Từ là gì? Ôn tập tiếng Việt lớp 4

  • 1 Đánh giá

Từ là gì? được Khoahoc sưu tầm và đăng tải. Nội dung gồm đáp án chi tiết với giải thích dễ hiểu Từ là gì cùng với kiến thức tham khảo môn tiếng Việt lớp 4 giúp cá em ôn tập, tích lũy thêm kiến thức. Để tìm hiểu thêm các em cùng tham khảo nội dung chi tiết dưới đây nhé

Trả lời câu hỏi: Từ là gì?

Từ được giải thích là đơn vị nhỏ nhất tạo nên một câu. Từ dùng để chỉ sự vật, hiện tượng, hoạt động, trạng thái, tính chất,… Từ ngữ có nhiều công dụng như để gọi tên của một sự vật hoặc hiện tượng. Nó có thể là một danh từ, hoạt động là một động từ, tính chất là một tính từ..

Kiến thức mở rộng về từ

I. Khái niệm từ là gì?

- Từ được giải thích là đơn vị nhỏ nhất tạo nên một câu. Từ dùng để chỉ sự vật, hiện tượng, hoạt động, trạng thái, tính chất,… Từ ngữ có nhiều công dụng như để gọi tên của một sự vật hoặc hiện tượng. Nó có thể là một danh từ, hoạt động là một động từ, tính chất là một tính từ.

- Dựa vào định nghĩa SGK lớp 6 có thể thấy nghĩa của từ là nội dung bao gồm những thuộc tính, chức năng, khái niệm, quan hệ … mà từ biểu thị trong đó có những yếu tố ngoại lai của tiếng: sự vật, hiện tượng, tư duy … Yếu tố trong ngôn ngữ này là cấu trúc của ngôn ngữ.

- Từ có hai mặt: hình thức vật chất và nội dung ý nghĩa. Hai mặt này được kết nối và tác động qua lại lẫn nhau. Ý nghĩa của từ không tồn tại trong ý thức, trong bộ não con người. Trong nhận thức của con người, ai đó có sự hiểu biết nghĩa của từ nhưng không phải nghĩa củ

II. Phân loại từ tiếng Việt theo cấu tạo

- Xét ở mặt số lượng tiếng, chúng ta có:

+ Từ đơn: là từ chỉ chứa một tiếng. Ví dụ: học, trường, sách, sẽ, đang,…

+ Từ phức: là từ gồm 2 tiếng trở lên, như tàu xe, trường học, máy tính,…

- Căn cứ vào mặt quan hệ giữa các thành tố cấu tạo từ, người ta tiếp tục phân loại từ phức (từ đa tiết) ra làm các loại: từ ghép, từ láy, từ ngẫu kết.

1. Từ ghép

- Từ ghép là từ chứa hai (hoặc hơn hai) hình vị và trong đó nhìn chung không có hiện tượng “hoà phối ngữ âm tạo nghĩa”.

- Về mặt ngữ pháp, từ ghép được chia thành 2 nhóm lớn theo kiểu quan hệ giữa các thành tố: từ ghép đẳng lập (còn gọi là từ ghép song song) và từ ghép chính phụ.

a. Từ ghép đẳng lập

- Từ ghép đẳng lập có những đặc trưng chung là:

+ Quan hệ ngữ pháp giữa các thành tố trong nó là quan hệ bình đẳng.

+ Ý nghĩa ngữ pháp do cơ chế ghép đẳng lập tạo ra là ý nghĩa tổng hợp, ý nghĩa chỉ loại sự vật, đặc trưng (hành động, trạng thái, tính chất, quan hệ) chung.

- Căn cứ vào vai trò của các thành tố trong việc tạo nghĩa của từ ghép, ta chia từ ghép đẳng lập thành 3 kiểu chính là: từ ghép gộp nghĩa, từ ghép lặp nghĩa, từ ghép đơn nghĩa.

