của người bác sĩ gặp cô bé ở hiệu thuốc
Đáp án:
1.c
2.a
3.c
4.b
Một vị bác sĩ
Xưa có một vị bác sĩ danh tiếng, lòng nhân đạo vang dội khắp nơi. Một ngày nọ, người ta mời ông đến chữa bệnh miễn phí cho một người đàn ông nghèo, thất nghiệp. Ông không từ chối.
Sau khi khám mạch cho bệnh nhân, bác sĩ bảo với vợ người bệnh: “Thôi tôi hiểu bệnh của anh ấy rồi! Đây là thứ thuốc chị cần cho anh ấy dùng để mau khỏi ”. Nói xong, ông đưa cho chị ta một cái hộp to, nặng rồi ra về.
Các bạn có biết hộp đựng gì không? Thật bất ngờ, khi chị vợ mở hộp ra cho chồng uống thuốc, chị kinh ngạc thấy toàn tiền là tiền. Tiền nén, tiền vàng, nhiều vô kể so với kẻ nghèo khổ bần hàn như gia đình chị. Như một lẽ tự nhiên, anh chồng hết bệnh ngay sau khi có món tiền đó. Thật ra anh không có bệnh gì ngoài chứng buồn khổ vì nghèo đói và thất nghiệp. Vị bác sĩ nhân ái kia đã thấu hiểu điều đó và cho một bài thuốc “trúng bệnh”. Đấy là hành động mà đôi vợ chồng kia không bao giờ quên trong suốt cuộc đời. Về sau, mọi người đều biết vị cứu tinh cao quý nọ chính là ngài Gâu-xmít- một con người cho đến nay vẫn được ca ngợi trong lịch sự y học.
(Theo Nguyễn Phúc)
5. Vì sao thứ thuốc mà bác sĩ cho người đàn ông nghèo lại khiến người vợ phải kinh ngạc?
a- Vì nó có quá nhiều vị thuốc rất quý
b- Vì đó không phải thuốc mà toàn là tiền
c- Vì đó là hộp chứa đầy vàng bạc quý giá
6. Sau khi nhận được “thuốc” của vị bác sĩ, bệnh tình của người đàn ông thế nào?
a- Vẫn không khỏi bệnh
b- Sức khỏe khá dần lên
c- Hết bệnh ngay
7. Nguyên nhân nào khiến người đàn ông nghèo mắc bệnh?
a- Buồn khổ vì không có tiền mua thuốc
b- Buồn khổ vì nghèo đói và thất nghiệp
c- Chưa có bài thuốc nào chữa đúng bệnh
8. Lí do chủ yếu nào khiến vị bác sĩ xác định đúng “bệnh” và chữa khỏi “bệnh” cho người đàn ông?
a- Vì có trình độ giỏi và tay nghề cao
b- Vì luôn chữa miễn phí cho bệnh nhân
c- Vì biết cảm thông và có lòng nhân ái
Đáp án:
5. b. Vì đó không phải thuốc mà toàn là tiền
6. c. Hết bệnh ngay
7. b. Buồn khổ vì nghèo đói và thất nghiệp
8. c. Vì biết cảm thông và có lòng nhân ái
Phiếu bài tập số 2
I. Bài tập về đọc hiểu
Mèo Mẹ và Đại Bàng
Mèo Mẹ cùng đàn con đang dạo chơi vui vẻ. Mặt trời mùa xuân tỏa xuống ấm áp và cái gia đình bé ấy rất hạnh phúc.
Đột nhiên, không rõ từ đâu, một con chim Đại Bàng khổng lồ xuất hiện. Nhanh như chớp, nó lao từ trên cao xuống và quắp lấy một chú mèo con. Nhưng khi Đại Bàng chưa kịp bay lên, Mèo Mẹ đã túm chặt lấy nó. Con chim dữ bèn buông Mèo Con ra để chống lại Mèo Mẹ. Cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt, một mất, một còn.
Đôi cánh tay khỏe, cái mỏ cứng, đôi chân chắc với những móng nhọn cong dài đã tạo cho Đại Bàng ưu thế lớn: nó cào toạc da và mổ lòi một mắt Mèo Mẹ. Song Mèo Mẹ vẫn anh dũng bám chặt lấy Đại Bàng bằng những móng vuốt của mình và cắn rách cánh phải của nó.
Từ lúc ấy, chiến thắng đã nghiêng về phía Mèo Mẹ. Song Đại Bàng vẫn còn rất khỏe mà Mèo Mẹ thì đã thấm mệt. Tuy vậy, nó vẫn cố thu hết sức, khéo léo nhảy lên và đánh Đại Bàng ngã lăn ra đất. Ngay lập tức, Mèo Mẹ cắn đứt đầu Đại Bàng, và rồi không để ý tới những vết thương mang trên mình, Mèo Mẹ bắt đầu liếm đứa con bé bỏng vừa bị thương bởi móng vuốt của Đại Bàng.
