Tính từ là gì lớp 4 Tiếng Việt lớp 4

  • 2 Đánh giá

Tính từ là gì lớp 4 được Khoahoc sưu tầm và đăng tải. Bài hôm nay sẽ giúp các em trả lời câu hỏi tính từ là gì, ngoài ra giúp các em nắm được khái niệm tính từ, cách sử dụng tính từ trong tiếng Việt ....Dưới đây là nội dung chi tiết của bài, các em tham khảo nhé

Câu hỏi: Tính từ là gì lớp 4

1. Khái niệm tính từ là gì?

Tính từ là những từ dùng để miêu tả các đặc điểm hoặc tính chất của sự vật, hiện tượng, trạng thái, con người.

Ví dụ: Yêu, thích, ghét, ngọt, đắng, cay…

2. Phân biệt tính từ chỉ đặc điểm, tính chất, trạng thái tiếng Việt

Theo khái niệm,chúng ta có thể phân chia tính từ thành 3 loại chính: Tính từ chỉ đặc điểm, Tính từ chỉ tính chất, tính từ chỉ trạng thái. Cụ thể:

Tính từ chỉ đặc điểm

- Đặc điểm là những nét riêng biệt, là vẻ riêng của mỗi một sự vật nào đó, có thể là người, con vật, đồ vật, cây cối,…. Đặc điểm của một sự vật chủ yếu là đặc điểm bên ngoài (chính là ngoại hình) mà ta có thể dễ dàng nhận biết được trực tiếp qua mắt nhìn, tai nghe, tay sờ, mũi ngửi,… Đó là những nét riêng, vẻ riêng về màu sắc, hình khối, hình dáng, âm thanh,…của sự vật nào đó.

- Đặc điểm của một vật cũng có thể là đặc điểm bên trong mà phải qua quan sát, suy luận, khái quát,…ta mới có thể nhận biết ra được. Đó là các đặc điểm về tính tình, tâm lý, tính cách của một người, hay độ bền, giá trị của một đồ vật,…

- Tính từ chỉ đặc điểm là từ dùng biểu thị các đặc điểm của sự vật, hiện tượng như đã nêu ở phần trên.

Cho ví dụ về tính từ chỉ đặc điểm:

+ Tính từ chỉ các đặc điểm bên ngoài như: Cao, thấp, rộng, dài , hẹp, xanh, đỏ,…

+ Tính từ chỉ đặc điểm bên trong như: tốt, ngoan, thật thà, chăm chỉ, bền bỉ,…

Tính từ chỉ tính chất

Tính chất thực tế cũng là đặc điểm riêng của các sự vật, hiện tượng bao gồm cả những hiện tượng xã hội hay những hiện tượng trong cuộc sống,….Nhưng thiên về mô tả đặc điểm bên trong, mà ta không quan sát trực tiếp được, mà phải trải qua quá trình quan sát, suy luận, phân tích, tổng hợp thì ta mới có thể nhận biết được. Do đó, tính từ chỉ tính chất cũng chính là từ biểu thị những đặc điểm thuộc bên trong của sự vật, hiện tượng.

Ví dụ: Tốt, xấu, ngoan, hư, nặng, vụng về, nhẹ, sâu sắc, nông cạn, suôn sẻ, hiệu quả, thiết thực,…

Như vậy, tính từ chỉ đặc điểm sẽ thiên về nêu các đặc điểm bên ngoài , còn từ chỉ tính từ tính chất thiên về nêu lên các đặc điểm bên trong của sự vật, hiện tượng.

Tính từ chỉ trạng thái

Trạng thái chính là tình trạng của một sự vật hoặc một con người, tồn tại trong một khoảng thời gian nào đó. Tính từ chỉ trạng thái là từ chỉ trạng thái tồn tại của sự vật, hiện tượng trong một thực tế khách quan.

Ví dụ:

+ Trời nay thật đứng gió.

+ Người bệnh vẫn còn đang bất tỉnh.

+ Cảnh vật đêm nay yên tĩnh đến lạ.

Các tính từ chỉ trạng thái trong ví dụ trên là: đứng gió, bất tỉnh, yên tĩnh.

3. Cách sử dụng của tính từ trong tiếng Việt?

Tính từ có thể kết hợp được với danh từ, động từ để bổ sung ý nghĩa cho cả danh từ và động từ về mặt đặc điểm, tính chất, cũng như mức độ.

Ví dụ: Bơi điêu luyện

Hoa quả tươi ngôn bày bán tại cửa hàng

Trong đó:

- Bơi (động từ) điêu luyện (tính từ – bổ sung thêm ý nghĩa cho hành động bơi)

- Hoa quả (danh từ) tươi ngon (Tính từ – bổ sung thêm ý nghĩa cho danh từ hoa quả) bày bán tại cửa hàng.