* Từ ghép đẳng lập gộp nghĩa: (từ ghép hội ứng)

- Ví dụ: điện nước, xăng dầu, nghe nhìn, ăn uống, học tập, may rủi,…

- Đặc điểm tạo nghĩa của từ ghép đẳng lập gộp nghĩa:

+ Ý nghĩa của từng hình vị cùng nhau gộp lại để biểu thị ý nghĩa chung của cả từ ghép, trong ý nghĩa chung đó có thể có phần ý nghĩa của từng hình vị. Ví dụ: “sách vở” chỉ các loại sách vở nói chung, trong đó có thể có cả sách và vở.

+ Khi sử dụng, nghĩa chung của từ ghép có thể ứng với tất cả các sự vật, các đặc trưng do từng hình vị gọi tên, cũng có thể chỉ ứng với một số sự vật, đặc trưng được nhắc đến trong một hình vị mà thôi.

+ Khi có thể sử dụng riêng từng hình vị với tư cách từ đơn, ý nghĩa của từng từ rời này rất xác định và khác nhau. Ví dụ: sách khác vở.

* Từ ghép đẳng lập lặp nghĩa (từ ghép trùng ứng)

- Ví dụ: núi non, binh lính, cấp bậc, may phúc, thay đổi, tìm kiếm,…

- Đặc điểm tạo nghĩa của từ ghép lặp nghĩa:

+ Các hình vị trong nó là những yếu tố đồng nghĩa hoặc gần nghĩa, cùng nhau gộp lại để biểu thị những ý nghĩa chung của từ ghép, chẳng hạn: binh lính, thay đổi, tìm kiếm…

+ Ý nghĩa của từ ghép này tương đương với ý nghĩa của từng hình vị (trừ ý nghĩa ngữ pháp “tổng hợp”) khi những hình vị này được dùng như từ đơn.

* Từ ghép đẳng lập đơn nghĩa (từ ghép đẳng lập đơn ứng)

- Ví dụ: chợ búa, đường sá, xe cộ, tre pheo, bếp núc, sầu muộn,…

- Đặc điểm tạo nghĩa của từ ghép đẳng lập đơn nghĩa

+ Ý nghĩa của từ ghép ứng với ý nghĩa của hình vị rõ nghĩa nhất trong số các hình vị có mặt (trừ ý nghĩa ngữ pháp tổng hợp). Chẳng hạn nghĩa của từ “bếp núc” ứng với ý nghĩa “bếp” trừ ý nghĩa ngữ pháp tổng hợp.

+ Ý nghĩa của hình vị còn lại có xu hướng phai dần, hư hóa, chỉ còn có tác dụng góp sức tạo ra ý nghĩa tổng hợp của chung cả từ ghép.

b. Từ ghép chính phụ

- Từ ghép chính phụ có những đặc trưng chung là:

+ Quan hệ ngữ pháp giữa các thành tố trong nó là quan hệ bất bình đẳng, quan hệ chính phụ. Trong đó yếu tố chính thường giữ vai trò chỉ loại sự vật lớn, loại đặc trưng lớn và yếu tố phụ thường được dùng để cụ thể hóa loại sự vật, loại đặc trưng đó.

+ Ý nghĩa của từ ghép chính phụ là ý nghĩa không tổng hợp và khi cần cụ thể hóa nó thì có thể phân biệt trong đó ý nghĩa dị biệt, ý nghĩa sắc thái hóa. Có thể chia từ ghép chính phụ thành 2 kiểu chính là: từ ghép chính phụ dị biệt và từ ghép chính phụ sắc thái hóa.

* Từ ghép chính phụ dị biệt: là từ ghép trong đó tên gọi nêu ở thành tố chính được cụ thể hóa bằng cách thêm vào một tên gọi ở thành tố phụ, làm cho những sự vật cùng loại được gọi tên ở thành tố chính phân biệt được với nhau nhờ thành tố phụ.