(Theo U-sin-xki)
Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng
Câu 1. Mèo Mẹ cùng đàn con đang dạo chơi vui vẻ thì có chuyện gì xảy ra?
a- Một con chim Đại Bàng khổng lồ xuất hiện bay ở trên cao
b- Chim Đại Bàng khổng lồ lao xuống quắp một chú mèo con
c- Bỗng phát hiện ra lạc mất một chú mèo con
Câu 2. Chi tiết nào mô tả ưu thế lớn của Đại Bàng?
a- Đôi cánh khỏe, mỏ cứng, đôi chân chắc với móng nhọn cong dài
b- Lao từ trên cao xuống, quắp lấy một chú Mèo Con
c- Bám chặt lấy Mèo Mẹ bằng móng vuốt của mình
Câu 3. Hai chi tiết nào dưới đây cho thấy Mèo Mẹ chiến đấu quyết liệt với Đại Bàng để bảo vệ con mình?
a- Bị cào toạc da và mổ lòi một mắt vẫn bám chặt lấy Đại Bàng, dùng móng vuốt cắn rách cánh phải của nó
b- Dùng đôi cánh tay khỏe, cái mỏ cứng, đôi chân chắc với những móng nhọn cong dài để chiến đấu quyết liệt
c- Cố dồn hết sức, khéo léo nhảy lên và đánh Đại Bàng ngã lăn ra đất, rồi cắn đứt đầu con Đại Bàng hung ác.
Câu 4. Nhờ đâu Mèo Mẹ chiến thắng Đại Bàng?
a- Nhờ lòng yêu thương con, dũng cảm bất chấp nguy hiểm
b- Nhờ có sức mạnh kiên cường và sự khôn khéo
c- Nhờ nhanh nhẹn và mưu trí tìm ra cách đánh Đại Bàng
II- Bài tập về Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn
Câu 1. Điền vào chỗ trống:
a) d hoặc gi
…ân ta gan….ạ anh hùng
Trẻ làm đuốc sống,…à xông lửa đồn
Chân toạc máu chân dồn đuổi…ặc
Tay chém thù, tay sắc như gươm!
Củ khoai, củ sắn thay cơm
Khoai bùi trong…ạ sắn thơm trong lòng.
(Theo Tố Hữu)
b) ên hoặc ênh
Quê em có dòng k…xanh
Nước về đồng ruộng dập d…. sóng xao
Mặt trời tỏa nắng tr…cao
Soi gương mặt nước dạt dào n….thơ.
(Theo Mai Hương)
Câu 2.
a) Gạch dưới chủ ngữ trong mỗi câu kể dưới đây và cho biết chủ ngữ đó do danh từ hay cụm danh từ tạo thành (ghi vào chỗ trống)
(1) Trần Quốc Toản là người anh hùng trẻ tuổi được nhà vua rất yêu quý.
Chủ ngữ do ………………..tạo thành
(2) Chị Võ Thị Sáu là người nữ anh hùng liệt sĩ trẻ tuổi nhất nước ta.
Chủ ngữ do ………………..tạo thành
(3) Lãnh tụ của Cách mạng Tháng Mười Nga là Vla-đi-mia I –lích Lê nin
Chủ ngữ do ………………..tạo thành
b) Đặt câu kể Ai là gì? với các từ ngữ sau làm chủ ngữ
(1) Quê hương
…………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………
(2) Việt Nam
…………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………
(3) Bác Hồ kính yêu
…………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………
Câu 3. a) Dòng nào nêu đúng nghĩa của từ dũng cảm
(1) Có sức mạnh phi thường, không ai có thể cản nổi
(2) Có tinh thần dám đương đầu với hiểm nguy để làm những việc nên làm
(3) Kiên trì chống chọi đến cùng, không chịu lùi bước
b) Điền từ anh hùng hoặc anh dũng, dũng cảm vào chỗ trống thích hợp trong các câu sau:
(1) Người chiến sĩ giải phóng quân ấy đã….hi sinh trong chiến dịch tổng tiến công giải phóng miền Nam.
(2) Những người chiến sĩ giải phóng quân đã nêu cao truyền thống …..của dân tộc trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
(3) Lòng……….. của người chiến sĩ cách mạng đã làm cho kẻ thù phải khiếp sợ.
Câu 4.
a) Những đoạn văn nào dưới đây mở bài theo lối gián tiếp? (Khoanh tròn chữ số đầu đoạn văn)
(1) Mở bài tả cây phượng
“Tu hú kêu
Tu hú kêu
Hoa gạo nở
Đầy ước mơ hi vọng…”
Cứ mỗi khi nghe thấy giai điệu bài hát “ Mùa hoa phượng nở” là lòng em lại xao xuyến nhớ tới cây phượng vĩ trong sân trường em.
(2) Mở bài tả cây gạo
Mùa xuân cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim
(3) Mở bài tả cây bàng
Tôi sống trong một ngõ nhỏ gắn bó suốt thời thơ ấu. Nơi ấy có bao cảnh vật thân quen đã in đậm trong tôi: bờ rào tre với những chú chuồn chuồn ớt đỏ chót, bức tường vôi hoen ố, xỉn màu đã tróc vữa, rặng dâm bụt chi chít những nụ hoa với trò chơi bán hàng…Nhưng gắn bó với tôi hơn tất cả là cây bàng đầu ngõ.
b) Viết đoạn mở bài theo cách gián tiếp cho bài văn tả một cây hoa (hoặc cây bóng mát, cây ăn quả..) mà em thích.