Khác với động từ, tính từ không thể nào kết hợp được với các phó từ mệnh lệnh (như hãy, đừng, chớ,…) mà chỉ có thể kết hợp được với các phó từ còn lại ( như đã, sẽ, đang, không, chưa, chẳng, vẫn, cứ, còn,…)

Ví dụ cụ thể: đã từng xấu xí, không được tỉnh táo, vẫn lề mề như vậy,…

Vậy sau tính từ là gì? Sau tính từ có có thể là các từ chỉ địa điểm, thời gian, không gian.

4. Chức năng của tính từ trong tiếng Việt

Ở trong câu tính từ hay cụm tính từ sẽ có chức năng chính là làm vị ngữ trong câu để bổ sung thêm ý nghĩa cho danh từ.

- Ví dụ chức năng tính từ trong tiếng Việt:

+ Hôm nay, trời // trong xanh.

Trời là chủ ngữ (Danh từ), trong xanh là vị ngữ (tính từ).

+ Cô ấy // rất tốt bụng.

Cô ấy là chủ ngữ (Cụm danh từ), rất tốt bụng VN (Cụm tính từ)

Ngoài chức năng chính làm vị ngữ, tính từ và cụm tính từ cũng có thể làm chủ ngữ hay bổ ngữ trong câu.

- Ví dụ như sau:

+ Tính từ làm chủ ngữ trong câu: Mộc mạc // là sự dung dị, không cầu kỳ, vẫn giữ được nguyên vẹn vẻ tự nhiên.

Mộc mạc là chủ ngữ (tính từ), sự dung dị, không cầu kỳ, vẫn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp tự nhiên là vị ngữ (là cụm danh từ/cụm tính từ/cụm động từ).

+ Tính từ làm bổ ngữ trong câu: Cô Bình // gửi cho cháu một bức thư rất dài.

Cô Bình là chủ ngữ, rất dài là bổ ngữ cho vị ngữ gửi cho cháu một bức thư.

5. Phân loại tính từ trong tiếng Việt

Để phân biệt các loại tính từ trong tiếng Việt vô cùng phức tạp, vì nhiều khi tính từ có ở dạng thức như động từ hoặc danh từ.

Cũng có những từ mà vừa có thể coi là tính từ, lại vừa có thể coi là động từ ví dụ như từ ăn cướp trong hành động ăn cướp; hay từ ấy có thể vừa là tính từ vừa là danh từ ví dụ như từ thành thị trong lối sống thành thị.

Dựa theo những luận điểm trên, tính từ trong tiếng Việt có thể chia làm hai loại lớn là tính từ tự thân và tính từ không tự thân.

Tính từ tự thân trong tiếng Việt

Khái niệm tính từ tự thân là gì? Tính từ tự thân tức bản thân chúng là tính từ, là những tính từ mà chỉ có chức năng biểu thị phẩm chất, hình dáng, màu sắc, kích thước, hương vị, mức độ, …của một sự vật hay một hiện tượng nào đó.

Ví dụ ta có: đỏ, đen,xanh,lùn, cao, thấp,…

Ta lại có thể phân chia những tính từ trong loại này thành những tiểu loại nhỏ hơn như sau:

- Tính từ dùng chỉ màu sắc như: vàng, xanh, đỏ, xanh ngắt, tím biếc, vàng hoe,…

- Tính từ dùng chỉ phẩm chất như: tốt, xấu, hèn nhát, dũng cảm, anh hùng, tiểu nhân, sai, đúng,…

- Tính từ dùng chỉ kích thước như: cao, thấp, rộng, khổng lồ, hẹp, nhỏ, tí hon, mỏng, dày, bự, ngắn, dài, to,…

- Tính từ dùng chỉ hình dáng như: vuông, tròn, méo, dẹp, thẳng, cong, quanh co, hun hút, thẳng tắp, ngoằn ngoèo, khúc khuỷu,…

- Tính từ dùng chỉ âm thanh như: ầm ĩ, ồn ào, xôn xao, văng vẳng, trầm bổng, vang vọng, ồn,…

- Tính từ dùng chỉ hương vị như: thơm, ngọt, cay, lợ, đắng, chát, mặn, chua, tanh, thối,…

- Tính từ dùng chỉ mức độ, cách thức như: xa, gần, nhanh, chậm chạp, lề mề, nhanh nhẹn,…

- Tính từ dùng chỉ lượng như: nhiều, nhẹ, ít, nặng, vơi, đầy, vắng vẻ, nông, đông đúc, hiu quạnh, sâu,…

- Tính từ không tự thân trong tiếng Việt

Khái niệm tính từ không tự thân là gì? Tính từ không tự thân là những từ bản chất không phải tính từ mà là những từ thuộc các loại khác (danh từ hay động từ) chuyển loại và được sử dụng như một tính từ.

Những tính từ không tự thân thường được tạo ra bằng cách chuyển loại của các từ thuộc các nhóm từ loại khác nên ý nghĩa của tính từ này chỉ được xác định khi đặt chúng trong mối quan hệ nhất định với những từ khác trong cụm từ hoặc trong câu. Nếu tách chúng ra khỏi mối quan hệ đó thì chúng không được coi là tính từ nữa hoặc có ý nghĩa khác.