Ví dụ:

- Xe đạp, xe máy, xe lửa, xe bò …

- Dưa hấu, dưa gang, dưa chuột, dưa bở …

- Toán học, sử học, vật lý học, khảo cổ học…

- Hợp tác hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa,…

* Từ ghép chính phụ sắc thái hóa: là từ ghép trong đó thành tố phụ có tác dụng bổ sung một sắc thái ý nghĩa nào đó khiến cho toàn từ ghép này khác nghĩa với thành tố chính khi thành tố chính hoạt động như từ đơn và từ ghép sắc thái hóa này khác từ ghép sắc thái hóa khác về ý nghĩa.

Ví dụ:

- Xanh lè, xanh um, xanh rì, xanh lục, xanh lơ …

- Thẳng đơ, thẳng tắp, thẳng đuột, thẳng tuột …

2. Từ láy

- Từ láy là “từ phức được tạo ra bằng phương thức láy âm có tác dụng tạo nghĩa”

- Để tạo ra nhạc tính cho sự hòa phối âm thanh đối với một ngôn ngữ vốn giàu nhạc tính như tiếng Việt, sự láy không đơn thuần là sự lặp lại âm, thanh của âm tiết ban đầu mà bao giờ cũng có sự biến đổi âm, thanh nhất định, dù là ít nhất, để tạo ra cái thế vừa giống nhau lại vừa khác nhau.

- Láy của tiếng Việt phải được hiểu là “sự hòa phối ngữ âm có tác dụng biểu trưng hóa” Ý nghĩa của từ láy là ý nghĩa biểu trưng, ý nghĩa ấn tượng.

- Từ láy được chia làm 2 loại:

a. Từ láy toàn bộ:

- Từ láy toàn bộ là những từ có các tiếng lặp lại cả âm và vần của tiếng kia.

Ví dụ:

- Trăng trắng, mơn mởn, đo đỏ, hồng hồng, ào ào, hằm hằm, lanh lảnh, thoang thoảng…: đây là từ láy toàn bộ có thay đổi thanh sắc cuối để nghe hài hòa hơn.

- Xa xa, xanh xanh, hồng hồng, rưng rưng…: đây là từ láy toàn bộ để tạo cảm giác mạnh hơn.

Ví dụ khác: ào ào, luôn luôn, xa xa, dành dành, xanh xanh, hằm hằm, khom khom…

- Một số từ láy khác có tiếng thay đổi thanh điệu hoặc phụ âm cuối, để tạo sự tinh tế hài hòa về âm thanh, một số từ còn được thay đổi phụ âm cuối hoặc thanh điệu.

b. Từ láy bộ phận

- Từ láy bộ phận bao gồm:

+ Láy âm (nguyên âm): là những từ có phần âm lặp lại nhau.

Ví dụ: Long lanh: láy âm đầu là “l”

Thoang thoảng: láy âm đầu là “th”

Mênh mang, mênh mông: láy âm đầu là “m”

Ví dụ khác: da dẻ, lấp lánh, thấp thỏm, xinh xắn, gầm gừ, kháu khỉnh, ngơ ngác,mới mẻ, mênh mông, móm mém, máy móc, miên man, nhỏ nhắn, tròn trĩnh, gầy guộc, mếu máo

+ Láy vần (phụ âm): là những từ có phần vần lặp lại nhau.

Ví dụ: Tím lịm: láy vần “im”

Liêu xiêu: láy vần “iêu”

Tào lao: láy vần “ao”

Ví dụ khác: lờ đờ, chênh vênh, càu nhàu, liêu xiêu, bồi hồi, cheo leo, bứt rứt…

Từ là gì? được Khoahoc chia sẻ trên đây. Hy vọng với tài liệu này sẽ giúp ích cho các em có thêm tài liệu tham khảo, trau dồi thêm kỹ năng làm bài cũng như chuẩn bị tốt cho bài giảng sắp tới. Chúc các em học tốt, ngoài ra các em có thể tham khảo các môn học khác có tại, tài liệu học tập lớp 4 này nhé.

  • 39 lượt xem