……………………………………………………………………
……………………………………………………………………
……………………………………………………………………
……………………………………………………………………
Đáp án:
Phần I
1. b
2. a
3. a,c
(4). a
Phần II
Câu 1. a)
Dân ta gan dạ anh hùng
Trẻ làm đuốc sống, già xông lửa đồn
Chân toạc máu chân dồn đuổi giặc
Tay chém thù, tay sắc như gươm!
Củ khoai, củ sắn thay cơm
Khoai bùi trong dạ sắn thơm trong lòng.
b)
Quê em có dòng kênh xanh
Nước về đồng ruộng dập dềnh sóng xao
Mặt trời tỏa nắng trên cao
Soi gương mặt nước dạt dào nên thơ.
Câu 2.
a)
(1) Trần Quốc Toản là người anh hùng trẻ tuổi được nhà vua rất yêu quý.
Chủ ngữ do danh từ tạo thành
(2) Chị Võ Thị Sáu là người nữ anh hùng liệt sĩ trẻ tuổi nhất nước ta.
Chủ ngữ do cụm danh từ tạo thành
(3) Lãnh tụ của Cách mạng Tháng Mười Nga là Vla-đi-mia I –lích Lê nin
Chủ ngữ do cụm danh từ tạo thành
b) VD:
(1) Quê hương là nơi ta sinh ra và lớn lên
(2) Việt Nam là một đất nước tươi đẹp
(3) Bác Hồ kính yêu là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam
Câu 3. a) (2)
b) (1) anh hùng (2) anh hùng (3) dũng cảm
Câu 4. a) (1), (3)
b) VD:
- Mở bài tả cây hoa hồng ở ban công:
Một buổi sáng, ông em vừa cười vừa nói với cả nhà: “Đố mọi người biết: Hôm nay nhà ta có cái gì mới?”. Mẹ em đoán có chú chim bồ câu mới nở, bố em nghĩ đến cô gà mái mơ đẻ trứng. Em chưa kịp nghĩ ra điều gì thì ông đã vẫy tay bảo mọi người cùng ra ban công. Thì ra, cay hoa hồng mà chị Tám đem từ Đà Lạt về tháng trước nay đã dâng tặng mọi người một bông hoa đỏ thắm
- Mở bài tả cây bàng ở sân trường:
Moái trường tiểu học thân yêu đã gắn bó với em biết bao kỉ niệm. Nơi ấy có thầy cô – những người mẹ hiền đã thương yêu, dìu dắt em khôn lớn, nơi đó có những cô bạn tinh nghịch nhưng tốt bụng, đáng yêu. Và đặc biệt, nơi ấy có cây bàng sừng sững giữa sân trường như người bạn tri kỉ của em.
- Mở bài tả cây hoa đào:
Mỗi loài hoa đều có vẻ đẹp riêng, mang một ý nghĩa riêng. Hoa mai mang đến cho mảnh đất phương Nam một sắc vàng đằm thắm ấm nồng. Hoa ban mang một màu trắng giản dị, tinh khiết cho người dân vùng núi cao Tây Bắc. Với người dân miền Bắc, hoa đào là biểu tượng của ngày Tết ấm áp, là hình ảnh của mùa xuân sum họp tràn trề yêu thương và hạnh phúc.
Phiếu bài tập số 3
I- Bài tập về đọc hiểu
Một vị bác sĩ
Xưa có một vị bác sĩ danh tiếng, lòng nhân đạo vang dội khắp nơi. Một ngày nọ, người ta mời ông đến chữa bệnh miễn phí cho một người đàn ông nghèo, thất nghiệp. Ông không từ chối.
Sau khi khám mạch cho bệnh nhân, bác sĩ bảo với vợ người bệnh: “Thôi tôi hiểu bệnh của anh ấy rồi! Đây là thứ thuốc chị cần cho anh ấy dùng để mau khỏi ”. Nói xong, ông đưa cho chị ta một cái hộp to, nặng rồi ra về.
Các bạn có biết hộp đựng gì không? Thật bất ngờ, khi chị vợ mở hộp ra cho chồng uống thuốc, chị kinh ngạc thấy toàn tiền là tiền. Tiền nén, tiền vàng, nhiều vô kể so với kẻ nghèo khổ bần hàn như gia đình chị. Như một lẽ tự nhiên, anh chồng hết bệnh ngay sau khi có món tiền đó. Thật ra anh không có bệnh gì ngoài chứng buồn khổ vì nghèo đói và thất nghiệp. Vị bác sĩ nhân ái kia đã thấu hiểu điều đó và cho một bài thuốc “trúng bệnh”. Đấy là hành động mà đôi vợ chồng kia không bao giờ quên trong suốt cuộc đời. Về sau, mọi người đều biết vị cứu tinh cao quý nọ chính là ngài Gâu-xmít- một con người cho đến nay vẫn được ca ngợi trong lịch sự y học.