Ví dụ như: rất Quang Dũng (dùng để chỉ phong cách nghệ thuật, cá tính, những hành động, ngôn ngữ mang đặc trưng của tác giả Quang Dũng)

Khi danh từ, động từ được sử dụng như một tính từ thì ý nghĩa của chúng sẽ mang một nghĩa khái quát hơn so với nghĩa vốn thường được sử dụng của chúng.

Ví dụ như: ăn cướp là động từ dùng sức mạnh của bản thân để tước đoạt một tài sản của người khác.

=> đây nghĩa thường được sử dụng.

Hành động ăn cướp lại là những hành động có ý nghĩa hay tính chất giống như đi ăn cướp nhưng không phải ăn cướp thật.

6. Cụm tính từ là gì?

Khái niệm cụm tính từ là cụm từ trong đó có tính từ là trung tâm, kết hợp với các phần phụ trước, phụ sau để tạo thành một cụm từ.

Chức năng chính của cụm tính từ cũng giống như tính từ, cụm tính từ có chức năng là làm vị ngữ, nhưng có thể dùng chúng để làm chủ ngữ hay bổ ngữ trong câu.

Cấu tạo đầy đủ của một cụm tính từ như sau:

Phụ trước + Tính từ trung tâm + Phụ sau

Trong đó ta có:

- Phụ trước là Các từ dùng để chỉ quan hệ thời gian như đã, sẽ, đang, từng,…. Các từ chỉ sự tiếp diễn tương tự như vẫn, cứ, còn, cũng,.. Các từ dùng để chỉ mức độ của đặc điểm, tính chất như rất,lắm,…Các từ dùng để khẳng định hay phủ định như không, chưa, chẳng,…

- Phụ sau là Các từ dùng biểu thị vị trí. Các từ để chỉ sự so sánh. Các từ dùng chỉ mức độ, phạm vi hay nguyên nhân của đặc điểm, tính chất.

Tuy nhiên trong thực tế, một cụm tính từ có thể sẽ không có cấu tạo đầy đủ, chúng có thể thiếu phụ trước hoặc thiếu phụ sau.

7. Các bài tập về tính từ

Bài 1: Đặt 5 câu có sử dụng tính từ, cụm tính từ

- Cô ấy có cái váy rất đẹp

- Hoa hồng hôm nay nở rộ một màu hồng rực

- Nắng buổi trưa rừng rừng một màu vàng chói

- Bầu trời mùa thu trong xanh vời vợi

- Cô người mẫu mặc bộ váy xẻ tà đầy quyến rũ

Bài 2: Đặt câu sử dụng tính từ chỉ:

- Tính tình: Đó là một cô gái thùy mị, nết na

- Âm thanh: Tiếng sáo diều vi vu trên bầu trời

- Tính cách: Cậu bé ấy tuy nghèo nhưng lại rất hiền lành

- Sắc thái: Cô giáo bước vào nở nụ cười tươi tắn với lũ học trò

Bài 3: Viết đoạn văn có sử dụng tính từ hoặc cụm tính từ

Cô giáo tôi tên là Hiền. Cô dạy bộ môn Văn. Với tôi, dù đã không còn học cô nữa nhưng cô mãi là người mẹ thứ hai mà tôi luôn kính trọng. Cô không cao nhưng lại có nước da trắng. Cô có một mái tóc dài ngang lưng và óng ả. Tôi thích nhất là đôi mắt cô. Đôi mắt ấy to, tròn và sáng long lanh. Nó càng trở nên sáng và trìu mến mỗi khi cô nhìn lũ học trò chúng tôi. Nó toát lên sự ấm áp và nhiệt huyết của một giáo viên. Không chỉ tận tâm với nghề mà cô còn coi chúng tôi như những đứa con của mình vậy. Trong giảng dạy, cô rất nghiêm khắc nhưng cũng rất hiền và lo cho học sinh. Ai có khó khăn cô đều tâm sự và tìm cách giải quyết. Vì vậy, chúng tôi rất yêu quý cô và luôn coi cô là người mẹ hiền thứ hai vậy.

- Các tính từ: trắng, óng ả, to, tròn, trìu mến, ấm áp, nhiệt huyết, tận tâm

- Các cụm tính từ: không cao, dài ngang lưng, sáng long lanh, rất nghiêm khắc, rất hiền, rất yêu quý

Tính từ là gì lớp 4 được Khoahoc chia sẻ trên đây. Hy vọng với tài liệu này sẽ giúp ích cho các em có thêm tài liệu tham khảo, củng cố thêm kiến thức cũng như chuẩn bị tốt cho bài giảng sắp tới. Chúc các em học tốt, ngoài việc tham khảo tài liệu trên các em có thể tham khảo các môn học khác có tại, tài liệu học tập lớp 4 này nhé.

  • 67 lượt xem