(Theo Nguyễn Phúc)
Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng
Câu 1. Vì sao thứ thuốc mà bác sĩ cho người đàn ông nghèo lại khiến người vợ phải kinh ngạc?
a- Vì nó có quá nhiều vị thuốc rất quý
b- Vì đó không phải thuốc mà toàn là tiền
c- Vì đó là hộp chứa đầy vàng bạc quý giá
Câu 2. Sau khi nhận được “thuốc” của vị bác sĩ, bệnh tình của người đàn ông thế nào?
a- Vẫn không khỏi bệnh
b- Sức khỏe khá dần lên
c- Hết bệnh ngay
Câu 3. Nguyên nhân nào khiến người đàn ông nghèo mắc bệnh?
a- Buồn khổ vì không có tiền mua thuốc
b- Buồn khổ vì nghèo đói và thất nghiệp
c- Chưa có bài thuốc nào chữa đúng bệnh
Câu 4. Lí do chủ yếu nào khiến vị bác sĩ xác định đúng “bệnh” và chữa khỏi “bệnh” cho người đàn ông?
a- Vì có trình độ giỏi và tay nghề cao
b- Vì luôn chữa miễn phí cho bệnh nhân
c- Vì biết cảm thông và có lòng nhân ái
II- Bài tập về Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn
Câu 1. Tìm 2 từ ngữ có tiếng in đậm và ghi vào ô trống:
tranh | chanh | trải | chải | |
M: tranh giành …………. | …………… …………… | ……………… ……………….. | ……………. ……………. |
trổ | trỗ | chẻ | chẽ | |
…………….. ……………. | …………… …………… | …………….. .……………. | ……………… ……………… |
Câu 2. Gạch chéo (/) để phân tách các từ trong hai câu thơ dưới đây và viết vào 2 nhóm:
Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi!
Rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt
(Tố Hữu)
- Từ đơn:…………………………………………………
- Từ phức:…………………………………………………
Câu 3. Tìm từ khác nhau có tiếng nhân điền vào từng chỗ trống cho thích hợp:
a) Bác Tâm đã mở rộng vòng tay…………. đón nhận những đứa trẻ gặp khó khăn.
b) Hội đã lập quỹ……….. để giúp đỡ những người không nơi nương tựa.
c) Ở xóm tôi ai cũng khen bà cụ Bính là một người…………………….
Câu 4. a) Chuyển lời dẫn gián tiếp trong đoạn văn sau thành lời dẫn trực tiếp:
Bé cầm quả lê to và hỏi xem có phải lê không chia thành nhiều múi như cam là để dành riêng cho bé phải không. Quả lê nói là lê không chia thành nhiều múi không phải để dành riêng cho bé mà để bé biếu bà cả quả. Bé reo lên vui vẻ rồi đem biếu quả lê cho bà.
(Lời dẫn trực tiếp)
…………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………..
b) Dựa vào câu mở đoạn, viết tiếp 4-5 câu để hoàn chỉnh đoạn như thăm hỏi ông bà
Bà ơi, dạo này bà có khỏe không?................................................................
………………………………………………………………………………..
………………………………………………………………………………..
………………………………………………………………………………..
Đáp án
Phần I. Bài tập về đọc hiểu
1. b. Vì đó không phải thuốc mà toàn là tiền
2. c. Hết bệnh ngay
3. b. Buồn khổ vì nghèo đói và thất nghiệp
(4). c. Vì biết cảm thông và có lòng nhân ái
Phần II. Bài tập về Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn
Câu 1. Gợi ý (ghi vào ô trống)
…/ quả chanh (hoặc: lanh chanh, chanh chua )
Trải rộng (trải qua, dàn trải…) / chải tóc (chải đầu, bàn chải….)
Trổ bông (trổ tài, chạm trổ…)/ lúa trỗ (trỗ đòng đòng…)
Chẻ lạt (chẻ tre, chẻ hoe…)/ chặt chẽ (chẽ cau, chẽ lúa….)
Tìm 2 từ ngữ có tiếng in đậm và ghi vào ô trống:
tranh | chanh | trải | chải | |
M: tranh giành …………. | quả chanh, lanh chanh, chanh chua …………… | trải qua dàn trải | chải tóc chải đầu, bàn chải |
trổ | trỗ | chẻ | chẽ | |
trổ tài chạm trổ | lúa trỗ trỗ đòng đòng | chẻ lạt chẻ tre | chặt chẽ chẽ cau, chẽ lúa |
Câu 2. Gạch chân như sau
Đẹp/vô cùng/Tổ quốc/ta/ơi!
Rừng/cọ/, đồi/ chè/, đồng/xanh /ngào ngạt.
- Từ đơn: đẹp, ta, ơi, Rừng, cọ, đồi, chè, đồng, xanh
- Từ phức: vô cùng, Tổ quốc, ngào ngạt
Câu 3.
a) nhân ái
b) nhân đạo
c) nhân đức
Câu 4. a) Gợi ý (lời dẫn trực tiếp)
Bé cầm quả lê to và hỏi:
- Lê ơi! Sao lê không chia thành nhiều múi như cam? Có phải lê muốn để dành riêng cho tôi không?
Quả lê đáp:
- Tôi không chia thành nhiều múi không phải để dành riêng cho bạn mà để bạn biếu bà cả quả đấy!
Bé reo lên vui vẻ:
- A, đúng rồi!
Rồi bé đem biếu quả lê cho bà.
b) Gơi ý :… Sáng sáng, bà vẫn tham gia câu lạc bộ thể thao của các cụ để rèn luyện sức khỏe chứ ạ? Dạo này thời tiết hơi se lạnh vào buổi sáng, bà nhớ mặc áo ấm để đi tập kẻo bị cảm lạnh. Cháu mong bà không bao giờ nhức đầu sổ mũi, bệnh đau lưng cũng đỡ hơn trước. Bố cháu bảo sẽ cho cháu về quê vào dịp nghỉ lễ sắp tới, mang thuốc về để bà bồi dưỡng thêm sức khỏe. Thế là cháu lại sắp được gặp bà rồi.
Phiếu bài tập số 4
I - Bài tập về đọc hiểu
Tôi tìm thấy ở thiên nhiên
Tôi tìm thấy ở thiên nhiên vị ngọt sắc của những trái mít, ngọt lịm của những trái vải quê hương và cái ngọt dịu dàng của nắng chiều tà. Rồi tôi cũng tìm thấy ở thiên nhiên cả vị chua gắt của những trái sấu, màu xanh đầy sức sống của cây lá… Hương vị thiên nhiên chan chứa bao nét đặc trưng mà ở đâu ta cũng có thể đưa nó vào đầu lưỡi, nhấm nháp và thưởng thức một cách thích thú.
Tôi tìm thấy ở thiên nhiên tiếng sáo diều vi vu trên những con đê lộng gió và tiếng tu hú từng đàn theo nhau bay đậu khắp các ngọn cây vải. Âm thanh thiên nhiên lúc rộn ràng niềm vui, lúc lại êm đềm sâu lắng như giai điệu của một bản đàn.
Ở thiên nhiên, tôi tìm thấy những hương vị, âm thanh, màu sắc và cả những đường nét thật đẹp đẽ. Quan trọng hơn là tôi thấy tâm hồn tôi hòa hợp với cây cỏ, chim muông, sông nước, đất trời hay bất cứ thứ gì mà tạo hóa đã ban tặng cho thế gian này.
(Theo Nguyễn Minh Châu)
Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng
Câu 1. Tác giả tìm thấy ở thiên nhiên những vị ngọt nào?
a- Vị ngọt sắc của trái mít, ngọt lịm của trái vải, ngọt dịu dàng của nắng chiều tà
b- Vị ngọt thanh của trái sấu chín, vị ngọt máu của vú sữa
c- Vị chua gắt của trái sấu, màu xanh đầy sức sống của lá cây
Câu 2. Những âm thanh nào của thiên nhiên được tác giả nhắc đến trong bài?
a- Tiếng gió thổi rì rào, tiếng lá cây cào xạc
b- Tiếng sáo diều vi vu, tiếng tu hú từng đàn
c- Tiếng tu hú râm ran, tiếng đàn sâu lắng
Câu 3. Âm thanh của thiên nhiên được miêu tả bằng những từ ngữ nào?
a- Rộn ràng niềm vui, êm đềm sâu lắng
b- Êm đềm sâu lắng, rộn rã niềm vui
c- Rộn rã niềm vui, dịu dàng êm ái.
Câu 4. Bài văn muốn nhắn gửi với chúng ta điều gì?
a- Thiên nhiên đem đến cho ta nhiều hương vị, màu sắc, âm thanh thú vị
b- Con người cần quan sát, dùng mọi giác quan để cảm nhận thiên nhiên
c- Phải biết trân trọng tất cả những gì mà thiên nhiên đã ban tặng cho ta
II- Bài tập về Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn
Câu 1. a) Tìm và ghi lại các từ láy theo yêu cầu sau:
(1) Láy âm đầu r (M: rung rinh):………………………………
……………………………………………………………………
(2) Láy âm đầu d (M: dập dìu):……………………………….
……………………………………………………………………
(3) Láy âm đầu gi (M: giàn giụa):……………………………
……………………………………………………………………
b) Điền dấu hỏi hoặc dấu ngã trên từng chữ in đậm cho thích hợp:
(1) Tằm đói một bưa bằng người đói nưa năm.
(2) Đi hoi già, về nhà hoi tre.
(3) Tháng bay heo may, chuồn chuồn bay thì bao.
(4) Ăn qua nhớ ke trồng cây.
Câu 2. a) Tìm và ghi vào ô trống trong bảng:
6 từ ghép có tiếng vui | ||
3 từ láy có tiếng vui | 3 từ ghép có nghĩa tổng hợp | 3 từ ghép có nghĩa phân loại |
(1)………………….. | (1)………………….. | (1)…………………….. |
(2)…………………. | (2)………………….. | (2)……………………... |
(3)…………………. | (3)………………….. | (3)…………………….. |
b) Đặt 3 câu, mỗi câu có một từ trong mỗi nhóm trên
……………………………………………………………………
……………………………………………………………………
……………………………………………………………………
Câu 3. Gạch dưới bộ phận trạng ngữ trả lời cho câu hỏi Bằng cái gì? (Với cái gì?) trong mỗi câu sau:
(1) Bằng một động tác thuần thục, ông Cản Ngũ thò tay xuống nắm lấy khố Quắm Đen, nhấc bổng anh ta lên, coi nhẹ nhàng như nắm con ếch giơ lên.
(2) Với thái độ bình tĩnh, hiên ngang trước giờ xử bắn, người nữ anh hùng trẻ tuổi Võ Thị Sáu đã làm cho kẻ thù phải cúi đầu khiếp sợ.
(3) Để bảo vệ môi trường, xã em đã phát động phong trào Phủ xanh đồi trọc.
(4) Với nghị lực phi thường, dù đã bị liệt cả hai cánh tay, Nguyễn Ngọc Ký vẫn kiên trì luyện tập và viết được những dòng chữ đẹp bằng chân.
Câu 4. Thêm bộ phận trạng ngữ cho câu hỏi Bằng cái gì? (Với cái gì?)
(1)……………, các nghệ sĩ đã chinh phục được khán giả.
(2)…………………., nhà văn Tô Hoài đã miêu tả thế giới loài vật rất sinh động.
(3)…………………………., Trần Bình Trọng đã thét vào mặt quân xâm lược phương Bắc: “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”.
Đáp án:
Phần I
1.a
2.b
3.a
(4).c
Phần II
Câu 1. a)
- Láy âm đầu r: rộn rã, rực rỡ, rào rào (hoặc: rì rầm, rủ rê, rong ruổi…)
- Láy âm đầu d: dịu dàng, dè dặt, dỗ dành (hoặc: dào dạt, dễ dãi, dõng dạc, dồn dập, dư dả, dửng dưng, dìu dắt…)
- Láy âm đầu gi: giãy giụa, giòn giã, giỏi giang(hoặc: giặc giã, gióng giả, giấu giếm …)
b) (1) Tằm đói một bữa bằng người đói nửa năm
(2) Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ
(3) Tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão
(4) Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Câu 2. a) Gợi ý:
- 3 từ láy có tiếng vui: vui vẻ, vui vầy, vui vui
- 6 từ ghép có tiếng vui:
+ 3 từ ghép có nghĩa tổng hợp: vui thích, vui mừng, vui sướng(hoặc: vui nhộn, vui thú, vui tươi…)
+ 3 từ ghép có nghĩa phân loại: vui tính, vui miệng, vui mắt(hoặc: vui lòng, vui tai, vui chân…)
b) VD:
(1) Giờ ra chơi, chúng em chơi đùa với nhau rất vui vẻ
(2) Thấy mẹ về, bé Bông vui mừng reo to
(3) Những chùm bóng treo trên cây thông trông rất vui mắt
Câu 3. (1) Bằng một động tác thuần thục, ông Cản Ngũ thò tay xuống nắm lấy khố Quắm Đen, nhấc bổng anh ta lên, coi nhẹ nhàng như nắm con ếch giơ lên.
(2) Với thái độ bình tĩnh, hiên ngang trước giờ xử bắn, người nữ anh hùng trẻ tuổi Võ Thị Sáu đã làm cho kẻ thù phải cúi đầu khiếp sợ.
(4) Với nghị lực phi thường, dù đã bị liệt cả hai cánh tay, Nguyễn Ngọc Ký vẫn kiên trì luyện tập và viết được những dòng chữ đẹp bằng chân.
Câu 4. VD thêm trạng ngữ:
(1) Với những điệu múa điêu luyện, những giọng hát mượt mà, trong trẻo, các nghệ sĩ đã chinh phục được khán giả.
(2) Bằng cách quan sát tỉ mỉ thế giới loài vật, nhà văn Tô Hoài đã miêu tả thế giới loài vật rất sinh động.
(3) Với tất cả lòng căm thù, Trần Bình Trọng đã thét vào mặt quân xâm lược phương Bắc: “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”.
Phiếu bài tập số 5
I - Bài tập về đọc hiểu
Tên bạn khắc bằng vàng
An-ne và chị Ma-ri ngồi ăn bánh trên bàn. Chị Ma-ri đọc dòng chữ ghi trên chiếc hộp đựng: “Bánh có thưởng khuyến mại – Hãy xem chi tiết mặt sau hộp”.
Ma-ri hào hứng:
- Phần thưởng đã lắm nhé, “Tên bạn khắc bằng vàng”, nghe này, “Chỉ việc gửi một đô-la với phiếu để trong hộp có điền tên và địa chỉ. Chúng tôi sẽ gửi một chiếc cặp tóc đặc biệt có khắc tên bạn bằng vàng (mỗi gia đình chỉ một người thôi)”.
An-ne đặc biệt thích thú, chộp lấy chiếc hộp, xoay lại, mắt sáng rỡ háo hức :
- Tuyệt quá! Một chiếc cặp tóc với tên em khắc bằng vàng. Em phải gửi phiếu đi mới được.
Nhưng chị Ma-ri đã ngăn lại:
- Xin lỗi em! Chị mới là người đầu tiên đọc. Vả lại, chị mới có tiền nên chính chị sẽ gửi.
An-ne vùng vằng, rơm rớm nước mắt, nói:
- Nhưng em rất thích cặp tóc. Chị luôn cậy thế là chị nên toàn làm theo ý mình thôi! Chị cứ việc gửi đi! Em cũng chẳng cần.
Nhiều ngày trôi qua. Rồi một gói bưu phẩm để teen Ma-ri được gửi tới. An-ne rất thích xem cái cặp tóc nhưng không muốn để chị biết. Ma-ri mang gói bưu phẩm vào phòng mình. An-ne ra vẻ hững hờ đi theo, ngồi lên giường chị, chờ đợi. Em giận dỗi giễu cợt:
- Chắc họ gửi cho chị chiếc cặp tóc bằng vàng đấy! Hi vọng nó sẽ làm chị thích!
Ma-ri chậm rãi mở món quà rồi kêu lên:
- Ồ, đẹp tuyệt! Y như quảng cáo.
- Tên bạn khắc bằng vàng. Bốn chữ thật đep. Em có muốn xem không, An-ne?
- Không thèm! Em không cần chiếc cặp quê mùa của chị đâu!
Ma-ri để cái hộp trắng xuống bàn trang điểm và đi xuống nhà. Còn lại một mình An-ne trong phòng. Cô bé không kìm lòng được nên đi đến bên bàn, nhìn vào trong hộp và há hốc miệng ngạc nhiên. Lòng em tràn ngập cảm xúc: vừa thương yêu chị, vừa xấu hổ. Rồi nước mắt làm nhòa những dòng chữ khắc lóng lánh.
Trên chiếc kẹp quả là có bốn chữ, nhưng là bốn chữ: AN-NE.
(Theo A.F.Bau-man – Hà Châu dịch)
Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng
Câu 1. Phần thưởng khuyến mãi ghi trên chiếc hộp đựng bánh của Ma-ri và An-ne là gì?
a- Một hộp bánh có khắc tên người mua trên mặt hộp
b- Một chiếc cặp tóc có khắc tên người mua bằng vàng
c- Một chiếc cặp tóc màu vàng có giá trị bằng một đô-la
Câu 2. Chi tiết nào cho thấy An-ne rất giận khi chị gái nói sẽ giành quyền gửi phiếu khuyến mãi?
a- Vùng vằng nói dỗi với chị rằng không cần chiếc cặp
b- Ra vẻ hờ hững, không thèm để ý đến gói bưu phẩm
c- Giận dỗi, diễu cợt chị, chê chiếc cặp tóc quê mùa.
Câu 3. Chi tiết nào dưới đây cho thấy cảm xúc của An-ne khi nhìn thấy chiếc cặp?
a- Không kìm lòng được nên đã đến bên bàn xem chiếc cặp
b- Chộp lấy hộp, xoay lại, mắt sáng rỡ vì rất thích thú
c- Nước mắt làm nhòa những dòng chữ khắc lóng lánh
Câu 4. Vì sao An-ne cảm thấy vừa thương yêu chị vừa xấu hổ khi nhìn chiếc cặp có tên mình?
a- Vì đã hiểu nhầm tình thương thầm kín của chị dành cho mình
b- Vì thấy chị rất vui vẻ mời mình xem chiếc cặp tóc đẹp tuyệt
c- Vì đã vờ tỏ ra hờ hững nhưng lại lén xem chiếc cặp tóc đẹp
II- Bài tập về Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn
Câu 1. Điền vào chỗ trống:
a) Tiếng bắt đầu bằng s hoặc x
Mùa …. Đã đến. Từng đàn chim én từ dãy núi biếc đằng ….bay tới, đuổi nhau chung quanh những mái nhà. Mùa…..đã đến hẳn rồi, đất trời lại một lần nữa đổi mới, tất cả những gì….trên trái đất lại vươn lên ánh…. mà sinh….. nảy nở với một …..mạnh không cùng.
(Theo Nguyễn Đình Thi)
b) Tiếng chứa vần ât hoặc âc
Sau một ngày múc nước giếng, hai xô nước ngồi nghỉ ngơi. Một cái xô luôn càu nhàu, không lúc nào vui vẻ. Nó nói với cái xô kia:
- Cuộc sống của chúng ta chán…… đấy. Chúng ta chỉ đầy khi được…..lên khỏi giếng, nhung khi bị hạ xuống giếng thì chúng ta lại trống rỗng.
Chiếc kia không bao giờ càu nhàu, lúc nào cũng vui vẻ. Nó nói:
- Đúng vậy. Nhưng tớ lại không nghĩ như cậu. Chúng ta chỉ trống rỗng khi bị hạ xuống giếng thôi, còn khi được…………lên khỏi giếng thì chúng ta luôn luôn đầy ắp.
(Theo La Phông-ten)
Câu 2. Đặt câu hỏi cho bộ phận được in đậm:
a) Bằng lăng đã giữ lại một bông hoa cuối cùng để đợi bé Thơ.
Câu hỏi :………………………………………………………..
b) Bằng lăng đã giữ lại một bông hoa cuối cùng để đợi bé Thơ.
Câu hỏi :………………………………………………………..
c) Bằng lăng đã giữ lại một bông hoa cuối cùng để đợi bé Thơ.
Câu hỏi :………………………………………………………..
Câu 3. Đặt câu hỏi phù hợp với mỗi tình huống sau:
a) Có một điểm trong bài học em chưa hiểu, em muốn nhờ bạn giải thích hộ.
……………………………………………………………………
b) Tan học về, em gặp một bà cụ đang cần sang bên kia đường. Em muốn giúp bà cụ qua đường.
……………………………………………………………………
c) Một bạn ở lớp em viết chữ rất đẹp. Hãy bộc lộ sự thán phục của em về chữ viết của bạn bằng một câu hỏi.
……………………………………………………………………
d) Em đánh vỡ lọ hoa, em tự trách mình bằng một câu hỏi.
……………………………………………………………………
Câu 4. a) Đọc đoạn văn sau và điền vào chỗ trống các từ ngữ miêu tả từng sự vật:
Từ thuở nhỏ, phong cảnh quê hương đã in sâu vào lòng tôi. Chỉ cần mở cánh cửa sổ nhỏ ngôi nhà của bố tôi là đã có thể thấy một thảo nguyên xanh bát ngát như tấm thảm trải rộng ra từ ven làng. Những con đường mòn nhỏ chạy ngoằn ngoèo qua những vách đá trông như những con rắn dài, còn những lối vào hang trông như miệng thú há ra. Sau rặng núi này là một rặng núi khác nhô lên. Các quả núi tròn tròn nhấp nhô như lưng con lạc đà.
(Theo Ra-xun Gam-za-tốp)
(1) Thảo nguyên:…………………………………………………………..
(2) Những con đường mòn nhỏ :………………………………………….
(3) Những lối vào hang :…………………………………………………..
(4) Các quả núi :…………………………………………………………..
b) Viết đoạn văn (2- 3 câu) miêu tả một sự vật được nói đến ở một khổ thơ trong bài sau:
Xuân đến
Đỏ như ngọn lửa
Lá bàng nhẹ rơi
Bỗng choàng tỉnh giấc
Cành cây nhú chồi.
Dải lụa hồng phơi
Phù sa trên bãi
Cơn gió mê mải
Đưa hương đi chơi.
Thăm thẳm bầu trời
Bồng bềnh mây trắng
Cánh chim chở nắng
Bay vào mùa xuân.
(Nguyễn Trọng Hoàn)
………………………………………………………………………….
………………………………………………………………………….
………………………………………………………………………….
………………………………………………………………………….
- Thêm vị ngữ thích hợp cho câu kể Ai làm gì?
- Vì sao chú bé Hiền được gọi là ông trạng thả diều?
- Cách phân biệt từ ghép từ láy
- Khái niệm từ phức
- Kết bài không mở rộng là gì?
- Mở bài gián tiếp là gì?
- Mở bài trực tiếp là gì?
- Hãy đặt 5 câu theo mẫu Ai làm gì?
- Trái nghĩa với giữ gìn là từ nào?
Phiếu bài tập Tiếng Việt lớp 4 được Khoahoc chia sẻ trên đây. Với bài tập này các em sẽ có thêm tài liệu tham khảo, củng cố kiến thức cũng như ôn luyện tốt để chuẩn bị cho bài kiểm tra sắp tới. Chúc các em học tốt, ngoài việc tham khảo tài liệu trên các em có thể tham khảo các môn học khác có tại, tài liệu học tập lớp 4 này nhé.
Xem thêm bài viết khác
- Từ láy toàn bộ là gì? Ôn tập tiếng Việt lớp 4
- Tác dụng của từ ghép Ôn tập tiếng Việt lớp 4
- Tác dụng của tính từ trong tiếng Việt Ôn tập tiếng Việt lớp 4
- Tác dụng của dấu hai chấm Ôn tập tiếng Việt lớp 4
- Tác dụng của dấu ba chấm Ôn tập tiếng Việt lớp 4
- Cấu tạo của bài văn miêu tả cây cối Ôn tập tiếng Việt lớp 4
- Cách trình bày bài văn kể chuyện hay nhất Ôn tập tiếng Việt lớp 4
- Ý nghĩa câu chuyện Ba lưỡi rìu? Ôn tập tiếng Việt lớp 4
- Em hãy đặt một câu hỏi để tự hỏi mình Ôn tập tiếng Việt lớp 4
- Bài tập về Danh từ lớp 4 Ôn tập tiếng Việt lớp 4
- Trò chơi thả diều đem lại cho trẻ em những niềm vui lớn và những mơ ước đẹp như thế nào? Ôn tập tiếng Việt lớp 4
- Đọc hiểu Văn hay chữ tốt Ôn tập tiếng Việt lớp 4